nhung-khoang-lang-nghe-thuat-trong-bai-tho-day-thon-vi-da-cua-han-mac-tu

Những khoảng lặng nghệ thuật trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Những khoảng lặng nghệ thuật trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử

“Thi sĩ như những con chim sơn ca đứng trong bóng tối cất lên những tiếng cô độc để mua vui cho sự cô độc của chính mình” (Selly). Nếu được yêu cầu phải tìm một chú chim sơn ca ở tận cùng bóng tối, để những gai nhọn của bông hoa cuộc đời cứa sâu vào tim và cất lên những vần thơ tuyệt đỉnh, những vần thơ quay quắt đầy sức ảnh ảnh, thì có lẽ không có sự lựa chọn nào tốt hơn Hàn Mặc Tử. Đau đớn, tuyệt vọng, cô đơn, cùng cực, bi phẫn, khao khát, đoạn tuyệt với đời nhưng đau đáu hướng về cuộc đời…

Số phận và đời thơ Hàn Mặc Tử có lẽ là một trong những số phận đau thương nhất của văn đàn Việt Nam. Với một khối đau thương thấm đẫm máu và nước mắt ấy, không ngôn từ nào, không lời nói nào có thể nói ra trọn vẹn. Hồn thơ ấy hẳn nhiên phải đầy những khoảng lặng, những khoảng lặng thơ làm nên những vùng tâm hồn bí hiểm, mà khám phá vào thế giới ấy, vào trái tim ấy, vào khối tình ấy, người đọc không khỏi bắt gặp những ảm ảnh.

Những khoảng lặng ấy thể hiện trước hết trong những câu hỏi tu từ. “Đây thôn Vĩ Dạ” đầy những câu hỏi băn khoăn day dứt. Hỏi, nhưng không phải hỏi, bản thân câu hỏi đã có câu trả lời. Hỏi, như tiếng lòng khắc khoải cứ mãi trở trăn, hỏi đấy, mà thực ra, chính là những xúc cảm đang cất lời.

Câu hỏi đầu tiên: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”, mở đầu bài thơ đầy sức gợi, như thu hút người đọc vào nhiều điều bí ẩn. Đó là lời của ai? Phải chăng là lời trách móc của cô em Hoàng Cúc tới người anh lâu ngày không gặp? Phải chăng đó là lời mời đầy hiếu khách của một người con gái Huế đáng yêu? Hay phải chăng là một lời tự vấn của chính thi nhân: Đã bao lâu rồi ta chưa về chốn ấy, về với cảnh cũ người xưa? Bản thân câu hỏi đã là một điều bí ẩn. Nhưng cái lặng ở đây, cái khoảng lặng chất chứa cảm xúc, không nằm ở chỗ ai hỏi hỏi ai, mà là ở chỗ, ở giữa những con chữ chất chứa những cảm xúc, băn khoăn gì, những tâm tư nào còn ẩn kín, vô ngôn. Đó là một lòng khao khát hướng về cuộc đời, của một con người vì hoàn cảnh mà phải đoạn tuyệt với cuộc đời.

Nhưng đoạn tuyệt không có nghĩa cự tuyệt, con người ấy vẫn một lòng hướng về cuộc đời trong tiếng lòng thổn thức và khát khao, mọi nhịp đập của con tim,  mọi hơi thở, và cả dòng máu nóng chảy trong huyết quản, đều hướng về thế giới ấy trong tình yêu toàn vẹn, trong niềm khao khát tột cùng. Thế nên câu hỏi mở đầu bài thơ có cái gì đó trìu mến, mà có chút gì đó bâng khuâng như oán trách, cũng có cái gì đó nằng nặng như một lời tự vấn.

Kết thúc mỗi khổ thơ của Đây thôn Vĩ Dạ là một câu hỏi tu từ:

– Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

………..
– Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

…………
– Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Mỗi câu hỏi tu từ là một tâm trạng, là một uẩn khúc tâm hồn, là một nỗi niềm phong kín. Câu hỏi: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của khổ thơ một chẳng đơn thuần là một câu hỏi, mà đó còn là một lời trầm trồ thán phục, còn là sự hưng phấn của một con người trước cảnh vườn xanh mướt, tinh khôi, cao sang, thanh tú. Nhưng từ trong khoảng lặng ở giữa những vần thơ, ta còn bắt gặp một ánh nhìn khá tươi vui: Một sự khen tặng, một lời ca ngợi, khen tặng, ca ngợi bàn tay người con gái chăm chỉ nết  na hiền lành đã làm nên khu vườn tuyệt đẹp này, mà ẩn sâu trong ấy, chính là những nhịp đậu của một trái tim tha thiết với đời, đặc biệt tha thiết với con người.

Khác với cái nhìn có vẻ tươi vui của câu hỏi ở khổ thơ đầu, câu hỏi ở khổ thơ thứ hai ẩn chứa trong khoảng lặng của nó một cái nhìn dự cảm, một sự gấp gáp đầy khổ đâu: “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Trăng là biểu tượng cho thế giới ngoài kia, thế giới của cuộc sống và ánh sáng, khác hẳn với thế giới trong này, thế giới của bóng tối và bệnh tật, của những đớn đau, của thể xác và linh hồn tan rã…

Chạm vào khoảng lặng gửi gắm trong chữ “kịp” trái tim người đọc như thắt lại. Tại sao lại băn khoăn về chữ “kịp”, tại sao ở đây lại có cái gấp gáp về thời gian, và có cái gì đó bùi ngùi như thể mất mát? Phải chăng thi nhân đã có dự cảm chẳng lành? Hay phải chăng đó là tâm trạng đau khổ tự ti của một con người bị cuộc đời quay lưng? Ẩn trong ngôn từ là những nỗi niềm chua xót, những nỗi niềm tủi phận, của một tâm hồn đáng thương. Hàn Mặc Tử gấp gáp, nhưng lại là gấp gáp để được hưởng những điều tối thiểu của cuộc đời. Cái tình cảnh ấy đau xót như những vết cứa vào tim, khiến ta không sao kìm nổi nước mắt. Khoảng lặng ở đây ôm ấp những xúc cảm bi kịch và đầy day dứt, ảm ảnh và mờ nhòa như một vết thương tâm tưởng…

Và câu hỏi tu từ ở khổ thơ cuối thì thực sự là những cảm xúc vỡ òa: Ai biết tình ai có đậm đà? AI là ai? Là em không biết tình anh đậm đà? Hay là liệu tình em có đậm đà với anh? Cảm xúc cứ day dứt, cứ xoay vòng, cứ xoáy sâu như một cơn lốc, đầy băn khoăn, đầy trăn trở, nhưng thực ra lại chính là những khao khát sống, những yêu thương, găn bó với cuộc đời của một con người ở vực thẳm của sự tuyệt vọng.

Ba câu hỏi là ba cảm xúc phức tạp. Ba khoảng lặng trong thơ mà cũng là ba khoảng lặng trong lòng bạn đọc, với những cảm xúc xót xa.

Khoảng lặng trong “Đây thôn Vĩ Dạ” còn thể hiện ở những hình tượng mà nhà thơ xây dựng. Đó có thể là hình ảnh của một con người “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Một con người mờ mờ ảo ảo thấp thoáng trong bức tranh tâm tưởng. Một con người lặng, vô ngôn nhưng đầy tâm sự. Có người cho rằng, đó chính là hiện thân của Hàn Mặc Tử, một bức chân dung tự họa trong bức tranh thiên nhiên vườn tược diễm lễ của tâm tưởng. Và ở trong cái khoảng lặng – bức chân dung ấy, là một sự tự ti của con người mang bệnh hòa cùng nỗi khát khao hướng về cuộc đời. Tĩnh lặng nép mình dưới đám trúc, hướng về cuộc đời về ánh sáng trong sự khát khao, trong nỗi niềm yêu mến, nhưng tuyệt nhiên chẳng thể lại gần. Hình ảnh ấy là hình ảnh ta có thể bắt gặp trong những khoảng lặng mà hình tượng mang lại, một hình ảnh đầy xót xa.

Hình tượng dòng sông trăng, hình tượng sương khói nhân ảnh đều vẽ ra những khoảng lặng man mác, khoảng lặng của cõi trời nước mênh man, khoảng lặng của ánh trăng trầm mặc, khoảng lặng của màn đêm thăm thẳm, khoảng lặng của sương khói, của cõi mộng, cõi điên…

Và nhiều lúc, chỉ là những từ ngữ tưởng như đơn giản, mà thật ra cũng chất chứa trong ấy biết bao nhiêu điều, trong những điều chưa nói, là những tâm sự thật sự, mà người đọc hoàn toàn có thể cảm nhận được, hiểu được với trái tim đồng cảm và tâm hồn đồng điệu. Chỉ một chữ “lay” mà bao cái sầu úa như đổ dồn cả vào khung cảnh, ấy là tâm trạng con người đang chiếm lĩnh thiên nhiên. Chỉ một chữ “kịp” mà thấy được tâm trạng đau đớn, cái gấp gáp đến tội nghiệp.

Nhưng tác dụng tạo khoảng lặng đáng kể nhất phải kể đến những đại từ phiếm chí. Cụ thể ở đây là đại từ phiếm chỉ “ai”. “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”. “Ai biết tình ai có đậm đà”. Về mặt ngữ nghĩa những đại từ phiếm chỉ làm cho nhòe nghĩa, làm đối tượng mờ dần đi, nhạt nhòa dần đi, tính cá thể trở nên không rõ ràng, như phủ một lớp màn sương khói lên tất cả. Điều này tạo ra những khoảng trống mênh mông khi hình tượng nghệ thuật, thông qua ngôn từ nghệ thuật, tác động và tâm tưởng người đọc và tạo ra những hình ảnh trong tâm trí họ. Những khoảng trống mênh mông ấy, những khoảng lặng ấy, như thể những khoảng trống trong những bức tranh thủy mặc, luôn mang môt sức gợi lớn lao, như cuốn hút người đọc vào khám phá một miền bí ẩn nào ấy, khiến họ tích cực khi tiếp nhận tác phẩm, và khiến tác phẩm ở sâu trong lòng họ.

Những đại từ phiếm chỉ còn tạo nên một khoảng lặng khác: Khoảng lặng của tâm trạng, một điều giấu kín, ẩn sâu, một góc khuất tâm trạng của nhà thơ. Vườn, thuyền và tình, đó là những biểu hiện đẹp nhất, cao nhất của cuộc sống mà Hàn Mặc Tử luôn khao khát, luôn hướng về, là thứ ánh sáng của sự sống mà nhà thơ luôn dõi theo từ nơi bóng tối của bệnh tật. Nay những điều ấy bị nhòe dần đi bởi đại từ phiếm chỉ, nhòe dần đi trong thơ, nhòe dần đi trong mạch cảm xúc. Ta bắt gặp ở đây một bàn tay cố rướn lên để với, nhưng càng với càng xa, càng khát khao, càng yêu thương càng tuyệt vọng, càng đau đớn…

Chính đặc điểm của ngôn từ và đặc trưng của thơ đã tạo nên những khoảng lặng của bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Đồng thời những khoảng lặng này cũng làm nên đặc sắc ngôn từ của tác phẩm, góp phần làm nên sức sống trong tác phẩm, để bài thơ thực sự là một cái gì đó độc đáo, cho người đọc tìm thấy được những điều mà “Trước nhà thơ đó, trước câu thơ đó còn như bị phong kín” (Nguyễn Tuân).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang