Cảm nhận về hình ảnh người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật)
- Mở bài:
Phạm Tiến Duật thuộc lớp nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ Phạm Tiến Duật hồn nhiên vui tươi và đầy tinh nghịch và đậm đà chất lính. Thơ ông có vai trò động viên, cỗ vũ con người vượt qua khó khăn thử thách, tiếp tục với nhiệm vụ kháng chiến cứu nước. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” thể hiện sâu sắc phong cách thơ ấy của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
- Thân bài:
“Không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.
Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ thật ngộ nghĩ, đâu khác gì câu nói đời thường. Dường như tác giả muốn giải thích: xe thì phải có kính chứ, nhưng bom đạn làm kính vỡ mất rồi. Cụm từ “bom giật bom rung” giúp ta hình dung cái cảnh nguy hiểm, ác liệt của chiến trường Trường Sơn lúc bấy giờ. Vậy mà giọng thơ lại rất đỗi thản nhiên, nhất là:
“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.
Sự xuất hiện của từ láy “ung dung” phải chăng càng nhấn mạnh cái chất thản nhiên đó? Những người chiến sĩ ấy đang ngạo nghễ ngồi trên xe, tự tin, bình tĩnh, làm chủ tình hình. Khẩu khí của họ thật mạnh mẽ: “ta”, càng làm cho những người lính ấy thêm oai phong, lẫm liệt.
Điệp ngữ “nhìn” nhấn lại đến ba lần trong một câu thơ. Rõ ràng những người chiến sĩ lái xe rất cảnh giác. Đôi mắt lúc nào cũng hướng thẳng đến mục tiêu. Đó chính là tư thế sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Thật là đáng khâm phục, bởi xung quanh họ là những khó khăn, thư thách:
“Nhìn thấy hoa vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”.
Chính đôi mắt đắng nghét ấy đã nói lên bao điều. Là gió bụi Trường Sơn hay những đêm thức trắng chiến đấu mà đôi mắt ấy như cay, như xót, như “muốn nhắm” bất cứ lúc nào? Thế nhưng, dù cay, dù xót họ vẫn: “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” về phí trước. Đôi mắt không lúc nào lơ là nhiệm vụ của mình, ngay cả khi cơn gió dịu dàng “xoa” họ vào giấc ngủ.
Đọc đến những dòng thơ này, người đọc như cùng đắng cùng xót, không ai không xúc động trước những hi sinh, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn lao nhất của người chiến sĩ. Làm sao họ có được sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách đó? Có lẽ là do mỗi người lính anh hùng ấy đều nhìn thấy một “con đường chạy thẳng vào tim”.
Qua biện pháp nghệ thuật ẩn dụ “con đường” ấy mang tên “cách mạnh” là lý tưởng chiến đấu hay cũng chính là tấm lòng yêu nước, yêu đồng bào thiết tha, luôn rạo rực trong tim người chiến sĩ lái xe. Hai dòng thơ ngắn gọn nhưng rất sinh động, ấn tượng, phát xuất từ thực tế cuộc sống. Thử hỏi nếu không trải nghiệm những ngày tháng khói lửa trên chiến trường Trường Sơn thì làm sao tác giả có thể viết được những câu thơ xúc động đến dường này?
“Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”.
Hình ảnh thơ rất lãng mạn, bay bổng. “Sao trời” và “cánh chim” như mở ra trước mắt chúng ta một không gian mênh mông, rộng lớn. Đó là bầu trời xanh trong, tự do và hòa bình. Phải chăng, đó chính là ước mơ, hy vọng của những người chiến sĩ? Họ chiến đấu hôm nay để bầu trời Tổ quốc ngày mai. Bầu trời ấy không còn những chiếc máy bay rầm rú, nhả đạn mà là những cánh chim bồ câu cất cánh bay lượn thảnh thơi. bầu trời ấy không còn những cơn mưa bơm đạn bất kể ngày đêm, mà là muôn vần tinh tú tỏa sáng lấp lánh. Ánh nhìn của những người chiến sĩ lạc quan, tươi đẹp quá! Họ tin yêu vào một tương lai tươi sáng, niềm tin mạnh mẽ được thể hiện qua những ca từ “sa”, “ùa”, “đột ngột”.
Và niềm tin thiêng liêng đó, hôm nay họ sẵn sàng đổ máu hy sinh. Chỉ là những chàng trai tuổi đôi mươi nhưng họ quá là : “Làm trai cho đáng nên trai”. Họ biết xem thường những khó khăn, thử thách, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Thật hiên ngang, thật bất khuất! Sự hòa quyện đến tài hoa của chất lãng mạn và hiện thực đã đem lại vẻ đẹp tuyệt vời cho thơ, vẻ đẹp tâm hồn của người lính.
Thế nhưng có ai biết được rằng những con người anh hùng ấy có lúc nghịch ngợm, đùa vui như trẻ thơ:
“Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo chăm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.
Họ chẳng những thân thiện chấp nhận những thiếu thốn về vật chất: “Không có kính, ừ thì có bụi” mà còn biết biến những khó khăn đó thành trò đùa vui thú. Trước mắt chúng ta giờ đây thật sinh động hình ảnh người lính “tóc trắng” hay những “anh hề mặt lấm” đang quay quần bên nhau, giọng cười thật sảng khoái: “ha ha”, âm vang khắp núi rừng Trường Sơn. Cuộc đời quân ngũ gian khổ của họ tuy vật chất thiếu thốn nhưng tinh thần lúc nào cũng dâng đầy niềm lạc quan phơi phới, đó chính là lòng hăng hái và nhiệt tình của tuổi trẻ Việt Nam.
“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”.
