dan-bai-nghi-luan-that-bai-la-me-cua-thanh-cong

Dàn bài nghị luận: Thất bại là mẹ của thành công

Dàn bài nghị luận: Thất bại là mẹ của thành công

  • Mở bài:

Có được thành công đối với mỗi con người là không hề dễ dàng. Để có thể thành công, con người phải trải qua biết bao gian nan, vất vả, biết bao lần vấp ngã, biết bao lần thất bại, kiên trì đi đến mục đích cuối cùng . Bàn về thất bại và thành công, có ý kiến cho rằng: “Thất bại là mẹ của thành công”.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

Thất bại là không đạt được kết quả, mục đích như dự định (trái với thành công).

“mẹ”: cách nói ẩn dụ chỉ sự sinh thành, tạo ra…

Thất bại là mẹ thành công: ý nói thất bại sẽ giúp con người đúc kết được những kinh nghiệm, đó là cơ sở dẫn đến sự thành công.

⇒ Câu nói hàm chứa triết lý sống: thất bại không được nản lòng, sau mỗi lần thất bại giúp ta tiến đến thành công

2. Bàn luận:

Tại sao có thể nói Thất bại là mẹ của thành công?”:

– Có thất bại mới có kinh nghiệm và rút ra bài học. Sau mỗi lần thất bại, cần nhìn lại để sửa đổi lối suy nghĩ, cách làm việc và từ đó giúp ta tiến gần đến sự thành công.

– Có được những thành công trong cuộc sống chính là biết đi lên từ những thất bại. Sau mỗi lần thất bại, con người biết quý trọng hơn nữa những cơ hội, củng cố ở mình sức mạnh chiến thắng để vượt qua thất bại đi đến thành công.

– Trong cuộc sống, có biết bao tấm gương thành công sau nhiều thất bại đáng để chúng ta học hỏi. nhà bác học Edison đã có hơn nghìn lần thất bại trước khi chế tạo thành công bóng đèn điện. Ông từng nói rằng chính những thất bại ấy giúp ông tìm được cách chế tạo thành công bóng đnè điện. Walt Disney từng bị chủ báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Ông đã nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên DisneyLand. Lép Tôn-xtôi từng bị đình chỉ đại học vì không có khả năng lại vừa thiếu ý chí học tập. Ông đã đứng dậy sau những thất bại và trở thành nhà văn lớp của nền văn học Nga và văn học thế giới.

– Thất bại giúp chúng ta có cơ hội nhìn nhận và đánh giá đúng đắn bản thân mình, là lời nhắc nhở nghiêm khắc về tính kiêu căng, tự mãn, nóng vội, hình thành ở chúng ta ý chí, nghị lực và khát vọng chiến thắng. Bởi thế, sau mỗi thất bại, con người thường trở nên mạnh mẽ và cẩn trọng hơn.

– Câu nói đúc kết một kinh nghiệm sống có ý nghĩa thực tế, câu nói bao hàm một nhân sinh quan tích cực, một lời khuyên đúng đắn: sống mạnh mẽ, lạc quan và luôn có niềm tin vào mục đích sống tốt đẹp. Câu nói còn có ý nghĩa an ủi, động viên ta khi ta gặp thất bại trong cuộc sống, truyền cho ta niềm tin để ta phấn đấu vươn tới thành công.

3. Đánh giá – mở rộng:

 – Tuy nhiên cũng cần cảnh giác, đôi khi suy nghĩ “Thất bại là mẹ thành công” sẽ làm nhụt ý chí con người vì sự bằng lòng của bản thân- không có ý chí vươn lên khi thất bại. Không có thất bại, vấn đề là con người có biết học cách thành công sau thất bại hay không? Phải biết cách đứng dậy sau những vấp ngã, phải có khát vọng thành công.

4. Bài học:

– Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng có lần thất bại. Thất bại là một phần tất yếu trong công việc và dời sống. Tuy nhiên đừng vì thất bại (dù tới vài lần liên tiếp) mà nản lòng.

– Khi thất bai phải tìm ra nguyên nhân thất bại, phải xem xét năng lực, thời cơ và những điều kiện. Cần có sự chuẩn bị tốt hơn cho công việc ở những lần sau để tránh thất bại.

  • Kết bài:

Để thành công, bạn phải sẵn lòng thất bại. Mỗi thất bại đạt nền mống cho thành công. Trong mỗi thất bại đều có mầm mống của thành công. Bởi thế, khi nói Thất bại là mẹ của thành công là hoàn toàn đúng đắn.


Giải thích và chứng minh: “Thất bại là mẹ thành công”.

  • Mở bài:

Mấy ai thành công mà chưa từng trải qua thất bại. Những người gặt hái được thành công lớn, chắc chắn trước đó họ đã trải qua nhiều thất bại. Họ rèn luyện trí tuệ và bản lĩnh của mình trong những thất bại để vươn tới thành công. Bởi thế, có người nói rằng: “Thất bại là mẹ của thành công” là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ có sự nỗ lực không ngừng mới làm nên kì tích.

  • Thân bài:

* “Thất bại là mẹ thành công” nghĩa là gì?

“Thất bại” là những lần vấp ngã, là khi công việc của ta gặp khó khăn, không có kết quả tốt như chúng ta mong đợi. Lúc ấy, con người không đạt tới được mục tiêu đã đặt ra. Thất bại thường gây ra những tổn thất to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. “Thành công” là hoàn thành tốt công việc và đạt được những kết quả mà ta mong muốn. Thành công mang đến cho con người lợi ích vật chất và niềm vui tinh thần. “Mẹ” là người sinh ra con cái. Hay nói cách khác, mẹ chính là người tạo dựng nên sự sống của mỗi con người.

Mượn ý nghĩa về sự sinh thành, đặt thất bại và thành công trong phương thức lập luận, câu tục ngữ khuyên chúng ta xem thất bại là động lực của thành công, đừng nản lòng trước thất bại mà phải học tập rút kinh nghiệm thì “thất bại” sẽ dạy cho ta cách đạt kết quả cao hơn. Chính thất bại là một tiền đề, một bước đệm quan trọng giúp ta luôn cân nhắc và tỉnh táo trong hành động. Tất cả những thất bại chỉ là những phép thử trước khi đưa ta đến thành công cuối cùng.

* Vì sao nói “Thất bại là mẹ thành công”?

Mới nhìn ta thấy câu nói có vẻ mâu thuẫn với nhau. Thất bại và thành công là hai chuyện trái ngược nhau hoàn toàn, không hề liên hệ gì với nhau cả. Nhưng suy ngẫm lại ta thấy câu tục ngữ  không hề mâu thuẫn mà trái lại nó còn rất liên kết với nhau.

Sau khi mỗi lần thất bại, ta sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến những sai sót, từ đó rút ra được những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, giúp ta khắc phục được nhược điểm, tránh được những sai lầm và ngày càng được thành công hơn. Đối với những người nản chí thì điều này hoàn toàn không đúng. Đối với những người kiên trì bền chí thì chắc chắn đúng.

Thất bại còn giúp ta rèn luyện ý chí, giúp ta tự tin và bản lĩnh hơn. Sau mỗi thất bại, chúng ta sẽ biết khiêm tốn và cẩn thận hơn, biết lắng nghe ý kiến của người khác, không còn tự kiêu, hiếu thắng, kiêu ngạo quá mức. Những tổn thất về vật chất và tinh thần do thất bại gây ra sẽ trở thành lời nhắc nhỏ nghiêm khắc, giúp ta biết quý trọng vật chất và cơ hội. Từ đó, hành động cẩn trọng, chắc chắn hơn.

* Tại sao ta phải kiên trì, bền bỉ trước những khó khăn, thất bại?

Vì trong cuộc sống thường ngày, mấy ai trong chúng ta mà không gặp những sai phạm vấp ngã. Khi gặp khó khăn thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được thành công.

Để chế tạo thành công được bóng đèn điện chiếu sáng, nhà bác học Thomas Edison đã trải qua hàng nghìn lần thử nghiêm thất bại. Mỗi lần thất bại giúp ông nhận ra đó là cách không thể tạo ra bóng đèn điện, dần hoàn thiện kinh nghiệm và suy nghĩ, giúp ông đi đến thành công cuối cùng. Chủ tích Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba khắp thế giới mới tìm thấy được con đường cứu nước. Trên vặn dặm trường chinh ấy, biết bao lần Người đã vấp phải thất bại. Chính nhờ sự kiên trì, bền bỉ, nghị lực vượt khó phi thường và niềm tin sắt đá, Người đã tìm thấy được ánh sáng của lý tưởng của mình. Khó khăn, trở ngại và nhưng thất bại đó không làm họ nản lòng mà còn là động lực để giúp họ vươn cao, đạt tới mục đích.

Thất bại còn là động lực để chúng ta tiếp tục tìm tòi, học hỏi. Những người thực sự khao khát học hỏi thường có lòng tự trọng rất cao, họ ít dễ dàng chịu đầu hàng. Thất bại khiến họ dễ bị tổn thương. Chính vì vậy sự thất bại càng thúc đẩy họ tìm tòi, học hỏi, làm việc nhiều hơn, quyết làm bằng được công việc của mình.

* Bài học nhân thức và hành động:

Học tập là một công việc đầy khó khăn và lâu dài. Nếu nản chí, buông xuôi tất cả thì chúng ta không làm gì được cả và bị thất bại hoàn toàn mà ngược lại, ta cần phải cố gắng nỗ lực hơn trong học tập. Không chỉ cố gắng trong học tập mà ta còn phải cố gắng trong gia đình, cuộc sống và với những người xung quanh.

  • Kết bài:

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Mỗi thất bại là một nấc thang đưa ta đến thành công. Thất bại mang lại cho bạn cái nhìn đúng đắn về sự thành công. Đừng để nỗi sợ hãi thất bại khiến bạn trỏ nên thấp kém. Khi bạn đã nỗ lực hết mình, kể cả thất bại cũng trở nên vẻ vang. Vấp ngã và đứng dậy bước tiếp chính là bí quyết thành công của những người vĩ đại xưa nay.

“Sự kiên nhẫn của ngày hôm nay có thể biến những nản lòng của ngày hôm qua thành khám phá của ngày mai. Những mục đích của ngày hôm nay có thể biến những thất bại của ngày hôm qua thành quyết tâm của ngày mai”. (William Arthur Ward)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang