Viết mở bài và kết bài phân tích “Hạnh phúc một tang gia” (trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng)
Hạnh phúc một tang gia là một đoạn trích nằm trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, là tác phẩm mang giá trị cả về nội dung và nghệ thuật trong kho tàng văn học Việt Nam. Thông qua việc miêu tả cảnh đám tang ở nhà cụ cố Hồng, Vũ Trọng Phụng đã vạch trần chân tướng và phê phán quyết liệt bộ mặt xấu xa, bỉ ổi, lố lăng, kệch cỡm đầy thối nát của bọn người mang danh là tầng lớp thượng lưu trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nếu coi Số đỏ là một vở đại hài kịch nhằm phủ nhận triệt để cái xã hội thượng lưu giả dối, lố lăng trước Cách mạng tháng Tám, thì mỗi chương trong tác phẩm như một màn hài kịch sắc sảo. Trong chương XV này, tài năng của Vũ Trọng Phụng thể hiện ở cách xây dựng mâu thuẫn trào phúng và những tính cách trào phúng mang ý nghĩa xã hội, nhân sinh sâu sắc. Tiếng cười Vũ Trọng Phụng là tiếng cười ra nước mắt, sau chuỗi cười hả hê sảng khoái, người đọc lắng vào một nỗi xót xa trước tình trạng phi nhân tính đang hủy hoại cuộc sống.
Bằng tiếng cười mang ý nghĩa đả kích phê phán, nhà văn đã vạch trần bản chất xấu xa của xã hội thượng lưu tư sản thành thị đương thời. Đó là một xã hội vô đạo đức, khô héo tình người, chạy theo lối sống văn minh rởm, vô cùng đồi bại, lố lăng. Đằng sau tiếng cười không phải niềm vui mà là nỗi đau đời, là khao khát đổi thay, muốn chôn vùi xã hội ấy. Chương truyện thể hiện tấm lòng tốt đẹp, mong muốn con người tránh được sự suy đồi về đạo đức do xã hội bất lương tác động. Quan trọng hơn cả, nghệ thuật trào phúng bậc thầy đã thể hiện tài năng, phong cách riêng không thể nhòa lẫn của nhà văn Vũ Trọng Phụng.