viet-bai-van-nghi-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-hinh-thanh-loi-song-tich-cuc-trong-xa-hoi-hien-dai-bai-4-ngu-van-11-tap-1-ket-noi-tri-thuc

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại) (Bài 4, Ngữ văn 11, tập 1, Kết Nối Tri Thức)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại).

* Yêu cầu:

– Nêu được vấn đề thực sự có ý nghĩa, hướng đến việc hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại.

– Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ, phù hợp với logic của vấn đề bàn luận; sử dụng các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, thích hợp, đầy đủ.

– Nêu được ý kiến về vấn đề bàn luận từ một góc nhìn khác.

– Rút ra được ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề.

I. Phân tích bài viết tham khảo.

Văn bản: Cư dân của hành tinh.

1. Nêu vấn đề cần bàn luận theo lối gián tiếp.

– Dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận: Cư dân của hành tinh.

2. Luận điểm 1: Xem xét vấn đề từ nguồn gốc chung của loài người.

– Loài người trên thế giới hiện nay vốn cùng chung một nguồn gốc, là loài được định danh bằng cái tên Hô-mô Xa-piên (Hôm Sapiens) có nghĩa là người tinh khôn.

3. Luận điểm 2: Xem xét vấn đề từ thực tiễn lịch sử cận – hiện đại của thế giới.

– Từ thế kỉ XVI, con người của các dân tộc bắt đầu tìm cách liên hệ, liên kết với nhau. Quá trình toàn cầu hóa bắt đầu từ đó.

4. Nêu bằng chứng xác nhận sự kết nối với nhau của con người trên Trái Đất hiện nay.

– Chúng ta có thể thấy thế giới hiện hữu một cách sống động quanh mình. Tất cả các tiện nghi sinh hoạt mà ta dùng hằng ngày từ quần áo, giày dép, đồ ăn thức uống, phương tiện đi lại đến những phương tiện liên lạc hiện đại như điện thoại thông minh, máy vi tính, rô-bốt,.. là các minh chứng rõ ràng. Chúng đến từ những nơi sản xuất khác nhau trên địa cầu, tạo sự gắn kết giữa ta với thế giới. .

5. Luận điểm 3: Xem xét vấn đề từ mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc.

– Chúng ta phải chấp nhận những luật chơi chung và phải tôn trọng những giá trị phổ quát toàn cầu. Hợp tác cùng phát triển đã trở thành một nhu cầu tất yếu để mọi bên đều được hưởng lợi. Tất nhiên, trong cuộc chơi chung mà tất cả đều tham gia này, mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc, từ vị thế, điều kiện và sở trường của mình, phải có đóng góp xứng đáng. Những tiến bố mà con người đạt được trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa đều đem lại niềm vui cho cả loài người và thu hút sự chú ý của mỗi chúng ta.

6. Nêu bằng chứng từ những sự kiện mang tính chất đại chúng.

– Một mẫu điện thoại di động … quốc gia, lãnh thổ.

– Một cú sút thần sầu của … phấn khích.

7. Luận điểm 4: Xem xét vấn đề từ góc nhìn khác.

– Thế giới chúng ta đang sống gặp nhiều bất ổn và sức khỏe của mẹ Trái Đất vẫn thường xuyên bị đe dọa. Xu thế toàn cầu hóa kéo theo nhiều hệ lụy. Sự hướng về những giá trị chung có nguy cơ làm phai nhạt những bản sắc riêng.

8. Nêu bằng chứng cho ý kiến từ góc nhìn khác: toàn cầu hóa gặp nhiều thách thức.

– Như nạn khủng bố, trào lưu di dân, những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân,… đang làm đau đầu các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội và khiến tất cả chúng ta phải lo âu, thậm chí là sợ hãi. .

9. Luận điểm 5: Ứng xử thực tế cần có của mỗi người khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bàn luận.

– Là một cư dân của hành tinh, chúng ta cần phải biết chia sẻ những niềm vui và nỗi lo mang tính toàn cầu. Trách nhiệm với cá nhân, gia đình, quốc gia, dân tộc chưa phải là tất cả. Trách nhiệm với toàn bộ sự sống trên Trái Đất, với tương lai của loài người nhất định phải trở thành mối bận tâm của mỗi người có đọa đức và lí trí.

10. Thay lời kết luận bằng một trích dẫn phù hợp.

–  Lời của George Vernasky đã phát biểu: Lần đầu tiên, con người đã thực sự …. cả mặt toàn cầu nữa.

II. Trả lời câu hỏi cuối bài.

Câu 1. Nêu vấn đề chính được bàn luận trong bài viết và ý nghĩa của nó.

Trả lời:

– Vấn đề: Cư dân của hành tinh.

– Ý nghĩa: Đây là vấn đề đáng suy ngẫm để xác định được cho mình một thái độ sống tích cực, có trách nhiệm với cuộc đời và sự sống nói chung.

