Suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền.
Tiền bạc là một phương tiện dùng để trao đổi. Nó đại diện cho giá trị hữu hình của vật chất. Bản chất của lao động là tạo ra vật chất và chiếm hữu những giá trị ấy bằng giá trị đại diện là tiền bạc. Càng có nhiều tiền, con người càng thỏ mã với cuộc sống của mình. Bởi thế, tiền vừa tạo ra động lực thúc đẩy lao động sản xuất, vừa kích thích lòng tham, khiến cho con người hành động sai trái.
Có những người, vì tiền mà sẵn sàng làm những việc trái với đạo lí, pháp luật, gây tổn hại đến người thân, xã hội và đất nước. Vì tiền mà bội bạc tình nghĩa, bán rẻ lương tâm, gây nên biết bao điều oan nghiệt. Xã hội rối loạn, lòng người điên đảo cũng vì tranh quyền, đoạt lợi.
Tự bản chất, đồng tiền không có gì xấu. Đồng tiền trở nên xấu hay tốt là do con người sử dụng. Nếu ta làm chủ được đồng tiền, dùng tiền như một phương tiện để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình thì đó là một điều tốt. Tốt hơn nữa nếu ta bắt đồng tiền phục vụ cho sự công bằng, lòng nhân ái, cho công thiện, công ích, thì đồng tiền sẽ là người đầy tớ tốt mách bảo cho ta biết phải làm gì với số tiền ta có để đem lại lợi ích cho xã hội, cho cuộc sống của mọi người xung quanh.
Đồng tiền đòi hỏi phải có cách sử dụng đặc thù, tùy việc mà tiêu tiều: “Việc to đừng lo tốn”. Có nhiều vấn đề tế nhị, đáng bàn trong việc tiêu tiền. Không phải lúc nào đồng tiền cũng có vai trò như nhau. Nếu lao động chân chính, con người phải đổ mồ hôi nước mắt mới có được đồng tiền thì không thể tiêu dùng phung phí. Cách sử dụng đồng tiền tốt nhất là phải biết tiết kiệm: “Kiệm tắc thường lúc”.
Tóm lại, đồng tiền đóng một vai trò quan trọng đối với con người và xã hội. Nhưng “tiền bạc chỉ là tiền bạc” vì đồng tiền không phải là tất cả, còn có những thứ quý giá như tình nghĩa, sức khỏe, tri thức, đạo đức … Chính vì thế, học sinh chúng ta cần phải nhận rõ giá trị của đồng tiền và cách tiêu tiền sao cho tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, một phương tiện đem lại lợi ích cho bản thân và nhân loại.