Ngồi trong xe mà “mưa tuôn mưa xối” chẳng khác gì ngoài trời, cơn mưa Trường Sơn có khác gì ngàn lưỡi dao nhọn cứa vào da thịt người chiến sĩ?
“Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.
Vậy mà vẫn cái giọng điệu ngang tàn, bất chấp, những người lính xem thử thách của thiên nhiên là con số không, họ cứ tiếp tục công việc của mình và chẳng một chút bận tâm tới: “Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”. Câu nói thực hồn nhiên nhưng sao ta nghe mà thấy lòng chua xót? Họ cũng chỉ là những con người bình thường nhưng với ý chí, tinh thần sắt thép, học sẵn sàng đón nhận những khó khăn, thử thách.
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”.
Trong chiến đấu không thể thiếu vẻ đẹp thiêng liêng của tình đồng chí. Những chiếc xe đầy “thương tích” đã hợp thành tiểu đội, như anh em bốn phương chiến đấu lại sum vầy bên nhau. Cái bắt tay của họ thể hiện niềm vui sướng, vui vì đã chiến thắng hay vui vì cả tiểu đội xe không kính vừa trở về từ cõi chết? Nói cho cùng, họ vui vì lại được kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau. Cái bắt tay của những người chiến sĩ lái xe gợi lại trong ta cái bắt tay của những người lính vệ quốc năm xưa:
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
(Đồng chí-Chính Hữu)
Cái bắt tay thân thiết ấy là bằng chứng cho tình đồng chí thắm thiết, sâu sắc; tình đồng đội keo sơn gắn bó của hôm qua và cả hôm nay, thêm cái sôi nổi, hừng hực khí thế và đầy ắp tiếng cười của những người lính trẻ.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”.
Hai tiếng “gia đình” cất lên sao mà thân thương, thăm thiết. Lần đầu tiên trong văn học cách mạng, từ “đồng chí” được định nghĩ thiêng liêng như vậy, được nhìn nhận như một bước tiến trong tình cảm cao đẹp của người lính. Nếu ngày trước những người lính vệ quốc xem nhau là “tri kỷ”, thì hôm nay với người chiến sĩ lái xe tình đồng đội, đồng chí là anh em chung một mẹ Việt Nam, chung một cha Bác Hồ.
Dòng máu “gia đình” trong họ quyện vào nhau và sẵn sàng vì nhau mà hi sinh. Tình cảm sâu đậm ấy chính là một trong nguồn động lực giúp người chiến sĩ chiến đấu, là sức mạnh tinh thần lớn lao giúp họ làm nên chiến thắng để viết nên những trang lịch sử hào hùng:
“Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”.
Khúc nhạc hành quân vang lên với điệp khúc: “lại đi, lại đi…” đã mở ra phía trước một con đường. Và lần lượt, từng chiếc xe không kính tiến lên, đến chiến trường miền Nam. Họ ra đi với niềm tin mạnh mẽ, với tâm hồn lạc quan phơi phới về một bầu trời càng “xanh thêm”, “xanh thêm…”. Đó chính là ước mơ về miền Nam được giải phóng, cả nước được hòa bình, thống nhất.
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Có lẽ đây là dòng thơ xúc động nhất, đáng quý nhất. Lạ kỳ chưa, là trái tim của xe hay chính trái tim người chiến sĩ? Với biện pháp hoán dụ, hình ảnh “trái tim” càng thêm rực rỡ. Đó là trái tim trung thành với Tổ Quốc, với cuộc sống cách mạng của dân tộc. Đó là trái tim yêu thương đồng bào, yêu thương những người anh em miền Nam còn đang trong nước sôi lửa bỏng. Đó là trái tim quyết đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, đem lại hòa bình cho nhân dân; cũng chính là trái tim đang rạo rực, sôi sục trong lòng mỗi người chiến sĩ lái xe không kính.
Chắc chắn họ phải tự hào lắm, trân trọng lắm “trái tim” chân thành và trung kiên ấy. Bởi như tác giả đã nhận xét: “chỉ cần” người chiến sĩ với “trái tim” ấy thì gian khổ, khó khăn và cả cái chết cũng “mặc kệ”. Vậy thì những thiếu thốn vật chất: không kính, không đèn, không mui… có sá gì đâu. Giọng thơ khẳng định đến mạnh mẽ, tình thơ cũng là lòng quyết tâm đến sắt đá!
Giọng thơ ngang tàn, có cả chất nghịch ngợm, rất phù hợp với những đối tượng miêu tả (những chàng trai lái xe trên những chiếc xe không kính ). Giọng điệu ấy làm cho lời thơ gần với lời văn xuôi, lời đối thoại, lời nói thường ngày nhưng vẫn thú vị và giàu chất thơ. Chất thơ ở đây là từ những hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính, từ cảm hứng về vẻ hiên ngang, dũng cảm, sự sôi nổi trẻ trung của những người lính lái xe, từ ấn tượng cảm giác được miêu tả cụ thể, sống động và gợi cảm.
- Kết bài:
Cả bài thơ là lời nói, cảm xúc của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Thử thách ngày càng tăng, nhưng mức độ và hướng đi không thay đổi. Vẫn là khẳng định tinh thần bất khuất, quyết thắng của quân đội ta, nhưng Phạm Tiến Duật đã đem lại nhiều hình ảnh mới và giọng điệu mới: trẻ trung, tinh nghịch, ngang tàn mà kiên định. Bài thơ đâu chỉ nói về tiểu đội xe không kính,nó phản ánh cả khí thế quyết tâm giải phóng miền Nam của toàn quân và toàn dân ta, khẳng định rằng ý chí của con người mạnh hơn cả sắt thép. Họ chính là những con người ưu tú của dân tộc đã chiến đấu và sẵn sàng hi sinh để Tổ Quốc mãi mãi “bay lên ngát xanh mùa xuân”.
Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật