»» Nội dung bài viết:
Tóm tắt giản lược nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Truyện Kiều vốn thuộc thể loại truyện thơ Nôm. Toàn bộ Truyện Kiều diễn tiến theo một cốt truyện hết sức chặt chẽ và cân đối. Bởi thế, việc tóm tắt giản lược Truyện Kiều theo trình tự diễn ra các sự kiện là việc làm không khó. Nguyễn Du cũng đã hết sức chú ý đến việc xây dựng một cốt truyện hài hòa, cân đối, không bỏ rơi nhân vật và sự kiện. Mọi sự lí giải đều có tính liên kết liền mạch và rõ ràng. Chính vì điều này mà Truyện Kiều đã dễ dàng đi vào đời sóng dân tộc từ lúc mới ra đời.
Mở đầu:
Truyện Kiều là luận đề của Nguyễn Du về thuyết tài mệnh tương đố. Đây cũng là thủ pháp căn bản để ông triển khai các tuyến nhân vật và khắc họa cuộc đời, số phận của họ.
Tả hai chị em:
Vẻ đẹp Thúy Kiều, Thúy Vân được khắc họa tinh tế, ngắn gọn mà đầy đủ. Đó là những vẻ đẹp tuyệt sắc, hiếm có trên đời. Trong đó, Thúy Kiều có một vẻ đẹp vượt trội hơn hẳn, đạt đến mức độ ngoại hạng, không gì sánh bằng. Điều đó dự báo về một cuộc đời đầy sống gió và khổ đau của nàng về sau.
Kiều thăm mộ Đạm Tiên:
Trong một lần đi tảo mộ vào tiết Thanh minh, khi đi qua mộ Đạm Tiên, nhìn thấy một “nấm đất bên đàng”, Kiều đã khóc thương và không khỏi cảm thấy ái ngại cho một “kiếp hồng nhan” “nổi danh tài sắc một thì” mà giờ đây “hương khói vắng tanh”. Vốn là một con người giàu tình cảm và tinh tế nên Kiều cũng đã liên cảm tới thân phận của mình và của những người phụ nữ nói chung. Sự đồng cảm, tương tri, tương thức chứng tỏ nàng là một cô gái đa cảm, giàu lòng trắc ẩn.
Kiều gặp Kim Trọng:
Cũng trong ngày hôm đó, Kiều đã gặp Kim Trọng, là một người đồng môn với Vương Quan, từ lâu đã “trộm nhớ thầm yêu” nàng. Tuy chưa kịp nói với nhau một lời nhưng sau cuộc gặp gỡ này, hai người đã thầm cảm mến nhau sâu sắc. Kim Trọng vì tương tư Kiều nên đã quên hết cả thú vui hàng ngày, tìm cách chuyển đến ở gần nhà Kiều.
Sau đó mấy tuần trăng thì Kim – Kiều đã gặp nhau, Kiều đã nhận lời Kim Trọng và họ đã trao đổi món kỷ vật cho nhau. Nhiều lần Kim Trọng cũng muốn “vượt rào” nhưng Thuý Kiều là một người sắc sảo và biết giữ mình, cô đã thuyết phục được Kim Trọng chờ đợi tới ngày hai người kết hôn. Đó là một cuộc tình lý tưởng, vượt lên trên mọi ràng buộc của xã hội, đạt đến sự tự do. Nhưng thật đáng tiếc, ngang trái cuộc đời đã chia cách họ 15 năm. Cho đến khi gặp lại thì cũng không thể nối kết lại tình duyên, đành ngậm ngùi chấp nhận nau trong một vị trí khác.
Kiều bán mình chuộc cha:
Tai họa đã đột ngột ập đến Vương gia trong lúc người thiếu nữ còn đang thổn thức với mối tình đầu. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, Kiều đành phải đi đến quyết định bán mình để chuộc cha, nhưng nàng không quên lời hẹn ước năm xưa với Kim Trọng trước khi chàng về Liêu Dương để chịu tang chú. Thuý Kiều đã nhờ cậy Thuý Vân thay mình trả lời hẹn ước với Kim Trọng. Nàng đã vô cùng đau đớn khi làm điều đó nhưng tình thế bắt buộc nàng không thể làm gì khác hơn. Sự hi sinh lần thứ nhất trong cuộc đời dâu bể của Thúy Kiều.
Kiều rơi vào tay Mã Giám Sinh và Tú bà (vào lầu xanh lần thứ nhất):
Lấy tiếng là cưới Kiều làm vợ lẽ nhưng thực chất Mã giám sinh âm mưa mua nàng bán cho Tú Bà – một chủ lầu xanh. Khi biết mình bị lừa, Kiều toan rút dao tự vẫn nhưng không thành. Sợ mất đi “báu vật” hiếm có, Tú bà vội xuống nước nhượng bộ, khuyên nàng ra ở lầu Ngưng Bích để tĩnh dưỡng và hứa sẽ tìm một tấm chồng đàng hoàng cho nàng. Kiều miễn cưỡng nhận lời.
Kiều mắc lừa Sở Khanh:
Để bắt buộc Thúy Kiều tự nguyện ra tiếp khách, Tú Bà đã cấu kết cùng Sở Khanh-một gã đàn ông lưu manh cài bẫy lừa nàng. Quá cô đơn khi ở một mình tại lầu Ngưng Bích, khi gặp sở khanh tỏ ra thấu hiểu, nàng đã vội tin lời và cùng Sở Khanh lên kế hoạch bỏ trốn. Nào ngờ, đó chỉ là một cái bẫy. Chưa kịp cao chạy xa bay thì nàng bị Tú Bà cùng đoàn gia nhân bắt lại. Lúc này nàng mới thực nhận ra bản chất của gã lưu manh lừa tình Sở Khanh. Vì sự việc đó, Kiều phải đau đón chấp nhận tiếp khách làng chơi. Nỗi ô nhục đầu đời không sao kể xiết.
Kiều gặp Thúc sinh:
nghe tiếng Thúy Kiều tài sắc, Thúc Sinh – một gã thư sinh làng chơi, tìm đến với nàng. Hai người tâm đầu ý hợp, sống như vợ chồng, tình cảm mặn nồng thắm thiết. Kiều cũng đã không ngại giải bày tâm sự cùng Thúc Sinh.
Kiều bị Hoạn Thư bắt và hành hạ:
Kiều khuyên Thúc sinh về thăm vợ cả Hoạn thư, họ vẫn chưa có con chung sau nhiều năm sống cùng nhau. Sau chuyến đi thăm và quay trở lại gặp Kiều, Thúc sinh không ngờ rằng Hoạn thư đã sai gia nhân đi tắt đường biển để bắt Thuý Kiều về tra hỏi. Hoạn Thư với lòng ghen tuông đã hành hạ, đánh đập Thúy Kiều vô cùng thô bạo và bắt nàng làm gia nô. Càng đau đớn hơn khi Thúc Sinh trở về gặp nàng mà không dám làm gì hơn. Sau Hoạn Thư cho Kiều vào quan âm các chép kinh.
Kiều bị bán vào lầu xanh lần 2:
Kiều trốn khỏi Quan Âm các và đã gặp ni cô Giác Duyên. Bà đã cho Kiều sang ở tạm nhà Bạc bà, một Phật tử thường hay lui tới chùa. Nào ngờ Bạc Bà chính là đồng môn với Tú Bà. Bạc Bà đã khuyên Kiều lấy cháu mình là Bạc Hạnh. Qua tay Bạc Hạnh, một lần nữa Kiều lại bị bán vào lầu xanh lần 2.
Kiều gặp Từ Hải:
Ở lầu xanh, Kiều “ngậm đắng nuốt cay” sống cuộc sống ô nhục. Danh tiếng của nàng đã khiến cho Từ Hải, một người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất tìm đến. Chính Từ Hải đã chuộc nàng ra khỏi lầu xanh, cưới nàng làm vợ và giúp nàng báo ân báo oán.
Kiều báo ân trả oán:
Lúc vui mừng cũng là lúc Thúy Kiều nghĩ đến những ngày “hàn vi”, nàng kể hết mọi chuyện cho Từ Hải và muốn có sự “ân đền oán trả”. Với uy thế lẫy lừng, Từ Hải giúp nàng thực hiện điều nguyện cầu.
Thúy Kiều mắc mưu Hồ Tôn Hiến:
Hồ Tôn Hiến bấy giờ là một quan tổng đốc của triều đình, mang nhiệm vụ đến khuyên giải Từ Hải đầu hàng và quy phục triều đình. Lợi dụng tính cả tin, muốn có được một cuộc sống yên bình sau bao năm tháng khổ ải, Kiều khuyên Từ Hải quy hàng. Nào ngờ, Hồ Tôn Hiến lật lọng, Từ Hải uất ức chết đứng giữa trận tiền. Tiếp đén, Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến bắt hầu rượu sau ép gã cho một thổ quan để tránh lời đàm tiếu.
Thúy Kiều tự vẫn trên sông Tiền Đường và được ni Sư Giác Duyên cứu vớt:
Trên con thuyền, Kiều nhớ tới lời của Đạm Tiên xưa đã nói với mình trong mộng “Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”, nàng đã quyết định nhảy xuống sông tự vẫn. Sư Giác Duyên cứu được Thúy Kiều trên sông rồi đưa nàng về chùa.
Kim Trọng đi tìm Kiều:
Về phần Kim Trọng, sau khi hộ tang chú xong, quay trở lại thì biết tin gia đình Kiều gặp nạn, Kiều đã bán mình chuộc cha. Kim Trọng đau xót. Mọi người trong nhà khuyên can hết lẽ, chàng nghe theo lời dặn của Kiều và đón cha mẹ Kiều cùng Thuý Vân sang nhà chăm lo phụng dưỡng, đồng thời vẫn đưa tin tìm kiếm nàng khắp nơi.
Kim trọng đỗ đạt ra làm quan tiếp tục tìm kiếm Kiều không ngừng nghỉ. Sau nhiều ngày tháng tìm kiếm thì hai người mới dò la được thông tin của Thuý Kiều là đã trầm mình dưới sông Tiền Đường. Ra đến sông, mọi người gặp sư Giác Duyên ở đó, được biết là Thuý Kiều đã được bà cứu mạng về cưu mang. Sau đó, mọi người được dẫn về gặp lại nàng Kiều, “mừng mừng tủi tủi”.
Đoàn tụ sau mười lăm năm lưu lạc:
Thuý Kiều đã trở về đoàn viên với gia đình. Kim Trọng và Thúy Vân hi vọng hai người sẽ gắn kết lại tình xưa. Nàng ghi nhận tấm lòng của Kim Trọng nhưng tự thấy mình không còn xứng đáng với chàng nữa. Tuy từ chối việc kết hôn với Kim Trọng, song Kiều nguyện rằng hai người sẽ trở thành bạn tri kỷ.
Kết thúc:
Nguyễn Du đã gửi gắm toàn bộ thế giới quan của mình về xã hội phong kiến lúc đó qua các câu thơ nhận xét về cuộc đời lưu lạc của Thuý Kiều.