qua-bai-tho-canh-ngay-he-hay-lam-ro-y-kien-tho-la-tieng-noi-dau-tien-tieng-noi-thu-nhat-cua-tam-hon-khi-dung-cham-toi-cuoc-song

Qua bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, hãy làm rõ ý kiến: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống

Qua bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, hãy làm rõ ý kiến: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống.

  • Mở bài:

Nhận định về thơ, M.Gorki cho rằng: “Thơ chính là tâm hồn”. Còn Nguyễn Đình Thi khẳng định:Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống. Bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi là một minh chứng rất rõ ràng cho quan điểm trên.

  • Thân bài:

Thơ là hình thức sáng tác nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu để diễn tả những xúc cảm trào dâng nơi tâm hồn nhà thơ. “Tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất” mà Nguyễn Đình Thi đề cập tới ở đây chính là những rung động mãnh liệt bật ra trong một phút thăng hoa trước thế giới. Thế giới là gì nếu không phải là hiện thực khách quan, nơi sự sống vang lên mạnh mẽ? “Đụng chạm tới cuộc sống” chính là lúc mà người nghệ sĩ đối diện, thâm nhập vào đời sống để hiểu đời, hiểu người, từ đó đưa hơi thở ấm áp ấy vào thơ, tạo nên bao dòng cảm xúc bất tận.

Với cách nói hình ảnh, Nguyễn Đình Thi khẳng định vai trò của hiện thực và xúc cảm đối với người làm nghệ thuật nói chung cũng như làm thơ nói riêng. Hiện thực là nguồn cội, là cơ sở làm nảy sinh những tình cảm đẹp để từ đó, thơ được thai nghén, được ra đời. Điều này xuất phát từ đặc trưng của thơ. Quá trình sáng tác thơ là mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực – tác giả – tác phẩm. Lắng nghe “tiếng đời lăn náo nức”, sống giữa cuộc đời muôn hình vạn trạng, hẳn mỗi người đều có cho mình những “hỉ, nộ, ái, ố”. Thế nhưng, ở các nghệ sĩ, đặc biệt là nhà thơ, những “hỉ, nộ, ái, ố” đó không dừng lại ở thứ cảm xúc trung bình chủ nghĩa, nhàn nhạt mà nó thăng hoa để “trong một phút nổ ra như tiếng sét” (Chế Lan Viên), để ngòi bút ghi lên trang giấy không phải là những con chữ mà là “những tiếng lòng đang nhảy múa” (Xuân Diệu) .

Làm thơ nghĩa là cuộc hành trình của cảm xúc, những tình cảm sẽ dẫn dắt ngòi bút thi nhân đến những miền thơ mới lạ, đẹp đẽ khác thường. Không có hiện thực thì không có cảm xúc mà không có cảm xúc thì không làm được thơ. Đó là mối tương giao chặt chẽ, có quan hệ hữu cơ với nhau không thể tách rời cuộc sống tươi đẹp. Tố Hữu nhận định:Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học”.

Đến với trang thơ Cảnh ngày hè, ta cảm nhận được sâu sắc hình bóng cuộc đời trong từng con chữ và những rung động rất thực trong tâm hồn nhà thơ – một vị đại quan về ở ẩn: tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và nỗi niềm yêu nước thương dân. Đứng trước thiên nhiên, ông đã có những cảm nhận thật độc đáo:

“Rồi, hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.

Câu thơ mở đầu với cách ngắt nhịp 1/2/3 sáng tạo đã diễn tả trạng thái ung dung, phong thái của một con người say sưa trước vẻ đẹp thiên nhiên trong những “ngày trường”. Nào, hãy theo chân thi nhân và cùng đắm mình vào không gian hấp dẫn ấy. Mở ra trước mắt người đọc là hình ảnh cây hòe xanh mát, tán ngày càng tỏa rộng khiến ngày hè như dịu lại. Từ láy “đùn đùn” đầy sức tạo hình, diễn tả sức sống căng tràn trong cây hòe cũng như trong cảnh vật khi hè đến. Một sức sống mạnh mẽ như ấp ủ từ cuối đông sang xuân và đến hè thì bừng dậy, trỗi dậy khắp cây cỏ muôn phương. Trong một bài thơ khác, ông viết:

“Có thuở ngày hè trương tán lục
Đùn đùn bóng rợp cửa tam công”

