ve-dep-hinh-anh-dat-nuoc-trong-tho-van-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc

Phân tích vẻ đẹp hình ảnh Đất nước trong thơ văn kháng chiến chống Mỹ cứu nước

  • Mở bài:

Tình yêu quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học dân tộc bao đời. Nó từng xuất hiện sớm và in đậm dấu ấn trong thơ của nhiều nhà thơ yêu nước từ xưa đến nay. Nhưng phải đến với cách mạng, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh giữ nước của nhân dân, các cây bút thơ về sau mới có được niềm tự hào về đất nước ở tất cả các góc cạnh của nó, và cất lên lời thơ ca ngợi thiết tha, say mê đất nước mình. Có thể nói hình tượng đất nước xuất hiện trong thơ kháng chiến đã thoát khỏi những điển cố, ước lệ mang tính khuôn sáo. Có thể thấy hình tượng đất nước là hình tượng đẹp đẽ, được xây dựng thành công vào loại bậc nhất trong thơ kháng chiến. Chưa bao giờ chủ nghĩa yêu nước lại hoà quyện cái tôi và cái ta, lý trí và tình cảm, lý tưởng và hiện thực để cất lên tiếng thơ trong sáng, sảng khoái như giai đoạn này. Đất nước Việt Nam tươi đẹp thân yêu khi đi qua kháng chiến “trong khổ đau người đẹp hơn nhiều”. Và có lẽ chưa bao giờ thi đàn Việt Nam xôn xao đến thế với đề tài đất nước. Bên cạnh những tượng đài thơ bất tử về người lính là hình tượng đất nước đẹp đẽ và kiên cường.

  • Thân bài:

Trong thơ kháng chiến, Đất nước không còn là một khái niệm mơ hồ, xa xôi nữa, nó đã trở nên gần gũi, ấm áp gắn liền với tấm lòng yêu quê hương thiết tha của mỗi người. Mỗi nhà thơ có nhiều cách gọi tên đất nước: giang sơn, sông núi, nước non, nước Việt, dân tộc, trời Nam nhưng tất cả chỉ là một – Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Đất nước hiện hình trong chiều sâu văn hóa, lịch sử. Trong bài thơ Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát vọng, cảm nghĩ về sự hình thành của đất nuớc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã không minh chứng bằng sử liệu mà bằng những gì gần gũi và thân thiết với mỗi người Việt Nam. Đó là truyền thống, là quá khứ, là sự kế thừa văn hoá và cả lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông :

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Điệp ngữ đất nước vọng lên như khúc nhạc thiêng liêng gợi nhớ về đất nước có chiều sâu quá khứ bốn ngàn năm với nhiều kho tàng văn hoá dân gian cổ xưa giàu màu sắc, âm điệu. Đồng thời thấy được đất nước chúng ta đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền với sinh hoạt văn hoá, đời sống tâm hồn của nhân dân. Và để có được đất nước như hôm nay, mọi người hẳn phải gìn giữ, nỗ lực xây dựng hết mình. Bên cạnh đó nhà thơ còn nhấn mạnh đến sức lao động của nhân dân để làm nên cuộc sống, từ việc xây dựng nhà cửa đến sản xuất làm ra hạt gạo, cùng bao của cải vật chất :

“Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó.”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Nhà thơ tiếp tục mạch cảm hứng về đất nước, bằng sự suy nghiệm và miêu tả Tổ quốc qua thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông vừa chân thực vừa phảng phất không khí huyền thoại. Từ không gian và thời gian trong các truyền thuyết về cội nguồn đất nước, dân tộc: “Đất là nơi chim về. Nước là nơi rồng ở. Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đẻ ra đông bào ta trong bọc trứng”. đến không gian và thời gian gần gũi của cuộc sống hàng ngày: “Đất là nơi anh đến trường. Nước là nơi em tắm’” . Và đất nước ngày càng thân thuộc hơn khi nó tồn tại ngay trong máu thịt con người :

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Vì thế, trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước không phải là cái gì khác mà là trách nhiệm đối với chính bản thân mình :

“Em ơi em đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời…”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Đất Nước trải dài trong không gian văn hóa và thời gian lịch sử. Dân tộc Việt Nam viết nên sử vàng từ nước mắt và đau thương trong suốt 4000 năm:

“Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Vì thế đất nước trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng ta. Quan điểm này Nguyễn Khoa Điềm đã gặp Chế Lan Viên trong một thi phẩm khác:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”

(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên)

Có ở đâu đất nước lại ngọt ngào, kì diệu đến thiêng liêng nhưng vô cùng giản dị gần gũi như trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tất cả như tuổi thơ, như nỗi niềm cổ tích huyền thoại cứ ùa về tự nhiên cho ta thấy đất nước thật gần tươi đẹp như bây giờ. Tiếng nói lịch sử đi qua tháng năm với những con người kiên cường, bất khuất. Điều đó làm nên sức mạnh diệu kì cho kháng chiến và muôn thế hệ mai sau

“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Các nhà thơ thời kỳ kháng chiến viết về đất nước không chỉ bằng tình yêu tha thiết, chân thành mà còn vì niềm tự hào về một đất nước bốn nghìn năm văn hiến; về những truyền thống văn hóa đã tạo nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam; về những trang sử vẻ vang của cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó cũng là cơ sở để chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến.

Đất nước từ lâu đã đi vào văn học dân gian với những hình ảnh quen thuộc: cây đa, bến nước, sân đình, con đò, mái rạ, xóm chiều, khói buông…Trải qua thời gian, gương mặt đất nước cũng dần thay đổi, nên trong thơ ca, đất nước Việt Nam muôn màu muôn vẻ. Nếu đất nước trong tiềm thức của người nông dân là “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” (Ca dao) và nơi chiến trường nhớ về một “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng chí – Chính Hữu) hay “Ít nhiều người vợ trẻ/Mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ – Hồng Nguyên). Đến với Nguyễn Đình Thi, đất nước mới lạ hơn trong kí ức của những người con Hà Nội. Nhớ nhớ quê hương thân yêu là nhớ về một sớm thu Hà Nội nồng nàn hương cốm mới với heo may vương tràn thềm phố:

“Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Để cả một vùng kí ức ngập đầy hình ảnh Hà Nội thân yêu trong kháng chiến:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Cảm xúc ấy thêm một lần đốt cháy Hà Nội trong chất ngất nỗi nhớ mong:

“Nhớ đêm ra đi đất trời như bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng”

(Ngày về – Chính Hữu)

Để rồi, khi ra chiến trường, hành trang mang nặng ba lô của những người lính là hình bóng quê hương chập chờn trong giấc mộng:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”

(Tây Tiến –Quang Dũng)

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi căn cứ địa cách mạng được chuyển lên chiến khu Việt Bắc, thì hình ảnh đất nước bỗng chốc hóa bình dị, gần gũi vô cùng, khoáng đạt và mênh mông:

“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Tình yêu quê hương đều có trong mỗi một con người, dù nhiều, dù ít. Và ở mỗi lứa tuổi, tình yêu quê hương lại được thể hiện theo từng cung bậc khác nhau của nhận thức. Thuở bé, Giang Nam đã yêu quê hương vì :

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi”

(Quê hương – Giang Nam)

Trong nhận thức của một đứa trẻ, quê hương là cái gì đó gần gũi như lời ru của mẹ, êm ái như cánh diều. Ngày xưa tác giả yêu quê hương chỉ vì một lẽ đơn giản như thế: “có chim có bướm” và bởi quê hương còn là cái nôi của kỷ niệm một thời trẻ con bé dại, ngây thơ :

“Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc

(Quê hương – Giang Nam)

Quê hương là con đường đến trường, là trang sách, là bài văn, là phút mơ màng nghe chim hót. Quê hương đối với con người là cái gì đó thật giản dị, thật gần gũi, đơn sơ mà thật là thiêng liêng, sâu lắng:

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Quê hương không còn là một khái niệm quá to tát, xa vời, mà quê hương là những cái gần gũi, thân thương với con người nhất. Với vài dòng thơ, mà tình yêu trong tác giả được thể hiện sâu sắc, dạt dào nồng thắm biết bao!

Và đâu đó không phải đất nước xa xôi mà gần gũi đến bình dị trong mỗi gốc tre, bên những bãi bờ, trên những cánh đồng lúa, lạc vào trong bàn tay khéo léo ken những mái rơm mái rạ…tất cả thấp thoáng bóng dáng cha ông xưa từ lịch sử bước ra.

Cái nên thơ nghìn đời trong thơ ca Việt Nam ta là bờ tre, giếng nước, là tạo vật thiên nhiên gắn liền với đời sống lao động, sản xuất nơi chốn ruộng đồng, từ đó đã tạo nên thói quen cảm xúc cho người đọc. Hình tượng đất nước trong thơ thời kỳ kháng chiến cũng được các nhà thơ xây dựng trên nền những thói quen đó và nó đã đi vào lòng người đọc qua từng hình ảnh, đường nét, màu sắc miêu tả thật giản dị mà thân quen trìu mến.

Đất nước trong đau thương máu lửa nhưng rất đỗi hào hùng. Lịch sử Việt Nam là lịch sử viết lên bằng máu và nước mắt. Lần giở lại những tháng ngày đau thương trong chiến đấu, khi bóng quân thù giày xéo quê hương, đất nước cũng quặn mình đau đớn rỉ máu ráng trời chiều:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Để rồi, tình yêu nước thiết tha bật lên thành những tiếng căm hờn.

“Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Và ngay cả trong đau thương, khói lửa cũng chưa bao giờ đất nước nguôi cháy bỏng một niềm tin và hi vọng của khao khát tự do như minh chứng về tình yêu đất nước của dân ta:

“Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Đi qua nghìn đêm thăm thẳm sương dày của kiếp sống lầm than nô lệ, đất nước mình bỗng tươi mới, reo vui:

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Thơ Tố Hữu đã phản ánh chân thực đến nhức nhối về một đất nước không có chủ quyền đang ngày đêm quằn quại dưới gót giày của quân xâm lược :

“Giặc cướp hết non cao biển rộng
Cướp cả tên nòi giống tổ tiên
Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền
Núi sông một khúc ruột liền chia ba…”

(Ba mươi năm đời ta có Đảng – Tố Hữu)

Trước đau thương mất mát quá lớn: mất hết “non cao biển rộng”, mất cả “tên nòi giống tổ tiên”, dân tộc quyết vươn lên đối mặt với kẻ thù. Và dẫu trong đau thương, khói đạn đất nước vẫn vươn mình để bật nẩy phô tầm vóc hào hùng của mình.

Đất nước của những con người đau đớn bám trụ đến hơi thở cuối cùng nhưng vẫn không giữ được giang san, tổ quốc, bất lực nhìn tất cả cuốn theo máu, hòa theo nước mắt trôi đi:

“Họ bám mình vào tấm rẫy nổi trôi
Rồi gục chết dưới màu xanh vĩnh viễn
Cuộc đời họ mênh mang bất định
Chỉ đó nghèo bám riết lấy màu da
Ôi mây trắng ngang đầu, gió dưới rừng xa
Đất Nước ở đâu? Đâu là Đất Nước?”

(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Một câu hỏi buông ra giữa mênh mông vô đinh “Đất Nước ở đâu? Đâu là Đất Nước?” đầy nghẹn ngào, xót xa.
Có khác nào khi xưa, Hoàng Cầm nhìn quê hương điêu tàn trong khói giặc:

“Ruộng ta khô Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn lười dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Sự tàn phá ấy còn chạm đến cả những nơi vốn yên bình đầy linh thiêng giúp ta có cái nhìn chân thực nhất về những mất mát đau thương của đất nước trong chiến tranh xâm lược :

“Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau”

(Núi Đôi – Vũ Cao)

Đọc lại những vần thơ, ta thấy thêm yêu đất nước, thêm tự hào khi đất nước hôm nay đứng lên, vươn mình từ khổ đau hôm qua. Đó phải chăng là thời kì « khổ nhục nhưng vĩ đại » của Việt Nam anh hùng ?

Đất nước vùng lên quật khởi kiên cường. Kẻ thù muốn dìm chúng ta trong biển máu, trong vũng bùn nô lệ tối tăm, nhưng làm sao chúng có thể dìm được một đất nước phi thường như đất nước chúng ta :

“Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hóa những anh hùng
Đến ông dại cũng luyện thành chiến sĩ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí”

(Êmily, con -Tố Hữu )

Chưa bao giờ lòng yêu nước lại ngời sáng trong lòng người dân nước Việt như lúc này và chính nó đã tạo nên sức mạnh lớn lao đưa đất nước ta từ trong đau thương máu lửa chắp cánh bay lên như một thiên thần :

“Ôi Việt Nam! từ trong biển máu
Người vươn lên như một thiên thần

(Máu và hoa – Tố Hữu)

Đất nước ấy, là đất nước của những con người áo vải “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” nhưng khi có giặc ngoại xâm họ đều trở thành những anh hùng. Những anh hùng hữu danh và vô danh, mà:

“Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm lên Đất nước”.

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

“Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Để rồi đất nước ấy là đất nước của nhân dân, vì nhân dân đã đổ xương máu, đã hóa thân cho dáng hình xứ sở làm nên đất nước muôn đời:

“Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Chính những con người vô danh áo vải ấy đã đưa đất nước Việt Nam từ trong bùn đất đau thương đứng dậy sáng lòa:

“Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng
(……………)
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.”

(Đất nước- Nguyễn Đình Thi)

Khám phá ra sức mạnh Việt Nam – những thế hệ trẻ đi sau – chúng ta – càng thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, thêm vững vàng trong cuộc sống, thêm tin tưởng ở tương lai.

Việt Nam không chỉ đẹp trong chiến thắng, trong những ngày hội tưng bừng mà còn rất đẹp trong sự hồi sinh, trong sự vươn tới, vượt qua đau thương, mất mát. Từ “Những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đâm nát trời chiều…”, giờ đây đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi đã trở nên tươi đẹp bội phần với:

“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”

(Quê hương Việt Nam – Nguyễn Đình Thi)

Ngay trong Việt Bắc, Tố Hữu đã có những bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người đất nước trong kháng chiến:

“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Thậm chí, có những khoảnh khắc trong chiến tranh mà Tố Hữu tìm thấy vẻ tươi đẹp, yên bình, thơ mộng đến hiền hòa:

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Tất cả trở thành những hòa niệm nhớ thương về một Việt Bắc tươi đẹp trong kháng chiến.

“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Thiên nhiên đã vậy và con người cũng bước vào thơ với tầm vóc lớn lao, đẹp đẽ đến kiêu hùng:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”

(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)

Đất nước trong chiến tranh mà tưng bừng từ hậu phương đến tiền tuyến, trong lao động và trong chiến đấu. Nơi nơi chỉ thấy ánh bình minh chiếu rọi ngời sáng niềm tin chiến thắng.

Đất nước bỗng chốc hóa mênh mông trong vũ trụ khát khao của những con người biết mơ ước với niềm tin:

“Ta lớn lên khao khát những chân trời
Những mảnh đất chân mình chưa bén được
Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực
Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh
Ôi có cách gì ta được ngắm những bình minh
Buổi vũ trụ chớp bùng nên sự sống
Và ánh sáng trên chiếc xe vàng chuyển động
Bỗng một ngày ấm áp kể ta nghe”

(Đất Nước –Nguyễn Khoa Điềm)

Đất nước đẹp tươi hơn khi đưa mình gột rửa trong những trận chiến lẫy lừng :

“Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Đất nước được tô thắm bởi có những con người không quản gian khổ, hi sinh ngày đêm dệt lên lịch sử dân tộc:

“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Thật kỳ diệu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã cài lên dải đất hình chữ S thân yêu của Việt Nam một vành hoa đỏ, viết lên một thiên sử vàng đưa tên tuổi Việt Nam lừng lẫy khắp năm châu bốn bể:

“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An khê
Vui lên Việt Bắc, Đèo De Núi Hồng”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Vì thế đâu ai biết dòng sông lịch sử dân tộc bắt nguồn từ đâu? Từ bao giờ mà chỉ biết thốt lên tiếng gọi yêu thương:

“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Trong quang cảnh tưng bừng của ngày hòa bình, của thắng lợi vĩ đại, Tố Hữu thấy đất trời như cũng theo lòng người mà trào lên sức sống mới :

“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”

(Ta đi tới – Tố Hữu)

Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh, tiếng hát trên bến phà tấp nập… tất cả đều mang vẻ đẹp “mới tinh khôi ” của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do vừa giành lại được trên một nửa nước ta. Trong những câu thơ ấy tựa hồ như không nói gì đến kháng chiến, nhưng ta hiểu phải trải qua cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của toàn dân, nhà thơ mới có được những lời thơ say sưa ca ngợi đất nước như thế. Đặc biệt đất nước ta càng trong đau thương, gian khổ càng xứng đáng để thêm trân trọng và tự hào :

“Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều”

(Chào xuân 67 – Tố Hữu)

Đất Nước quật khởi về kiên cường gào thét trong căm hờn rực lửa, dũng mãnh đạp rừng, xuyên núi vươn tới chân trời tự do :

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Đất nước thay áo mới khi chiến thắng, với diện mạo tươi vui đất nước đẹp hơn với khúc ca của non sông, rừng núi:
Mùa thu nay khác rồi

“Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta!
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những tiếng ngày xưa vọng nói về.”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

  • Kết bài:

Như vậy Tổ quốc đã được các nhà thơ thể hiện như một hình tượng đẹp đẽ, cao quí nhất và có những phẩm chất mới mẻ, mang dấu ấn của thời đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang