ve-dep-phong-cach-nha-nho-qua-bai-ca-ngat-nguong-va-bai-ca-ngan-di-tren-cat

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Văn học trung đại Việt Nam để lại dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc với những tinh hoa của thời đại như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du…Và có lẽ chúng ta sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến cụ Trứ tài danh và Thánh Quát nổi tiếng một thuở đăng đàn. Ông Hi Văn và bậc Cúc Đường là những nhà thơ tài năng và bản lĩnh. Tác phẩm mà những nhà nho để lại cho đời khá lớn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là “Bài ca ngất ngưởng” và “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” (Sa hành đoản ca). Hai tác phẩm thể hiện đậm nét vẻ đẹp phong cách nhà Nho của hai bậc đại Nho, vừa có những nét chung vừa hết sức riêng biệt, độc đáo.

Cái tôi đó chính là bản ngã của mỗi con người. Trong văn học cái tôi tạo nên cá tính riêng, nét độc đáo và mới lạ trong mỗi một tác phẩm. Văn học trung đại chịu sự chi phối của những quan niệm văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí, những đề tài cao cả trang trọng, nên bóng dáng cái tôi nằm khuất trong hai chữ “phi ngã”. Bởi lẽ, xã hội phong kiến với quan niệm “khắc kỉ phục lễ” – cộng đồng, tập thể được đề cao, con người phải che dấu những cảm xúc riêng tư, nhường lại cho cộng đồng phát triển.

Thế nhưng, Bài ca ngất ngưởng ( Nguyễn Công Trứ ) và Bài ca ngắn đi trên bãi cát ( Cao Bá Quát) lại đi ngược “phong thái” chung của xã hội – dám đề cao cái tôi riêng tư. Hướng đi đó đã tạo nên một bước đột phá mới cho thời kì văn học trung đại.

Đi ngược tinh thần chung, không có nghĩa hai nhà nho đã khiến mình trở nên biệt lập, lạc lỏng, bởi. Bài ca ngất ngưởng được Nguyễn Công Trứ sáng tác sau gần 30 năm làm quan ( 1819 – 1848) dưới triều Nguyễn. Bài ca ngắn đi trên bãi cát ra đời khi Cao Bá Quát đang trên đường vào Huế dự thi. Hai bài thơ tuy ra đời trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng hai hồn thơ riêng biệt lại gặp nhau cùng một suy nghĩ, đó chính là vai trò, trách nhiệm của kẻ làm trai đối với đất nước.

Trong Bài ca ngất ngưởng Nguyễn Công Trứ khẳng định: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” (mọi việc trong trời đất đều là của ta). Đó như một lời tuyên ngôn trang trọng, hào hùng của đấng trai tài về trách nhiệm, bổn phận của mình trong việc “phò vua giúp đời”. Cao Bá Quát lại khẳng định trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát: “Mặt trời đã lặn chưa dừng được”. Đó cũng là tuyên ngôn của kẻ hiền sĩ trên con đường khoa cử dù gian khó nhưng nhất quyết không chịu bỏ cuộc, luôn cố gắng bước tiếp để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Như vậy, xét về phương diện này chúng ta thấy “cái tôi” Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đã thực sự hòa vào dòng chảy của thời đại, sống “trung quân ái quốc”, sống với phẩm chất anh hùng đại trượng phu

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

(Nguyễn Công Trứ)

“Nhất sinh đệ thủ bái hoa mai”

(Một đời chỉ cúi lạy trước hoa mai)

(Cao Bá Quát)

Và trong dòng sông chung đó, hai trí sĩ đã chọn cho mình một bến đỗ, rất riêng, rất độc đáo, và mới lạ trước cuộc đời và thế sự.

Trong Bài ca ngất ngưởng cái tôi Nguyễn Công Trứ đang tự thuật, tự hào về thực tài, thực danh, thực cách của mình. Mấy ai làm thơ, viết văn ca ngợi về mình, đặc biệt đối với những nhà nho quá thấm nhuần lễ giáo phong kiến. Thế nhưng cái “ngất ngưởng” lại in bóng suốt cuộc đời của một chàng trai, một ông quan to, một vị tướng tài, một cụ già “giải tổ”. Vậy, vì sao Nguyễn Công Trứ có thể sống “ngất ngưởng” – sống khác đời, khác người như thế? Bởi lẽ, khi thi cử ông đã đỗ “ thủ khoa”, khi làm quan ông đã từng “Tham tán”, “Tổng đốc Đông”, rồi “thao lược” lúc “Bình Tây đại tướng”. Và thật hài hước, dí dỏm với một ông già:

– “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.

– “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”.

Bởi:

“Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phới phới ngọn đông phong”.

Thật đáng khâm phục một cái tôi tài năng, khẳng khái và bản lĩnh. Làm quan là “vào lồng” nhưng vẫn dọc ngang vẫy vùng và tận hiến công sức cho đời. Miệng lưỡi thế gian cay nghiệt là thế, được mất khen chê vốn lẽ ở đời vẫn vậy, nhưng biết vượt qua nó, sống thực với cái tâm của mình mới là điều đáng quý. Như vậy, cái tôi Nguyễn Công Trứ là một cái tôi đi trước thời đại. Cốt cách, bản lĩnh của kẻ sĩ đã tạo nên một con người giàu năng lực, bỏ qua lễ giáo phong kiến dám sống cho mình, theo đuổi “cái tôi” – cái tâm tự nhiên.

Với Cao Bá Quát, trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát chúng ta lại thấy một “cái tôi” loay hoay mãi với con đường công danh. Xã hội phong kiến vốn coi trọng khoa cử, công danh. Nhưng Cao Bá Quát lại có cái nhìn khá mới mẻ về con đường công danh, hoạn lộ:

“Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời
Đầu gió hơi thơm men quán rượu
Người say vô số tỉnh bao người”

Hóa ra con đường công danh vinh quang, bổng lộc cũng lắm mà bon chen, đố kị cũng nhiều. Dù con đường đó lắm cơ mưu sát phạt nhưng nó lại như một thứ rượu ngon làm cho con người mê muội, càng lúc càng sa lầy. Cao Bá Quát cũng thuộc vào “người say vô số”. Tuy nhiên ông lại ý thức được điều đó – ý thức rõ vòng xoáy danh lợi, thì chưa hẳn đã là say. Say hóa ra lại là tỉnh, Cao Bá Quát đã vượt lên trên lối suy nghĩ thông thường, nhận ra sự trì trệ của những nề nếp đã trở nên cũ kĩ, lạc hậu. Dẫu biết rằng trong xã hội đương thời, đó vẫn là nhận thức suy nghĩ của một cá nhân, nhưng lại đặt ra vấn đề to lớn của xã hội đó là đổi mới tư duy. Như vậy cái tôi của Cao Bá Quát không còn mang tính cá nhân nữa, mà nó mang tầm cao mới của thời đại, nói cái việc chưa ai từng nói, nghĩ cái việc chưa ai từng nghĩ. Một cái tôi quyết liệt, hiên ngang và thật kì vĩ .

Thật vậy, Bài ca ngất ngưỡngBài ca ngắn đi trên bãi cát của hai bậc tài nhân là những “đóa sen nở rộ” trong lịch sử văn học bởi tính sáng tạo, mới mẻ rất con người, rất đời thường và cũng rất đẹp đẽ, thanh cao. Ý thức về nhân cách con người đã giúp hai nhà nho vượt lên trên tất cả thói thường – những suy nghĩ nề nếp, bảo thủ để vươn lên tầm cao mới, có thể dự báo trước tương lai mai sau.

  • Kết bài:

“Văn học là nhân học. Xã hội hôm nay đã đổi mới nhưng ý nghĩa của những “bài ca” vẫn giữ nguyên chân giá trị. Thời thế đã đổi thay, hôm nay những “ cái tôi” đã được bộc lộ tự do hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn. Con người ta có thể tự do hành động, tự chủ hơn trong bước đường tương lai của mình. Nhưng, có phải ai cũng đủ tỉnh táo để đừng bị cuốn hút theo vòng xoáy của danh lợi? Có phải ai cũng sống hòa mình nhưng vẫn giữ nguyên cái “ bản ngã” của riêng ta? Có phải ai cũng mạnh mẽ, tự tin để đổi mới tư duy trước những nề nếp lỗi thời? Có phải ai cũng ý thức “ sống là hành động”, nỗ lực phấn đấu cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước mà không tính toán thiệt hơn? Vậy làm thế nào để không hối tiếc? Làm thế nào để không hổ thẹn trước các bậc tiền bối lừng danh? Chúng ta, những thế hệ hậu sinh hãy rèn luyện, phấn đấu, cống hiến hết mình, hãy sống có ích, sống trách nhiệm trước bản thân và trước cuộc đời.


Tham khảo:

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

1. Nguyễn Công Trứ và “Bài ca ngất ngưởng”.

– Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) biệt hiệu Hi Văn, xuất thân trong một gia đình nho học ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông đỗ giải nguyên, được bổ làm quan nhưng con đường quan lộ không thông thuận. Ông là người tài năng trên nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, quân sự, quân sự, xã hội và có bản lĩnh cá nhân.

– Sau khi nghỉ hưu, cách ông nghỉ và chơi cũng khác thương. Ông đeo mo vào đuôi bò, ông dẫn các cô gái trẻ lên chơi chùa, ông đi hát ả đào và tự đánh giá cao việc làm đó. Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự, sau khi đã làm được nhiều việc có ích cho đời. Ông coi điều quan trọng nhất của nhà nho là hoạt động thực tiễn chứ không phải là nếp sống uốn mình theo dư luận khen, chế. Hát nói là bộ môn nghệ thuật ông say mê từ nhỏ, khi về hưu ông vẫn đi hát. Ông không muốn tỏ ra mình là một bậc phi phàm, khác đời như các thánh nhân (không cố biến mình thành Phật, Tiên, song ông cũng coi thường những kẻ phàm tục không biết thú chơi tinh thần tao nhã).

– Nguyễn Công Trứ sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm, đặc biệt là có nhiều đóng góp cho thể loại hát nói. Bài ca ngất ngưởng thể hiện được phong cách sống “ngất ngưởng” ngang tàng, tính cách và bản lĩnh cá nhân vượt ra ngoài khuôn khổ. Nho gia nhưng mang ý nghĩa tích cực của Nguyễn Công Trứ trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân.

Sự ngang tàng, phá cách lối sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ:

– Đặc điểm của một nhà nho truyền thống: Đề cao đạo trung hiếu, coi trọng tài nhưng đề cao đức hơn (Nguyễn Trãi: “Tài thì kém đức một vài phân”); Khuân mẫu ứng xử phổ biến: nghiêm cẩn, khiêm tốn, lễ nghi phép tắc, giấu cái cá nhân riêng tư, uốn mình theo khuôn khổ lễ giáo “Khắc kỉ, phục lễ, vi nhân” (Khổng Tử, Luận ngữ) – thủ tiêu cái riêng tư cá nhân, uốn mình theo lễ là đạo có nhân. Lễ là nhằm quy định phạm vi của mỗi cá thể trong xã hội, do đó thủ tiêu cái cá nhân, để cao lí trí, thủ tiêu tình cảm tự nhiên. Đây là một nguyên tắc cần thiết cho sự ổn định của chế độ phong kiến, và trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể là có ý nghĩa tích cực; nhưng trong một số hoàn cảnh thì lại hạn chế sự năng động sáng tạo cá nhân.

– “Ngất ngưởng” chính là một lối sống thực hơn, dám là chính mình, dám khẳng định bản lĩnh cá nhân, thuận theo tự nhiên “việt danh giáo, nhiệm tự nhiên”, phá vỡ khuân mẫu hành vi “khắc kỉ lễ phục”. Ông ngất ngưởng khi hành đạo (làm quan), thực hiện các chức phận, ông luôn tỏ ra thẳng thắn, dám kiến nghị, góp ý cho cả vua, ông cũng không chấp nhận lối sống khom lưng quỵ gối hay thói quỵ lụy thường thấy “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”. Nguyễn Công Trứ dám sống như vậy vì ông thực sự có tài năng trong nhiều lĩnh vực, từ văn chương đến kinh tế, quân sự… và cũng đã lập nhiều công trạng (khi thủ khoa khi tham tán, khi tổng đốc Đông, gồm thoa lượckhi bình Tây, khi phủ doãn Thừa Thiên…). Tuy cho rằng, làm quan là vào lồng, đồng nghĩa với mất tự do nhưng ông vẫn ra làm quan vì đấy là một con đường để ông thể hiện tài năng, hoài bão của mình và để cống hiến cho cuộc đời, cho triều đại. Nên dù bề ngoài là ngất ngưởng, nhưng sâu thẳm bên trong vẫn là “Nghĩa vua tôi cho trọn vẹn sơ chung”.

– Với Nguyễn Công Trứ, ngất ngưởng thực chất là một phóng cách sống tôn trọng sự thực, tôn trọng cá tính, không chấp nhận “khắc kỉ lễ nghi”, uốn mình theo lễ và danh giáo của xã hội Nho giáo. Muốn ngất ngưởng, phải thực sự có bản lĩnh, tài năng và nhân cách, năng lực nhất định đủ để khẳng định mình.

Cảm nhận về hai chữ “ngất ngưởng”:

– “Ngất ngưởng” chính là sự ngang tàng, phá cách,phá vỡ khuôn mẫu hành vi “khắc kỉ phục lễ” để hình thành một lối sống thực hơn, dám là chính mình, dám khẳng định bản lĩnh cá nhân, thuận theo tự nhiên “việt danh giáo, nhiệm tự nhiên”.

– “Ngất ngưởng” là một sản phẩm của thực tế xã hội Việt Nam những năm thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX: đề cao con người cá nhân mà Nguyễn Công Trứ là một trường hợp điển hình. Trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân, Nguyễn Công Trứ trong Bài ca ngất ngưởng đã bộc lộ sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống ngất ngưởng con ông, lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho.

– “Ngất ngưởng” thực chất là một phong cách sống tôn trọng sự thực. tôn trọng cá tính, không chấp nhận “khắc kỉ phục lễ”, uốn mình theo lễ và danh giáo của xã hội Nho giáo. Ông dám kiến nghị, góp ý cho cả vua. Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng vì ông là người thực sự có bản lĩnh, tài năng và nhân cách.

Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng vì ông vè hưu trong danh dự, sau khi đã làm được nhiều việc có ích cho đời. Ông coi điều quan trọng nhất của nhà nho là hoạt động thực tiễn chứ không phải là nếp sống uốn mình theo dư luận khen, chê. Có phong cách làm việc như vậy vì ông thực sự có tài năng trong nhiều lĩnh vực, từ văn chương đến kinh tế, quân sự… và cũng đã lập nhiều công trạng.

Những đặc sắc về nghệ thuật của Bài ca ngất ngưởng

– Giọng điệu: bài hát nói viết theo lối tự thuật, tự nhìn nhận và đánh giá bản thân.

– Thể hát nói: là một điệu ca trù, hình thức tự do, không hạn định số câu, chữ, phù hợp với việc thể hiện những tư tưởng, tình cả, phóng túng, lãng mạn, quan niệm mới mẻ. Thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX chứng kiến sự xuất hiện của con người tự nhiên, có nét cá nhân trong văn học, do đó hình thức nghệ thuật mới: nhâm khúc và hát nói ra đời đáp ứng nhu cầu chuyển tải các cảm xúc mới của con người.

Nhân xét: Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ đã thể hiện rõ cái sự khác biệt, “ngất ngưởng” trong suy nghĩ của ông về một nhà nho chân chính. Ông không ép mình bị trói buộc, đóng khuôn theo tư tưởng Nho học lỗi thời. Nguyễn Công Trứ đã tạo nên cái tôi, phong cách sống thật lạ, đặc trưng của riêng ông Hi Văn mà thôi. Chính Nguyễn Công Trứ, hay Cao Bá Quát hay những người có suy nghĩ như ông Hi Văn đã tạo nên một bộ mặt mới cho Nho học.

2. Cao Bá Quát và “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”.

– Cao Bá Quát (1809 – 1855) người làng Phú Thị – Gia Lâm, là một nhà thơ có tài, đỗ cử nhân, có bản lĩnh, mất trong cuộc khở nghĩa chống chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

– Thơ văn của ông bộc lộ tinh thần phản đối chế độ phong kiến lạc hậu, bảo thủ.

– Tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cái của ông được sáng tác sai những lần ông vào kinh thành Huế thi Hội, mượn hình ảnh người nhọc nhằn đi trên bãi cáo mưu cầu danh lợi để thể hiện tư tưởng của mình.

– Bài ca ngắn đi trên bãi cát là bài thơ tả cảnh bãi cát và sự việc đi trên bãi cát để từ đó dẫn dắt suy nghĩ về con đường danh lợi, rộng hơn là con đường đời; nỗi buồn chán, bế tắc của người trí thức chưa tìm thất đường đi (phù hợp với thi pháp văn học trung đại nhấn mạnh mối quan hệ giữa tình và cảnh).

Lớp nghĩa tả thực lữ khách đi trên bãi cát:

+ Không gian: cát trắng mênh mông, đường xa, xung quang lại bị vây bởi núi, sông, biển.

+ Thời gian: mặt trời lặn

+ Con người: người lữ hành vẫn chưa dừng được, tất tả…

– Lớp ý nghĩa biểu tượng:

+ Không gian biểu tượng: con đường đời, đường thời thế, đường công danh đầy chông gai, nhọc nhằn…

+ Thời gian biểu tượng: tương lai mù mịt, tối tăm khi mặt trời lặn.

+ Sự vật biểu tượng: rượu như cái bả danh lợi đầy cám dỗ, mê muội.

+ Con người biểu tượng: Người đời ham danh lợi, người trí thức đương thời đang bế tắt chưa tìm ra lối đi.

Hình ảnh “bãi cát” trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo và mang tính sáng tạo:

– Tác giả tả cảnh bãi cát và sự việc đi trên bãi cát để từ đó dẫn dắt suy nghĩ về con đường danh lợi, rộng hơn là con đường đời; nỗi buồn chán, bế tắc của con người trí thức chưa tìm thấy đường đi. Bãi cát trắng mênh mông, đường xa, xung quanh lại bị vây bởi núi, sông, biển vừa là không gian thực tả những bãi cát trắng trên con đường đi vào Nam nhưng lại là không gian biểu tượng cho con đường đời, đường thời thế, đường công danh đầy chông gai, nhọc nhằn…

– Tứ thơ sáng tạo, độc đáo bắt nguồn từ hiện thực: đi từ lớp nghĩa tả thực (nỗi nhọc nhằn của người đi trên bãi cát) đến lớp nghĩa tượng trưng (con đường mưu cầu danh lợi chông gai, khó khăn và thậm chí cùng đường, mờ mịt, không thấy đích).

→ Nhận xét: Bài ca ngắn đi trên bãi cát là bài thơ ngắn mà dài, hiện thực mà đầy tượng trưng, trữ tình mà đầy bi phẫn với ý thơ hàm súc, đa nghĩa. Ẩn chứ trong tác phẩm là những suy nghĩ kín đáo của tác giả, là tâm tình da diết với đất nước, là khí phách hiên ngang của chí làm trai, là trí tuệ thông thái, là cái nhìn vượt thời gian, là ước muốn cải cách xã hội và cũng là nhân cách cao đẹp của nhà nho chân chính Cao Bá Quát.

II. So sánh nhân cách nhà nho trong hai bài thơ: Bài ca ngất ngưởng” và “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” .

* Bài ca ngất ngưởng:

– Thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, trong văn học đã xuất hiện dấu hiệu của con người cá nhân mà Nguyễn Công Trứ là một trường hợp điển hình. Trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân, Nguyễn Công Trứ trong Bài ca ngất ngưởng đã bộc lộ sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống của ông, lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho.

Ngất ngưởng thực chất là một phong cách sống tôn trọng sự thực, tôn trọng cá tính, không chấp nhận “khắc kỉ phục lễ”, uốn mình theo lễ và danh giáo của xã hội Nho giáo. Muốn ngất ngưởng, phải thực sự có bản lĩnh, tài năng và nhân cách.

* Bài ca ngắn đi trên bãi cát:

– Cao Bá Quát là một nhà thơ, một nhân vật lịch sử ở thế kỉ XIX. Trong hoàn cảnh nhà Nguyễn trì trệ, bảo thủ, Cao Bá Quát tuy vẫn đi thi song ông tỏ ra chán ghét con đường mưu cầu danh lợi tầm thường. Bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát là một bằng chứng về tinh thần phê phán của ông đối với học thuật và sự bảo thủ, trì trệ của chế độ nhà Nguyễn nói chung, thể hiện tinh thần khao khát đổi mới hoàn cảnh đương thời, dóp phần lí giải hành động khởi nghĩa của ông năm 1854.

– Bài thơ tả cảnh bãi cát và sự việc đi trên bãi cát để từ đó dẫn dắt suy nghĩ về con đường danh lợi, rộng hơn là con đường đời; nỗi buồn chán, bế tắc của người trí thức chưa tìm thấy đường đi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang