con-nguoi-tu-y-thuc-trong-truyen-ngan-doi-thua-cua-nha-van-nam-cao

Bàn về Con người tự ý thức trong truyện ngắn Đời thừa của nhà văn Nam Cao.

Con người tự ý thức trong truyện ngắn Đời thừa của nhà văn Nam Cao.

1. Khái niệm Con người tự ý thức và vấn đề Con người tự ý thức trong văn học hiện đại Việt Nam.

a. Khái niệm Con người tự ý thức.

“Tự ý thức”: Khả năng nhận thức trực tiếp tất cả những gì thuộc về bản thân một cách thành thực nhất: tình cảm, khát vọng, năng lực, cá tính, cảnh ngộ…trong mối quan hệ với cuộc đời để cải tạo và hoàn thiện.

“Con người tự ý thức”: biểu hiện của con người cá nhân – con người theo ý nghĩa triết học, hiện lên với tất cả những gì Người nhất, muốn phát huy bản ngã, phát huy tự do và tình cảm của cá nhân mình….

– Nhân vật tự nhận thức: là kiểu nhân vật tự phán xét hành động của mình, tự đối thoại, lục vấn và cảnh tỉnh chính mình với những xung động của nội tâm trước sự dồn đẩy âm thầm mà quyết liệt của lương tâm, của nhân cách con người.

→ Có thể xem đây là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần xã hội. Khác với nhân vật tính cách được chú trọng bồi đắp  đầy đặn về mặt cá tính, nhân vật tự nhận thức thường đưa ra một cách nhìn, cách hiểu, cách đánh giá đời sống mang đậm chính kiến và suy ngẫm cá nhân. Việc xây dựng loại hình nhân vật tự nhận thức là một cách nhà văn tự thức nhận và lý giải vấn đề trên theo quan niệm riêng của mình.Nhà văn quan tâm, suy ngẫm và coi sống như thế nào trong mối tương quan giữa con người và hoàn cảnh là vấn đề cần thiết, luôn đặt ra cho mỗi thế hệ.

b. Con người tự ý thức trong văn học hiện đại.

– Trong mười thế kỉ văn học trung đại, do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, của hệ tư tưởng phong kiến, con người chưa có điều kiện ý thức đầy đủ về cá nhân. Đến đầu thế kỉ XX, cùng với sự đổi thay của xã hội, lịch sử, văn hoá, con người đã được khám phá dưới góc độ “cái tôi”. Ở thời trước, “cái ta” lấn át hoàn toàn, “cái tôi” không có cơ để nảy nở. Đến thời đại này, “cái tôi” trỗi dậy giành quyền sống. Đặc biệt nó trở thành đề tài, cảm hứng, là mục đích sáng tác của văn học lãng mạn, là tinh thần của thơ mới – tiếng nói của “cái tôi” tiểu tư sản mạnh dạn bày tỏ những tâm tư thầm kín, những xúc cảm yêu đương, những khát vọng hưởng thụ…

– Tuy nhiên khi có điều kiện tự ý thức thì con người lại sống trong một môi trường chính trị – xã hội ngột ngạt, phi nhân đạo, đó là chế độ thực dân nửa phong kiến nên càng tự ý thức thì càng thấy bế tắc, rơi vào bi kịch . Các nhà thơ, nhà văn lãng mạn và hiện thực bấy giờ chưa được vũ trang lí tưởng cách mạng vô sản nên trong sáng tác của họ, chúng ta thấy hiện lên “cái tôi” cá nhân hoặc cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời, hoặc trốn chạy, chối bỏ cuộc đời bằng những nỗ lực vượt thoát khác nhau, hoặc ru mình trong tình ái, đấu tranh chống lẽ giáo phong kiến ca ngợi tư tưởng văn hóa, văn minh phương Tây….

2. Con người tự ý thức trong sáng tác của Nam Cao ở đề tài trí thức tiểu tư sản nghèo.

– Đây là một nét độc đáo trong cảm hứng nhân đạo của Nam Cao và cũng là một thành công lớn của nhà văn. Cốt lõi làm nên thành công ấy bởi ông có một quan niệm mới mẻ , đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về con người: Nam Cao quan niệm con người phải có tình yêu thương đồng loại, có lòng nhân ái. Phải làm một việc gì có ích cho xã hội bằng lí tưởng xã hội cao cả, phải có văn hoá, tri thức để có thể phát huy tận độ tài năng của mình, để sống có ý thức và biết thưởng thức vẻ đẹp của văn hoá, văn chương nghệ thuật.

– Chủ đề cá nhân không có trong sáng tác của các cây bút hiện thực lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, thảng hoặc có thể tìm thấy trong sáng tác của Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Thạch Lam…qua những dằn vặt nội tâm của các nhân vật song lại là nội dung chủ yếu của văn học lãng mạn. Tuy nhiên “cái tôi’ lãng mạn trong khi giãy giụa chống lại xã hội thù địch với nó, nó càng ngày càng khép kín, rút vào “cái tôi” nhỏ bé của minh, tự phát triển trong sự đối lập với xã hội thì Nam Cao lại yêu cầu khẳng định và phát triển cá nhân luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, hướng theo lí tưởng nhân đạo tiến bộ.

– Trong quan niệm của Nam Cao, ý thức cá nhân, sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trong cuộc sống đâu chỉ một chiều là tranh thủ từng giây, từng phút để tận hưởng. Nam Cao đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết cống hiến tài năng của mình vào sự phát triển chung của xã hội loài người. Như vậy Nam Cao không chỉ yêu thương, trân trọng con người mà còn yêu cầu cao về con người. Trong sáng tác của mình, ông để cho nhân vật có thể phát triển đến tột độ những gì cao đẹp nhất. Tinh thần nhân văn mới mẻ và sâu sắc âý là một tinh thần lớn, vượt ra ngoài thời đại của Nam Cao.

– Vấn đề tự ý thức của con người được đặt ra sâu sắc, thường trực và ám ảnh trong sáng tác của Nam Cao. Sự tự ý thức ấy như một sự vượt thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã của đời mình để bảo vệ nhân cách của bản thân. Kết cục của sự vượt thoát ấy nếu không phải là cái chết vật vã thì cũng là sự vật vã không kém về mặt tinh thần trong đấu tranh với bản thân để hướng tới một sự sống đích thực xứng đáng với một con người.

3. Con người tự ý thức trong truyện ngắn Đời thừa.

– Được thể hiện ở nhân vật Hộ qua bi kịch tinh thần đau đớn, dai dẳng khi người trí thức ý thức được đầy đủ, sâu sắc về nhân cách cá nhân, cá thể của mình.

+ Bi kịch của một nhà văn khát khao sống cuộc sống có ý nghĩa, ôm ấp một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương có ích cho xã hội nhưng vì gánh nặng áo cơm mà phải sống cuộc sống vô nghĩa, một “đời thừa’.

+ Bi kịch của một con người có tấm lòng nhân hậu, coi tình thương là nguyên tắc sống nhưng cuối cùng lại vi phạm vào lẽ sống “đề cao lòng thương” của mình.

+ Ghi lại cuộc đấu tranh tư tưởng của người trí thức trung thực trong hoàn cảnh bế tắc, vẫn cố vươn lên giữ vững lẽ sống nhân đạo.

→ Như vậy, bi kịch đau đớn của Hộ không chỉ vì lâm vào tình trạng “sống mòn’, sống vô nghĩa mà còn vì sự ý thức sâu sắc về tình trạng sống thừa của mình. Để rồi đỉnh điểm của sự tự nhận thức ấy được biểu hiện qua tiếng khóc. Bi kịch của Hộ tiêu biểu cho bi kịch của người trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội đương thời.

(Trong qua trình phân tích, học sinh phải biết cách chỉ ra cụ thể những biểu hiện của “con người tự ý thức” trong tác phẩm)

4. Đánh giá.

“Con người tự ý thức” trong “Đời thừa” đã mang đến giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ cho tác phẩm cũng như cho sáng tác của Nam Cao trước Cánh mạng. Ông là người đầu tiên trong văn học hiện thực mở rộng phạm trù tư tưởng nhân đạo, đem đến cái mới cho tư tưởng văn học hiện thực đương thời: đó là sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, ý thức giá trị sự sống – một trong những yếu tố đưa ông trở thành nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của văn học Việt Nam.

– Kiểu nhân vật này dẫu chỉ là những con người của một thời đã qua nhưng vẫn không bao giờ hết khả năng đối thoại với bạn đọc mọi thế hệ trên từng vấn đề cụ thể nhất của đời sống nhân sinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang