Viết bài văn (khoảng 400 chữ) thuyết minh thuật một sự kiện (lễ hội) mà em từng tham dự hoặc chứng kiến.
- Mở bài:
Tuy không nhiều lễ hội như những nơi khác, nhưng Bình Dương có nét văn hóa lễ hội rất đặc trưng như lễ hội chùa ông Bổn, lễ hội Kỳ Yên tại các đình thần, lễ hội đua thuyền truyền thống… nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội chùa Bà hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch tại miếu Bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” mà người dân thường gọi là Chùa Bà.
- Thân bài:
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu không chỉ được người dân Bình Dương mà còn được nhiều người ở các vùng lân cận biết đến.Tọa lạc ở thị xã Thủ Dầu Một, chùa do người Hoa thành lập vào thế kỷ 19. Tuy dân gian gọi là Chùa Bà nhưng thực chất đây là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị nữ thần được cư dân Châu Á thờ phụng và tôn kính.
Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng có lễ rước vía Bà. Cả ngày 14 và suốt đêm, tới ngày 15 tháng giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi lũ lượt hội về chợ Thủ cúng bái, vay tiền làm ăn, trả lễ tiền vay trước và rước hương lộc về nhà. Lễ hội chùa Bà có nhiều tiết mục hấp dẫn mang đậm tính văn hóa dân gian và gần gũi với nhân dân như sự xuất hiện nhiều nhân vật huyền thoại, diễu hành xe hoa, cồng, chiêng, trống, cờ và đặc biệt là không thể thiếu những đoàn lân sư rồng.
Lễ rước kiệu Bà vào ngày rằm rất náo nhiệt, dẫn đầu là bốn con Hẩu, một đoàn gồm 60 thanh niên làm nhiệm vụ mở đường mang cờ hiệu, kiếm và thanh long đao. Tiếp là 25 đội lân vừa múa, đấu võ rầm rộ, theo sau là 6 đoàn xe hoa và hàng trăm thiếu nữ, vai gánh hoa vải đủ màu sắc, nối bước là các đội nhạc, kèn, sáo, phèng la vừa đi vừa tấu nhạc.
Sau đó là cộ Bà, trước cộ là hai án hương lớn nghi ngút, theo sát cộ Bà là ban quý tế, họ có nhiệm vụ đổi các án hương cháy dở lấy từ ky hương trao cho bá tánh, người nhận coi như lộc của bà. Cuối cùng là đoàn khách thập phương dự hội diễu hành qua các phố quanh chợ Thủ Dầu Một.
Sau lễ, khách được tham dự các thú vui chơi, dự lề hội Chùa Ông . Đội múa lân, sư tử, hầu các nơi về thi múa, hóa trang mặt nạ, vừa múa vừa đấu võ. Khi bế mạc lễ hội đoàn gồm 20 lân, rồng, sư tử, hẩu tiếp đến là bộ tứ Tây du ký tiến vào chùa chúc Bà. Cuối hội là lễ rước kiệu Bà rầm rộ diễu hành qua các phố trong thị xã. Ðến 06 giờ chiều đoàn rước trở về Chùa Bà và chấm dứt lễ hội.
- Kết bài:
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là lễ hội đầu xuân của mọi người, mọi nhà. Mọi người đến đây để cùng nhau hái lộc đầu năm, cùng chúc cho nhau “mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc”, qua đó, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, giữa các vùng miền.