Phân tích vẻ đẹp nghệ thuật trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân
- Mở bài:
Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống. Ông có sở trường về thể loại tuỳ bút. “Người lái đò sông Đà” là tập tùy bút xuất sắc của nguyễn Tuân. Tác phẩm đã khắc hoạ vẻ đẹp đa dạng vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông Đà và ca ngợi người lái đò giản dị mà kì vĩ trên dòng sông. Góp phần làm nên thành công của “Người lái đò sông Đà” chính là lớp ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình và biểu cảm mà Nguyễn Tuân đã công phu rèn giũa.
- Thân bài:
Với thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân tiếp tục sử dụng tài hoa của mình trong việc liên kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tâm thế của con người sau Cách Mạng ấy, sự đối lập dần được thay thế, nhường chỗ cho cho sự con người ôn hòa, dễ chịu hơn. Để làm được điều ấy, sự góp mặt của những yếu tố Hán Việt là điều không thể thiếu.
Qua cảm nhận của Nguyễn Tuân, chất thơ của phong cảnh sông Đà thường đậm đà màu sắc cổ điển: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Có thể gọi đấy là những dòng thơ văn xuôi đập chất cổ điển của nhà tùy bút.
Việc sử dụng từ ngữ Hán Việt trong các tác phẩm thuộc các thể loại của Nguyễn Tuân trước hết xuất phát từ đỏi hỏi của đối tượng được miêu tả. Do viết về đề tài “vang bóng” các nhân vật chính là nho sĩ nên ngôn ngữ Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù” rất cổ kính, bác học. Viết về cuộc sống của những con người tài tử, tài hoa một thời vang bóng, về luật hình phong kiến, về thú chơi chữ, thả thơ, hát ả đào,… thì lớp từ Hán Việt dĩ nhiên là đắc địa. Bên cạnh đó, từ ngữ Hán Việt còn góp phần tạo ra âm hưởng đặc biệt cho lời văn Nguyễn Tuân. Ấy là cái âm hưởng vừa hiện đại, vừa đĩnh đạc cổ kính, đọc lên đã cảm thấy không lẫn với giọng điệu của bất cứ nhà văn nào.
Những từ ngữ ấy được Nguyễn Tuân sử dụng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, tạo âm vang ngàn xưa vọng lại – âm vang của một thời xa vắng. Trong “Người lái đò sông Đà”, người đọc được thưởng thức một loạt ngôn từ mới mẻ, sáng tạo, mang bản sắc riêng: “lặng tờ, bờ tiền sử, nỗi niềm cổ tích, thơ ngộ…”. Nhà văn thực sự là một ông lái tài hoa trên dòng sông ngôn ngữ. Các câu văn Nguyễn Tuân giàu nhạc điệu, co duỗi nhịp nhàng. Nhạc điệu trầm bổng, đưa người đọc đến với cái yên ả của dòng sông đà nơi hạ lưu: “Dòng sông quãng này lững lờ như thương nhớ những hòn thác đá xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải no khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển dòng trên”.
Ở Nguyễn Tuân, ta còn bắt gặp hai thao tác ngỡ mâu thuẫn mà thực ra là thống nhất: sử dụng từ ngữ chuyên biệt, chính xác song song với hình thức biểu đạt kiểu lạ hóa.
Thao tác thứ nhất, Nguyễn Tuân lựa chọn những từ ngữ thật đích đáng để gọi sự vật đúng tên của nó, đặc tả sự vật đúng tính chất của nó. Chẳng hạn, khi miêu tả thác nước sông Đà, thoạt tiên là, tác giả gọi những “hút nước” ở sông Đà là những “cái giếng sâu”, gọi “thiên nhiên Tây Bắc” là “thứ kẻ thù số một”, gọi “chiến trường sông Đà” là “quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà” Thay cho việc dùng từ “trận đá” bằng từ “thạch trận”. Tiếp đó, nhà văn sử dụng tri thức về âm nhạc với bản hợp âm náo loạn, kinh khiếp của thác dữ: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa”…
Những cách ví von mới lạ, độc đáo cùng ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, giàu sức gợi và nhịp điệu câu văn nhanh, gấp, đã tác động mạnh vào tâm trí người đọc, liên tục đẩy âm thanh thác dữ đến hồi cao trào, quyết liệt nhất, để rồi, khi tất cả đã qua đi, người ta có cảm giác đầu óc mình đã căng quá độ, bây giờ thừ ra nghe “Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. “Sông nước lại thanh bình”.
