Tại sao nói nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị Tam Quốc?
Đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành” thuộc hồi 28 của bộ tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”. Nổi bậc trong “Hồi trống cổ thành” là tiếng trống thúc giục của Trương Phi. Có ý kiến cho rằng nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị Tam Quốc. Điều này quả thực là có lí.
Tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” giàu màu sắc hùng tráng, mang hơi hướng của sử thi, âm vang, âm hưởng anh hùng ca chiến trận với những việc to lớn, siêu phàm của các vị anh hùng. Trương Phi và Quan Vũ được xếp vào hạng siêu anh hùng, xuất chúng, lại trung nghĩa vẹn toàn. Nghịch cảnh khiến Quan Vũ bị nghi là phản bội, theo giặc, nay trở về để đoàn tụ. Trương Phi vì tình nghĩa anh em mà không thể không kiểm chứng lòng trung của Quan Vũ. Điều này là tất yếu, đúng với nghĩa khí anh hùng.
Chính tình huống xung đột do hiểu lầm và sự minh oan bằng hành động của các vị anh hùng đã tạo nên hoàn cảnh thật đặc biệt, để những phẩm chất trung nghĩa, tín nghĩa có dịp bộc lộ. Chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống là cao trào của truyện, nó khiến cho cuộc hội ngộ và giải oan mang màu sắc của một bản hùng ca. Hồi trống giục vừa là thước đo tài năng của Quan Công, vừa thể hiện tính cách bộc trực của Trương Phi, vừa tạo ra không khí hào hùng của thời Tam Quốc phân tranh. Nó còn làm cho đoạn văn đậm đà không khí chiến trận và khí phách anh hùng, đậm đà, ý vị. Hồi trống ca ngợi tình nghĩa vườn đào giữa ba anh em kết nghĩa, là biểu tượng cho lòng trung nghĩa, cho tinh thần dũng cảm, xả thân, công minh, chính trực.
La Quán Trung đã rất công phu khi xây dựng biểu tượng “tiếng trống” trong “Hồi trống cổ thành”. Nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì có lẽ đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị Tam Quốc. Dụng ý của nhà văn khi xây dựng hình ảnh này rất sâu sắc. Xoay quanh hình tượng các vị anh hùng trong Tam Quốc chính là chữ “nghĩa”. “Đại nghĩa diệt thân”; “vị nghĩa diệt thân” là tiêu chí hành động của người anh hùng được thống nhất trong toàn thiên hạ.
Lại thêm, “tiếng trống” là biểu tượng của chiến trận (hiệu lệnh), là cách đếm thời gian (rất ngắn ngủi) thời bất giờ. Tiếng trống thúc giục từ tay Trương Phi bởi thế chứa đựng nhiều tình ý. Nó thôi thúc Quan Vũ tự minh oan cho mình. Nó thể hiện cái tình nồng nàn của Trương Phi đối với người anh em đồng sinh cộng tử. Nó giúp Quan Công đã bước qua làn ranh giới không thể lẫn lộn giữa “trung nghĩa” và “bội nghĩa”, “chính nghĩa” và “phi nghĩa”. Điều minh chứng ấy không chỉ có ý nghĩa với riêng Trương Phi mà có ý nghĩa với toàn quân, với cả thiện hạ. Bởi vậy, Trương Phi không thể không thử thách Quan Vũ.
Tiếng trống còn giúp khôi phục tình cảm bên trong Trương Phi. Nếu ở đầu đoạn trích, Trương Phi hầm hổ cầm xà mâu đâm Quan Công thì khi đầu Sái Dương rơi xuống, Trương Phi đã “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”, cảm động không sao kể xiết. Điều đó chứng tỏ, Trương Phi bên ngoài thì dữ dội, hung hãn nhưng bên trong lại hết sức tình nghĩa, luôn mong mỏi Quan Vũ vẫn giữ lòng trung nghĩa như xưa. Thế nên, Trương Phi đã tột cùng vui mừng khi tìm lại được người anh của mình sau một thử thách khắc nghiệt, một mất một còn.
Trong sử thi Ramayana, hoàng tử Rama cũng đã đưa ra thử thách tương tự với người vợ yêu quý của mình, nàng Xita. Dĩ nhiên, Rama hết mực tin tưởng Xita trong sạch nhưng chàng không thể chỉ vì tình riêng và vị trí của mình mà khẳng định một cách phiến diện với dân chúng. Bởi thế, việc Xita bước lên dàn lửa để tự kiểm chứng mình là điều tất yếu và rất cần thiết. Rama vô cùng đau xót nhưng không thể làm khác được. Đến khi, ngọn lửa thiêng không chạm đến Xita, mọi sự sự hoài nghi tan biến hết.
Với nhiệt tình ca ngợi người anh hùng và tài năng tổ chức nghệ thuật đạt đến trình độ xảo diệu, qua tiếng trống thúc giục của Trương Phi, La Quán Trung đã thể hiện được cái “nghĩa”, cái “tình” của người anh hùng với tất cả vẻ đẹp ngời sáng cũng như diện mạo phong phú của nó.
Xây dựng hình tượng tiếng trống, La Quán Trung đã tuân thủ bút pháp xây dựng nhân vật của tiểu thuyết cổ điển. Các nhân vật anh hùng chủ yếu sử dụng hành động để thể hiện tính cách trong những tình huống ngặt nghèo. Ở đây là tấm lòng trung nghĩa, tín nghĩa của mình.
- Nghị luận: “Điều quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu cơ hội mà là bạn có nắm bắt được cơ hội hay không”
- Suy nghĩ: “Kẻ bi quan luôn nhìn thấy sự khó khăn trong mọi cơ hội; người lạc quan luôn nhìn thấy các cơ hội trong mọi khó khăn”
- Nghị luận: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại” (Bêlinxki )