Vẻ đẹp hình ảnh người lao động trên biển qua bài thơ Quê hương của Tế Hanh và Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
- Mở bài:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.
………….
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…”
(Quê Hương- Đỗ Trung Quân)
Quê hương từ trước đến nay vốn là đề tài được các nhà thơ chú trọng sử dụng để gửi gắm vào những thông điệp, tâm tư, tình cảm của mình. Trong chủ đề ấy, các nhà thơ thường đặc biệt làm nổi bật lên hình ảnh của người lao động, ngư dân. Điển hình là Huy Cận cùng bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, và Tế Hanh cùng tác phẩm Quê Hương. Cả hai đều nói về cùng một chủ đề tuy khác nhau về cách diễn đạt nhưng vẫn là sâu sắc nhấn mạnh vẻ đẹp hình ảnh người lao động trên biển với tư thế hăng say làm việc, với những hoài bảo cùng niềm tin mạnh mẽ.
- Thân bài:
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác khi thực hiện chủ trương của chính phủ, các văn nghệ sĩ nước ta cùng nhau hăm hở lên đường,đi đến mọi miền của Tổ quốc, nhằm phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân trong cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng tìm kiếm những nguồn sáng tạo mới.
Nếu Tô Hoài, Nguyễn Khải, Chế Lan Viên và các nhà văn nhà thơ khác đều lên miền Tây Bắc kiếm cảm hứng, thì Huy Cận lại tìm về với biển cả mênh mông. Vào khoảng giữa năm 1958, ông có một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Và cũng từ chuyến đi thực tế này, ông mới lấy lại được hồn thơ nảy nở, tràn trề niềm cảm hứng về thiên nhiên, đất nước cùng con người, đặc biệt là người lao động nơi đây, là niềm vui trước một cuộc sống mới. Chính lúc này, Đoàn thuyền đánh cá đã ra đời.
Bằng hình ảnh liên tưởng, tưởng tượng phong phú và độc đáo, giọng thơ có âm hưởng khoẻ khoắn, hào hùng, lạc quan, bài thơ đã thành công khắc họa lên trong tâm trí độc giả những hình ảnh tráng lệ, thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và người lao động chốn nơi đây. Đặc biệt hơn là hình ảnh người lao động cùng bức tranh lao động trên biển được tô đậm bằng bút pháp lạc quan, ngập tràn trong đó là sự tin cậy, tín nhiệm.
Hình ảnh của người lao động là chi tiết đặc biệt làm nổi trội lên tác phẩm này. Hình ảnh người lao động được xây dựng đối xứng với không gian thiên nhiên rộng rãi. Như trong cảnh đoàn thuyền buổi chiều ra khơi đánh bắt, thiên nhiên và quang cảnh được miêu tả vô cùng hoành tráng, kì vĩ: “mặt trời nhú hòn lửa”, “sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Chính trên cái nền không gian to lớn ấy, đoàn thuyền cùng con người đã xuất hiện lẫm liệt phi thường trong câu hát:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Từ “lại” đã khẳng định cho ta thấy đấy là hoạt đông thường ngày của người dân chốn đây. Thể hiện tư thế chủ động, tự tin của con người trong cuộc sống và trong công việc. Công việc dù có hiểm nguy, vất vả mấy chăng nữa, cũng không thể làm cho họ nản lòng, không thể làm cho họ từ bỏ. Ngược lại với điều đó, họ ra khơi là với tâm thế tràn đầy hi vọng, lạc quan và tin tưởng. Biển khơi dù ẩn chứa nhiều nguy nan, sẵn sàng vùi lấp họ trong những cơ sóng mãnh liệt, cũng chẳng thể làm họ sờn lòng. Họ lên đường trong câu hát vui vẻ, tưởng chừng như cả đất trời đang cùng họ ra khơi. Nhìn vào bức tranh ấy, ta thấy được con thuyền mạnh mẽ đang vượt lên những luồn sóng thẳng hướng về phía biển cả xa xăm. So với đại dương là một chiếc thuyền nhỏ bé, trong ý thơ dạt dào lại là cách buồm lớn lao. Người dân chài như những hiệp sĩ điều khiển con thuyền băng băng ngoài khơi:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa, dò bụng bể
Dàn đang thế trận, lưới vây giăng”.
Bức tranh lao động trên biển được miêu tả hết sức sôi động là con thuyền với cánh buồm căng gió như đang lướt đi giữa trời sao và biển cả. Con thuyền được miêu tả có tầm vóc sánh ngang cũng vũ trụ bao la. Bởi thế hình ảnh con người cũng hết sức lớn lao. Họ chủ động trong công việc, làm chủ đại dương và bóng đêm. Họ mạnh mẽ tổ chức dân đang tay lưới như tổ chức một trận đánh. Họ lắng nghe “tiếng nói của biển cả” để tìm luồn cá chạy…
Vẻ đẹp hình ảnh người lao động trên biển còn được khắc hoa qua tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Họ chẳng những làm chủ cuộc sống của chính mình mà còn làm chủ cả thiên nhiên bao la hùng vĩ. Tất cả dường như đều cam chịu khuất phục trước bàn tay tài hoa và tinh thần lao động của họ. Họ giống như những nghệ sĩ tài hoa, vừa làm việc, vừa thể hiện niềm đam mê của mình với âm nhạc, bằng một cách nào đó, họ hiểu thấu đại dương hơn cả bản thân chính mình. Bởi thế vào mỗi chuyến ra khơi đều đem lại cho họ nguồn thu lớn, còn họ, luôn là những người chiến thắng trở về.
Qua việc khắc hoạ vẻ đẹp hình ảnh người lao động trên biển cùng bức tranh lao động hùng tráng, tác giả đã bộc lộ hết niềm vui, niềm tự hào trước Tổ quốc và sự tin tưởng vào cuộc sống mới.
Cũng viết về con người lao động làng chài nhưng ở bài thơ Quê hương, Tế Hanh lại có cách biểu đạt khác không kém phần tinh tế. Nếu ở Huy Cận sử dụng bút pháp phóng đại để miêu tả con thuyền và người lao động lớn lao kì vĩ thì Tế Hanh lại ghi khắc vẻ đẹp hình ảnh người lao động trên biển và cuộc sống làng chài ven biển một cách chân thực và giàu cảm xúc hơn, về một bức tranh lao động được mở ra với một không gian sáng sủa:
“Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”.
Thời điểm đoàn thuyền ra khơi là vào buổi sớm mai, ngược lại với hoàn cảnh ra khơi của đoàn thuyền trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì Huy Cận miêu tả cảnh đoàn thuyền của hợp tác xã nông ngư nghiệp, một tập thể sản xuất lớn, hội tụ đầy đủ điều kiện và phương tiện sản xuất. Còn ở bài thơ Quê Hương là cảnh ra khơi đánh cá của những con thuyền nhỏ thuộc làng chài ven biển. Tuy vậy, bài thơ cũng khắc họa đậm nét hình ảnh con thuyền mang tầm vóc lớn lao, kì vĩ và mạnh mẽ:
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt Trường Giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.
Vượt lên cơn sóng, thuyền mạnh mẽ ra khơi. Chi tiết “rướn thân trắng” thể hiện khí thế hăm hở ra khơi cùng khát vọng vươn xa trên biển cả của thuyền và ngư dân. Dường như đại dương thâm sâu chứa đầy hiểm họa không thể làm nó nao núng. Nó dũng cảm vượt lên trên tất cả để tìm kiếm những phẩm vật bị che giấu sau “chiếc mặt nạ bí ẩn” của biển khơi. Hình ảnh và khí thế của con thuyền ra khơi cũng chính là khí thế lao động của con người. Con thuyền này chuyên chở những ước mơ, khát vọng ra khơi. Để rồi khi quay trở về nó lại chuyên chở thành quả lao động và niềm vui chiến thắng của con người. Tiếp sau đó là những hình ảnh của người lao động xuất hiện rõ ràng, chân thật, gân guốc:
“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”.
Họ mang một vẻ đẹp chân thực, mạnh mẽ với cơ thể rắn rỏi và cường tráng. Đó là do đời sống lao động đã rèn luyện họ trở thành tráng kiện. Họ mang trong mình cả hơi thở của đại dương xa xăm, màu của muốn mặn và cả những điều huyền bí của đại dương. Khác với Huy Cận, Tế Hanh là người đã từng trải qua cuộc sống ấy. Không những ông khắc họa được hình ảnh mà còn nắm bắt được cái hồn của đời sống con người. Bởi thế, qua phép nhân hóa, hình ảnh con thuyền nhỏ bé trở nên lớn lao lạ thường. Bức tranh lao động trên biển tuy không được khắc họa đậm nét nhưng người đọc có thể hình dung ra được về khí thế lao động và nỗi vất vả của con người trong hành trình tìm kiếm nguồn sống.
- Kết bài:
Tuy được sáng tác tại hai thời điểm khác nhau, khắc họa tại hai không gian khác nhau, thế nhưng Huy Cận và Tế Hanh đã có một tiếng nói chung, một sự đồng cảm trước hình ảnh con người và bức tranh lao động trên biển. Hai nhà thơ đã dành những hình ảnh đẹp nhất, sự trân trọng cao quý để khắc họa khí thế và niềm tin của con người lao động trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống mới.
Xem thêm: