Phân tích văn bản “Tiếng nói của văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi.
- Mở bài:
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài và là người tiên phong trong việc tìm tòi, đổi mới nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca. Văn bản “Tiếng nói của văn nghệ” được viết ở chiến khu Việt Bắc (1948) – giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp – thời kì đang nỗ lực xây dựng một nền văn nghệ với phương châm: dân tộc – khoa học – đại chúng.
- Thân bài:
Nội dung phản ánh hiện thực của văn nghệ là thực tại khách quan và nhận thức mới mẻ. Văn nghệ phản ánh hiện thực cuộc sống nhưng văn nghệ không chỉ phản ánh khách quan cái hiện thực ấy mà còn biểu hiện cái chủ quan của người sáng tác qua lăng kính của tác giả.
Để minh chứng cho điều này, Nguyễn Đình Thi dẫn hai câu thơ miêu tả cảnh mùa xuân tươi đẹp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đây không chỉ là tả cảnh mùa xuân mà còn là sự rung động của Nguyễn Du trước cảnh mùa xuân. Câu thơ đem đến cho người đọc sự sống, tuổi trẻ… Tiếp đến, ông dãn cái chết của nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na khiến người đọc bâng khuâng, thương cảm.
Qua tác phẩm, người đọc đã nhận ra được tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ gửi vào cái hiện thực cuộc sống ấy. Chính lời nhắn gửi toát lên từ hiện thực khách quan được biểu hiện trong tác phẩm đã đem đến cho người đọc một nhận thức mới mẻ.
Nội dung phản ánh của văn nghệ khác với nội dung của các khoa học xã hội khác là ở chỗ: các khoa học này miêu tả tự nhiên xã hội theo quy luật khách quan, còn văn nghệ tập trung khám phá, miêu tả chiều sâu tình cảm, số phận con người, miêu tả thế giới nội tâm của con người.
Tóm lại, với phép lập luận phân tích, với những dẫn chứng tiêu biểu cụ thể, Nguyễn Đình Thi cho thấy: nội dung văn nghệ là phản ánh hiện thực. Hiện thực ấy mang tính hình tượng cụ thể, sinh động, là đời sống, tư tưởng, tình cảm của con người thông qua cái nhìn và tình cảm của người nghệ sĩ.
Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết đối với đời sống của con người. Văn nghệ giúp cho con người có cuộc sống đầy đủ hơn, cảm thấy cuộc đời đẹp hơn và có ý nghĩa hơn. Văn nghệ giúp con người tự nhận thức chính bản thân mình,giúp ta sống đầy đủ, phong phú hơn cuộc sống của chính mình. Trong những trường hợp con người bị ngăn cách giữa cuộc sống, tiếng nói của văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với cuộc đời thường bên ngoài với tất cả những sự sống, hành động vui buồn, gần gũi. Văn nghệ góp phần làm tươi mát sinh hoạt khắc khổ hằng ngày, giữ cho đời vẫn tươi. Tác phẩm văn nghệ giúp cho con người vui lên, biết rung động và ước mơ trong cuộc đời còn vất vả, cực nhọc.
Con đường đến với người đọc của văn nghệ là con đường truyền cảm và đồng cảm. Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Chỗ đứng của văn nghệ chính là chỗ giao nhau giữa tâm hồn con người với cuộc sống sản xuất, chiến đấu; là ở tình yêu ghét, nỗi buồn vui trong đời sống tự nhiên với đời sống xã hội. Nghệ thuật là tư tưởng nhưng là tư tưởng đã được nghệ thuật hóa – tư tưởng cụ thể sinh động, lắng sâu, kín đáo chứ không lộ liễu, khô khan, áp đặt.
Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn người đọc bằng con đường tình cảm. Đến với một tác phẩm văn nghệ,chúng ta sống cùng cuộc sống được miêu tả trong đó, được yêu ghét, buồn vui đợi chờ, cùng với các nhân vật và người nghệ sĩ. Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi mà vào đốt lửa trong lòng khiến chúng ta phải tự bước lên đường.
- Kết bài:
Bố cục của văn bản “Tiếng nói của văn nghệ” rất chặt chẽ, hợp lý, mọi vấn đề đều được dẫn dắt tự nhiên. Cách viết giàu hình ảnh với những dẫn chứng sinh động, hấp dẫn, cả trong văn chương cũng như trong đời sống. Giọng văn chân thành, say sưa, thể hiện những xúc cảm mạnh mẽ của người viết. Bài tiểu luận bàn về nội dung của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống của con người, giúp con người được sống phong phú hơn và tự nhiên hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình.