»» Nội dung bài viết:
Tri thức Ngữ văn:
Văn bản nghị luận; Ý kiến, lí lẽ và bằng chứng; Thành ngữ; Dấu chấm phẩy.
I. Văn bản nghị luận.
– Văn bản nghị luận là loại văn bản nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề nào đó.
VD: “Bài thơ này rất hay” hoặc “Cần phải trồng nhiều cây xanh”,…
– Để thuyết phục, người viết người nói phải nêu lên được ý kiến (quan điểm) của mình, sau đó dùng lí lẽ và các bằng chứng cụ thể làm sáng tỏ ý kiến ấy.
– Nghị luận văn học là văn bản nghị luận bàn về các vấn đề văn học.
II. Ý kiến, lí lẽ và bằng chứng.
– Ý kiến thường là một nhận xét mang tính khẳng định hoặc phủ định như: “Nguyên Hồng thực sự là nhà văn của nhân dân lao động” hoặc “Không được săn bắt động vật hoang dã”. Ý kiến của văn bản nghị luận thường nêu ở nhan đề hoặc mở đầu bài viết.
– Lí lẽ thường tập trung nêu nguyên nhân, trả lời các câu hỏi: Vì sao? Do đâu?
VD: Vì sao “Thánh Gióng” là truyện truyền thuyết?, Do đâu nước ngọt ngày càng khan hiếm?
– Bằng chứng (dẫn chứng) thường là các hiện tượng, số liệu cụ thể nhằm minh họa, làm sáng tỏ cho lí lẽ.
III. Thành ngữ.
– Thành ngữ là những cụm từ cố định quen dùng, thường ngắn gọn, có hình ảnh.
VD: khỏe như voi, chậm như rùa, một cổ hai tròng,…
→ Việc sử dụng thành ngữ giúp cho lời ăn tiếng nói sinh động, có tính biểu cảm cao.
4. Dấu chấm phẩy
– Dấu chấm phẩy có nhiều công dụng. Bài học này chỉ đề cập công dụng sau: Dấu chấm phẩy dùng để đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.
VD: “Những bí quyết để sống lâu: từ: nhân đức, phúc hậu; kiệm: chừng mực; hòa: vui vẻ, khoan dung; tĩnh: điềm đạm, không nóng nảy” (Ngạn ngữ phương Đông).