viet-doan-van-200-chu-nghi-luan-ve-duc-tinh-trung-thuc

Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về đức tính trung thực

Nghị luận về đức tính trung thực.

Đoạn văn 1:

“Không có gì đáng quý bằng lòng trung thực”. Chính nhờ trung thực, con người mới xây dựng được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp và thành công trong cuộc sống. Hiểu đơn giản, trung thực là tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dám dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Người có lòng trung thực luôn sống công bằng, tốt đẹp, không bao giờ giả dối hay thiên vị, không bao giờ vụ lợi cá nhân, hãm hại người khác. Ai cũng cần phải có lòng trung thực bởi chỉ khi biết trung thực, con người mới được tôn trọng, hợp tác hay giúp đỡ từ người khác để thành công. Người không có lòng trung thực sẽ bị khinh bỉ, ghét bỏ, nhất định sẽ thất bại. Trung thực là một năng lực do rèn luyện chứ không tự có. Muốn có lòng trung thực, nhất định phải biết tôn trọng sự thật, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải ở đời, sống hòa hợp, thân thiện, không tham lam, vụ lợi, không giả dối, lừa gạt người khác. Cuộc sống có thể sẽ khó khăn hơn khi chúng ta bảo vệ sự thật và lẽ phải nhưng chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.


Đoạn văn 2:

Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200) chữ bàn về tính trung thực.

“Trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ”. Quả đúng như vậy, trung thực là một đức tính quý báu mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng đều mong muốn có cho mình. Vậy trung thực là gì? Đó là lối sống ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ công bằng; trung thực là không dối trá, sống đúng lương tâm mình. Trung thực được thể hiện ở rất nhiều mặt của đời sống. Đó là lúc bạn sai lầm và mạnh dạn nhận lỗi về mình. Trong thi cử chấp nhận điểm kém còn hơn gian lận, quay cóp. Trung thực còn giúp cho chúng ta rất nhiều điều khác trong cuộc sống nữa. Nó giúp ta có được sự tin tưởng, tin yêu của người khác. Trong công việc làm ăn, nếu chúng ta làm ăn trung thực với nhau, không gian dối thì cả hai bên đều có lợi. Nếu mỗi con người là một tấm gương sáng về trung thực thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, công bằng, xã hội ổn định, phát triển. Ta cũng cần phê phán những kẻ gian dối, thiếu trung thực. Những kẻ không trung thực là những kẻ xấu, dễ gây mất niềm tin đối với người xung quanh, khiến ai cũng phải dè chừng. Trong cuộc sống hằng ngày, khi vi phạm lỗi lầm gì thì cố gắng kiếm cớ, nói dối sao cho mình thoát khỏi tội. Đó là những hành vi đê hèn của kẻ không trung thực. Người không trung thực là người không tốt. Vậy nên chúng ta cần đấu tranh loại bỏ thói xấu này ra khỏi xã hội. Trung thực là một đức tính tốt, cao quý rất đáng để cho chúng ta noi theo. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá và lừa lọc ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng, hoà đồng và nhân ái.


Đoạn văn 3:

Suy nghĩ về ý nghĩa của lòng trung thực đối với mỗi con người

Trung thực là lối sống thật thà, ngay thẳng; không gian dối, lừa gạt hay làm hại người khác để mưu lợi cho mình. Người có đức tính trung thực không nhận những món lợi (vật chất, tinh thần) không phải do mình làm nên. Họ luôn can đảm nhận lỗi hoặc những hạn chế yếu kém của mình; dám phản ánh những vấn nạn của xã hội… Trung thực rõ ràng là phẩm chất cần thiết và quan trọng nhất đối với mỗi con người. Sống trung thực thì lòng sẽ được thanh thản, lương tâm trong sạch, hưởng được hạnh phúc cuộc sống; được nhiều người tin tưởng, kính trọng. Sống trung thực giúp ta tin yêu con người, làm cho xã hội văn minh tiến bộ. Trung thực là đức tính đáng quý ở con người cần được trân trọng, biểu dương và phát huy trong đời sống. Để đề cao tính trung thực trong đời sống, chúng ta cần quyết liệt phê phán những ai sống lừa gạt, kiếm tiền bằng cách nói dối lừa đảo. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, lòng trung thực nhường chỗ để thực hiện một điều cao cả hơn: đó là tình thương yêu. Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Thiếu đức tính trung thực, các giá trị đạo đức khác cũng không thể hình thành được ở con người. Bởi vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính trung thực để có thể thành công và sống một cuộc đời hạnh phúc.


Đoạn văn 4:

Nghị luận về vai trò của lòng trung thực.

Trung thực là sống thật thà, ngay thẳng, luôn ton trọng sự thật, không làm sai lạc đi; trái ngược với sự dối trá… Cuộc sống rất cần sự trung thực. Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài. Sống chân thành, trung thực là động lực, là điều kiện để con người cố gắng phấn đấu, rèn luyện mình trên con đường tìm đến thành công. Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, …vv… mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực. Đức tính  trung thực và sự chính trực là yếu tố giúp tạo nên quan hệ bền vững, là thái độ ứng xử cao nhất của sự tôn trọng đối với những người xung quanh, cũng là tôn trọng chính bản thân mình. Có cả điều kiện cần và đủ thì con người mới thành công, đạt được ước mơ, sống thoải mái, thanh thản, hạnh phúc. Có thể coi lòng trung thực là đức tính quý giá và cần thiết nhất của con người trên con đường đi đến thành công bởi sự trung thực chính là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững. Sống không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường.


Dàn ý: nghị luận về lòng trung thực

  • Mở bài:

– Đức tính trung thực là một trong nhưng đức tính cần có ở mỗi con người.

  • Thân bài:

1. Giải thích : thế nào là tính trung thực?

“Trung” (trung thành) là hết lòng với người, hết lòng với nước.

“Thực”: sự thật, là những gì đã diễn ra, được nhiều người chứng nhận.

“Trung thực” có thể hiểu là sống ngay thẳng, thật thà, tôn trọng và nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, bảo vệ công bằng, lẽ phải.

2. Những biểu hiện của tính trung thực:

– Trong cuộc sống: Thẳng thắn nhận lỗi khi mắc lỗi ; không báo cáo sai sự thật, không tham lam lấy của người khác làm của mình; sản xuất kinh doanh sản phẩm có chất lượng, đúng giá, không làm giả, làm hại đến người tiêu dùng.

– Trong học tập, thi cử: Không quay cóp chép bài của bạn, không mở tài liệu khi làm bài thi, bài kiểm tra; không chạy điểm; không dùng bằng giả .

3. Lợi ích của tính trung thực :

– Trung thực trong lối sống giúp hoàn thiện nhân cách, được mọi người yêu mến, tôn trọng.

– Trung thực trong học tập giúp ta có kiến thức thực, làm giàu có tri thức của bản thân, giúp ta thành đạt trong cuộc sống. Trung thực giúp ta sửa chữa được lỗi sai của bản thân để thành người tốt.

– Trung thực trong kinh doanh sẽ mang lại uy tín và niềm tin của khách hàng , kinh doanh đạt hiệu quả cao.

– Trung thực sẽ đem lại cho xã hội trong sạch , văn minh , ngày càng phát triển .

4. Phê phán những biểu hiện sai trái ,không trung thực:

– Trong cuộc sống: Sống thiếu trung thực sẽ đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình

– Trong sản xuất kinh doanh: Số liệu báo các thiếu trung thực làm xã hội đi xuống , gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Chất lượng sản phẩm không trung thực sẽ ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe doạ tính mạng con người.

– Trong học tập, trong các kì thi: Nạn học giả, bằng thật do quay cóp chép bài của bạn, gian lận trong thi cử vẫn còn phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực chất của dạy và học, gây dư luận xấu trong xã hội .

– Thiếu trung thực trở thành căn bệnh lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội .

5. Thái độ cần phải có:

– Xây dựng ý thức trung thực trong từng việc nhỏ hàng ngày đến việc lớn.

– Lên án sự thiếu trung thực, đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên .

– Biểu dương những việc làm trung thực .

  • Kết bài:

– Trung thực là một đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời kì hiện đại khi mà chúng ta hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy mỗi chúng ta cần phải xác.


Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về đức tính trung thực

  • Mở bài:

Thomas Jefferson đã từng nói lòng trung thực là trang đầu tiên của cuốn sách trí tuệ. Đức tính trung thực là đức tính cần có ở mỗi con người. Chính lòng trung thực tạo nên giá trị cuộc sống và khẳng định phẩm giá của con người.

  • Thân bài:

Trung thực có nghĩa là gì?

Trung thực là trung thành với sự thật. Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc. Trung thực là luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Trung thực còn là sự thật thà, không giả dối không lừa gạc người khác. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách chân chính.

Biểu hiện của đức tính trung thực:

Người có đức tính trung thực là người luôn thật thà, ngay thẳng và chân thành trong cách nói, cách đối xử với mọi người. Người trung thực không bao giờ nói điều giả dối, nói lời sai trái, bóp méo sự thật. Khi xảy ra lỗi lầm, họ không đổ lỗi hay vu oan cho người khác mà luôn tự chịu trách nhiệm về mình và tìm cách khắc phục.

Người sống trung thực luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí. Họ không gian dối, không ích kỉ hay vụ lợi cá nhân và cũng không bao che cho lỗi lầm của người khác. Người trung thực luôn hướng đến lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để bảo vệ lẽ phải. Bởi thế, họ ghét sự giả dối, không muốn điều đó tồn tại trong cuộc đời mình và trong con người mình.

Tại sao phải biết sống trung thực?

Trung thực trong cuộc sống, và rèn luyện đức tính trung thực là một việc làm cần thiết đối với mỗi con người. Sự trung thực làm nên những giá trị thực sự tốt đẹp của cuộc sống. Lòng trung thực chính là một thước đo quan trọng để đánh giá phẩm chất và đạo đức của con người. Muốn biết nhân cách của một người có thực sự tốt hay không, ta phải xem họ có trung thực trong lời nói và hành động hay không.

Người sống có lòng  trung thực luôn được mọi người xung quanh yêu quý và tin cậy. Con người mới sinh ra không ai dối trá. Nhưng khi bước vào cuộc sống, người ta giả dối bởi những nguyên nhân khác nhau. Họ bị cám dỗ bởi danh lợi, tiền bạc, địa vị… Ai vân giữ được tính trung thực và những phẩm chất cao quý khác, sống không thẹn với lòng thật sự là con người rất đáng quý.

Đức tính trung thực là yếu tố nền tảng tạo nên các đức tính tốt đẹp khác. Sống trung thực giúp ta sống tự tin, quyết liệt hành động. Sống trung thực giúp ta biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, bảo vệ chân lí ở đời. Trung thực là nguồn lực tạo nên sức mạnh của lòng quả cảm.

Nhưng không phải lúc nào ta cũng phải nói thật, thành thật với sự thật. Nếu sự thật ấy có thể làm tổn hại người khác thì ta nên nói giảm, nói tránh để làm giảm di nỗi đau đơn, sự sợ hãi, hay giúp người khác vượt qua nghịch cảnh của bản thân. Xưa đức phật đã nói dối người thợ săn để cứu lấy con hươu bi thương. Một vị bác sĩ nói dối bệnh nhân về bệnh tình nghiêm trọng để bệnh nhân có tự tin vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo. Các chiến sĩ cách mạng khi bị giặc bắt, tra tấn, giam cầm vô cùng đau đớn đã không để lộ sự thật hoạt động của tổ chức để bảo vệ cơ sở, bảo vệ đất nước.

Trong xã hội, vẫn còn những kẽ gian dối, lừa lọc, thủ đoạn, cướp đi nhiều giá trị của cuộc sống. Muốn ngăn chặn điều đó chỉ còn cách mọi người phải trung thực với nhau.

  • Kết bài:

Sống trung thực sẽ giúp con người nhận rõ ý nghĩa của cuộc sống này. Cách sống tốt đẹp ấy sẽ làm cho xã hội và chúng ta ngày càng đẹp hơn. Đặc biệt đới với lứa tuổi học sinh – những người chủ tương lai, rèn luyện tính trung thực là việc làm quan trọng và cần thiết. Đừng bao giờ sống giả dối bởi dối trá và lừa lọc là hành vi của kẻ ngu ngốc và yếu đuối, không thể giúp con người thành công và được mọi người tôn trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang