Phân tích bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ và quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trong “Đời thừa”

phan-tich-bi-kich-tinh-than-cua-nhan-vat-ho-va-quan-diem-nghe-thuat-cua-nam-cao-trong-doi-thua

Phân tích bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ và quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trong “Đời thừa”

  • Mở bài:

Có thể nói, Nam Cao là nhà văn lớn nhất của dòng văn học hiện thực phê phán trước 1945. Đời thừa là truyện ngắn xuất sắc của ông về đề tài trí thức. Qua việc miêu tả tấn bi kịch tinh thần của Hộ (bi kịch trong sự nghiệp: vỡ mộng; bi kịch trong gia đình: bi kịch tình thương), Nam Cao đã thể hiện quan điểm nghệ thuật mới mẻ và tiến bộ của mình.

  • Thân bài:

Nhân vật văn sĩ Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” được xây dựng như một người nghệ sĩ có lí tưởng đặc biệt. Ngay ở nhan đề của tác phẩm ta đã thấy dụng ý của tác giả. Đời thừa là cuộc đời vô ích, vô nghĩa, có mà như không. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ trung thực, tỉnh táo để ý thức về tình trạng sống thừa như thế. Chỉ có những người luôn khao khát sống cho có ý nghĩa, có ích, có giá trị mới thấy được. Trong tác phẩm, người lâm vào tình trạng sống thừa và ý thức được tình trạng đó là nhân vật Hộ, rộng hơn là người trí thức nghèo trong xã hội cũ.

Bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ chính là biểu hiện sinh động nhất của quá trình thực hiện lí tưởng sống của người nghệ sĩ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong đó, nổi bật hơn cả là bi kịch đầu tiên – sự đổ vỡ khát vọng văn chương. Hộ vốn say mê văn chương, có hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương: anh muốn viết một tác phẩm vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn để trở thành tài sản tinh thần chung cho cả loài người. Nhờ niềm say mê lí tưởng mãnh liệt đó, Hộ đã chấp nhận được cuộc sống cực khổ: “Đói rét không có nghĩa lí gì với gã tuổi trẻ say mê lí tưởng”, và biết khinh thường những lo lắng tủn mủn về vật chất, tiền bạc. Đồng thời, lí tưởng ấy cũng giúp Hộ có ý thức trách nhiệm rất cao trong nghề nghiệp: anh có cách viết văn thận trọng, vừa viết vừa đọc “ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán”.

Đặc biệt, Hộ còn có quan niệm tiến bộ và đúng đắn về nghề văn. Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có. Lúc này, đối với Hộ “nghệ thuật là tất cả”, là trên hết, là ưu tiên số một. Lí tưởng văn chương mà anh kiếm tìm đến đây là rất tốt đẹp. Ít nhất với riêng anh, lúc này lí tưởng ấy là hoàn mĩ và đầy tính hiện thực.

Nhưng khi phải cưu mang mẹ con cô Từ bất hạnh, Hộ phải đặt nhiệm vụ kiếm tiền lên hàng đầu để nuôi sống gia đình. Muốn vậy, Hộ phải viết vội vàng, cẩu thả, viết những thứ vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông. Đến lúc này, lí tưởng và hoài bão nghệ thuật đã phải nhường chỗ cho gánh nặng áo cơm đời thường. Hộ bắt đầu gặp phải sự đổ vỡ trong lí tưởng. Điều đó đã khiến Hộ đau khổ vì hơn ai hết anh đã ý thức rõ được sự thiếu trách nhiệm của mình trong nghề văn. Anh tự coi mình là kẻ “vô ích”, thậm chí là kẻ “đê tiện” và “bất lương” trong nghề văn. Tuy đau khổ nhưng Hộ còn có một niềm an ủi lớn: sự hi sinh đó không phải là vô ích, bởi nó giúp Hộ giữ được lẽ sống tình thương với mẹ con Từ.

Nhưng sự đổ vỡ lí tưởng không dừng lại ở đây. Bởi từ bi kịch văn chương thuần túy, Hộ đã sa vào bi kịch tình thương, bi kịch làm người. Ban đầu, Hộ đã chấp nhận hi sinh nghệ thuật vì muốn giữ tình thương. Hộ lấy Từ – cô gái nghèo bất hạnh, bị người tình phụ bạc. Hộ vất vả kiếm tiềm nuôi vợ con đang đói ăn, bệnh tật. Hộ đề cao triết lí tình thương: kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên vai người khác để thoả mãn lòng tham và sự ích kỉ, kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình.

Với tư cách là một nghệ sĩ, muốn sống cho có hoài bão, luôn luôn sáng tạo và cống hiến tài năng tận cùng cho xã hội, thì vì cơm áo hàng ngày mà Hộ phải bán rẻ lương tâm và ngòi bút của mình để phải sống cuộc sống Đời thừa; còn với tư cách là một con người. Hộ phải viết cẩu thả, viết vội vàng để kiếm tiền nên Hộ trở nên cáu bẳn, u uất, bực dọc. Hộ tìm sự khuây khoả trong men rượu. Trong cơn say, Hộ đã chửi mắng, đánh đuổi vợ con. Sau mỗi lần như vậy, khi tỉnh rượu, Hộ lại hối hận, khóc xin Từ tha thứ. Vậy là, Hộ đã đánh mất cả nguyên tắc nghệ thuật lẫn nguyên tắc tình thương. Bi kịch của Hộ là biết mình chà đạp lên các nguyên tắc cao đẹp đó nhưng không sao thay đổi được hoàn cảnh. Vì thế, càng ý thức rõ bi kịch ấy bao nhiêu, Hộ càng đau đớn, khổ sở, giằn vặt bấy nhiêu.

Với ý nghĩa đó, Đời thừa đã vút lên tiếng kêu khẩn thiết, hãy “nhân đạo hoá hoàn cảnh” để con người được sống nhân đạo, để cho nghệ thuật chân chính được nảy nở và đơm hoá kết trái trên mảnh đất cuộc sống giàu đẹp và văn minh. Điều quan trọng là qua hai tấn bi kịch đó của nhân vật Hộ, nhà văn Nam Cao đã làm sáng tỏ lí tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Đó cũng chính là quá trình nhà văn thể hiện những quan điểm nghệ thuật tiến bộ của mình: quan điểm về giá trị và chức năng văn chương, những phẩm chất của nghề nhà văn và trách nhiệm của người cầm bút. Trước hết, một tác phẩm văn chương thực sự phải có giá trị nhân đạo sâu sắc: phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng. Nó làm cho người gần người hơn.

Giá như bên cạnh lí tưởng đúng về nghệ thuật và tình thương, Hộ có được bản lĩnh cứng cỏi, kiên cường thì có lẽ anh đã tránh được bi kịch đau đớn của sự sa ngã khi không làm chủ nổi bản thân trước hơi men, có lẽ anh đã đủ sức gánh trên vai tất cả gánh nặng của cơm áo gạo tiền hàng ngày để kiên trì trên hành trình thực thi lí tưởng

Bên cạnh đó, văn chương phải có sự sáng tạo những cái mới mẻ, độc đáo. Nó không cần đến những người thợ khéo tay làm theo kiểu mẫu có sẵn. Nó chỉ dung nạp những người sáng tạo những gì chưa có. Muốn vậy, hoạt động văn chương cần sự nghiêm túc, cẩn trọng, không được phép cẩu thả, hời hợt, bởi điều đó đồng nghĩa với sự đê tiện.

Cuộc hành trình kiếm tìm và thực hiện lí tưởng của họ rất dài lâu, gian khổ, bởi lí tưởng không phải là thứ nhất thành bất biến, càng không dễ thực hiện trọng cuộc sống. Quá trình đó hết sức đòi hỏi con người phải đi qua nhiều thử thách, thăng trầm. Để rồi sau mỗi lần vấp ngã, sau mỗi đắng cay và bi kịch họ mới dần vỡ lẽ và tỉnh ngộ. Bài học ấy ở thời nào cũng vậy, dù biểu hiện dưới muôn hình vạn trạng qua phong cách nghệ thuật của từng nghệ sĩ hay qua từng tác phẩm thì cốt lõi vẫn là: nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống để sau đó lại quay trở về phục vụ chính con người.

  • Kết bài:

Từ việc phát hiện ra hai tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo nói trên, Nam Cao đã lập được một bản cáo trạng đanh thép đối với xã hội đương thời – một xã hội đã tước đoạt giá trị, ý nghĩa của cuộc sống, phá hoại những nhân cách, tài năng con người. Tác phẩm làm khơi dậy trong trái tim người đọc niềm khát vọng vươn tới cái thiện, cái đẹp và làm cho người đọc biết sám hối trước những tha hoá xấu xa của mình. Đó chính là giá trị nhân văn sâu sắc, độc đáo mới mẻ của Đời thừa. Với giá trị độc đáo đó, Đời thừa mãi mãi còn nói thẳng được với tâm hồn các thế hệ mai sau.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.