Câu 2. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong bài viết.

Trả lời:

– Luận điểm 1: Xem xét vấn đề từ nguồn gốc chung của loài người.

– Luận điểm 2: Xem xét vấn đề từ thực tiễn lịch sử cận – hiện đại của thế giới.

– Luận điểm 3: Xem xét vấn đề từ mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc.

– Luận điểm 4: Xem xét vấn đề từ góc nhìn khác.

– Luận điểm 5: Ứng xử thực tế cần có của mỗi người khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bàn luận.

Câu 3. Nhận xét về mức độ thuyết phục của các bằng chứng được người viết đưa ra.

Trả lời:

Dẫn chứng cụ thể, đa dạng tạo nên độ thuyết phục cao cho bài viết.

III. Thực hành viết.

1. Chuẩn bị viết.

Đề tài bạn sẽ chọn, như được định hướng từ nhan đề chung của phần Viết, nên là đề tài có thể khơi dậy được thái độ sống tích cực trong hoàn cảnh sống có nhiều thách thức mới hiện nay. Cần bình tâm ngẫm nghĩ về những câu hỏi nảy sinh từ chính cuộc sống của mình, với những điều được gợi mở từ những thông tin mà các phương tiện truyền thông phổ biến vẫn truyền tải hằng ngày.

– Gợi ý một số đề tài có thể chọn đọc: Tự bảo vệ mình trước các tệ nạn; Thực hành lối sống xanh; Đấu tranh cho bình đẳng giới; Tôn trọng sự khác biệt; Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ; Trách nhiệm với lớp người yếu thế trong xã hội; Ý nghĩa của các diễn đàn, câu lạc bộ khởi nghiệp…

– Khi đã xác định được đề tài, nên tìm cho bài viết một nhan đề phù hợp. Tên bài viết có thể là tên của đề tài và việc diễn đạt tường minh về đề tài sẽ tạo tiền đề để thuận lợi cho bạn triển khai thông suốt hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong bài.

2. Tìm ý, lập dàn ý.

Tìm ý:

Gợi ý một số câu hỏi có thể dùng để tìm ý, huy động các bằng chứng:

– Có thể nhìn nhận vấn đề từ những góc độ và theo các cấp độ nào? Tác giả bài viết tham khảo đã triển khai vấn đề từ các góc nhìn: lịch suwr, xã hội, đạo đức; đã chứng minh vấn đề theo từng cấp độ: cá nhân, quốc gia – dân tộc, nhân loại. Cách triển khai này này cách triển khai của bài viết tham khảo ở Bài 3. Như vậy, việc xác định hệ thống luận điểm trong một bài văn nghị luận tùy thuộc vào vấn đề được bàn có thể nhìn nhận từ những góc độ hay theo cấp độ nào.

– Nên chọn những bằng chứng gì để làm sáng tỏ các luận điểm.

– Những ý kiến sáng giá nào có thể trích dẫn?

– Có thể bàn về vấn đề từ góc nhìn trái chiều như thế nào?

– Việc nhận thức sâu sắc về vấn đề có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người, trước hết là với chính người viết?

Lập dàn ý:

  • Mở bài:

– Nêu vấn đề cần bàn luận, hướng bàn luận và ý nghĩa chung của việc bàn luận về vấn đề.

(Bạn có thể giới thiệu vấn đề theo cách trực tiếp như bài viết tham khảo ở Bài 3 hoặc theo cách gián tiếp như bài viết tham khảo ở Bài 4 này. Dù theo cách giới thiệu nào thì phần Mở bài không được dài dòng và cần giúp người đọc nắm rõ ngay từ đầu bài viết sẽ bàn luận về vấn đề gì).

  • Thân bài:

– Miêu tả khái quát hoàn cảnh đời sống làm nảy sinh vấn đề.

– Phân tích lần lượt từng khía cạnh vấn đề theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp.

– Làm rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ về vấn đề.

– Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề được bàn luận.

– Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều.

  • Kết bài:

– Tóm tắt những luận điểm chính đã trình bày và khẳng định ý nghĩa của vấn đề trên cơ sở thu thập nhiều tư liệu và bằng chứng mới.

3. Viết.

– Bám sát dàn ý đã lập để viết, có thể điều chỉnh các nhận xét, đánh giá cho phù hợp với những bằng chứng được đưa ra.

– Mỗi luận điểm cần được triển khai thành một đoạn văn, có câu chủ đề với các ý nhỏ triển khai chủ đề.

– Thường xuyên chú ý mạch lạc và liên kết của bài viết, sử dụng chính xác và đúng chỗ các phương tiện liên kết.

– Việc trích dẫn các ý kiến bàn về vấn đề (nếu có) cần đảm bảo tính trung thực, không cắt xén, có ghi nguồn đầy đủ, chính xác (phần trích dẫn trực tiếp phải được đặt trong ngoặc kép).

– Chú ý sử dụng hình thức đối thoại (với các quan điểm khác) nhằm làm cho vấn đề trở nên nổi bật và sắc nét.

– Có thể vận dụng linh hoạt các yếu tố tự sự và biểu cảm, nhất là khi đề cập những trải nghiệm của bản thân để làm tăng tình thuyết phục của lập luận.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện.

Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập đề:

– Bổ sung ý cần thiết hay lược bỏ những ý đi xa vấn đề chính cần bàn luận.

– Kiểm tra tính chặt chẽ, hợp lí của bố cục; có thể đảo vị trí các đoạn, các câu nếu thấy cần thiết nhằm đảm bảo sự liền mạch, logic của lập luận.

– Triển khai hoàn chỉnh những ý còn sơ sài.

– Thay thế phương tiện liên kết chưa được dùng chính xác và bổ sung phương tiện liên kết chưa được dùng chính xác và bổ sung phương tiện liên kết cần thiết, phù hợp.

– Sửa các lỗi chính tả, diễn đạt và trình bày (nếu có).

* Bài viết tham khảo:

Có bao giờ bạn cảm thấy mình lạc lõng giữa cuộc sống này, giữa những ồn ào, những bon chen của xã hội đầy nhưng thị phi này không? Chắc hẳn chúng ta cũng đã ít nhất một lần cảm thấy như vậy. Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi mọi gánh nặng, bộn bề của cuộc sống để được trở nên nhẹ nhõm, thoải mái hơn nhưng có lúc thật quá khó…

Cuộc đời mỗi con người đều có những thử thách, gian nan, khó khăn đang chờ đợi ta ở phía trước. Có những người không thể chịu được những áp lực của cuộc sống nên dường như họ đã bỏ cuộc, mặc cho dòng người xô đẩy nhưng những cánh bèo trôi trên sông, đến đâu thì đến,… Họ tuyệt vọng, họ cảm thấy chán nản với xã hội đầy những bon chen, thị phi này, có người ngày ngày đến công ty làm việc trong trạng thái mệt mỏi, uể oải rồi bao nhiêu công việc chồng chất lên đầu, đã đành vậy còn luôn bị sếp la mắng, về nhà vợ con phàn nàn, ra đường hàng xóm dị nghị, đến tối thì lại phải thức khuya đến tối mịt làm việc để rồi sáng hôm sau lại vác cái xác mệt mỏi đến công ty. Một vòng luẩn quẩn ngày qua ngày, cứ thế bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông trôi đi cuộc sống họ cứ thế mà bế tắc, không có chút bình yên, hạnh phúc. Có người bảo họ rằng sao không tươi vui lên đi, suốt ngày ủ rũ như thế buồn chết đi được nhưng họ đâu biết rằng đâu phải ai cũng có đủ dũng cảm để bước khỏi vòng tròn đen tối đó để đi tìm lại chính mình, tìm lại mục đính sống chân chính hay những hạnh phúc tươi vui ở đời này.

Nhiều người cho rằng tiền là tất cả và luôn quan niệm rằng: “Nếu một thứ không thể mua bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền”. Câu nói này chắc hẳn phải khiến cho con người ta suy ngẫm nhiều về mặt trái của xã hội này. Liệu rằng những con người giàu có, ăn chơi ngất trời có thật sự hạnh phúc không? Câu trả lời là chưa chắc. Nếu 100% người giàu thì chắc phải có tới 70% là không có được niềm vui trong cuộc sống này.

Phải công nhận một điều họ nhiều tiền thật, họ được nhiều người ca tụng thật nhưng chắc gì họ đã ấm êm với một gia đình luôn chấp chới trong tình trạng đổ vỡ hay một núi công việc phải giải quyết để giữ chắc số tiền đang có và kiếm được nhiều tiền hơn. Và chắc gì buổi tối họ có thể ngủ ngon và sống hạnh phúc, êm đềm như những người bình thường – không danh, không phận, không giàu,…Những người giàu có thể mua được hầu hết được mọi thứ nhưng đâu thể mua được chiếc chìa khóa để khóa chặt chiếc hòm chứa đựng những lo âu, stress, sầu muộn, bế tắc của cuộc sống này và mở ra một cánh cửa tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Nói về người giàu chắc cũng đã nhiều, giờ xét về khía cạnh những người phụ nữ trong gia đình liệu họ có bế tắc không, họ có hạnh phúc với cuộc sống đầy những thử thách, chông gai này? Có những người họ cam chịu lấy người mình không yêu làm chồng để rồi tự gánh lấy những sầu muộn, đau thương. Đầy người mặt hoa da phấn, cao sang, quý phái, một bước ra đường có người đưa người đón nhưng đâu ai biết rằng ẩn sâu sau đó là những nỗi buồn ưu tư, là những điều khó có thể nói hết ngày một, ngày hai.

Một số người còn bất hạnh hơn khi lấy phải những anh chồng vũ phu, những con sâu rượu chỉ biết nhậu với nhẹt, không chịu khó làm ăn, cứ hơi tý là chửi là mắng, là quát con quát cháu, đánh đập, bạo hành vợ… Những người phụ nữ ấy – họ sợ, sợ những tai tiếng thị phi, sợ những lời dèm pha của những người hàng xóm xấu tính đêm về thao thức để hôm sau còn hóng chuyện thiên hạ, buôn hết dưa lê rồi sang dưa chuột… Không chỉ vậy, rất nhiều người bảo sao họ không nói ra, việc gì phải giữ một mình những đau khổ nào ai thấu ấy cho riêng mình. Nhưng không những người phụ nữ luôn hiểu rằng, nếu mình nói ra thì liệu có ai lắng nghe, thông cảm cho mình hay đều chỉ là những cái nhìn hắt hủi, những lời nói cay độc như bóp nát trái tim họ.

Con người mà, nếu không tìm được ánh sáng của cuộc sống này dường như họ sẽ bế tắc, rơi vào vòng tuần hoàn đen tối của xã hội này. Nói là như vậy nhưng đâu phải ta không thể tìm được hạnh phúc, những điều đẹp đẽ của cuộc đời này đâu! Mọi người luôn nói rằng hãy hướng đến những niềm vui bạn sẽ tìm được những chân trời mới nhưng cách mà bạn hành động để tìm kiếm những ánh sáng tươi đẹp mới là điều quan trọng. Nếu nói mà không hành động thì mọi thứ vẫn chỉ là con số không và vòng tuần hoàn luẩn quẩn ấy vẫn diễn ra dù bạn cho rằng mình đã cố gắng. Mọi thứ đều nằm trong bàn tay ta, thế giới này dù có ra sao đi chăng nữa thì cũng đều là do cách nghĩ, cách cảm của chúng ta thôi. Và giờ hãy thôi than vãn về việc bị sếp mắng hay việc mình quá giàu nên khó tìm được người thực sự hiểu mình hoặc là ngại nói ra những tâm sự của mình sợ người ta chê cười,..

Cách nhanh nhất để tìm được hạnh phúc của cuộc sống này luôn xuất phát từ tâm trí bạn, hãy ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo trong cái xã hội méo mó, chai sạn này đi vì bạn chỉ đang chuốc thêm nhiều bế tắc, buồn bực vào bản thân mình thôi. Tốt nhất là bạn nên ngồi thiền hoặc tập yoga, đi du lịch đây đó để giải phóng những kìm nén trong bản thân ta, tìm kiếm những điều mới lạ, thú vị mà ta có thể chưa bao giờ biết đến. Đừng quá gò ép mình trong những khuôn khổ cứng nhắc, hãy thoát ra khỏi cái lồng u ám đó đi, thay đổi cách sống, suy nghĩ tích cực lên và tìm đến nhưng chân trời mới. Đừng ngại thất bại, đừng ngại thay đổi con đường mình đang đi và nếu bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong cuộc sống này thì đừng chùn bước, hãy dũng cảm, mỉm cười và bước về phía trước đón chờ những thử thách một cách chủ động. Hãy tìm đến những thử thách, bước đi mới trong ván cờ cuộc sống này, đừng làm người thụ động, chỉ những người yếu ớt, luôn đắm mình trong u sầu mới làm như vậy! Mỗi chúng ta sinh ra đều mang những khả năng đặc biệt, đừng ngại bước tiếp để khai phá sức mạnh tiềm ẩn đó vì có thể khi bạn trở về với cát bụi bạn sẽ cảm thấy hối hận vì đã không sống vui hơn, khỏe hơn, mạnh dạn hơn và chủ động tìm kiếm hạnh phúc hơn một chút. Sau mỗi cơn mưa rào cầu vồng lại xuất hiện, sau mỗi thất bại đều ẩn chứa những bài học quý giá. Bởi vậy đừng ngại bước tiếp, hãy dũng cảm đi tìm lấy hạnh phúc, niềm vui của cuộc đời mình vì đơn giản mỗi chúng ta chỉ được sống một lần thôi!

Ai cũng vậy những con người ẩn chứa những sức mạnh kì diệu mà đấng tạo hóa đã ban tặng đừng để phí phạm cuộc sống này vì những bế tắc, nỗi buồn triền miên,.. Hãy mỉm cười bước tới, đi tìm màu sắc của cuộc sống này, vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp, không thứ gì sánh bằng. Cuộc sống ngắn lắm nên hãy mạnh mẽ lên, bước đến, mỉm cười và nói rằng: “I can do everything I want”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang