Thuyết minh Cột cờ Thủ Ngữ Thành phố Hồ Chí Minh

thuyet-minh-cot-co-thu-ngu-thanh-pho-ho-chi-minh

Thuyết minh Cột cờ Thủ Ngữ Thành phố Hồ Chí Minh

  • Mở bài:

Cột cờ Thủ Ngữ Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nơi ghi dấu một bước phát triển hiện đại của Sài Gòn cuối thế kỷ XIX. Tính đến 2020, công trình đã có tuổi đời 155 năm và là một trong những công trình cổ nhất còn tồn tại do người Pháp xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 16/05/2016, Thành phố đã xếp hạng di tích cấp Thành phố cho công trình Cột cờ Thủ Ngữ.

  • Thân bài:

Cột cờ Thủ Ngữ tọa lạc tại phường Nguyễn Thái Bình (Quận 1, TP.HCM), được xây dựng vào tháng 10/1865 với tên tiếng Pháp là Mât des Signaux (nghĩa là cột tín hiệu), có chức năng là làm tín hiệu cho tàu bè ra vào khu vực Gia Định – Sài Gòn.

Tên gọi “Thủ Ngữ” có thể hiểu theo nghĩa: thủ = giữ, ngữ = án ngữ, tức cột cờ này án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè.

Vào năm 1862, sau khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp quyết định xây dựng khu thương cảng Sài Gòn (Port de Commerce de Saigon) để làm đầu mối thông thương với quốc tế. Năm 1863 Pháp xây dựng xưởng đóng tàu Sài Gòn (Arsenal de Saigon) và tòa nhà trụ sở của hãng Messageries Maritimes (Bến Nhà Rồng). Đến 1865, xây dựng thêm một cột cờ tín hiệu để làm hiệu cho tàu bè ra vào cảng, Cột cờ này được đặt trên nền đồn dinh quan Thủ Ngữ (Thủ Ngữ/Ngự (守禦) là chức quan giữ đồn cảng thủy của nhà Nguyễn), dân gian gọi là Cột cờ Thủ Ngữ.

Về kiến trúc, tổng thể công trình này còn có ba tầng giật cấp, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác giống kiến trúc thành Gia Định xưa. Cây cột sắt được níu bằng nhiều sợi cáp thép lớn. Qua thời gian. sợi nào hư hỏng sẽ được thay thế. Trên chóp cột cờ, người ta treo ám hiệu báo tin cho tàu bè biết lệnh để tránh nạn nguy hiểm khi tàu thuyền qua lại trên sông. Ban ngày trên chóp cột cờ treo cờ bằng vải màu hoặc quả bóng sơn đen. Ban đêm treo đèn khi thì màu trắng khi thì màu đỏ.

Từ khi xây dựng cho đến nay, Cột cờ trải qua nhiều lần thay đổi nhưng chủ yếu chuyển đổi về công năng, hình thức kiến trúc bên dưới và không gian cảnh quan xung quanh cột cờ; phần cột tín hiệu bên trên về cơ bản giữ được hình thức xuyên suốt qua các giai đoạn.

Cột cờ ngay từ khi được xây dựng đã có giá trị lớn về mặt công năng, đó là cột tín hiệu. Vào những năm 1865, một thương cảng Sài Gòn sầm uất được hình thành, nhiều tàu thuyền ra vào tấp nập, việc xây dựng cột tín hiệu rất cần thiết, vì thế đây là thể loại công trình có chức năng và hình thức mới so với quy chế cột cờ vào thời nhà Nguyễn lúc bấy giờ.

Cột cờ là điểm nhấn khác biệt từ công năng đến hình thức so với các di tích còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh và nơi đây từng tồn tại một không gian giao thương, kết nối cộng đồng, do đó, Cột cờ đã trở thành biểu tượng trong tâm hồn của người dân Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều năm tháng. Đến nay, hạng mục cột tín hiệu gần như còn giữ được nguyên bản so với lúc hình thành, là một trong số ít các cột tín hiệu cùng thời còn lại trên thế giới và duy nhất tại Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, Cột cờ Thủ Ngữ mang giá trị cao về lịch sử và kiến trúc.

Cột cờ đặt tại ngã 3 sông, một vị trí thuận lợi để kết nối các chuyến tàu và bên cạnh là giao thông đường bộ rất náo nhiệt với những đoàn tàu, xe cộ qua lại, chính vì vậy khu vực này được tăng cường thêm không gian chức năng như xây thêm khối đế dưới chân cột cờ với chức năng phục vụ công cộng và cải tạo khuôn viên, thu hút người dân tập trung đông đúc đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, quang cảnh giao thương sầm uất mà chưa từng có trước đó.

Phân tích vị trí di tích Cột cờ trên bản đồ không gian đô thị trong bán kính 500m, có thể nhận thấy rằng di tích này là một thành phần quan trọng trong quần thể di tích lịch sử tiêu biểu của Thành phố ngày nay, đó là: Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Mống, toà nhà Cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh…

Đứng bên dòng chảy của lịch sử, Cột cờ là nhân chứng cho các sự kiện lịch sử của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những sự kiện nổi bật nhất diễn ra là vào ngày 05/06/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng, ngày 23/9/1945 một tiểu đội tự vệ chống trả quả cảm một đại đội quân Anh bảo vệ nền độc lập non trẻ và cũng tại nơi đây ngày 08/3/2010 những đốt hầm đầu tiên của hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

Hơn 150 năm, Cột cờ mang trong mình giá trị lịch sử, là nhân chứng cho sự phát triển liên tục của vùng đất Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Cột cờ Thủ Ngữ trở thành cột mốc đánh dấu hình ảnh một Sài Gòn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chuyển mình hiện đại, là biểu tượng mang dấu ấn lịch sử của vùng đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Kết bài:

Cột cờ Thủ Ngữ là nơi ghi dấu và chứng kiến nhiều thay đổi lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, đã trở thành một biểu tưởng không thể thay thế và là thành phần quan trọng trong cụm di tích lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực Bến Bạch Đằng. Cùng với Cột cờ Hà Nội, Kì đài cố đô Huế, Cột cờ đất Mũi Cà Mau,…, Cột cờ Thủ Ngữ TPHCM là một trong những biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.