Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ bàn về quan hệ giữa văn hóa và trang phục.
Đoạn văn 1:
Trang phục mở ra cánh cửa của thiện cảm. Người ta sẽ đánh giá bạn trước hết ở cách bạn thể hiện ở bề ngoài. Gần đây, cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa. Thậm chí, nhiều bạn có lối ăn mặc hết sức lố lăng, kịch cỡm, “làm màu” quá đáng theo kiểu quái dị, dung tục, vô văn hóa. Các bạn lầm tưởng rằng cách ăn mặc như thế sẽ làm cho mình trở thành người “văn minh”, “sành điệu”. Việc ăn mặc cần phù hợp với thời đại nhưng cũng phải phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, với lứa tuổi, với hoàn cảnh sống và nói lên phẩm chất tốt đẹp của con người. Việc chạy theo các “mốt” ăn mặc như thế làm mất thời gian của các bạn, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập và gây tốn kém cho cha mẹ. Các bạn cần thay đổi lại trang phục cho lành mạnh, đứng đắn. Từ cách ăn mặc theo xu hướng tầm thường ấy, kéo theo nó là sự suy thoái đạo đức, nhân cách, nhân phẩm của con người. Ăn mặc không phải làm tốt cho mình, thảo mãn sở thích của bản thân mà để tôn trọng kẻ khác. Hình ảnh rất quan trọng. Hãy ăn mặc phù hợp để thành công.
Đoạn văn 2:
Giữa trang phục và văn hóa có mối liên hệ khăng khít. Văn hóa hình thành nên cách ăn mặc của con người và ngược lại, trang phục thể hiện nền văn hóa của một dân tộc. Sự phát triển của trang phục cũng là tấm gương phản chiếu sự phát triển của văn hóa, sự phát triển trong tư duy thẩm mĩ. Những thói quen, khuynh hướng thẩm mĩ của con người trong từng giai đoạn đã phản ánh nhu cầu ăn mặc tạo ra các loại trang phục khác nhau. Trang phục của mỗi dân tộc phản ánh rõ nền văn hóa cũng như những nét đặc sắc trong truyền thống của từng quốc gia, trở thành một biểu tượng của dân tộc. Việt Nam có áo dài với nón lá, Hàn Quốc có hanbok, Nhật Bản có kimono, Trung Quốc có sườn xám,…Trang phục là một trong những khía cạnh tinh tế nhất của văn hóa, thể hiện được nhiều mặt của xã hội cũng như bộc lộ những nét cá tính của từng cá nhân. Nhìn vào cách ăn mặc, người ta có thể đưa ra những lời đoán định về tính cách, thói quen của một con người. Trang phục còn là một trong những phương tiện để thể hiện trình độ văn hóa, khuynh hướng thẩm mĩ cũng như bộc lộ địa vị của một con người trong xã hội… Để có cách ăn mặc lịch sự, chuẩn mực cần lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp, vóc dáng, tránh chạy theo trào lưu, lựa chọn những trang phục không phù hợp. Không ăn mặc hở hang, phản cảm, ảnh hưởng đến chuẩn mực về văn hóa của cộng đồng.