Những đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

nhung-dac-sac-nghe-thuat-cua-truyen-ngan-nhung-dua-con-trong-gia-dinh

Đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

Tình huống truyện giữ một vai trò rất quan trọng đối với thể loại truyện ngắn. Thậm chí, nó quyết định sự thành công hay thất bại của tác phẩm đó. Một truyện ngắn hay thường có cốt chuyện độc đáo, hấp dẫn. Chính thông qua tình huống truyện mà tính cách nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét.

1. Nhà văn Nguyễn Thi đã tạo được một tình huống truyện độc đáo và hợp lí.

Đó là việc một chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi tên là Việt rơi vào một tình huống đặc biệt: Trong một trận đánh, Việt bị thương nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, phải năm lại giữa chiến trường, anh nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại và câu chuyện được kể theo dòng nội tâm nhân vật khi đứt (ngất đi), khi nối (tỉnh dậy).

Qua những dòng cảm xúc của nhân vật Việt, lịch sử của một gia đình nông dân Nam Bộ được tái hiện một cách rõ nét, đồng thời tính cách của nhân vật cũng được khắc họa cụa thể, sinh động.

2. Nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” cũng rất độc đáo.

Nhà văn không kể lại câu chuyện một cách trực tiếp mà trần thuật theo phương thức thứ 3, ý nghĩa người trần thuật tự giấu mình nhưng cách nhìn và lời kể lại theo ngôn ngữ và giọng điệu, nhân vật. Nói một cách khác là ở truyện ngắn này, tác giả kể lại câu chuyện thông qua cái nhìn và những suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật Việt.

Lối trần thuật này có tác dụng: câu chuyện vừa được thuật kể cùng lúc tính cách nhân vật cũng được khắc họa. Mặt khác, câu chuyện dù không có gì gay cấn, đặc biệt cũng trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng của nhân vật.

3. Các nhân vật trong truyện ngắn được xây dựng rất thành công.

Ở những nhân vật này vừa có những nét chung bản chất của tính cách con người Nam Bộ như: thẳng thắng, bộc trực, lạc quan, yêu đời, yêu nước mãnh liệt, căm thù giặc sâu sắc, gan góc, dũng cảm nhưng đồng thời cũng có những nét riêng sinh động. Mỗi nhân vật, một tâm lí, một tính cách riêng được diễn tả chính xác, tinh tế, đặc biệt là hai nhân vật Chiến và Việt.

Trong tác phẩm này, nhà văn cũng chọn lựa được những chi tiết đặc sắc tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đọc truyện ngắn Những đứa con trong gia đình không ai có thể quên được đọn văn rất cảm động miêu tả cảnh hai chị em Việt khiêng bàn thờ Má sang gửi bên nhà chú Năm: “Nào, đưa má sang ở tạm nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập, con lại đưa má về”. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịnh bịch ở phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên, Việt mới thấy lòng mình rõ như thế.

Còn mối thù thằng Mỹ có thể rờ thấy được vì nó đang “đè nặng ở trên vai”. Đây là một chi tiết tiêu biểu, cô đọng, dồn nén, chứa chất bao ý nghĩa: vừa là hành động cụ thể, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa nặng trĩu câm thù, vừa chứa chan yêu thương.

Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi


Tham khảo:

Đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.

Trong tác phẩm tự sự, điều tạo nên sức hấp dẫn không phải chỉ ở nội dung câu chuyện với các sự kiện, chi tiết, hình ảnh được kể lại, mà còn ở cách kể chuyện, ở điểm nhìn nghệ thuật của người kể chuyện, ở cách nhà văn xây dựng nhân vật, ở ngôn ngữ của tác phẩm… Xét ở khía cạnh này, truyện “Những đứa con trong gia đình” xứng đáng được coi là một trong những “ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc” (mượn ý của Phạm văn Đồng) giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

* Nghệ thuật kể chuyện.

Truyện được kể bằng điểm nhìn của nhân vật Việt một chiến sỹ quan giải phóng gan dạ, một dũng sĩ duyệt Mĩ, đồng thời cũng là một chàng thanh niên mới lớn, vô tư, hồn nhiên, cho nên các sự kiện, những mảnh kí ức được khúc  xạ qua thế giới tâm hồn ấy, trở nên chân thật, sống và trẻ trung hơn trước mắt người đọc. Mặt khác, do câu chuyện được kể bằng hồi tưởng của Việt trong tình huống ngất đi tỉnh lại nhiều lần trên chiến trường nên việc tổ chức, sắp xếp các sự việc, sự kiện cũng trở nên linh hoạt và tự nhiên hơn. Chuyện gọi chuyện, sự việc này gợi liên tưởng đến sự việc khác, đan xen giữa quá khứ và hiện tại mà không hề gây cảm giác phi lý, khiên cưỡng cho người đọc.

Kể chuyện bằng điểm nhìn của Việt tức là nhà văn đã mượn hình thức nhân vật của chuyện để trao ngòi bút cho nhân vật tự viết về mình. Cách trần thuật  này tạo nên những trang văn đậm màu sắc chữ tình, chân thực về tâm trạng, tình cảm của nhân vật chính. Việt chỉ còn cảm nhận về thế giới xung quanh bằng cảm giác và hồi tưởng. Lần tỉnh dậy thế tư này, Việt biết đêm nữa đã lại đến qua tiếng nhạc dế “u u cao vút mãi lên”. Độ sâu của đêm cũng được “đo” bằng thanh âm quen thuộc, gần gũi này. Việt nhận thấy đó là đêm “sâu thăm thẳm” bởi nó quá yên tĩnh. Cái thăm thẳm của đêm làm cho Việt sống trong giấc mơ về má, “người việt như đang tan ra nhè nhẹ”. Má đang bơi xuồng, ghé lại qua nhà, xoa đầu Việt, đánh thức Việt rồi lấy xoang cơm đi làm đồng về cho Việt ăn, …Những mảnh dư âm của hồi tưởng đột ngột tan biến bởi tác động của hiện thực. Mấy giọt mưa đã làm cho Việt tỉnh hẳn để sống với cảm nhận về thực tại.

Nhập thân vào dòng tâm trạng của nhân vật chính, nhà văn đã tái hiện những cảm giác rất chân thực và sinh động của một cậu thanh niên mới lớn, lần đầu tiên nếm trải cảm giác bị lạc đồng đội ở giữa chiến trường. Việt không sợ đối đầu với giặc, không sự hi sinh nhưng sợ cái vắng lặng và cô đơn nơi chiến – “sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân”. Cảm giác một mình không chỉ xuất hiện trong ý nghĩ mà còn trở thành vô vàn câu hỏi bật lên và dội tới từng đường gân thớ thịt trên người Việt. “Cái cảm giác một mình bật lên một cách rõ ràng nhất, mênh mông nhất” đã khiến Việt muốn “chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày”. Bởi lẽ bóng đêm chỉ mang theo sự cô đơn mà với chàng thanh niên lộc ngộc, mới lớn còn đáng sợ vì nó mang đến “ con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoải mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà”. Chàng dũng sỹ diệt Mĩ ấy vẫn đang ở tuổi sợ ma khi vào trận.

Cũng chỉ trong cảm giác cô đơn, một mình đó, cảm nhận của Việt về tiếng súng mới thật đặc biệt. Bằng thính giác và sự nhạy bén của người chiến sỹ vào trận, Việt phân biệt tiếng nổ “lễnh lãng” của pháo giặc và “những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ”, “súng lớn và súng nhỏ quện vào nhau như tiếng mõ và tiếng chống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi”. Trong bối cảnh đó, tiếng súng trở nên thân thiết và vui lạ, nó gọi việt về phía của  “sự sống”. “tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng”. Nơi có tiếng súng là đồng đội anh, là anh Tánh, là những “anh em đơn vị mình” “đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong”. Tiếng súng đồng đội gọi chiến đấu đã tiếp thêm sức mạnh mới để gọi Việt đến. Sự thôi thúc chưa bao giờ mạnh mẽ và quyết liệt đến vậy. Nó đơn giản hơn nhiều so với việc phải “giành nhau” với chị để đi bộ đội đặng trả thù cho ba má, cho những người thân trong gia đình, và cũng là cho quê hương đất nước.

Cứ như vậy dòng trần thuật qua tâm tưởng nhân vật Việt đã thể hiện rõ nét với người đọc những suy nghĩ, cảm nhận và đời sống nội tâm của nhân vật ấy trog tình huống đặc biệt nơi chiến trường mà anh đang gặp. Đó là ưu thế nghệ thuật mà một điểm nhần trần thuật khác khó có thể có được.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

Bàn về nghệ thuật của truyện “Những đứa con trong gia đình”, thiết nghĩ cũng không thể bỏ qua nghệ thuật xây dựng của nhà văn. Ở phương diện này ta có thấy Nguyễn Thi rất quan tâm đến cá tính hóa nhân vật. Nhân vật nào cũng có những nét riêng độc đáo mặc dù trên dòng sông truyền thống của gia đình họ có chung một “một dáng hình, một khuôn mặt”. Thể hiện rõ nhất trong trích đoạn là hai chị em Chiến, Việt. Tuy hai chị em đều giống nhau cái “bộ mặt bầu bầu có hai cái chót mũi hớt lên” và nhất là cùng có trong bầu huyết quản của mình lòng căm thù giặc sâu sắc, tình cảm đối với quê hương, gia đình, ý trí lên đường trả thù nhà nợ nước dứt khoát như “rựa chém đá” nhưng đọc truyện ai cũng thấy những nét cá tính riêng ở hai chị em.

Trong khi chị Chiến tỏ ra là một người biết lo toan, tình toán, thu vén mọi việc trong nhà từ những việc “thỏn mỏn” cho đến những công việc lớn thì anh chàng Việt lại hiện rõ ra là một chàng trai mới lớn, lộc ngộc, vô lo, vô nghĩ. Chiến nghiêm trang, già rặn so với tuổi bao nhiêu thì Việt lại hồn nhiên, trẻ con, hiếu động bấy nhiêu. So với Việt, chị Chiến còn rất khoát ở những nét nữ tính giống mẹ, từ ngoại hình đến tính cách, lời nói, điệu bộ, cử chỉ. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là giữa người mẹ đã mất và người con gái  trẻ ấy chỉ là một “bản” duy nhất. Chiến không chỉ khác mẹ ở chiếc gương trong túi mà Việt tưởng tượng có thể theo Chiến ra tận ngoài mặt trận, cũng không chỉ ở cái dáng trẻ trung “kẹp một nhúm tóc mai vào miệng” hay là tính hay cười mà còn rất khác với mẹ ở chiến tích mang dấu ấn thời đại.

Mẹ của Chiến, trước nỗi đau mất chồng đã không có dịp nào cầm súng ra trận. Còn Chiến, đi bộ đội để trả thù cho mẹ là một sự thật, để rồi tự mình đã viết cho mình một “khúc” trên dòng sông truyền thống gia đình. Trong truyện, còn một nhân vật nữa, đáng phải kể đến là chú Năm. Chú là người duy nhất còn sống của thế hệ trước. Nói đến chú, cả Chiến, Việt và người đọc đều không thể quên cái giọng hò “đục”“tức như tiếng gáy” của chú cùng cái cuốn sổ gia đình mà chú là một “thư kí” hết sức trung thành…

Có thể nói, bằng cách cá tính hóa nhân vật, Nguyễn Thi đã làm cho câu chuyện trở nên hết sức sống động, thế giới nhân vật trở nên phong phú. Sự quy tụ của các chi tiết, các nhân vật cho việc làm nổi bất chủ đề tác phẩm nhờ đó mà không bị nhàm chán.

* Ngôn ngữ truyện:

Truyện “Những đứa con trong gia đình” lấy bối cảnh cuộc sống, chiến đấu của một gia đình Nam bộ trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ ác liệt. Sự gắn bó mật thiết cùng tình yêu và vốn sống phong phú về “mảnh đất phương Nam” đã giúp nhà văn tạo được “chất Nam bộ” hết sức đặc trưng cho truyện, làm thành một phương diện nghệ thuật độc đáo của tác phẩm. Cái “chất Nam bộ” ấy thể hiện trước hết ở tính cách của những con người nơi đây. Từ má Việt, chú Năm, tới hai chị em Chiến, Việt tất cả họ đều mang cái nết tính cách ngay thẳng, bộc trực, “Tròn ra tròn” “vuông ra vuông”, rứt khoát như “rựa chém đá” của người dân Nam bộ.

Nhưng rõ nét nhất trong tác phẩm và trong đoạn trích vẫn là yếu tố ngôn ngữ. Những từ ngữ, phương ngữ, lối nói, cách nói của người dân Nam bộ hiển hiện rất rõ trên các trang văn của tác phẩm: từ cách gọi mẹ là “má” em là “mầy”, đến các từ hỏi trong câu nghi vấn “bộ”, “chớ bộ”, “nghen”; từ những tính từ như “trọng trọng” đến lối diễn đạt đậm sắc thái Nam bộ: “nếu giặc còn thì ta mất, vậy à”, “nói nghe in như má vậy”, “hèn chi chị nói nghẹ thiệt gọi”… Có thể khẳng định, cách sử dụng ngôn ngữ đậm chất nam bộ đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên không khí phương Nam rất đặc trưng cho thiên truyện. Nó chẳng những hiện ra những nét tâm lý, tính cách của những con người sống ở vùng đất này mà còn góp phần gợi dậy cái không khí của một thời, một vùng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.