y-nghia-hinh-anh-hang-tre-trong-vieng-lang-bac-12234-2

Ý nghĩa hình ảnh hàng tre trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Ý nghĩa hình ảnh hàng tre trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

  • Mở bài:

Viếng lăng Bác được Viễn Phương viết trong lần ra Bắc viếng thăm lăng Bác Hồ sau ngày đất nước thống nhất. Bài thơ là niềm xúc động nghẹn ngào và sự tự hào của người con miền nam khi ra thăm người cha già của dân tộc. trên nền cảm xúc ấy, nhà thơ đa xây dựng hình ảnh hàng tre xanh như một biểu tượng của sức sống bất diệt của dân tọc và tấm lòng trung hiếu của con người Việt nam đối với quê hương, đất nước.

  • Thân bài:

Hình ảnh cây tre, hàng tre xuất hiện ngay khổ đầu bài thơ:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Bên lăng Bác, hàng tre xanh bát ngát trong gió lộng. Qua cái nhìn đầy niềm tin của tác giả, hàng tre xanh trở nên lớn lao, kì vĩ khiến ta liên tưởng đến hàng tre đánh giặc từ trong lịch sử đã về đây canh giữ giấc ngủ của Bác Hồ. Với hình ảnh hàng tre, lăng Bác trang nghiêm bỗng trở nên thật gần gũi, thân thuộc như mọi xóm làng Việt Nam. Hàng tre xanh ấy hay cũng chính là hình ảnh một đất nước Việt Nam bình dị, đằm thắm yêu thương.

Sự xuất hiện của hàng tre trong thơ Viễn Phương không chỉ có ý tả thực, nhà thơ đã viết hình ảnh hàng tre xanh với bút pháp tượng trưng, biểu tượng nhằm gợi ra một điều gì đó từ một hình ảnh ẩn dụ lớn. Hàng tre xanh chính là biểu tượng của sức sống bền bỉ, lòng quả cảm, kiên trung, ý chí bất khuất của dân tộc ta từ nghìn xưa đến nay chưa bao giờ chịu khuất phục. Như cây tre gặp mùa khô hạn im lìm chịu đựng rồi bỗng một hôm vươn mình kì vĩ khi có trận mưa lớn, dân tộc ta đã bao phen quật cường, khiến cho quân giặc phải khiếp sợ, cúi đầu chuốc lấy bại vong.

Hình ảnh cây tre một lần nữa được lặp lại ở cuối bài thơ, khép lại cảm xúc yêu thương của nhà thơ, đồng thời thể hiện khát vọng được gắn kết cuộc đời mình với cuộc đời chung của dân tộc, của tổ quốc:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Phép ẩn dụ “cây tre trung hiếu” ở cuối bài thơ vừa khắc sâu ý nghĩa biểu tượng ở khổ đầu vừa gợi thêm ý nghĩa mới. Đó là tâm nguyện của tác giả muốn được mãi ở bên Người, muốn sống xứng đáng với sự hi sinh cao cả của Người. Hình ảnh cây tre gợi liên tưởng đến phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân” mà Bác đã dặn cán bộ và chiến sĩ. Đó cũng là ước nguyện của muôn triệu người Việt nam nguyện tận trung, tận hiếu bảo vệ và gìn giữ nền độc lập dân tộc trong bão táp của thời đại.

 Từ hình ảnh hàng tre bát ngát trong sương quanh lăng Bác, nhà thơ đã suy nghĩ, liên tưởng và mở rộng khái quát thành một hình ảnh hàng tre mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Dù gặp “bão táp mưa sa”, gặp những thăng trầm trong cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước, vẫn “đứng thẳng hàng”, vẫn đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục.

Hàng tre ấy như những đội quân danh dự cùng với những loài cây khác đại diện cho những con người ở mọi miền quê trên đất nước Việt Nam tụ họp về đây xum vầy với Bác, trò chuyện và bảo vệ giấc ngủ cho Người. Sức mạnh, niềm tin của toàn dân tộc như hội tụ về nới đâu. Nơi Bác nghỉ vẫn luôn xanh mát bóng tre xanh và bát ngát tình người. Chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu.

Đọc thêm:

3 bình luận trong “Ý nghĩa hình ảnh hàng tre trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang