Tóm tắt nội dung truyện ngắn “Vợ nhặt”.
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân. Lấy bối cảnh đất nước trong nạn đói lịch sử năm 1945, nhà văn thể hiện tình cảnh khốn cùng của người nông dân Việt Nam và tình người ấm áp giữa con người với con người.
Truyện mở ra vào một buổi chiều tối sầm lại vì đói khát. Anh Tràng, nhân vật chính của truyện dẫn theo một người đàn bà về xóm ngụ cư. Gương mặt anh ta thì tươi tỉnh phớn phở, rất là đắc chí trong khi người đàn bà đi bên cạnh thì ngượng nghịu hơi cúi đầu rón rén e thẹn. Lũ trẻ con và người dân trong xóm ngụ cư thì chạy cả ra để xem vì lạ quá và bàn tán. Và cái sự bàn tán ấy theo bước chân hai người đi về dưới bến tức là về đến tận ngôi nhà của họ.
Khi dẫn thị vào ngôi nhà vắng teo đứng rúm ró bên mảnh vườn mọc đầy những búi cỏ dại lổn nhổn thì Tràng và thị bỗng nhiên cùng thấy ngượng ngịu rồi cùng thấy sờ sợ. Rồi sau đó thì cảm giác sung sướng lấn át đi tất cả và trong giây phút sung sướng ấy thì Tràng nhớ lại câu chuyện mình đã nhặt được vợ như thế nào.
Bắt đầu đó là khi anh chàng kéo xe bò lên dốc tỉnh, nhọc quá hò một câu cho đỡ mệt “Muốn ăn…với anh”. Ngay lập tức có một người phụ nữ đang ngồi nhặt hạt rơi hạt vãi ở trước các kho thóc đã ton ton chạy lại đẩy xe cho anh, cười tít. Đến lần gặp thứ hai ở chợ tỉnh thì người đàn bà này sầm sập chạy đến sỉa sói Tràng quên lời hứa, bạo dạn đòi được ăn. Sau đó được anh Tràng hào phóng đãi 4 bát bánh đúc, xong anh nói đùa một câu “Nói đùa chứ có về thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, không ngờ thị theo về thật.
Đến lúc này, thấy thị đang ngồi giữa nhà mình Tràng vẫn thấy ngỡ ngàng hình như không phải thế. Sau đó bà cụ Tứ – mẹ của Tràng trở về. Anh giới thiệu vợ với mẹ một cách rất trân trọng và trìu mến. Và bà mẹ sau những giây phút mà cảm xúc vui buồn mùng tủi lẫn lộn thì bà lão đã mở rộng vòng tay đón cô con dâu mới.
Sáng hôm sau thì không khí gia đình rất là vui vẻ đầm ấm: Mẹ chồng nàng dâu quét dọn nhà cửa, rồi sắp cơm để ăn. Tràng cũng vui vẻ phấn chấn muốn tham dự vào việc tu sửa căn nhà này. Trong bữa cơm đón dâu mới họ bắt đầu nói chuyện về tương lai rất hứng khởi, rất tin tưởng.
Mấy hôm sau, có tiếng trông thúc thuế vang lên dồn dập khiến cho người phụ nữ mới về làm dâu cảm thấy rất lạ. Chị ấy nhắc đến chuyện ở mạn Thái Nguyên bắc Giang người ta không đóng thuế nữa đâu, người ta còn phá kho thóc của Nhật để chia cho người đói. Thông tin ấy đã khơi dậy ở Tràng một hướng đi mới cho cuộc đời của mình cũng như là hướng đi mới cho những người nông dân đang chết dần chết mòn vì nạn đói 1945 vì ách áp chế của thực dân Pháp, phát xít Nhật và phong kiến tay sai.
1. Ý nghĩa nhan đề:
“Vợ” là người quan trọng san sẻ cả cuộc đời với người đàn ông. Để có vợ, theo phong tục người ta phải tìm hiểu và cưới xin đường hoàng, trang trọng.
“Nhặt”: người ra chỉ nhặt được những thứ nhỏ bé, đánh rơi. “Nhặt vợ”: Nhan đề truyện hé mở tình huống anh Tràng có vợ một cách dễ dàng như nhặt được cái rơm, cái rác ở ngoài đường, cụ thể là Tràng “nhặt được vợ” chỉ bằng vài câu hò đùa và bốn bát bánh đúc.
Qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, tác giả làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời qua đó, cũng bộc lộ sự yêu thương, đùm bọc, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong hoàn cảnh khốn cùng.
2. Nội dung:
Lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945, truyện ngắn “Vợ nhặt” đã khắc họa cuộc sống ngột ngạt, bức bối cùng cái nghèo khó, bần cùng của nhân dân ta. Cái đói đã hiện hữu thành hình, thành màu, thành mùi, thành vị khiến con người bị dồn tới mức đường cùng, đẩy họ đến bên bờ vực của cái chết. Tác phẩm thể hiện niềm cảm thương sâu sắc của nhà văn trước những cảnh sóng khốn cùng của người nông dan, đồng thời qua đó, ông tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, phản ánh khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và niềm tin vào tương lai tươi sáng của con người.
3. Nghệ thuật:
+ Cách kể chuyện giản dị nhưng rất có duyên, rất lôi cuốn.
+ Tình huống truyện độc đáo, éo le vừa nghịch lí lại vừa hợp lí.
+ Đối thoại sinh động như lời ăn tiếng nói hàng ngày ở các làng quê.
+ Miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên, tinh tế, chân thực, cá thể hóa logic, hợp lí.