Suy nghĩ về mối quan hệ giữa kiến thức và tiền bạc trong cuộc sống ngày nay

kien-thuc-va-tien-bac

Suy nghĩ về mối quan hệ giữa kiến thức và tiền bạc trong cuộc sống ngày nay

Người Do Thái có một chuyện vui cười nói về vai trò của kiến thức và của cải như sau: Có hai học giả nói chuyện với nhau. Một người nói: “Kiến thức và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?” Người kia trả lời: “Tất nhiên là kiến thức quan trọng hơn!”. Vị học giả đáp lại: “Vậy tại sao người có kiến thức lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu có lại không phải phục vụ người có kiến thức!?”.

Từ câu chuyện trên, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về kiến thức và tiền bạc trong cuộc sống hôm nay.


Giải thích:

Kiến thức là hệ thống các thông tin, các tài liệu, các cơ sở lý luận, các kỹ năng khác nhau, đạt được bởi một tổ chức hay một cá nhân thông qua các trải nghiệm thực tế hay thông qua sự giáo dục đào tạo. Kiến thức giành được thông qua các quá trình nhận thức phức tạp: quá trình tri giác, quá trình học tập, tiếp thu, quá trình giao tiếp, quá trình tranh luận, quá trình lý luận…

Người có kiến thức: là người có trình độ học vấn, có hiểu biết sâu rộng về một hay nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Tiền bạc: Chỉ của cải vật chất. Người có tiền bạc được xem là người giàu có, có điều kiện để đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, tiền bạc là phương tiện giúp con người có cuộc sống sung túc, thoải mái, tiện nghi…

Kiến thức và tiền bạc đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Song yếu tố nào quan trọng hơn, yếu tố nào chi phối yếu tố còn lại là nỗi băn khoăn của hai vị học giả trong câu chuyện. Lời đáp kết thúc câu chuyện có vẻ nghiêng về vai trò của tiền bạc: Người có kiến thức phải làm việc, phục vụ cho người giàu có nhiều tiền bạc. Tiền bạc có thể sai khiến, điều khiển cả kiến thức.

Bình luận, chứng minh:

Không thể phủ nhận vai trò của cả kiến thức và tiền bạc trong cuộc sống của con người, chúng đều là những yếu tố con người tự cổ chí kim muốn được sở hữu, và làm đầy thêm.

Vai trò của tiền bạc:

Tiền bạc là phương tiện, là công cụ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và cả tinh thần của con người, của cải tiền tài giúp cho con người có được cuộc sống đầy đủ, thoải mái, tiện nghi, người nắm trong tay tiền bạc có thể làm được nhiều việc thiện ích cho mình và cho người.

Nhu cầu có được sự giàu có về vật chất, tiền bạc là nhu cầu, mong muốn chính đáng của con người. Để có được của cải , tiền bạc cho bản thân, con người phải nỗ lực học tập, lao động… không ngừng để biến kiến thức, kỹ năng, sự cần cù, sáng tạo của mình thành tiền tài vật chất cụ thể phục vụ cho cuộc sống của bản thân.

Vai trò của kiến thức:

Kiến thức không chỉ là sở hữu của cá nhân, nó là kết quả tích lũy của cả loài người trong hàng ngàn năm tiến hóa và phát triển, dựng xây. Kiến thức giúp mỗi con người có hiểu biết, có thể lý giải được các hiện tượng khi đối diện với tự nhiên, xã hội…do đó giúp con người có thể tồn tại, phát triển.

“Chỉ có kiến thức mới là con đường sống” (M. Goorski). Kiến thức giúp nhân loại tạo nên những phát minh vĩ đại, những thành quả lớn lao. Không có kiến thức, con người sẽ bất lực trước hoàn cảnh, dễ dàng bị hoàn cảnh khuất phục.

Kiến thức giúp cho chúng ta có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão của bản thân; giúp chúng ta tự tin khi đối diện với những khó khăn. Ngược lại, không có Kiến thức hoặc không chịu tích lũy kiến thức sẽ khiến cho con người trở nên lạc hậu, gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Kiến thức là sức mạnh. Người có kiến thức luôn được xã hội kính nể, trọng vọng. Chính tri thức làm ta khiêm tốn còn ngu si làm ta kiêu ngạo.

Kiến thức và tiền bạc đều là những tài sản có giá trị. Kiến thức là tài sản vô hình và vô giá, không thể đo đếm được. Tiền bạc là tài sản hữu hình và có thể đong đếm được. Kiến thức chỉ có thể đầy thêm. Tiền bạc có thể vơi đi còn kiến thức thì không bao giờ cạn. Đầu tư vào tiền bạc nhiều rủi ro còn đầu tư vào kiến thức thì luôn luôn thành công.

Có kiến thức có thể kiếm được tiền bạc. Có tiền bạc chưa chắc đã mua được kiến thức. Tiền bạc có thể khiến người khác nể sợ. Kiến thức khiến người khác kính phục. Càng hiểu biết, con người càng tự do.

Thực chất, kiến thức quan trọng hơn tiền bạc như vị học giả thứ nhất khẳng định. Sở dĩ ông ta bị đuối lí trước lập luận hồi đáp của vị học giả thứ hai, bởi vì vị này đã đánh đồng hai khái niệm hoàn toàn khác biệt: Kiến thức và người có kiến thức, tiền bạc và người giàu có nhiều tiền bạc. Người có kiến thức không thể không hiểu giá kiến của tiền bạc, nên có thể làm việc cho người giàu có để đem lại lợi nhuận cho bản thân là chuyện đương nhiên.

Ngược lại, người giàu có nhiều tiền bạc không đối lập với kẻ có kiến thức, ngược lại, chính họ đã biến kho kiến thức kinh nghiệm phong phú vô tận của nhân loại trở thành trí tuệ của bản thân mình, họ không chỉ biết giá trị của đồng tiền mà còn biết sử dụng nó để hợp tác với những người có kiến thức, biến nó thành vật chất tiền bạc để phục vụ cho bản thân và cộng đồng.

Nhờ có kiến thức, cao hơn là nhờ có trí tuệ, con người tạo ra của cải vật chất tiền bạc cho bản thân, làm giàu cho xã hội, làm cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, xã hội ngày càng hiện đại, văn minh hơn. Bản thân những của cải vật chất phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta ngày hôm nay cũng là sản phẩn của trí tuệ ngày càng trở nên mẫn tiệp, thông thái của con người.

Bàn bạc, mở rộng, liên hệ thực tế:

Tri thức, trí tuệ làm nên giá trị con người chứ không phải tiền bạc. Nhưng con người tiếp thu tri thức, phấn đấu rèn luyện hình thành nên 1 bản lĩnh trí tuệ, nhằm tạo ra tiền bạc, của cải, phục vụ cho bản thân và cộng đồng, thì đó là nguyện vọng, mong muốn đúng đắn, chân chính của mỗi cá nhân.

Người giàu có nhiều tiền bạc không hoàn toàn đồng nghĩa với người có trí tuệ được trọng vọng. Bởi vật chất tiền tài họ có được có thể không xuất phát từ lao động chân chính. Tri thức phải gắn liền với nhân cách, sự giàu sang phải gắn liền với đạo đức, điều đó mới tạo nên giá trị của con người thực sự.

Phê phán hiện tượng xã hội chạy theo bằng cấp mà không coi trọng trí tuệ thực lực. Lên án những người quá coi trọng đồng tiền, tìm cách làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn, sử dụng đồng tiền với mục đích xấu xa…

Bài học nhận thức và hành động:

Nhận thức đúng đắn vai trò của đồng tiền và kiến thức đối với bản thân và xã hội. Tích lũy tri thức để làm giàu cho bản thân: cả về trí tuệ, nhân cách và cuộc sống vật chất. Nên nhớ rằng nhiệt huyết thiếu đi tri thức chỉ là lửa thiếu đi ánh sáng.

Kiếm tiền và sử dụng tiền bạc một cách hiệu quả, thiết thực, giúp ích cho bản thân và cộng đồng để trở thành người có trí tuệ và đạo đức chân chính.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.