Soạn bài: Viết bài văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát (Bài 4, Ngữ văn 6, tập 1, Cánh Diều)

Viết bài văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát.

I. Định hướng.

a. Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát là ghi lại những cảm xúc của bản thân về bài thơ đó

b. Khi viết các em cần chú ý:

– Đọc kĩ để hiểu bài thơ

– Lựa chọn một số yếu tố trong bài thơ mà em thấy yêu thích, thú vị nhất.

– Viết đoạn văn nêu rõ: Em thích nhất chi tiết, yếu tố,… nào trong bài thơ?

II. Thực hành.

Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ lục bát: “À ơi tay mẹ”, “Về thăm mẹ” hoặc về một bài ca dao Việt Nam đã học.

Gợi ý:

a) Chuẩn bị.

– Đọc kĩ đề bài và xác định yêu cầu của đề: Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ lục bát đã học hoặc một bài ca dao đã học.

– Chọn bài thơ mà em sẽ phát biểu cảm nghĩ:

Con người có cố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.

– Đọc lại bài thơ.

b) Tìm ý và lập dàn ý.

* Tìm ý:

– Bài thơ lục bát mà em thích là: Con người có cố, có ông, / Như cây có cội, như sông có nguồn.

– Nội dung trong bài thơ làm em thích là nói về mối quan hệ giữa con cháu với tổ tiên – tình cảm gia đình.

– Nghệ thuật trong bài thơ làm em thích là so sánh.

– Khi đọc bài thơ, em suy nghĩ về việc ghi nhớ công ơn của tổ tiên, cảm xúc trân trọng những gì ông cha ta đã làm.

* Lập dàn ý đoạn văn:

– Mở đoạn: Bài ca dao là tác phẩm hay thuộc chủ đề tình cảm gia đình.

– Thân đoạn:

+ Bài ca dao nói về sự thủy chung mà con cháu dành cho tổ tiên của mình.

+ Hình ảnh so sánh: cây có cội, sông có thượng nguồn, nơi bắt đầu để chúng phát triển giống con người nhờ có ông bà, tổ tiên thì mới có chúng ta ngày hôm nay.

+ Sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc, giản dị.

+ Hình ảnh thơ quen thuộc, dung dị như một lời nhắc nhở về sự biết ơn những thế hệ đi trước.

– Kết đoạn: Bài ca dao đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến ông bà, tổ tiên và cả những thế hệ đi trước từ rất lâu.

Bài viết:

Người xưa từng nói:

Con người có cố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Đây là một trong những bài ca dao hay nhất thuộc chủ đề tình cảm gia đình. Bài ca dao nói về sự thủy chung mà con cháu dành cho tổ tiên của mình. Nhắc nhở chúng ta nhớ ơn đến tổ tông nòi giống và còn rộng lớn hơn nữa. Hình ảnh so sánh con người giống như câynhư sông. Cây có gốc, sông có thượng nguồn, nơi bắt đầu để chúng phát triển, sinh sôi. Con người cũng thế, nhờ ông bà, tổ tiên thì mới có chúng ta ngày hôm nay. Bài ca dao sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc, nêu lên một cách giản dị và dễ hiểu, muốn nhắn nhủ con cháu phải nhớ ơn ông bà tổ tiên, không được vong ơn bội nghĩa. Hình ảnh thơ quen thuộc, dung dị như một lời nhắc nhở về sự biết ơn những thế hệ đi trước. Qua đó, bài ca dao đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến ông bà, tổ tiên và cả những thế hệ đi trước từ rất lâu.

Tham khảo:

Cảm nghĩ về bài ca dao ““Công cha như núi ngất trời”.

Mỗi người con của đất Việt yêu thương hầu như ai lớn lên cũng may mắn được đắm chìm trong lời ru ngọt ngào của mẹ, của bà từ thuở nằm nôi. Bài ca dao về “Công cha nghĩa mẹ” dường như ai cũng nhớ, cũng ghi sâu:

“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

Câu thứ nhất nói về “công cha”. Công cha đã từng được so sánh với núi Thái Sơn; ở đây công cha lại được ví với “núi ngất trời”, núi hùng vĩ, núi cao chót vót, cao đến mấy tầng mây xanh, núi chọc trời. Câu thứ hai nói về “nghĩa mẹ”– nghĩa mẹ bao la, mênh mông, không thể nào kể xiết. Nghĩa mẹ đươc so sánh với “nước ở ngoài biển Đông”. Nghệ thuật so sánh và đối xứng đã tạo nên hai hình ảnh kì vĩ, vừa cụ thể hóa, hình tượng hóa, vừa ca ngợi nghĩa mẹ công cha với lại tình yêu sâu nặng. Tiếng thơ dân gian khẽ nhắc mỗi chúng ta hãy ngước lên nhìn núi cao, trời cao, hãy nhìn xa ra ngoài biển Đông, lắng tai nghe sóng reo sóng hát cùng thủy triều vỗ mà suy ngẫm về công cha nghĩa mẹ. Thấm thía và rung động biết bao.

“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông”

Hai câu cuối, giọng thơ cất lên thiết tha ngọt ngào. Tiếng cảm thán “con ơi!” là lời nhắn nhủ ân tình về đạo làm con phải biết “ghi lòng” tạc dạ công cha nghĩa mẹ:

“Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

Câu trên là một ẩn dụ, nhắc lại, nhấn mạnh công cha nghĩa mẹ như “Núi cao biển rộng mênh mông”. Câu cuối bài ca dao, nhà thơ dân gian sử dụng cụm từ Hán Việt “cù lao chín chữ” để nói lên công ơn to lớn của cha mẹ như sinh thành nuôi dưỡng, cho bú mớm nâng niu, chăm sóc dạy bảo. Bài ca dao là lời nhắc nhở sâu sắc về đạo làm con của mỗi người đối với đấng sinh thành của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang