Ý nghĩa hình tượng “ngọn lửa”, “bếp lửa” trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
Bằng Việt rất thành công khi xây dựng hình tượng bếp lửa gắn chặt với hình ảnh người bà hiền hậu. Hình ảnh “ngọn lửa”, “bếp lửa” trong bài thơ mang ý nghĩa biểu trưng đặc sắc.
Trước hết, hình ảnh bếp lửa vốn là hình ảnh thật của bếp lửa mà ngày ngày người bà nhen lửa nấu cơm. Bếp lửa ấy ăn sâu vào đời sống tinh thần của con người, gắn chặt với niềm tin tâm linh vững chắc: sự che chở và phù trợ cuộc sống con người của vị thần lửa.
Nhưng bếp lửa lại trở thành hình ảnh tượng trưng, gợi lại tất cả những kỷ niệm ấm áp của hai bà cháu. Lửa thành ra ngọn lửa tình yêu, lửa niềm tin, ngọn lửa bất diệt của tình bà cháu, tình quê hương đất nước. Bếp lửa mà người bà ấp iu hay chính là tình yêu thương mà bà nâng niu dành tất cả cho cháu, từ việc dạy cháu làm, chăm cháu học, bảo cháu nghe. Bếp lửa cũng là nơi bà nhóm lên tình cảm, khát vọng cho người cháu. Nhóm lửa do đó cũng vừa có nghĩa thực, vừa có ý nghĩa tượng trưng.
Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa, gợi những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu cuộc đời bà, về lẽ sống của bà. Cuối cùng, trong hoàn cảnh xa cách, đứa cháu gửi nỗi nhớ mong được gặp. Hình ảnh “bếp lửa”, “ngọn lửa” trải qua bao thời gian, bao biến đổi rồi cuối cùng đi về với lòng người, trở thành sức mạnh tinh thần chiến thắng nghịch cảnh, vươn tới những gì cao đẹp nhất.
Xem thêm:
- Phân tích bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt
- Phân tích ý nghĩa nghệ thuật của điệp từ “nhóm” trong bài thơ “Bếp lửa”
- Nghị luận: “Bài thơ Bếp lửa biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”