»» Nội dung bài viết:
Tình huống truyện trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” (Nguyễn Thi).
1. Tình huống trong truyện:
Truyện ngắn là thể loại có dung lượng nhỏ gọn, chi tiết cô đọng, cốt truyện thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Vì vậy, trong nghệ thuật truyện ngắn để khắc họa một hiện tượng đời sống, phát hiện một nét bản chất của cuộc đời, các nhà văn thường rất chú ý tới việc sáng tạo tình huống (VD: Chữ người tử tù, Vi hành, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa…)
Ở truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”, Nguyễn Thi đã sáng tạo tình huống xúc động. Đây là câu chuyện về gia đình của anh Giải phóng quân tên Việt. Nhân vật này rơi vào tình huống đặc biệt: trong một trận đánh, Việt bị thương phài nằm lại giữa chiến trường. Anh nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi ngất đi. Trong những lúc tỉnh lại ngất đi đó, bao nhiêu kí ức về gia đình, về đồng đội, về bản thân cứ mồn một hiện về lung linh sống động trong tâm trí Việt.
2. Phân tích tình huống truyện:
– Nhờ tình huống truyện, tác phẩm có một lối tự sự riêng. Lối tự sự, kể chuyện không hoàn toàn theo trật tự thời gian mà chủ yếu theo dòng hồi tưởng miên man đứt nối của Việt lúc bị thương nằm lại giữa chiến trường mênh mông bóng tối – bóng tối của màn đêm, bóng tối do đôi mắt bị thương không thể nhìn thấy gì bên ngoài. Chính nhờ cách trần thuật này mà mạch truyện đi về thoải mái giữa quá khứ và hiện tại; giữa cái đang ở trước mặt với cái đã thành kỉ niệm xa xưa.
– Dòng ý thức của Việt chập chờn giữa những lần tỉnh, ngất ấy đã lần lượt tái hiện những gì đã qua, đang có trong đời anh. Dòng nội tâm anh đứt nối, nối đứt đã tái hiện bao nét sinh động cụ thể về chú Năm, má, chị Chiến:
+ Má:
- Có cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn, khổ đau.
- Rất mực yêu thương chồng con và căm thù giặc sâu sắc: đi đòi đầu chồng; thương con hết mực nhưng rất nghiêm khắc (trong hồi ức chập chờn của Việt, má hiện lên đầu tiên: ghé lại, xoa đầu, đánh thức, lấy cơm cho Việt ăn…);
- Luôn luôn nhắc nhở con về truyền thống gia đình và mối thù dân tộc; hun đúc, nuôi dưỡng ở con ý chí chiến đấu không mệt mỏi.
+ Chú Năm:
- Có giọng hò: tiếng hò vừa nhắc nhớ về truyền thống, thắp lên niềm tự hào về quê hương khó nghèo nhưng bất khuất, vừa như lời hiệu triệu, một tiếng trống quân thúc giục động viên thanh niên ra trận.
- Giữ cuốn sổ gia đình, ghi từng ngày thay cho Việt và Chiến. Đây là hành động giữ lửa yêu nước truyền cho các thế hệ.
- Yêu nước, gắn bó với quê hương tha thiết, căm thù giặc sâu sắc.
+ Chị Chiến:
- Yêu thương và luôn nhường nhịn Việt, trừ việc giành đi bộ đội với Việt.
- Mang những phẩm chất của má: đảm đang, tháo vát, sắp xếp chu đáo mọi việc trước khi lên đường nhập ngũ.
- Tính tình bộc trực, quyết liệt, gan góc, giống má như đúc, quyết không đội trời chung với kẻ thù.
+ Việt:
– Qua dòng hồi ức của nhân vật Việt, người đọc thấy hiện lên hình ảnh của một chàng trai mới lớn rất hồn nhiên, vô tư mà dũng cảm, gắn bó với những người thân và giàu tinh thần trách nhiệm với truyền thống của gia đình, quê hương:
+ Tính cách trẻ con, hồn nhiên, vô tư: tranh đi bộ đội, tranh bắt ếch với chị; trong khi chị Chiến lo toan thu xếp việc gia đình thì Việt “lăn kềnh ra ván cười”, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay” rồi ngủ quên lúc nào không biết; đi đánh giặc vẫn đeo ná thun; không sợ giặc nhưng lại sợ ma; mỗi lúc tỉnh lại ngoài chiến trường, Việt nhớ về gia đình, thèm được má cưng chiều…
+ Tình cảm gắn bó và ý thức trách nhiệm với truyền thống gia đình:
- Gắn bó, yêu thương những người thân: tình cảm gia đình được thể hiện qua dòng hồi ức của Việt về ba má, chú Năm, chị Chiến…
- Có ý thức trách nhiệm thiêng liêng của một đứa con với truyền thống gia đình: lòng căm thù giặc, khát vọng cầm súng chiến đấu trả thù cho ba má, bảo vệ gia đình, quê hương…
- Chiến đấu gan góc, quả cảm: diệt được xe bọc thép của giặc; bị thương nặng, lạc đồng đội, trong hồi ức đứt nối nhưng luôn thường trực nung nấu: tìm về với anh em, để tiếp tục đấu tranh; một mình ở lại giữa chiến trường nhưng vẫn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu…
– Cách trần thuật này rất hữu hiệu trong việc thể hiện nội dung tư tưởng chủ đạo: gia đình là cội nguồn sâu thẳm nhất của con người, và truyền thống gia đình là thực sự thiêng liêng, vì nó đã hiện lên trong một thời khắc thiêng liêng.
– Cách kể chuyện này có hai tác dụng về nghệ thuật: câu chuyện vừa được kể, cũng là lúc tính cách nhân vật được khắc họa; câu chuyện trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng của nhân vật.
Với cách tạo tình huống này, Nguyễn Thi đã dễ dàng cất bỏ những tấm vách ngăn giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đang ở trước mặt và cái đã thành kỉ niệm xa xưa, giữa những chi tiết thoáng đến, thoáng đi, tưởng chừng như bâng quơ, ngẫu nhiên với những tư tưởng, tình cảm lớn lao, trọng đại. Kết cấu của tác phẩm, theo đó, trở nên linh hoạt, nhiều ngã rẽ, những khúc quanh mà người đọc không dễ dự kiến, đem đến những bất ngờ, thú vị và sự hấp dẫn cho câu chuyện. Cũng với tình huống này, những con người, những sự kiện hiện lên trong dòng kí ức vừa liên tục vừa đứt nối của Việt trở nên tự nhiên, chân thật và sống động hơn.
Đối với Nguyễn thi, tình huống ấy chính là một cách thức nghệ thuật hữu hiện để thể hiện tư tưởng: gia đình, đó là phần cội nguồn thẳm sâu nhất trong mỗi con người. Chính truyền thống gia đình là nguồn sức mạnh thiêng liêng và lớn lao đối với mỗi chúng ta trong cuộc chiến đấu sống còn với quân thù.
3. Ý nghĩa tư tưởng tình huống truyện:
Nhà văn dựng tình huống tâm trạng nên trần thuật theo dòng ý thức của nhân vật. Qua đó thể hiện:
- Phẩm chất anh hùng của người nông dân Nam Bộ với ý tưởng nghệ thuật: người anh hùng là sản phẩm của một thời đại, đồng thời là sản phẩm của một truyền thống gia đình.
- Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.