trong-su-tung-doi-quay-quat-trong-bat-cu-hoan-canh-khon-kho-nao-nguoi-nong-dan-ngu-cu-van-khao-khat-vuon-len-tren-cai-chet-cai-tham-dam-de-ma-vui-ma-hi-vong-vo-nhat-kim-lan-12835-2

Chứng minh: Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng (Vợ nhặt – Kim Lân)

Nhà văn Kim Lân, khi nói về truyện ngắn đã từng nhận xét: Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng.

Hãy phân tích truyện ngắn Vợ nhặt để làm sáng tỏ ý kiến trên.


  • Mở bài

Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng, ông rất am hiểu về người nông dân và cuộc sống của họ. Nhà văn đã rất thành công khi viết về đề tài nông thôn và người nông dân. Vợ nhặt là một thành công xuất sắc của Kim Lân khi viết về đề tài này. Tác phẩm đã thể hiện sự khốn cùng của người dân lao động khi bị đẩy tới bước đường cùng và hơn thế còn là một tác phẩm có giá trị nhân bản sâu sắc. Đúng như nhà văn Kim Lân đã nhận xét “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng”.

  • Thân bài

Người dân ngụ cư dù bị đẩy vào hoàn cảnh khốn khổ và sự túng đói quay quắt nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ những khát khao về tình yêu và hạnh phúc vẫn không bị lụi tàn.

Chính sự túng đói quay quắt đã đưa họ đến với nhau: Vì cái đói mà một người như Tràng mới nhặt được vợ và ngay chính Tràng dù biết rằng trong lúc này đến thân mình chưa chắc đã nuôi nổi nhưng vẫn chấp nhận “thị” (người vợ nhặt) theo về làm vợ. Tràng đã mở rộng vòng tay để cưu mang một người đàn bà hoàn toàn xa lạ. Đó là một minh chứng về khát khao tình yêu và hạnh phúc ở Tràng.

Với những người dân ngụ cư lúc này được ăn no là khát khao bậc nhất nhưng tình người trong họ thì không bao giờ mất đi. Khi thấy Tràng và thị đi bên nhau, dù có cảm thấy ngạc nhiên nhưng những khuôn mặt hốc hác, u tối của họ bỗng dưng sáng ngời lên. Dường như có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống của họ.

Trong hoàn cảnh cái chết luôn rình rập như vậy thì những khát khao về hạnh phúc lại chính là động lực thúc đẩy họ vươn lên trên cái chết để mà vui, mà hi vọng. Đi bên cạnh người đàn bà vừa nhặt về làm vợ, Tràng hình như quên đi cảnh sống ê chề tối tăm hằng ngày. Và hơn thế Tràng còn thấy có tình nghĩa với người đàn bà ấy.

Dù thực tại có khắc nghiệt đến đâu nhưng những khao khát về hạnh phúc đã giúp họ gần nhau hơn, sống có tình hơn. Tràng vốn là một kẻ dở hơi mà giờ đây hắn lại cảm thấy hắn nên người hơn. Còn thị từ một người đàn bà cong cớn thì nay trở nên hiền hậu đúng mực.

Cái “khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui mà hi vọng” đã thức dậy trong lòng người mẹ già. Bà lo lắng vun vén cho hạnh phúc hai con. Bà tất bật thu dọn cửa nhà, động viên hai con và nói với hai con toàn những chuyện vui về tương lai sau này…

Có thể thấy rằng dù cho bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng nhưng người dân không bao giờ biết bi quan. Họ vẫn vươn tới tương lai, hi vọng vào tương lai sau này. Chính vì thế mà mẹ con Tràng và nàng dâu mới ai nấy cũng săm xắn thu dọn nhà cửa vườn tược bởi trong họ vẫn có niềm tin mãnh liệt vào tương lai.

Vợ nhặt khép lại không bi đát giống như Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Chí Phèo của Nam Cao. Bởi lẽ truyện đã mở ra một con đường, một hi vọng, một lối thoát cho cuộc sống khốn cùng của người dân. Sau những tháng ngày cơ cực, trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và là cờ đỏ bay phất phới. Đó là ngọn cờ đáu tranh của cách mạng. Đó là ngọn cờ đưa con người hướng đến tự do. Qua đó người đọc cũng thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn “đồng ruộng” dành cho những người dân nghèo ông am hiểu sâu sắc.

  • Kết luận

Với tình huống truyện độc đáo cùng với biết tài phân tích và khắc họa tâm lí nhân vật đạt trình độ bậc thầy của nhà văn Kim Lân. “Vợ nhặt” rất xứng đáng là một thành tựu to lớn của nền văn học Việt Nam khi khẳng định sự bất diệt giá trị nhân bản của con người. Vợ nhặt còn là sự khẳng định sức mạnh tiềm tàng, niềm lạc quan vô bờ của người nông dân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng.

Tham khảo:

  • Mở bài:

Kim Lân – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng quê nghèo khó với những ký ức cay nghiệt về nạn đói đữ dội năm 1945. Ngay sau Cách mạng, ông đã viết tiểu thuyết “ xóm ngụ cư”. Khi hòa bình lặp lại (1945) nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “ Vợ nhặt” đã ra đời. Kim Lân đã thực sự mang vào các tác phẩm của mình một khám phá mới, một điểm sáng bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người ngay ”trong sự túng đói, quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ nào người dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm mà vui, mà hi vọng”.

  • Thân bài:

Trong một lần phát biểu Kim Lân đã từng nói: “ Khi viết về nạn đói của người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vong, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Và đó chính là điểm sáng mà nhà văn muốn mang vào các tác phẩm của mình.

Bằng cách xây dựng tình huống tài tình với khả năng phân tích ngôn ngữ mộc mạc, dung dị đời thường nhưng có sự chọn lọc kỹ lưỡng nhà văn đã tái hiện lại một không gian thật thê lương thảm hại của năm đói. Trong đó có ngổn ngang những kẻ sống người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ giữa tiếng hờ khóc và gào thét kinh hoàng của đàn quạ. Với tấm lòng đôn hậu và chân thành, nhà văn đã gửi gắm vào trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý. Kim lân đã rất khéo léo đưa những số phận hẩm hiu được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phất phới cùng đám người đói phá kho thóc Nhật trong tác phẩm “Vợ nhặt” của mình.

“ Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào?”. Cái đói đã làm cho xóm ngụ cư vốn nghèo khổ giờ đây lại càng xơ xác, thê lương. Cái đói đã làm cho bọn trẻ con cứ “ ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích”. Cái đói lan rộng hoành hành khiến cảnh tang tóc bao trùm lên xóm ngụ cư. Giữa bối cảnh đó một cô gái “ rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, mặt lưỡi cày” chỉ qua mấy câu đùa cợt, đã sẵn sàng “ sà xuống ăn một chập bốn đĩa bánh đúc”, rồi sẵn sàng theo một người đàn ông xa lạ, hòng thoát khỏi cảnh đói. Một anh chàng ngụ cư nghèo khổ cũng có thể “ nhặt” được vợ chỉ với bữa cơm ngày đói. Với ngòi bút già dặn, vững vàng Kim Lân đã đem đến một đề tài mới về nạn đói, hạnh phúc lứa đôi được xây đắp nhờ đây!

Bên cạnh một bức tranh hiện thực đã ẩn chứa biết bao giá trị nhân đạo cao cả. Con người luôn khao khát sống, khao khát tình thương yêu, hạnh phúc và trong bất kỳ tình huống nào họ cũng tin vào cuộc sống, hi vọng vào tương lai. Tính nhân văn đó Kim Lân muốn gửi gắm qua diễn biến tâm lí và tình cảm của các nhân vật Tràng, bà cụ Tứ và người vợ Tràng đã “nhặt” được.

“ Trong một lúc, Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét đang theo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua”. Tràng đã ước ao tới hạnh phúc lứa đôi, mạch sống của người đàn ông trong Tràng đã trỗi dậy. Hắn đã có những thay đổi thật bất ngờ. Những thay đổi đó không có gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình thương yêu. Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thấy mẹ chồng, náng dâu quét tước cửa nhà, hắn đã bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc. ” Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “ Hắn thấy mình có trách nhệm hơn với vợ con sau này”. Chính tình thương của người mẹ, tình yêu của người vợ đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.

Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối rồi cũng sẽ qua đi, để rồi mọi người sẽ đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo hạnh phúc, niềm tin trong các nhân vật của mình. Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong truyện. “Vợ nhặt” xuất hiện đã làm thay đổi cộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tối tăm, đã làm cho những khuôn mặt u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên. Từ con người chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là cả một quá trình biến đổi. Xuất hiện dưới ngòi bút của tác giả khá ít song đó lại là nhân vật không thể thiếu đi trong tác phẩm. Thiếu thị, Tràng vẫn chỉ là anh chàng ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn thầm lặng trong đau khổ, cùng cực. Kim Lân đã rất thành công khi xây dựng nhân vật này để góp thêm tiếng lòng của vẻ đẹp tình người, niềm tin ở cuộc đời phía trước trong những con người đói khổ ấy.

Khi nói về ước vọng tương lai, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời, Kim Lân đã khám phá ra một nét hết sức độc đáo khi tình cảm, ước vọng ở cuộc đời lại được tập trung miêu tả khá kỹ ở nhân vật bà cụ Tứ. Với ngòi bút miêu tả tâm lý vững vàng, Kim Lân đã cho người đọc thấy được ánh sáng của tình người trong nạn đói. Bà ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà có lẽ bấy lâu nay bà chưa hề nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bà “ cúi đầu nín lặng”. Trong tâm thức người mẹ nghèo có ẩn chứa biết bao tâm trạng.Sự hòa quyện đan xen giữa cái tủi cực, nỗi lo và niềm vui nỗi buồn khiến bà trở nên căng thẳng. Nhìn cô con dâu đang vân vê tà áo đã rách bợt, lòng bà đầy thương xót, bà nghĩ “ người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đén con mình, mà con người mới được có vợ”. Đói khổ đang vây lấy gia đình, cuộc sống của mẹ con bà sẽ ra sao khi giờ đây lại có thêm một người nữa. Bên những nỗi lo, tủi cực về gia cảnh bà vẫn dang tay đón nhận đứa con dâu, lòng đầy thương xót, trong tủi cực nhưng vẫn ngầm chứa một sức sống thật mãnh liệt. Bà đã đón nhận hạnh phúc của các con để tự sưởi ấm lòng mình. “ Chè khoái đây, ngon đáo để cơ”, nụ cười hòa tan cùng nước mắt khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng.

  • Kết bài:

Với ngòi bút thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả, Kim Lân đã khẳng định được ánh sáng của tình người, niềm tin hi vọng vào cuộc sống mạnh mẽ nhất ở những thân phận nghèo đói, thảm hại. Kim Lân đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam một quan niệm mới mẻ về lòng người, về tình người sâu sắc.

Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang