Cảm nhận đoạn trích “Sau phút chia li” (Trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn)
- Mở bài:
“Chinh phụ ngâm khúc” là khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến ở nơi xa. Tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả tài hoa Đoàn Thị Điểm đã để lại cho ta một bài thơ nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến rất có giá trị …
- Thân bài:
“Chinh phụ ngâm khúc” nguyên văn sáng tác bằng chữ Hán. Sau đó được nhiều dịch giả dịch sang chữ Nôm. Trong đó, bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được cho là bản dịch xuất sắc nhất, chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa và giá trị của văn bản. Thậm chí, bản dịch còn phổ biến và nổi tiếng hơn cả bản gốc.
Nhân đầu đời Cảnh Hưng, việc binh nổi dậy, người ta đi đánh giặc phải lìa nhà. Triều đinh thối nát cùng cực, nhân dân bị đẩy vào cuộc sống vô cùng khốn khó. Những cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi lên. Các tướng lĩnh được huy động tung đi các nơi để đàn áp phong trào. Tác phẩm được viết lên từ chính biến động lịch sử, cuộc chiến tranh phi nghĩa này nhằm lên án, tố cáo chiến tranh.
Chinh phụ ngâm khúc là Khúc ngâm của người chinh phụ, là lời than thở của một phụ nữ có chồng ra chiến trường. Tác phẩm để cập đến vấn đề nhức nhối của thòi đại. Đó là mâu thuẫn giữa quyền sống, quyền hưởng hanh phúc với chiến tranh phi nghĩa.
Đoạn trích Sau phút chia li nằm ở phần đầu khúc ngâm từ câu 53 đến câu 64. Đoạn ngâm cho thấy tâm trạng cô đơn và nỗi sầu của người chinh phụ sau lúc tiễn đưa chồng ra trận. Nỗi sầu này vừa có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vừa thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ.
Bốn câu đầu diễn tả thực trạng cuộc chia li và nỗi sầu chia li ấy nặng nề như “phủ mây biếc, trải ngàn núi xanh”:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh
Phép đối được sử dụng triệt để: Chàng thì đi >< Thiếp thì về, Cõi xa mưa gió >< Buồng cũ chiếu chăn. Một câu thơ thì nói về chàng, một câu thơ riêng biệt nói về nàng như tạo nên vết cứa rõ ràng: chia ly. Chàng thì đi về nơi biên ải xa xôi, một mình đối mặt với bao khó khăn, gian nan chồng chất. Thiếp thì về với khuê phòng đầy ắp kỉ niệm, với nỗi nhớ mênh mang. Vừa mới đây thôi khuê phòng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Bây giờ đã quanh vắng. hạn phúc lứa đôi chưa ấm gối mà cả hai cùng cô đơn, lẻ bóng.
Câu thơ thứ ba khuyết chủ ngữ, động từ “đoái trông” được đưa lên đầu câu gợi nên hình ảnh người chinh phụ với đôi mắt dăm đắm dõi theo bước đường của chinh phu. Nhưng bóng người chinh phu đâu thấy, trải theo cái nhìn lưu luyến của nàng là thiên nhiên mênh mông: “Tuôn màu mây biếc trái ngàn núi xanh”
Hình ảnh thiên nhiên mĩ lệ. Nhưng đó là tầng tầng lớp lớp cách chia. Không gian rợn ngợp sắc xanh chia phôi. Không gian ấy như đang tuôn trải ra mãi hút lấy bóng hình người chồng thân yêu của người chinh phụ. Nổi nhớ, nỗi cô đơn cũng cứ thế mà tuôn mãi, trải mãi theo không gian vời vợi, thăm thẳm đó.
Hình ảnh người chinh phu được tái hiện qua nỗi nhớ nhung, sầu muộn của người chinh phụ. Đó là hình ảnh một con người đang phải dấn thân vào chốn hiểm nguy nơi sa trường, phải xa người vợ trẻ yêu dấu. Tâm trạng của người chinh phu là tâm trạng lưu luyến, đầy nhớ thương.
Với người ở lại, sự nhung nhớ bao giờ cũng đi kèm với nhẩm tính: người đi xa đã đến nơi nào. Người chinh phụ cũng tường ra nơi mà chồng đang đến:
Chốn Hàm kinh chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Nhẩm tính nơi đến và cũng là thể hiện niềm lưu luyến, thiết tha gắn bó: “chàng còn ngành lại / thiếp hãy trông sang”, những hư từ “hãy “, “còn” đều nhằm tả sự tiếp diễn, cùng thể hiện niềm nhớ nhung của cả người chinh phu và chinh phụ. Nhưng ngay cả trong liền tưởng ấy, vết cứa chia ly vẫn ám ảnh, bủa vây ngập kín. Điệp từ “cách” (lặp 2 lần) và điệp ngữ “Hàm Dương”, “Tiêu Tương” quẩn quanh, quanh quẩn, càng gợi nên sự xa cách và nỗi buồn vời vợi. Ánh mắt đôi lứa thiếu niên vừa thoáng hi vọng đã vội tắt trong vô vọng:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Nếu ở khổ thơ trên khoảng cách có vẻ được định hình thì câu thơ dưới khoảng cách lại được đẩy ra vô tận. Thời gian của cuộc tiễn đưa này dường như là vô hình. Nó đã vượt lên trên thời gian bởi đây không phải là cuộc tiễn đưa đầy vương vấn giữa hai người, cũng không phải là cuộc chia tay đột ngột giữa đoàn quân mà là cuộc chia tay từ đáy sâu tâm hồn, cho nên cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Quả là một cuộc tiễn đưa mà như ba lần đưa tiễn
Giữa họ bây giờ không chỉ là Hàm Dương và Tiêu Tương nữa mà là “mấy ngàn dâu” khiến cho không gian càng mênh mông, vời vợi. Hình ảnh chinh phu và chinh phụ thật đáng thương! Họ thiết tha được gắn bó, yêu thương nên ánh mắt cả hai đều hướng về nhau, tìm nhau: “cùng trông lại”. Nhưng cả hai đều gặp nghịch cảnh chia phôi, khao khát gắn bó mà chẳng được.
Họ cùng hướng về nhau mà chẳng thấy nhau, chỉ thấy sắc xanh nhàn nhạt, mờ mờ bảng lảng như khói phủ khắp không gian (xanh xanh), sắc xanh ấy thoắt chốc biến thành “xanh ngắt” đậm và gắt. Đó là sắc màu nhuốm tâm trạng. Đó là sắc xanh của trời cao đất rộng, nơi mà nỗi buồn, niềm cô đơn càng lúc càng se thắt lại, kết đọng đến nhức nhối trong một tiếng “sầu”.
Sự chia li ở đây là cuộc sống thể xác nhưng tình cảm vẫn gắn bó, thiết tha. Do đó, không chỉ nói đến việc chia li mà còn nói đến sự oái oăm, nghịch chướng: gắn bó mà phải chia li. Nếu đoạn trên, sự xa cách còn có địa danh để đo sự xa cách thì ở khổ thơ cuối, sự xa cách hoàn toàn mất hút vào màu xanh rồi màu xanh ngắt. Màu xanh ở đây không liên quan gì đến niềm hi vọng mà gợi tả cảnh trời cao, đất rộng, thăm thẳm, mênh mông, nơi gửi gắm nỗi sầu chia li. Chữ “sầu” câu cuối đúc kết thành một núi sầu, một khối sầu vạn cổ.
Điệp ngữ vòng “cùng”, “thấy”, “ngàn dâu” tạo nên nhịp điệu chậm, thể hiện không gian xa cách mỗi lúc càng bát ngát, rộng lớn hơn, chỉ ra hiện thực phũ phàng, đồng thời cũng diễn tả nỗi niềm miên man mỗi lúc một vô vọng của người vợ trẻ.
Câu hỏi tu từ cuối bài trực tiếp nói lên nỗi sầu. Hỏi không phải để so sánh xem ai buồn hơn ai ? Mà để khẳng định mối u sầu, quẩn quanh, bế tắc, cứ đẩy lên, cứ rối lên, thổn thức hoài trong lòng người chinh phu chinh phụ. Câu hỏi tu từ ấy cứ vương vít mãi trong lòng người đọc. Yêu thương tha thiết đến thế mà phải chia li! Cuộc chiến nào mà chi sau phút chia li kẻ đi và người ở lại đã sầu đau, vô vọng? Cuộc chiến nào mà nỡ chia rẽ hạnh phúc lứa đôi ? Hẳn đó chẳng phải là cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa. Thế nhưng, nào phải như thế. Lòng tham của kẻ tàn bạo đã đẩy biết cao con người phải bước vào cuộc binh đao tàn khốc. Ý nghĩa tố cáo chiến tranh toát lên từ ý thơ này.
Bút pháp tiêu biểu của đoạn trích tả cảnh ngụ tình. Bức tranh thiên nhiên rộng lớn, đẹp nhưng mang tính ước lệ (mây biếc núi xanh, Hàm Dương, Tiêu Tương, ngàn dâu) tạo ấn tượng về thiên nhiên dường bị xoá nhoà hết nét cụ thể. Nổi bật trên nền thiên nhiên đó là tâm trạng buồn bã sau phút chia ly của chinh phu chinh phụ.
- Kết bài:
Sau phút chia li là một đoạn thơ đầy ứ nước mắt và nỗi khổ đau. Càng cảm thông cho nỗi đau chia biệt của người chinh phụ, ta càng căm phẫn thế lực thống trị đã nhẫn tân gây nên cảnh chia lìa, phá tan cuộc sống yên bình và hạnh phúc lứa đôi của con người. Đoạn thơ cũng là tiếng nói, là tấm lòng yeu thương con người thiết tha của tác giả Đặng Trần Côn.
- LUYỆN TẬP
Câu 1:
- Đoạn trích “Sau phút chia ly” sử dụng thể thơ nào?
- Nội dung đoạn trích là gi?
- Cách biểu cảm trong bài là gì?
- Đặc sắc nổi bật nhất về nghệ thuật của đoạn trích là gì?
Câu 2: Trình bày những hiểu biết của em về thổ thơ song thất lục bát.
Câu 3: Nỗi buồn chia ly được diễn tả trong đoạn trích “Sau phút chia ly” mỗi lúc một đầy lên, ứ lên, dồn tụ thành khối sầu. Em hãy chỉ rõ điều đó trong đoạn trích.
Câu 4: Có người cho rằng đoạn trích chỉ thổ hiện nỗi sầu của người chinh phụ. Ý kiến của em?
Câu 5: So sánh màu xanh trong hai đoạn thơ sau:
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn)
Cỏ non xanh tận chân trời
Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Câu 6: Qua đoạn trích “Sau phút chia ly” và câu thơ dưới đây, em thấy có gì giống nhau trong cách thể hiện sự chia li của Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm?
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.”
(Nguyễn Du)
Câu 7: Hãy chỉ ra kết cấu độc đáo trong mỗi khổ thơ.
Câu 8: Phân tích tác dụng của các điệp ngữ được tác giả sử dụng trong đoạn trích.
Câu 9: Có người cho rằng: “Thiên nhiên trong đoạn trích bị xóa nhòa hết đường nét thực để làm hiển hiện tâm trạng người chinh phụ.” Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?