Văn bản “Tiếng nói của văn nghệ” (Nguyễn Đình Thi), SGK Ngữ văn 9, tập 2

tieng-noi-cua-van-nghe-sgk-ngu-van-9-tap-2

Tiếng nói của văn nghệ
(Nguyễn Đình Thi) 

Nội dung:

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.

Nguyễn Du viết:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

nào phải để cho ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy. Tất cả những cảnh, những tình, những con người, những sự việc của một cuốn tiểu thuyết, nếu chỉ làm cho trí tò mò hiểu biết của ta thoả mãn thì đóng quyển sách lại cũng không còn gì. Nhưng chúng ta đọc các dòng cuối cùng rồi, chúng ta biết hết đầu đuôi câu chuyện rồi, chúng ta biết nàng Kiều mười lăm năm đã chìm nổi những gì, hay là An-na Ca-rê-nhi-na[1] đã chết thảm khốc ra sao, chúng ta không còn cần biết gì thêm, mà vẫn ngồi mãi trước trang sách chưa muốn gấp, đầu óc bâng khuâng nặng những suy nghĩ, trong lòng còn vương vấn những vui buồn không bao giờ quên được nữa: chúng ta vừa nghe thấy lời gửi từ mấy trăm năm trước của Nguyễn Du hay Tôn-xtôi.

Lời gửi của nghệ thuật không những là bài học luân lí hay một triết lí về đời người, hay những lời khuyên xử thế, hay một sự thực tâm lí, hoặc xã hội. Nếu Truyện Kiều rút ra chỉ còn là:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

hoặc:

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

thì tác phẩm của Nguyễn Du sẽ biến thành một thứ “Phật giả diễn ca”, cũng như An-na ca-rê-nhi-na sẽ biến thành “Bác ái[2] giáo diễn thuyết”. Không, lời gửi của một Nguyễn Du, một Tôn-xtôi cho nhân loại phức tạp hơn, cũng phong phú và sâu sắc hơn. Chúng ta nhận những nghệ sĩ vĩ đại ấy không những là mấy học thuyết luân lí[3], triết học[4], mà tất cả những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng, phẫn khích, và biết bao nhiêu tư tưởng của từng câu thơ, từng trang sách, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ mà đáng lẽ chúng ta không nhận được hằng ngày chung quanh ta, một ánh nắng, một lá cỏ, một tiếng chim, bao nhiêu bộ mặt con người trước kia ta chưa nhìn thấy, bao nhiêu vẻ mới mẻ, bao nhiêu vấn đề mà ta ngạc nhiên tìm ra ngay trong tâm hồn chúng ta nữa.

Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhoà đi, ánh sáng ấy bấy giờ biến thành của ta, và chiếu toả lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ. Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống tâm hồn.

[…] Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha[5], mà bị tù chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nhà quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hay hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời cực nhọc ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát, làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.

Sự sống ấy toả đều cho mọi vẻ, mọi mặt của tâm hồn. Văn nghệ nói chuyện với tất cả tâm hồn chúng ta, không riêng gì trí tuệ, nhất là trí thức.

Có lẽ văn nghệ rất kị “trí thức hoá[6]” nữa. Một nghệ thuật đã trí thức hoá thường là trừu tượng, khô héo. Nhưng văn nghệ nói nhiều nhất với cảm xúc, nơi đụng chạm của tâm hồn với cuộc sống hằng ngày. Vì văn nghệ không thể sống xa lìa cuộc sống và sống là gì, nếu không phải trước hết là hành động, là làm lụng, là cần lao[7]. Chiến đấu cũng là một hình thức cần lao, nói bằng danh từ khoa học, con người trước hết là con người sản xuất. Chỗ đứng của văn nghệ chính là chỗ giao nhau của tâm hồn con người với cuộc sống hành động, cuộc đời sản xuất, cuộc đời làm lụng hằng ngày, giữa thiên nhiên và giữa những người làm lụng khác. Chỗ đứng chính của văn nghệ là ở tình yêu ghét, niềm vui buồn, ý đẹp xấu trong đời sống thiên nhiên và đời sống xã hội của chúng ta. Cảm giác, tình tự[8], đời sống cảm xúc, ấy là chiến khu[9] chính của văn nghệ. Tôn-xtôi nói vắn tắt: Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm.

Nghệ thuật nói nhiều với tư tưởng nữa, nghệ thuật không thể nào thiếu tư tưởng, Không tư tưởng, con người có thể nào còn là con người. Nhưng trong nghệ thuật, tư tưởng từ ngay cuộc sống hằng ngày nảy ra, và thấm trong tất cả cuộc sống. Tư tưởng của nghệ thuật không bao giờ là trí thức[10] trừu tượng một mình trên cao. Một câu thơ, một trang truyện, một vở kịch, cho đến một bức tranh, một bản đàn, ngay khi làm chúng ta rung động trong cảm xúc, có bao giờ để trí óc chúng ta nằm lười yên một chỗ. Nhưng nghệ sĩ không đến mở một cuộc thảo luận lộ liễu và khô khan với chúng ta về một vấn đề khoa học hay triết học. Anh làm cho chúng ta nhìn, nghe, rồi từ những con người, những câu chuyện, những hình ảnh, những nỗi niềm của tác phẩm sẽ khơi mung lung[11] trong trí óc ta những vấn đề suy nghĩ. Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng. Và cái yên lặng của một câu thơ lắng sâu xuống tư tưởng. Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có trí thức. Và khác với cách đọc riêng bằng trí thức, lần đọc thứ hai chậm hơn, đòi hỏi nhiều cố gắng hơn, nhiều chỗ chúng ta dừng lại hơn. Cho đến một câu thơ kia, người đọc nghe thì thầm mãi trong lòng, mắt không rời trang giấy.

[…] Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng. Nghệ sĩ giới thiệu với chúng ta một cảm giác, tình tự, một tư tưởng bằng cách làm sống hiển hiện ngay lên trong tâm hồn chúng ta cảm giác, tình tự, tư tưởng ấy. Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy. Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn người. Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn. Nghệ thuật giải phóng được cho con người khỏi những biên giới của chính mình, nghệ thuật xây dựng con người, hay nói cho đúng hơn, làm cho con người tự xây dựng được. Trên nền tảng cuộc sống của xã hội, nghệ thuật xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội.

Chú thích:

[1] An-na Ca-rê-nhi-na: nhân vật trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn hào Nga Lép Tôn-xtôi (1828 – 1910). Đau khổ vì phải chịu những thành kiến xã hội vùi dập, vì không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân, trong cuộc sống, nàng đã lao vào đoàn tàu đang chạy và chết một cách thảm khốc.
[2] Bác ái: có lòng thương yêu rộng rãi đối với mọi người. Bác ái giáo: tư tưởng chủ trương lấy tình thương yêu rộng rãi để cảm hoá mọi người.
[3] Luân lí: những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội.
[4] Triết học: khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của thế giới và sự nhận thức thế giới tự nhiên, xã hội.
[5] Nhà pha: nhà tù, trại giam tù nhân.
[6] Trí thức hoá: ở đây dùng với nghĩa trở thành kiến thức sách vở, xa rời cuộc sống sinh động.
[7] Cần lao: cần cù trong lao động.
[8] Tình tự (từ cũ, nay ít dùng): tâm tình, tình cảm.
[9] Chiến khu: 1) khu vực tác chiến quan trọng, có ý nghĩa đến chiến lược; 2) khu vực được lấy làm căn cứ của cuộc chiến đấu. Ở đây dùng với nghĩa: lĩnh vực chủ yếu mà văn nghệ tác động đến.
[10] Trí thức: tri thức (dùng theo nghĩa cũ).
[11] Mung lung: 1) (khoảng không gian) rộng và lờ mờ, không rõ nét, gây cảm giác hư ảo; 2) (ý nghĩ) rộng và tràn lan, không tập trung, không rõ nét. Ở đây dùng với nghĩa sau.

1948

Tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948 (thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp), in trong cuốn Mấy vấn đề văn học (xuất bản năm 1956).

Nguồn: Nguyễn Đình Thi, Tuyển tập, tập III, NXB Văn học, Hà Nội, 1997

LUYỆN TẬP.

Câu 1: Bài nghị luận này phân tích nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ, khẳng định sức mạnh lớn lao của nó đối với đời sống con người. Hãy tóm tắt hệ thống luận điểm và nhận xét về bố cục của bài nghị luận.
Câu 2: Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ là gì?
Câu 3: Tại sao con người cần tiếng nói của văn nghệ?
Câu 4 : Tiếng nói của văn nghệ đến với người đọc bằng cách nào mà có khả năng kì diệu đến vậy? (Tư tưởng, nội dung của văn nghệ được thể hiện bằng hình thức nào? Tác phẩm nghệ thuật tác động đến người đọc qua con đường nào, bằng cách gì?)
Câu 5: Nêu vài nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi qua bài tiểu luận này (cách bố cục, dẫn dắt vấn đề, cách nêu và chứng minh các luận điểm, sự kết hợp giữa nhận định, lí lẽ với dẫn chứng thực tế…)


* Soạn bài:

Tiếng nói của văn nghệ
(Nguyễn Đình Thi) 

Câu 1:

Bài viết có bố cục khá chặt chẽ, được thể hiện qua hệ thống luận điểm lô gích, mạch lạc. Giữa các luận điểm vừa có sự tiếp nối tự nhiên vừa bổ sung, giải thích cho nhau:

– Văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ.

– Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết với cuộc sống của con người, nhất là trong hoàn cảnh những năm đầu kháng chiến.

– Văn nghệ có khả năng cảm hoá, có sức lôi cuốn thật kỳ diệu bởi đó là tiếng nói của tình cảm, tác động tới con người qua những rung cảm sâu xa.

Câu 2:

Nội dung chủ yếu của văn nghệ:

– Mang tính cụ thể, sinh động, là đời sống tình cảm của con người qua cái nhìn, tình cảm của người nghệ sĩ

– Tập trung khám phá chiều sâu cuộc sống trong các quan hệ về tính cách, số phận

– Tác phẩm phản ánh đời sống khách quan không phải sự sao chép, nó phản ánh cách nhìn, cách đánh giá, tư tưởng của người nghệ sĩ

– Có tính giáo dục, tác động mạnh tới người đọc bởi những tình cảm sâu sắc, buồn vui, nghệ sĩ

– Khiến ta rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống, làm thay đổi tư tưởng, tình cảm, lối sống, quan điểm

– Có sức lan tỏa mạnh mẽ, có tính giáo dục

Câu 3:

Qua các dẫn chứng được lấy từ các tác phẩm, qua những câu chuyện cụ thể, sinh động, Nguyễn Đình Thi đã phân tích một cách thấm thía sự cần thiết của văn nghệ đối với con người:

– Văn nghệ giúp chúng ta sống đầy đủ hơn, phong phú hơn trên phương diện tinh thần.

– Trong những trường hợp con người bị ngăn cách đối với đời sống, văn nghệ là sợi dây liên hệ giữa người đó với thế giới bên ngoài.

– Văn nghệ góp phần làm cho đời sống của chúng ta ngày càng đẹp đẽ, đáng yêu hơn. Một tác phẩm văn nghệ hay giúp con người cảm thấy yêu tin cuộc sống, biết rung cảm và ước mơ trước cái đẹp.

Câu 4 :

Văn nghệ tác động đến con người qua nội dung của nó và đặc biệt là còn đường mà nó đến với người đọc, người nghe:

– Tình cảm là một yếu tố then chốt của văn nghệ. Dù phản ánh cuộc sống nào thì một tác phẩm lớn luôn chan chứa những tình cảm sâu xa của người viết. Không có những tình cảm sâu sắc, mãnh liệt đối với đời sống, một tác phẩm dù đề cập đến những vấn đề rộng lớn đến đâu cũng sẽ trở nên vô nghĩa, ngay cả đối với bản thân người sáng tác.

– Sự tác động của văn nghệ đối với con người chủ yếu cũng qua con đường tình cảm. Những xúc cảm, tâm sự của tác giả đối với đời sống làm lay động cảm xúc của người đọc, người nghe. Bạn đọc được sống cuộc sống mà nhà văn miêu tả, được yêu, ghét, vui, buồn cùng các nhân vật trong đó, dần dần thay đổi suy nghĩ, quan niệm về đời sống, thậm chí thay đổi cả cách ứng xử đối với những người xung quanh. Văn nghệ khiến cho ta cảm thấy yêu cuộc sống hơn, đồng thời muốn đóng góp công sức của mình để làm cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn.

Câu 5:

– Bố cục của văn bản rất chặt chẽ, hợp lý, mọi vấn đề đều được dẫn dắt tự nhiên.

– Cách viết giàu hình ảnh với những dẫn chứng sinh động, hấp dẫn, cả trong văn chương cũng như trong đời sống.

– Giọng văn chân thành, say sưa, thể hiện những xúc cảm mạnh mẽ của người viết.

Luyện tập

Mỗi tác phẩm văn nghệ đến với bạn đọc đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả. Trong những tác phẩm văn học mà em từng đọc, để lại trong lòng em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhà văn đã khiến em hiểu ra những nỗi đau của chiến tranh trong quá khứ đã gây nên bao đau thương cho những đồng bào vô tội, làm chảy bao nhiêu máu của người ra đi và nước mắt của người ở lại. Đặc biệt, tác phẩm gây xúc động bởi tình cảm cha con thiêng liêng của người lính. Truyện khiến em trân quý thêm tình cảm gia đình, trân quý bầu trời hòa bình của ngày hôm nay và thêm biết ơn quá khứ với những nỗi đau của cha ông đã đổi lấy cho chúng em cuộc sống của ngày hôm nay.

Phân tích văn bản Tiếng nói văn nghệ của Nguyễn Đình Thi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.