Nếu như vẽ một cái biểu đồ tần số âm thanh sông Đà thì ta đã có một đường lên rất cao rồi đột ngột trở về với thanh ngang ghi âm của biểu đồ. Thoạt tiên là tri thức về âm nhạc với bản hợp âm náo loạn, kinh khiếp của thác dữ: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa”…
Song hành với âm thanh sóng động là lớp hình ảnh đa dạng, phong phú. Bằng vốn hiểu biết phong phú về hội họa và điêu khắc, cùng trí tưởng tượng độc đáo và óc quan sát sắc sảo được diễn tả bằng vốn ngôn ngữ phong phú, điêu luyện, giàu giá trị tạo hình, nhà văn đã giúp ta mường tượng về độ cao hun hút khôn cùng của “đá bờ sông dựng vách thành” gợi lên nét hùng vĩ, hoang sơ, và cả sự ghê rợn nữa. Đặc biệt là khi “chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu” thì sức nước hẳn phải ghê gớm, dữ dằn lắm! Cách so sánh, liên tưởng mới mẻ, bất ngờ của Nguyễn Tuân quả khiến người đọc cũng “thấy lạnh” như đang ngồi chung khoang đò qua quãng ấy với Nguyễn Tuân vậy. Vài nét vẽ mà thật giàu sức gợi, từ ngữ của Nguyễn Tuân cũng góc cạnh, sắc nét như những đường chạm trổ của người thợ tài hoa.
Thao tác thứ hai, Nguyễn Tuân luôn tìm kiếm những hình thức biểu đạt rất khác thường. Ông rất công phu trong việc ghép từ, hoặc thay thế một từ thông dụng bằng từ ngữ lạ hoắc, gây bỡ ngỡ cho người đọc. Những từ ngữ được lạ hoá như: “thanh viện” (hỗ trợ bằng âm thanh), “thanh la, não bạt” (nhạc cụ bộ gõ bằng đồng tạo âm thanh mới lạ), “đánh hồi lùng” (đánh dồn dập), “đòn âm” (đòn ngầm), “trùng vi” (vòng vây nhiều lớp), “tế mạnh” (phi mạnh, lao mạnh)…
Hình thức biểu đạt kiểu lạ hóa đã được Nguyễn Tuân đẩy đến mức cao hơn khi trước một đối tượng cần miêu tả, ông dùng đồng thời nhiều cách định danh, nhằm nói cho kiệt cùng mọi sự cảm nhận của mình. Nguyễn Tuân thuộc số những cây bút đặc biệt chú trọng hình thức câu văn. Điều này thể hiện rõ ở sự gia công của ông về cách cấu tạo câu cũng như về các biện pháp tu từ trong câu. Nếu cấu tạo câu thời kì trước Cách Mạng trong văn ông phù hợp với giọng điệu cổ kính trang nghiêm, thì với thời kì sau Cách Mạng câu văn cầu kì, nhiều khi dài hơi, trau chuốt hơn phù hợp với cá tính phô bày tri thức của mình và tài dùng chữ.
Câu văn của Nguyễn Tuân thường có xu hướng phức hóa. Bất cứ thành phần nào trong câu văn của ông cũng đều có thể được phát triển một cách dễ dàng. Ông mang trong mình cái giọng kể khoan thai trong những thiên truyện, giọng giãi bày miên man trong những thiên tùy bút, giọng phân tích, phẩm bình tỉ mỉ kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” trong các bài viết về văn học nghệ thuật.
Sự chau chuốt trong câu văn Nguyễn Tuân không chỉ thể hiện ở bình diện cấu trúc mà còn ở mặt tu từ. Nói cách khác, yêu cầu về tu từ đã được đáp ứng bằng những đặc điểm của cấu trúc. Những biện pháp và phương tiện được nhà văn sử dụng thường khiến cho câu văn phải dãn ra, trổ nhiều cành nhánh rậm rạp, với những tầng bậc khác nhau và đạt hiệu quả thẩm mĩ rõ rệt.
Trong các phép tu từ, thì sóng đôi cú pháp, điệp, giải nghĩa, tách câu là những biện pháp được Nguyễn Tuân ưa dùng hơn cả. Có những kiểu tu từ dễ kéo câu văn trở về kiểu du dương biền ngẫu cũ kĩ một thời, (ví như phép sóng đôi cú pháp), nhưng Nguyễn Tuân vẫn sử dụng một cách thoải mái, và bằng sự cao tay của mình, ông viết nên những câu văn nhịp nhàng cân đối mà vẫn rất hiện đại. Chẳng hạn, miêu tả âm thanh thác nước, ông hình dung: “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu giọng gằn mà chế nhạo”; “Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia” .
Có những phép tu từ tưởng chỉ phù hợp với kiểu câu văn giải thích đậm tính duy lí của ngữ pháp châu Âu (ví như phép giải ngữ), vậy mà, qua bàn tay Nguyễn Tuân, chúng bỗng phát huy hiệu quả bất ngờ trong việc tạo nên âm giọng điệu đặc biệt cho lời văn: “Tôi sợ hãi khán giả, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút sông Đà – từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải”. Câu văn trổ nhánh rậm rạp ở đây có thể kể đến: “Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá cô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi sợ xuýt bắt người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Hay: “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số nhấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào.”
Tóm lại, cả về mặt cấu trúc và phương diện tu từ cú pháp, Nguyễn Tuân đã thể hiện nhiều khổ công tìm tòi, sáng tạo. Câu văn của ông vừa cho thấy dấu vết của một lộ trình: ấy là lộ trình hiện đại hóa của câu văn quốc ngữ, vừa phản ánh khá rõ nét những đặc điểm phong cách ngôn ngữ của một cá nhân.
Nói đến những tìm tòi, sáng tạo của Nguyễn Tuân về ngôn ngữ, không thể không đề cập nghệ thuật so sánh đặc sắc của ông. Về lượng, câu văn so sánh trong các văn bản thuộc mọi thể loại của Nguyễn Tuân có tỉ lệ cao một cách khác thường so với tác phẩm của các tác giả trong cùng bối cảnh văn học. Nhưng điều đáng nói hơn là hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ so sánh trong lời văn Nguyễn Tuân. Hiệu quả này có được là nhờ những tìm tòi không mệt mỏi của nhà văn về cấu trúc so sánh, về từ chỉ quan hệ so sánh, và đặc biệt là hình ảnh dùng để so sánh. Săn tìm những hình ảnh dị thường, ít ai nghĩ tới, làm cho mỗi câu văn so sánh thực sự là một kết quả khám phá, thể hiện một cái nhìn khác biệt về đối tượng, đó là những thao tác thường thấy ở Nguyễn Tuân.
Thao tác này được nhà văn sử dụng rộng rãi ở mọi thể loại, mọi giai đoạn sáng tác. Vì vậy, thật khó mà thấy được sự khác biệt nghệ thuật so sánh của câu văn trong truyện, trong tùy bút hay trong phê bình, chân dung văn học của ông. Có thể nói, nghệ thuật so sánh trong “Người lái đò sông Đà” không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đối chiếu sự vật này với sự vật khác mà còn mang cả dấu ấn phong cách riêng của Nguyễn Tuân, hàm chứa những cái nhìn độc đáo, tài hoa, tinh tế: ông đã diễn tả đoạn sông bin chẹt giữa hai vách đá dựng thành cao vút “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”; “nước ở đây thở và kêu như cái cống bị sặc”; “cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền cảm lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn”; “mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập”;…
Sự liên tưởng đặc sắc nhất trong “Người lái đò sông Đà” nằm ở chính những trận chiếc trên sông Đà. Với thạch trận mà sông đà hung bạo giăng ra để chặn đánh người lái đò, đó là: “hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại… Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt, một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến vào”
Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, con thủy quái sông Đà không chỉ hung hãn mà nó còn hết sức xảo quyệt. Trong cuộc vật lộn với ông lái đò, nó đã trổ ra đủ mưu ma chước quỷ để lừa người ta vào thế trận đã bày sẵn và hướng người ta vào cửa tử. Chỗ ngoặt sông thì đánh phục kích. Dụ được vào sâu thì đánh khuýp vu hồi. Giáp lá cà thì giở đủ ngón hiểm ác: đòn âm, đòn dương, đá trái, thúc gối, túm thắt lưng, lật nửa người, bóp chặt hạ bộ,… vừa đánh vừa hò la vang trời dậy đất để áp đảo tinh thần đối phương.
Sự liên tưởng được tiếp nối sang thứ tính cách thứ hai của sông Đà: trữ tình. Nó “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo”… Cái nhìn lãng mạn và lối so sánh, liên tưởng đầy sở trường đó vẫn vẹn nguyên khi ông phát hiện con sông Đà “tuôn dài, tuôn dài như áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân”.
Kết bài:
Có thể khẳng định, về phương diện nghệ thuật, tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân đạt đến tình độ điêu luyện. Mỗi chữ, mỗi câu đều được trau chuốt cong phu đến kinh ngạc . Qua đó, ta thấy được tài hoa, vốn văn hoá uyên thâm và phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân. Đồng thời ta còn thấy được cảm hứng ngợi ca, tự hào về chất vàng thiên nhiên , về giang sơn gấm vóc Việt Nam của tác giả.
- Phân tích tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
- Cảm nhận tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân