Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

ve-dep-ngon-ngu-trong-chu-nguoi-tu-tu-cua-nguyen-tuan

Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Nghệ thuật viết văn xuôi trong “Chữ người tử tù” thật điêu luyện, ngôn ngữ trong sáng gần đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ, đến nay chưa có cây bút nào có thể vượt qua. Để đạt được trình độ như trên, nhà văn đã sử dụng hệ thống từ ngữ và hình ảnh cổ điển một cách chính xác và hoàn hảo.

Vẻ đẹp ngôn ngữ trong Chữ người tử tù thể hiện trước hết ở việc miêu tả khung cảnh nhà ngục với lớp từ Hán Việt cổ kính nghiêm trang. Tác giả có dụng ý rõ rệt khi dựng lại một khung cảnh xưa cũ và đã đưa chúng ta trở lại quá khứ cách đây hàng trăm năm. Mở đầu là dòng chữ: phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường. Tả cảnh vật thì có vọng canh, chiếc hèo hoa, giá gươm, án thư, con song, giấy bản, ty Niết, tàn đèn, chiếc gông, chậu mực, bức châm,… Tả người thì có thầy bát, thằng thập, thủ xướng, ngục tốt… Tả việc thì có cho chữ, thay bút con, đề xong khoản lạc, lĩnh ý, bái lĩnh,…

Nhà văn đã mượn chữ nghĩa xưa mà khơi dậy cái không khí cổ kính trong khung cảnh của một quá khứ xa xôi. Chỉ cần mấy dòng, tác giả đã lột tả được thần thái, tính hồn của một thời đã qua, “phục chế” chính xác và sinh động ngôn ngữ, cử chỉ của những con người chỉ còn thấp thoáng trong màn sương mờ ảo của dĩ vãng. Thiếu sự “phục chế” này, chắc chắn tác phẩm Chữ người tử tù mất hẳn sự hấp dẫn đối với người đọc.

Vẻ đẹp ngôn ngữ trong Chữ người tử tù thể hiện qua sắc thái biểu cảm đa chiều, vô cùng mềm mại, thắm đẫm chất. Đọc “Chữ người tử tù” ta không thể nào quên những câu văn đầy chất thơ: “Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm, tinh tú, một ngôi sao hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống phía chân giời không định”. Cái nhịp điệu buồn buồn, kéo dài văng vẳng một nỗi tiếc nuối như thấm vào câu văn. Chính câu văn giàu nhịp điệu và âm vang cho nên Vũ Ngọc Phan có cảm tưởng “Đọc lên nó ngân sâu như những tiếng đàn trầm”.

Tác phẩm đưa người đọc trở về với một thời kì văn hoá xưa cũ, đắm mình vào không khí của một cửa ngục tiêu biểu cho thời phong kiến suy tàn, đầy quyền lực mà ngu xuẩn, hùa nhau huỷ diệt nhân cách và đức tài. May mà trong đó còn nổi lên một tấm lòng biết quý trọng, tôn kính Cái Đẹp của đức độ, tài ba. Những điều chứa chất sâu lắng bên trong nội dung của truyện đã chinh phục được người đọc.

Người xưa nói trong văn có nhạc, có họa, điều đó thật đúng với “Chữ người tử tù”. Khi viết về con người của dĩ vãng xa xăm, Nguyễn Tuân thường tạo cho câu văn nhịp điệu đĩnh đạc, thong thả, từ tốn, tưởng chừng nhà văn cố diễn đạt cầu kì nhưng suy nghĩ kĩ mới thấy nhịp điệu và kết cấu câu văn đã góp phần gợi không khí cho truyện, tạo nên sự cộng hưởng hài hoà, giúp người đọc hình dung ra phần nào cuộc sống chậm rãi, thậm chí gần như tù đọng của một thời đã qua: “Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. Nơi góc chiếc án thư cũ đã nhợt màu vàng son, một cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi. Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương”… “Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đây giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.”

Ở Nguyễn Tuân, ta còn bắt gặp hai thao tác ngỡ mâu thuẫn mà thực ra là thống nhất: sử dụng từ ngữ chuyên biệt, chính xác song song với hình thức biểu đạt kiểu lạ hóa.

Có thể nói, bậc thầy ngôn từ. Nguyễn Tuân lựa chọn những từ ngữ thật đích đáng để gọi sự vật đúng tên của nó, đặc tả sự vật đúng tính chất của nó. Chẳng hạn trong “Chữ người tử tù”, ông gọi tâm hồn và tấm lòng của quản tù “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Nguyễn Tuân đã có những câu văn đặc sắc, giàu tính tạo hình khi ông lột tả chiếc gông cùm của sáu tên tử tù: “Sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước. Cái thang dài ấy đặt ngang trên sáu bộ vai gầy. Cái thang gỗ lim nặng, đóng khung lấy sáu cái cổ phiến loạn, nếu đem bắt lên mỏ cân, có thể nặng đến bảy tám tạ. Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù. Gỗ thân gông đã cũ và mồ hôi cổ mồ hôi tay kẻ phải đeo nó đã phủ lên một nước quang dầu bóng loáng. Những đoạn gông đã bóng thì loáng như có người đánh lá chuối khô. Những đoạn không bóng thì lại sỉn lại những chất ghét đen sánh”

Để đặc tả không gian đỏ rực và màn khói trắng, Nguyễn Tuân đã tạc lên bức điêu khắc biểu tượng, hội tụ cái đẹp: “Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, họ dụi mắt lia lịa. Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực”. Cái uyên bác của Nguyễn Tuân đã đem lại cho trang văn tính tạo hình và trở nên phong phú và chính xác hơn.

Nguyễn Tuân luôn tìm kiếm những hình thức biểu đạt rất khác thường. Ông rất công phu trong việc ghép từ, hoặc thay thế một từ thông dụng bằng từ ngữ lạ hoắc, gây bỡ ngỡ cho người đọc. Từ ngữ, câu văn được lạ hóa: “Những đoạn không bóng thì lại sỉn lại những chất ghét đen sánh”; “mưa rệp”; “biệt nhỡn”; “tính ông vốn khoảnh”; “Ông Trời nhiều khi hay chơi ác đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã”;…

Nguyễn Tuân thuộc số những cây bút đặc biệt chú trọng hình thức câu văn. Điều này thể hiện rõ ở sự gia công của ông về cách cấu tạo câu cũng như về các biện pháp tu từ trong câu. Nếu cấu tạo câu thời kì trước Cách Mạng trong văn ông phù hợp với giọng điệu cổ kính trang nghiêm, thì với thời kì sau Cách Mạng câu văn cầu kì, nhiều khi dài hơi, trau chuốt hơn phù hợp với cá tính phô bày tri thức của mình và tài dùng chữ.

Câu văn của Nguyễn Tuân thường có xu hướng phức hóa. Bất cứ thành phần nào trong câu văn của ông cũng đều có thể được phát triển một cách dễ dàng. Ông mang trong mình cái giọng kể khoan thai trong những thiên truyện, giọng giãi bày miên man trong những thiên tùy bút, giọng phân tích, phẩm bình tỉ mỉ kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” trong các bài viết về văn học nghệ thuật.

Vẻ đẹp ngôn ngữ trong Chữ người tử tù không chỉ thể hiện ở bình diện cấu trúc ngôn ngữ mà còn ở mặt tu từ. Nói cách khác, yêu cầu về tu từ đã được đáp ứng bằng những đặc điểm của cấu trúc. Những biện pháp và phương tiện được nhà văn sử dụng thường khiến cho câu văn phải dãn ra, trổ nhiều cành nhánh rậm rạp, với những tầng bậc khác nhau và đạt hiệu quả thẩm mĩ rõ rệt. Trong các phép tu từ, thì sóng đôi cú pháp, điệp, giải nghĩa, tách câu là những biện pháp được Nguyễn Tuân ưa dùng hơn cả.

Có những kiểu tu từ dễ kéo câu văn trở về kiểu du dương biền ngẫu cũ kĩ một thời, (ví như phép sóng đôi cú pháp), nhưng Nguyễn Tuân vẫn sử dụng một cách thoải mái, và bằng sự cao tay của mình, ông viết nên những câu văn nhịp nhàng cân đối mà vẫn rất hiện đại. Chẳng hạn: “Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều”; câu văn “trổ nhánh rậm rạp”: “Ðêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián”; “Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo”…

Mức độ sử dụng nghệ thuật so sánh cao là đặc sắc trong văn Nguyễn Tuân. Về lượng, câu văn so sánh trong các văn bản thuộc mọi thể loại của Nguyễn Tuân có tỉ lệ cao một cách khác thường so với tác phẩm của các tác giả trong cùng bối cảnh văn học. Nhưng điều đáng nói hơn là hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ so sánh trong lời văn Nguyễn Tuân. Hiệu quả này có được là nhờ những tìm tòi không mệt mỏi của nhà văn về cấu trúc so sánh, về từ chỉ quan hệ so sánh, và đặc biệt là hình ảnh dùng để so sánh.

Chẳng hạn như, khuôn mặt vô tư lự của một viên quan coi ngục được Nguyễn Tuân ví với “mặt nước ao xuân bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”, còn tính cách dịu dàng của con người ấy thì “như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn, xô bồ”; “ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng…vẫn đằng đẵng như nghìn năm ở ngoài”. Miêu tả cảnh tử tù được áp giải, ông viết: “Sáu người né mình tiến vào như một bọn thợ nề thận trọng khiêng cái thang gỗ đặt ngang trên vai”. Miêu tả bầu trời đêm qua tâm trạng của viên quản ngụ, ông sử dụng hình ảnh gợi mở nội tâm thật chuẩn các: “một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân trời không định”;

Săn tìm những hình ảnh dị thường, ít ai nghĩ tới, làm cho mỗi câu văn so sánh thực sự là một kết quả khám phá, thể hiện một cái nhìn khác biệt về đối tượng, đó là những thao tác thường thấy ở phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Thao tác này được nhà văn sử dụng rộng rãi ở mọi thể loại, mọi giai đoạn sáng tác. Vì vậy, thật khó mà thấy được sự khác biệt nghệ thuật so sánh của câu văn trong truyện, trong tùy bút hay trong phê bình, chân dung văn học của ông.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.