Đóng vai người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính

dong-vai-nguoi-linh-lai-xe-ke-lai-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh

Đóng vai người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

  • Mở bài:

Bước vào năm 1969, cuộc chiến khốc liệt và căng thằng hơn. Sau thất bại trong chiến lược Chiến tranh cục bộ, quân Mỹ bắt đầu tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Thực hiện chính sách này, Mỹ rút dần quân số trên chiến trường Đông Dương và tăng cường chiêu mộ, bắt bớ người Việt Nam đi lính. Đồng thời, chúng tiến hành các chiến lược bình định trên toàn miền Nam. Một không khí khủng bố vô cùng căng thẳng bao trùm lên kháp miền lãnh thổ. Nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam cũng đối mặt với những khó khăn vô cùng lớn.

  • Thân bài:

Không để miền Nam đơn độc trong cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù, quân và dân miền Bắc gắng hết sức mình chi viện và cùng quân dân miền Nam anh dũng chiến đấu. Tôi là một chiến sĩ lái xe. Cuối năm 1968, tôi được điều động về đại đội 1 ô-tô vận tải, thuộc tiểu đoàn 59, trung đoàn 35, Đoàn 471, Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Nhiệm vụ của đại đội là vận chuyển những chuyến hàng vào chiến trường miền Nam. Không những đưa hàng hóa đến tận chiến trường, phục vụ nhanh chóng và kịp thời cho cuộc chiến đấu, chúng tôi còn phải cung ứng quân trang, quân dụng, thuốc men và những thứ cần thiết khác mà quân và dân miền Nam đang cần.

Trong những năm khó khăn ấy, nhân dân miền Bắc đã dốc hết sức mình vì miền Nam ruột thịt. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước mà bà con miền Bắc đã không quản ngại gian khổ hy sinh. Từng lớp thanh niên đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu. Ngày ra đi còn vẫy chào tạm biệt, hứa xong nhiệm vụ với tổ quốc mới trở về. Bao nhiêu nông phẩm thu được, nhân dân chỉ giữ lại phần ít. Phần lớn còn lại gửi vào miền Nam cho bà con và các chiến sĩ. Chính phủ còn nhận được sự hỗ trợ của các nước anh em ủng hộ cuộc chiến.

Chúng tôi lên đường bất kể ngày đêm. Hễ có hàng là chúng tôi chạy. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xuôi ngược trên tuyến đường Trường Sơn, nhộn nhịp như mùa hội. Tấm chân tình của nhân dân miền Bắc đối với quan và dân miền Nam thật nói sao cũng không hết.

Năm ấy, phát hiện tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, quân Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt. Chúng rải thảm bom đạn nhằm ngăn chặn dòng tiếp viện. Con đường bị cày xới dữ dội. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh.

Những chiếc xe băng trong mưa bom bão đạn của kẻ thù không chiếc nào còn nguyên vẹn. Khung cửa kính bị hơi bom ép vỡ. Đèn pha cũng bị cháy. Thùng xe lỗ rỗ vết bom. Mui xe bị đánh bật quang mất từ bao giờ. Sau những chuyến đi trở về, xe của chúng tôi bị biến dạng ghê gớm.

Thế nhưng, chúng tôi không hề nản lòng. Các đòng chí động viên nhắc nhở nhau cùng hứa sẽ giữ vững tay lái,  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chúng phá đường thì ta sửa. Chúng đánh ngày thì ta chạy đêm. Những đoàn xe lại nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Tuyến đường mòn Trường Sơn như sợi chỉ thần kí nối liền miền Nam, miền Bắc. Nơi đâu cũng nhộn nhịp bóng người. Có thể nói, mọi sức mạnh đều tập trung về đây để bảo vệ tuyến đường, bảo vệ mạch máu của dân tộc.

Ngồi trong những chiếc xe không kính, cả bầu trời như đến gần với tôi. Dù trời không có gió nhưng hề xe chạy thì gió cứ thế mà lùa vào ào ạt. Gió thổi xoát mặt, cay xè cả hai mắt, thổi bồng mái tóc của chúng tôi. Cứ mỗi lần bước ra khỏi buồng lái là tóc tôi dựng ngược hẳn lên như vừa được bôi một thứ keo dán tóc nào đó.

Ban đêm xe chạy, sao sáng vằng vặc trên trời cao, rõ ràng hết mức vì không bị kính che mờ. Những cánh chim trời tinh nghịch cứ bay ngay buồng lái. Đôi khi chúng làm tôi hết hồn vì ngỡ bóng máy bay của địch.

Sợ nhất là bụi đường. không có kính, bụi phun tóc trắng xóa như người già. Cả đầu tốc lẫn mặt mũi của chúng tôi như trát mọt lớp phấn trắng. Chỉ còn hai con mắt là khác màu thôi. Mỗi lần nghỉ ngơi, nhìn các chiến sĩ ai cũng bạc phết mà cười ngất ngây.

Hết bụi thì đến mưa. Mưa rừng trường Sơn đọt ngột và dữ dội lắm. Không hề báo trước, cơn mưa từ đâu phía bên kia núi ào ào kéo đến trút nước lên đầu. Không có kính, nước mưa cứ thế mà tuôn, mà xối vào. Ngồi trong xe mà tôi cứ ngỡ đang ở ngoài trời. Nhưng mưa cứ kệ mưa. Xe chạy vẫn cứ chạy. Quần áo ướt rồi lại khô, cần chi phải nghỉ ngơi lôi thôi. Cuộc sống như thế chúng tôi đã quen từ lâu, có chi mà quản ngại gió sương.

Vui nhất là những lần đồng đội khắp muôn phương cùng nhau hội tụ. Những đoàn xe nối đuôi nhau mấy cây số. Chúng tôi bắt tay thân ái qua ô cửa kính vỡ, hỏi han và động viên nhau. Tôi chúc mừng các anh đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Những chiến sĩ trở về động viên và cầu chúc tôi may mắn.

Những cuộc dừng chân giữa rừng kết nối biết bao trái tim. Dù ở những đơn vị khác nhau, từ nhiều vùng quê của đất nước, nhưng gặp nhau ở đây, chúng bếp lửa hồng, chung bữa cơm vui thì chúng tôi xem nhau là anh em đồng chí cả.

Đường mòn Trường Sơn dược xây dựng bằng sức người, bằng đôi bàn tay của hàng vạn thanh niên yêu nước. Trên núi cao, dưới vực thẳm thách thức mọi tinh thần. Những con dốc cao đến nỗi đứng dưới nhìn lên mỏi cả cổ. Tôi nhớ rất rõ lần chạy xe xuyên đêm vượt dốc Pô Phiên vô cùng hiểm trở. Con dốc sừng sững thách thức các đồng chí lái xe đã từng vận chuyển hàng hóa trên cung đường này.

Đêm ấy trời mưa to, đường bị xói lở nhiều. Đại đội trưởng lệnh chúng tôi dừng lại tìm nơi ẩn nấp. Đến đêm mai lại chạy tiếp. Nhưng chúng tôi đang ở giữa vùng trống, không có nơi ẩn nấp an toàn cho cả đoàn xe. Lại thêm trời cứ mưa thế này, đến đêm mai chưa chắc đã hết. Tôi khuyên đại đội trưởng cho đoàn xe vượt dốc. Sau phút suy nghĩ, đại đội trưởng đồng ý.

Tôi lái xe đi đầu. Lấy hết bình tĩnh, tôi đạp mạnh chân ga. Chiếc xe lừ lừ chạy tới. Biết mặt đất trơn, tôi có gắng giữ ga thật đều. Bánh xe bám chặt vào mặt đường giữ xe vững chắc. Bỗng chiếc xe lắc lư dữ dội vì vấp phải rãnh sâu. Tôi đạp mạnh ga hơn cho xe vượt qua nhưng không thể. Xe bị tuột ga rồi. Tôi đạp mạnh thắng để giữ xe lại nhưng mặt đường như rải dầu trơn tuồn tuột. Đuôi xe lệch về một bên, đầu xe quay ngang. Phía sau là con vực sau đến nghìn mét.

“- Xe sẽ lao xuống vực mất thôi”. Tôi khẽ kêu lên và thầm mong có một sức mạnh nào đó nâng đỡ. Bỗng chiếc xe khựng lại. Tôi nghe tiếng đại đội trưởng thét lớn: “cho xe lao lên mau!”.

Tiếng thét làm tôi sực tỉnh. Tôi lấy hết sức đạp mạnh chân ga. Bánh xe chà xát trên mặt đường đưa đầu xe từ từ quay lên, bùn đất văng rào rào hai bên. Tiếng xe gầm thét dữ dội. Chiếc xe khựng lại rồi từ từ quay đầu lên dốc. Tôi hít một hơi dài, nhấn ga thêm nữa, xoay vô lăng đều đều đưa xe lên. Cuối cùng, tôi cũng đưa xe lên đến đỉnh dốc an toàn. Bước xuống xe, tôi thở phào nhẹ nhòm.

Nhìn đại đội trưởng và các đồng đội mình mẩy đầy bùn đất tôi nghẹn ngào xúc động vô cùng. Thì ra, khi thấy xe tôi trượt dốc, đại đội trưởng và các chiến sĩ đã vội đi tìm đá kê. Mỗi người một hòn kê vào bánh xe. Hết hòn này đến hòn khác cho đến khi xe lên hẳn trên dốc. Đêm ấy, đoàn chúng tôi vượt dốc thành công nhờ mưu trí của đồng đội, kịp đưa xe về nơi trú ẩn an toàn.

Bình tĩnh, quả cảm, xử lý các tình huống mau lẹ, chính xác là những yếu tố cần có ở người lính lái xe. Người lái xe mặt trận không chỉ bình tĩnh vững vàng trong buồng lái, mà cần cả mưu lược, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống trên thực địa.

Có khi còn phải biết làm “tham mưu” đề xuất với chỉ huy cấp trên các phương án khai thông khi tắc đường. Phải biết hợp đồng tác chiến với công binh, với bộ đội phòng không, phải hiểu rõ thủ đoạn và quy luật hoạt động của kẻ địch trên trời dưới đất để đưa hàng tới đích. Đó là lời dạy của đại đội trưởng mà tôi còn nhớ mãi cho tới bây giờ.

Chiến tranh là phải có hy sinh. Chúng tôi đã xác định điều mỗi khi lên đường. Người đồng đội thân nhất, đã cùng tôi vào sinh ra tử bao nhiêu trận đã hy sinh. Anh ra đi như một người lính thật sự, không hề hối tiếc.

Hôm ấy, sau một đêm vận chuyển, trên đường đi ra, trời sáng, đơn vị phải giấu xe che mắt địch. Chiều, bọn thám báo đã “đánh hơi”, gọi máy bay ném bom. Dứt đợt oanh kích của địch, ba đồng chí công binh gọi anh đi kiểm tra hiện trường. Tôi ngăn anh, để tôi đi trước, nhưng anh không chịu. Đến nơi giấu xe, anh đụng bom bi vướng nổ. Quả bom hất tung anh rơi xuống vực sâu. Anh ra đi, đồng đội vô cùng thương tiếc.

Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc chúng tôi khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực,chỉ có một cách duy nhất là vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng cao chúng tôi lại càng quyết tâm chiến thắng.

Không thể nhớ hết bao nhiêu tình huống trên đường vận chuyển. Những chuyến xe lấy đêm làm ngày vượt qua những bãi bom phá, bom từ trường, bom bi trong vòng lượn của máy bay tiêm kích suốt ngày đêm lồng lộn xoi mói, oanh kích bắn phá các trọng điểm dọc đường Trường Sơn.

Những quả đồi đất thành bột, vách đá thành vôi, những sông bùn, những vực thẳm chồng chất xác xe cháy đổ. Dù kẻ thù rình rập, đường di nguy hiểm, dù có bao nhiêu hy sinh đi chăng nữa nhưng không gì thể cản bước đoàn xe chạy tới.

  • Kết bài:

Xe vẫn chạy. Những đoàn xe nặng trĩu chuyến hàng vẫn ngày đêm chạy tới. Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tất cả vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước của dân tộc. Mỗi khi ngồi vào buồng lái, tôi lại nhớ đến các anh, nhớ đến nhiệm vụ thiêng liêng mà nhắc mình giữ vững tay lái, sống và chiến đấu xứng đáng với những người đã mãi mãi ra đi để bảo vệ đất mẹ thiêng liêng này.


Bài tham khảo:

Cảm nhận vẻ đẹp của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn qua Bài thơ về tiểu đội xe không kính

  • Mở bài:

Viết về những băn khoăn trăn trở của những người lính trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, nhà thơ Thanh Thảo từng viết:

“Chúng tôi đi chẳng tiếc cuộc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi thì ai chẳng tiếc
Ai cũng tiếc thì còn chi Tổ Quốc
Chúng tôi đi chẳng tiếc cuộc đời mình”.

Đã có một thời kì cả dân tộc đã sống với tinh thần như thế, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những chàng trai trẻ ra chiến trường khốc liệt với một trái tim tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần lạc quan tuyệt vời. Tinh thần ấy chúng ta dễ dàng bắt gặp trong nhiều thi phẩm thơ, và thi phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật là một ví dụ tiêu biểu.

  • Thân bài:

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” nằm trong chùm thơ bốn bài của Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969, sau đó được đưa vào tập “Vầng trăng quầng lửa” (1970) của tác giả. Vừa là nhà thơ nhưng đồng thời là một người lính từng vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, “con chim lửa” của rừng đại ngàn đã cất lên những lời ca khỏe khoắn, hào hùng để ngợi ca những người lính lái xe: ung dung tự tại, lạc quan sôi nổi, bất chấp mọi khó khăn gian khổ của cuộc chiến, ngợi ca tình đồng chí đồng đội thắm thiết keo sơn và tình yêu đất nước thiết tha.

Điều hấp dẫn người đọc là ngay từ nhan đề của bài thơ. Bài thơ có nhan đề khá dài so với các bài thơ khác và nổi bật ngay trong nhan đề là hình ảnh những chiếc xe không kính. Xưa nay hình ảnh xe cộ, tàu thuyền được đưa vào thơ văn thường đã được “lãng mạn hóa” và mang ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn là tả thực. Nhưng trong bài thơ của Phạm Tiến Duật, dường như tác giả không hề muốn che giấu đi cái khốc liệt của chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe không có kính. Hai câu thơ mở đầu được xem như là lời giải thích cho việc xe không có kính ấy:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.

Bom đạn chiến tranh đã làm cho những chiếc xe chở hàng ra mặt trận không còn nguyên vẹn nữa, “không có kính”, “không có đèn”, “không có mui xe”,”thùng xe có xước”. Ấy thế mà lời thơ cứ nhẹ như không, tự nhiên đến mức khó ngờ. Tất cả những cái khó khăn thiếu thốn vật chất ấy dường như chẳng phải là điều khiến những người lính lái xe Trường Sơn phải bận tâm. Những khó khăn do việc xe không có kính mang lại chỉ là chuyện vặt.

Điều khiến người đọc cảm thấy ngạc nhiên và thú vị chính là từ trong những khó khăn gian khổ đó những người lính vẫn ngời lên sự lạc quan và tinh thần lãng mạn. Họ chỉ thấy cái thuận lợi, cái được sinh ra từ việc xe không có kính. Họ được hòa mình vào cùng với thiên nhiên, được bay lên cùng với thiên nhiên, được tự do giao cảm, chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài:

“Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”.

Và quan trọng hơn là những cái bắt tay thể hiện tình cảm đồng đội đồng chí giữa tuyến đường chiến tranh ác liệt trở nên dễ dàng hơn, thắm thiết hơn:” Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới/ Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Động tác bắt tay nhau vồn vã này không thể có được nếu như xe có kính. Những cái bắt tay của đồng đội không đơn thuần chỉ là sự chào hỏi mà chính là truyền thêm cho nhau sức mạnh, niềm tin, ý chí để cùng nhau vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh. Những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ qua tuyến đường Trường Sơn chúng ta đã vận chuyển vào chiến trường miền Nam hơn một triệu tấn hàng và vũ khí nhưng cũng bị máy bay Mỹ đốt cháy và phá hủy mất 90 nghìn tấn hàng và gần 15 nghìn xe, máy. Hình ảnh những chiếc xe: “Không có kính rồi không có đèn; Không có mui xe, thùng xe có xước” chẳng phái là hiếm trong chiến tranh. Điều làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trước kẻ thù sừng sỏ nhất được Phạm Tiến Duật lí giải rất giản dị:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

Câu thơ cuối là câu thơ hay nhất của cả bài thơ. Là điểm hội tụ những gì đẹp nhất về hình ảnh người lính can trường trong chiến đấu nhưng cũng dạt dào tình yêu quê hương, đất nước. Tất cả chính là sức mạnh, là động lực thôi thúc những người lính lái xe vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng, chiến đấu cho tự do dân tộc. Ngoài những ý nghĩa đó, câu thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lý: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, yêu đời.

Điệp ngữ “không có”, các từ ngữ tương ứng “vẫn … chỉ cần có” đã làm cho giọng thơ, ý thơ trở nên mạnh mẽ, hào hùng. Vẫn là cách nói thản nhiên ngang tàng của lính nhưng câu thơ lại lắng sâu một tinh thần trách nhiệm và có ý nghĩa như một lời thề thiêng liêng. Quyết tâm chiến đấu và chí khí anh hùng của người lính không có đạn bom nào của kẻ thù có thể làm lay chuyển được.

  • Kết bài:

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là lời nói, cảm xúc của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Thử thách ngày càng tăng, nhưng mức độ và hướng đi không thay đổi.Vẫn là khẳng định tinh thần bất khuất, quyết thắng của quân đội ta, nhưng Phạm Tiến Duật đã đem lại nhiều hình ảnh mới và giọng điệu mới: trẻ trung, tinh nghịch, ngang tàn mà kiên định. Bài thơ đâu chỉ nói về tiểu đội xe không kính,nó phản ánh cả khí thế quyết tâm giải phóng miền Nam của toàn quân và toàn dân ta,khẳng định rằng ý chí của con người mạnh hơn cả sắt thép.

Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

5 bình luận

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Qua khổ cuối "Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, cảm nhận tình yêu nước của người lính lái xe - Theki.vn
  2. Đóng vai người lính trong bài thơ "Đồng chí" kể lại những ngày chiến đấu gian khổ ở nơi rừng núi - Theki.vn
  3. Cảm nhận về hình tượng người lính lái xe trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.