»» Nội dung bài viết:
Hướng dẫn cách làm bài văn tự sự (Kể chuyện)
1. Thế nào là văn bản tự sự?
Tự sự (kể chuyện) là phương thức trình bày một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.
2. Các bước thực hành văn tự sự:
a) Tìm hiểu yêu cầu của đề bài.
b) Quan sát và tưởng tượng.
c) Xác định nhân vật và xây dựng cốt truyện.
d) Tìm các chi tiết có ý nghĩa.
đ) Chọn từ đặc sắc.
3. Kết hợp yếu tố nghị luận, miêu tả trong bài văn tự sự.
* Sử dụng yếu tố nghị luận trong văn tự sự:
– Nghị luận là nêu lên các ý kiến, nhận xét, cùng những lí lẽ và dẫn chứng. Nội dung đó thường diễn đạt bằng hình thức lập luận làm cho câu chuyện thêm phần triết lí.
– Với các đề văn trên, cần chú ý kết hợp nghị luận ở những hoàn cảnh có tính tranh luận như sau:
+ Các đoạn đối thoại có tính tranh luận: kết tội, bào chữa, giải thích,…
+ Tự độc thoại đưa ra những lí do đúng để quyết định đi đến một hành động nào đó.
+ Tự độc thoại để đánh giá hành động của mình hay của người khác là đúng hay sai.
+ Tự suy ngẫm về những bài học kinh nghiệm sau kỉ niệm đó hoặc nêu lên những ý nghĩa gần gũi có tính triết lí như: tình bạn, lòng khoan dung, tính trung thực, tình nhân ái… (có thể sử dụng ở kết bài)
* Sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm trong văn tự sự.
– Miêu tả nội tâm là tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc và diễn biến tâm trạng nhân vật.
+ Miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn tả những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật (có thể dùng độc thoại nội tâm).
+ Miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục của nhân vật…
– Với các đề văn trên, cần chú ý miêu tả nội tâm ở những hoàn cảnh có tính mâu thuẩn, xung đột như:
+ Tâm trạng trước khi đi đến một hành động có lỗi/ hành động tốt;
+ Miêu tả cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ của nhân vật khi xảy ra xung đột (miêu tả nội tâm gián tiếp)
+ Tâm trạng ngay sau khi gây ra hành động có lỗi/hành động tốt;
+ Những suy nghĩ, trăn trở trong khoảng thời gian sau đó trước khi đi đến quyết định chữa lỗi (nếu có).