Ngòi bút Nguyễn Trãi không chỉ tràn ngập hùng tâm tráng chí của thời đại Bình Ngô mà còn hừng hực lửa sống của đời, của người. Không chỉ có cây hòe mà còn cây lựu với những chùm hoa đỏ rực cũng được miêu tả đầy ấn tượng qua động từ “phun”. Một và chỉ một động từ đó thôi cũng đủ để ta hình dung sự sống như có hình khối, màu sắc, có thể cảm nhận trực tiếp bằng thị giác một cách trực tiếp. Sắc đỏ của hoa lựu được đặt cạnh sắc xanh của cây hòe làm nên sự đối chọi nhưng cũng rất hài hòa, tinh tế. Nguyễn Trãi dường như không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà họa sĩ với những nét màu rất sắc, rất hấp dẫn thị giác người xem. Chẳng thế mà có nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Ta bất ngờ nhận ra điều trùng hợp đến kì lạ. Con người Nguyễn Trãi sao thật giống với danh họa Hà Lan Van-gốc. Không phải ở những màu sắc biểu hiện mà ở cách diễn tả chúng. Van-gốc vẽ cánh đồng ta tưởng như cánh đồng bốc cháy, hàng cây bên đường cũng quằn quại vệt lửa. Còn Nguyễn Trãi, những chữ “đùn đùn”, “phun” … ấy là lửa trong lòng nhà thơ…”

Một “cuộc chơi” màu sắc làm bức tranh ngày hè sống động đến vô cùng. Sau này, ta cũng gặp “cuộc chơi” đó trong thơ hiện đại. Xuân Diệu viết: “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”. Tố Hữu lại có cái nhìn tươi mới hơn: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”

Có thể thấy, Nguyễn Trãi là người đi tiên phong trong việc đưa những sắc màu sinh động của cuộc sống vào thơ và rất thành công trong việc miêu tả bức tranh cảnh ngày hè. Nhưng như vậy đâu đã đủ. Bên cạnh những hình ảnh, màu sắc rực rỡ đó, mùa hè còn hấp dẫn thi nhân bằng hương sen ngan ngát: “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Lại một lần nữa cách dùng từ của Ức Trai khiến ta thích thú. Động từ “tiễn” như mang hương sen đi khắp không gian, tỏa vào đất trời và thấm vào lòng người. Đọc câu thơ khiến ta như thực sự bước vào thế giới mùa hè sống động đó. Càng sống động hơn khi ta được lắng nghe:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”

Tâm hồn Nguyễn Trãi như bao trùm lên cảnh vật, cảm nhận và thấu hiểu thế giới xung quanh bằng con mắt âu yếm, trân trọng. Tiếng ve xôn xao, vang động trong không gian được gói trong một từ “dắng dỏi” đầy sức gợi. Vậy là bức tranh thiên nhiên vừa rực rỡ sắc màu, thoang thoảng mùi hương lại náo nức âm thanh. Mọi giác quan đều được bừng thức trước cảnh vật mùa hè, tình yêu thiên nhiên dâng trào qua từng con chữ, đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên, đầy ấn tượng. Đó chính là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất” của tâm hồn Ức Trai trước cảnh vật mùa hè.

Bên cạnh tình yêu thiên nhiên là tình yêu cuộc sống chan chứa. Chỉ với một câu thơ: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”, tác giả đã diễn tả được âm thanh vang động của cuộc sống, âm thanh của ấm no, của yên bình mặc dù nó vọng đến từ rất xa, dù chỉ là những tiếng “lao xao” nhưng bằng tấm lòng gần dân, thương dân, Nguyễn Trãi đã lắng nghe và cảm nhận bằng cả tâm hồn mình, thổi sức sống vào những con chữ tưởng như vô tri. Nếu hẳn là âm thanh “ồn ào trên bến đỗ” của Huy Cận trong bài Đoàn thuyền đánh cá thì ai cũng nghe thấy, cũng cảm nhận được. Thế nhưng với Nguyễn Trãi, dù chỉ là vang âm “lao xao” của cuộc sống, ông đã có thể nắm bắt và đưa vào thơ thành công. Có lẽ đó cũng chính là những điểm làm nên nét hấp dẫn riêng của hồn thơ Ức Trai: tinh tế, nhạy cảm mà cũng rất mãnh liệt.

“Tiếng nói” sâu lắng nhất, thấm thía nhất trong bài Cảnh ngày hè có lẽ là tiếng lòng ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân hết mực của Nguyễn Trãi:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương”

Hai câu kết nêu lên một ước mơ, giãi bày một khát vọng mạnh mẽ của tác giả. Ông ước nhưng không ước cho mình, cho cuộc sống vật chất của bản thân mà dành tất cả sự quan tâm mong mỏi ấy cho nhân dân – những con người “đòn gánh xương chín dạn hai vai”. Thương dân, thấu hiểu những khó khăn vất vả trong đời sống người dân lao động nên nhà thơ chỉ mong có cây đàn của vua Ngu Thuấn để gảy khúc Nam Phong mừng cho đời sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân. Ở đây, tác giả đã sử dụng điển tích điển cố nhưng không hề khô khan, gò ép, trái lại rất tự nhiên, diễn tả chân thực khát khao cháy bỏng là nhân dân có cuộc sống bình yên, no đủ, như đương thời vua Lê Thánh Tông cũng mong ước:

“Nhà Nam nhà Bắc đều no mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình”

Đặt trong bối cảnh Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn do đắc chí, khát vọng ấy “Dẽ có…” (lẽ ra nên có) còn phảng phất nét buồn, tâm sự ưu thời mẫn thế vì chí lớn chưa thỏa sức thực hiện. Nhưng dẫu sao, câu thơ vẫn ánh lên tấm lòng “sáng tựa sao Khuê” của một con người suốt đời lo cho dân cho nước.

Chỉ bằng một bài thơ ngắn, ta đã nhận ra tài năng nghệ thuật Nguyễn Trãi. Với thể thơ thất ngôn xen lục ngôn đầy sáng tạo, hệ thống hình ảnh giàu chất gợi hình, gợi cảm và ngôn ngữ thơ Nôm vừa tinh tế, hàm súc lại rất đỗi gần gũi, thân thuộc, bài thơ là một “công trình nghệ thuật” đầy ấn tượng, mang đậm nét tư tưởng Nguyễn Trãi: tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và nỗi niềm yêu nước thương dân. Đó là những “tiếng nói” đầy ý nghĩa vang lên từ tâm hồn Ức Trai trước cuộc đời muôn hình muôn sắc. Tiếng nói ấy vừa đặc trưng lại vừa độc đáo, mới mẻ. Thường trong văn học trung đại, khi miêu tả thiên nhiên, các tác giả nghĩ ngay đến xuân với “Cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du) hay “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” chứ ít ai nhắc tới mùa hè. Vượt ra khỏi cái khuôn mẫu xáo mòn, cái “xương xẩu cứng khô” của tư tưởng phi ngã, Nguyễn Trãi đã tạo nên không không gian nghệ thuật riêng, trong đó âm vang cuộc sống hiện lên thật rõ nét qua từng con chữ, thực sự “đụng chạm tới cuộc sống” bằng chính những giác quan nhạy bén, bằng tâm hồn rộng mở và bằng cả ngòi bút tài hoa, xứng đáng là “người làm nên lòng tin cho ngôn ngữ dân tộc” (Lê Trí Viễn).

Thơ ca là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp(Sóng Hồng). Đọc thơ cũng chính là đến với thời đại của nhà thơ, đồng thời đến với thế giới nội tâm của người nghệ sĩ với bao xúc cảm lạ lùng. Nhận định của Nguyễn Đình Thi mang đến chiêm nghiệm sâu sắc về thơ ca cũng như bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận. Thơ ca là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống cũng như hiện thực tâm hồn, do đó người làm thơ cần phải xúc cảm thực sự trước cuộc đời, con người mới có thể mang những cảm xúc đó vào thơ, như Nguyễn Du thương cô Kiều tài hoa bạc mệnh và làm nên kiệt tác “Truyện Kiều, như Xuân Diệu với lòng yêu đời và khát khao giao cảm mãnh liệt thổi hồn cho những Vội vàng”; “Thơ duyên”... Cảm xúc sẽ dẫn dắt nhà thơ tới miền đất của cái đẹp, của chân – thiện – mĩ. Tuy nhiên chỉ cảm xúc thôi thì chưa đủ, cảm xúc mãnh liệt cũng cần một tài năng nghệ thuật đích thực để giúp truyền tải những vang âm đó vào trang thơ, làm nên những tác phẩm thực sự mà như Viên Mai đã nhận xét: “Tài gia tình chi phát, tài thịnh tình đắc thâm” (Cái tài do tình sinh ra, tài cao ắt tình sâu). Đối với người đọc, trong quá trình tiếp nhận văn học cần trân trọng công sức của nhà văn, nhà thơ, đọc để không chỉ thấy cái hay của câu chữ mà còn thực sự đồng điệu, tri âm với tâm hồn, với tiếng nói sâu lắng mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm, bởi “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu).

“Nếu ngày mai em không làm thơ nữa
Cuộc sống trở về bình yên
Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm
Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc”

(Xuân Quỳnh)

  • Kết bài:

Nếu không còn những vấn thơ – những tiếng nói tâm hồn đầy xúc cảm ấy chắc chắn cuộc sống sẽ thiếu đi hẳn một phần niềm vui, vài phần nỗi buồn và rất nhiều phần lãng mạn. Vậy nên hãy cứ làm thơ, yêu thơ – cũng là yêu chính cuộc sống tươi đẹp này.


Tham khảo:

Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống.

Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ Độc Tiểu thanh kí của Nguyễn DU.

  • Mở bài:

Nhà thơ Tố Hữu từng chia sẻ “Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ”. Điều này càng khẳng định rằng thơ luôn là thứ con người tìm đến để giải tỏa tâm hồn, bày tỏ tâm sự khi có gì đó chất chứa, mông lung trong lòng hay nói cách khác, thơ chính là lời của trái tim : “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi).

  • Thân bài:

Khởi phát từ cuộc sống, thơ ca trở lại phục vụ cho đời sống tâm hồn của con người. Có người cho rằng không có gì hay hơn tiếng thì thầm của thơ ca trên mặt đất. Thơ ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc. Nguyễn Đình Thi cho rằng : “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống” là hoàn toàn có căn cứ.

Người thợ làm bánh làm ra chiếc bánh thạch bằng một tình yêu với món bánh quê nhà, người họa sĩ vẽ bức tranh mùa thu bằng cái hồn say đắm thiên nhiên đất nước. Còn nhà thơ viết câu thơ bằng chính rung động của mình trước bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống xung quanh. “Thơ” là một thể loại trữ tình dùng ngôn từ, vần và nhịp để biểu thị nội dung. Nguyễn Đình Thi cho thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn, tức thơ dùng để biểu thị, bộc lộ thứ tình cảm sâu kín trong trái tim. Thơ nói hộ trái tim người nghệ sĩ, thơ gảy khúc đàn từ chính rung động của thi nhân. Nhưng phải là tiếng nói “đầu tiên”, “thứ nhất”, tức những rung cảm chợt xuất hiện, chợt nảy sinh khi nhà thơ vừa “đụng chạm tới cuộc sống”. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã đề cập đến đặc trưng cơ bản của thơ: Thơ ca bắt nguồn từ tình cảm, tâm tư và cũng là công cụ để bộc lộ tình cảm mãnh liệt.

Jose Martin cho rằng “thiếu tình cảm thì chỉ có thể trở thành người thơ làm những câu có vần chứ không thể trở thành nhà thơ”. W Goethe thì nói “thơ ca là bùng cháy của trái tim”. Xuất phát từ đặc trưng văn học nói chung là phản ánh đời sống khách quan qua lăng kính chủ quan, qua sự sàng lọc và gửi gắm tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Thơ cũng là một thể loại của văn chương và thơ không đứng ngoài quy luật ấy. Thơ phản ánh cuộc sống, ấy là lúc các nhà thơ khám phá cuộc đời, là khi Huy Cận nhìn thời thế mà cất bút lên viết “Tràng Giang” buồn mênh mang, khi Tố Hữu nhớ lại ngày mình được ánh sáng của Đảng chiếu rọi mà viết nên “Từ ấy”. Nhưng thơ là một thể loại trữ tình, vạch xuất phát của thơ là tình cảm, đích đến của thơ cũng là thể hiện tình cảm, là đem sự thật kia vào câu chữ để mỗi chữ vang lên đều như một nốt nhạc thăng hoa từ tình cảm của thi nhân.

Người nghệ sĩ đến với thi ca là để được giãi bày. Anh nhìn thấy một cụ già, một em nhỏ, anh thương cho cụ già kia, rạo rực nét ngây thơ của em nhỏ kia. Tình cảm xuất hiện rất nhanh, lần đầu tiên thôi nhưng dâng lên mãnh liệt đến nỗi anh phải dùng thơ mà diễn đạt. Người viết bộc lộ cảm xúc của mình về cuộc sống nhưng lại vô tình (hay cố ý) thỏa mãn được nhu cầu khám phá tình cảm, tình người tri âm của độc giả khi đến với thơ ca. Thế giới nứt làm đôi, vết nứt xuyên qua trái tim người nghệ sĩ và khi đến với người đọc thì nó đã nhuốm máu nhà thơ. Vệt máu ấy đọng lại trong tim người đọc như một vùng sáng, tìm đến trái tim họ để cùng sẻ chia, hàn gắn.

Nếu đến với khoa học vật lý, hóa học, người ta chỉ tìm thấy những định luật, định lý khô khan thì đến với văn chương người đọc cùng hòa mình trong cảm xúc của tác giả. Không phải tự nhiên đâu mà Mạc Ngôn, nhà Nobel văn học năm 2012 lại nói “Bạn có thể tìm thấy mọi thứ tôi muốn nói trong tác phẩm của tôi”. Thơ như một ngọn núi cao hiểm hóc nhưng thơ mộng, người đọc không dễ leo lên mà vẫn muốn leo lên để thấy thi nhân đã cảm nhận thế giới như thế nào.

Nếu coi nền văn học Việt Nam là bầu trời đầy sao rực rỡ thì không ít những nhà thơ trung đại là ánh sao sáng rực, chiếm một góc trời. Con người trung đại làm thơ bắt nguồn từ tình cảm, có những thứ tình cảm rất riêng, rất tinh tế nhưng vẫn nói được tiếng nói của nhiều kiếp người nơi ấy. Nguyễn Du là một tác gia điển hình cho điều đó. Người đời ca ngợi Nguyễn Du với “Truyện Kiều” nhưng tôi lại thích một Đại thi hào trong “Độc Tiểu Thanh kí”.

Độc Tiểu Thanh ký là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn thi nhân. Sống trong thời đại đầy biến động, nơi số phận con người như thuyền trên nước, trôi nổi bấp bênh, Nguyễn Du lại tìm thấy tập thơ của nàng Tiểu Thanh khi xưa và chẳng ai xui khiến ông tìm về viếng nàng. Chính niềm xót thương đồng cảm ấy – thứ tình cảm đầu tiên nảy sinh ấy đã thành dòng sông cảm hứng để ông viết nên bài thơ này. Nhìn thời thế, nhìn cuộc sống, nhà thơ nghĩ đến sức mạnh của thời gian:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

Đọc hai câu đề, người đọc có thể nói: Sống lâu như vậy rồi, quan niệm thời gian trong câu này đâu còn là thứ “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất”. Xin thưa rằng chiêm nghiệm thì đã lâu, nhưng chỉ trong hoàn cảnh viếng nàng Tiểu Thanh này, nỗi sợ mới lên đến đỉnh điểm. Tây Hồ đẹp vậy mà giờ đã hóa gò hoang, điêu tàn, chết chóc. Chữ “tẫn” như ẩn chứa cả sức mạnh hàng vạn năm. Nguyễn Du thốt lên chữ ấy vì ông sợ cái sức mạnh khủng khiếp của thời gian, nỗi sợ phần nào giống với Hồ Xuân Hương “văng vẳng trống canh dồn”. Trước đó người đọc từng cảm nhận đại thi hào thương cho nàng Kiều nhưng đó là tình thương đối với người trong nước.

Ở đây người ta lại gặp một tri âm tiếc thương, cảm thông vượt cả thời gian, xuyên không gian ra ngoài biên giới. Đây không phải là “tiếng nói đầu tiên, thứ nhất” xuất hiện trong tâm khảm thi nhân là gì? Hình ảnh một người với một mảnh giấy bên một song cửa, viếng một người, hai người họ đã là tri âm.

Khi đại thi hào “đụng chạm tới cuộc sống” đâu đâu cũng chỉ thấy bóng người khuất oan, đâu đâu cũng chỉ mang nỗi đau vạn cổ, như trong “Văn tế thập loại chúng sinh” ông thương đứa trẻ mới lọt lòng:

“Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha não lòng”

Còn ở đây ông thương cho tất cả cái tài, cái đẹp trong xã hội:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

Son phấn là ẩn dụ cho người con gái hay sắc đẹp nói chung, văn chương là ẩn dụ cho cái tài nói chung, chúng có “thần chôn vẫn hận”, “không mệnh đốt còn vương”. Bằng nghệ thuật nhân hóa, bằng “con mắt nhìn suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, tấm lòng nhà thơ nhìn thấu con người và sự việc, xoa dịu cả nỗi khắc khoải nhất, oan uổng nhất (xuất phát từ nỗi oan của nàng Tiểu Thanh) để rồi hết lòng trân trọng cái tài, cái đẹp nhưng cũng hết lòng đồng cảm, xót thương. Hai câu thực đối nhau nhưng là đối tương đồng. Tất cả hình ảnh, ngôn từ đều hướng đến bày tỏ nổi lòng của tri âm. Ấy là tâm tư hồn thi sĩ vậy. Tâm hồn như sợi dây đàn, một khi đã rung lên thì ngòi bút tràn trề cảm xúc.

Thương cho người chỉ là một nửa trái tim, nửa còn lại, thi hào thương cho chính bản thân mình:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vân kì oan ngã tự cư”

Nỗi oan trời không biết đất không hay, đó là cái nỗi oan gì vậy? Tự nhận mình là “ngã tự cư”, một kẻ cùng hội cùng thuyền với những người bất hạnh ấy, phải chăng Nguyễn Du đang rất đau. Lần đầu tiên người ta thấy được lời than trực tiếp cho cái tôi của mình trong văn học, quả là một ngòi bút đi trước thời đại. Trong ca dao cũng có “thân em”, “thân cò” nhưng biết thân ấy là ai? Nguyễn Du đã thật sự dùng thơ làm tiếng nói tâm hồn nên thậm chí còn dám xưng danh bằng một câu hỏi:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Nhưng tình cảm của nhà thơ không giống “ba trăm năm nữa” chỉ là con số tưởng tượng. Ba trăm năm hay vài thế kỷ nữa trôi qua, trong tương lai, có ai còn khóc cho ông như ông đang khóc nàng Tiểu Thanh, có ai còn nhớ đến cái tên Tố Như không? Nguyễn Du xưng danh để khao khát nhưng khi kết hợp với câu hỏi tu từ thì lại có phần khắc khoải, mơ hồ, bất lực. Hỏi chỉ để hỏi thôi, hỏi nhưng chẳng có lời nào vọng lại.

Đọc đến câu thơ này, tiếng nói của tâm hồn nhà thơ đã được bộc bạch rõ. Đụng tới nỗi đau của mình và của mọi kiếp người trong cuộc sống, lòng nhà thơ đã rung, tay nhà thơ đã viết, những câu từ như lời nói phát ra từ cổ họng, tự kêu, tự thương, tự mơ ước cho chính mình. Dấu chấm câu kết thúc, người đọc vẫn thấy dư vang của một thời – cái cuộc sống mà thi nhân đã đụng chạm, đã nằm trong đó, đã bị cái gai của cuộc sống cắm vào. Nhưng dư âm càng sâu hơn nữa đó là sự trân trọng với tác giả, cái tài và cái đẹp, đồng thời đồng cảm, thương xót, ước mơ. Và câu hỏi xưa của cụ Nguyễn, ngày nay đã có nhiều lời đáp lại.

Georges Baudard, nhà văn nước ngoài từng nói “Trên thế giới không có nhà văn nào để lại chấn động mạnh mẽ đến nhân dân nước mình như Nguyễn Du ở Việt Nam”. Đúng vậy, người ta yêu Nguyễn Du là yêu một tâm hồn, một tài năng biểu đạt tâm hồn xứng là bậc thầy của dân tộc.

Ý kiến mà Nguyễn Đình Thi đưa ra là hoàn toàn đúng đắn và ý nghĩa. Nó đúng không chỉ với Nguyễn Du mà còn đúng với rất nhiều nhà thơ trung đại khác. Ta được thấy thái độ chống lại số phận của Hồ Xuân Hương, thấy tấm lòng yêu thiên nhiên và tấc dạ ưu thời mẫn thế của Nguyễn Trãi trong “Cảnh ngày hè”.

Đến văn học hiện đại, ta lại cảm nhận được không khí rầm rộ, rộn ràng của các nhà thơ kháng chiến, thấy thái độ hào hứng của Phạm Tiến Duật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, của Tố Hữu trong “Từ ấy”, của Chế Lan Viên trong “Tiếng hát con tàu”. Và không chỉ trong thơ, trong văn, bất kỳ môn nghệ thuật nào cũng cần tình cảm. Tôi từng đắm say bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo De Vinci. Mỗi tác phẩm có tiếng nói riêng nhưng giống nhau ở chỗ chứa đựng ở đó một tình thương vô ngần của người nghệ sĩ đối với cuộc đời.

Nguyễn Đình Thi đã tạo ra một ngọn hải đăng cho các thi sĩ chèo thuyền về đúng hướng. Những ai đang viết thơ, hãy viết chúng bằng cả tấm lòng mình, hãy huy động tất cả vẻ đẹp của tâm hồn và dòng máu vào trang viết, để người đọc khi đến với tác phẩm cũng phải sống hết mình với nó, khám phá nó như tìm đường đến với ngọn hải đăng giữa biển khơi. Có vậy lịch sử văn chương mới thực sự đi lên bền vững.

  • Kết bài:

Nền văn học vẫn chảy trôi và phát triển, thi ca muôn đời vẫn là lãnh địa của cảm xúc và trái tim khi nhà thơ lấy chúng ra từ hiện thực. Thật có lí khi nói: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Và mỗi bài thơ chắc hẳn là một phần tâm hồn của người nghệ sĩ.


Tham khảo:

Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào sự sống (Nguyễn Đình Thi).

Hãy làm rõ và chứng minh ý kiến trên qua bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

  • Mở bài:

Nhà thơ Tố Hữu từng chia sẻ “Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ”. Điều này càng khẳng định rằng thơ luôn là thứ con người tìm đến để giải tỏa tâm hồn, bày tỏ tâm sự khi có gì đó chất chứa, mông lung trong lòng hay nói cách khác, thơ chính là lời của trái tim : “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi). Nhận xét này được thể hiện rõ nét qua bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận- bài thơ chan chứa những cảm xúc mãnh liệt và là bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1932-1945.

  • Thân bài:

Kể từ khi văn chương xuất hiện và góp một phần không nhỏ vào cuộc sống con người cho đến nay thì vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về thơ. Mà “Thơ” được định nghĩa khác nhau theo quan niệm nghệ thuật của từng nghệ sĩ. Đối với Voltaire thì “Thơ là âm nhạc của tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Âm nhạc có muôn vàn giai điệu ngân nga, trầm bổng, vui tươi, não nề… và thơ cũng là sự thể hiện của muôn vàn cảm xúc khác nhau: vui, buồn, nhớ thương, giận hờn… Chỉ khác âm nhạc dùng giai điệu để thể hiện còn thơ sử dụng từ ngữ để bộc lộ tâm tư, tình cảm của thi nhân. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi từng nói “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống”. Ta hiểu “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn” chính là tiếng lòng, là cảm xúc chân thành, thật sự nhất của tâm hồn con người. Khi con người “đụng chạm” tức là được trông thấy, được cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất của sự sống xung quanh mình, con người sẽ có những cảm xúc, những suy nghĩ, tình cảm riêng của mình về sự vật, sự việc đó. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã nói lên đặc điểm của thi ca: thơ ca được sinh ra từ cảm xúc đầu tiên, cảm xúc chân thành nhất của con người khi con người được cảm nhận và nhận thấy những chuyển biến của cuộc sống và cảm xúc trong thơ luôn là thứ tình cảm trong sáng và chân thật nhất từ trong tâm hồn của con người.

Nhà văn Biêlinxki đã từng nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. “Thơ là cuộc đời”, thơ phát sinh trong lòng người khi họ có những tâm tư, nỗi niềm về cuộc đời. Nhà thơ là những người có tâm hồn vô cùng nhạy cảm, trái tim họ rất dễ rung động trước cuộc đời. Trái tim đó có thể xao xuyến khi nghe một tiếng chim hót, một khúc nhạc buồn, khi trông thấy cảnh sắc thiên nhiên thay đổi. Bởi vì “Thơ phát khởi trong lòng người” nên cảm xúc trong thơ luôn là thức cảm xúc chân thật nhất, vui buồn yêu ghét rõ ràng. Cũng như lòng người có những cung bậc cảm xúc khác nhau tùy vào hoàn cảnh thì thơ cũng vậy. Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mĩ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống. Một tác phẩm thơ chân chính và mang đầy đủ giá trị nghệ thuật là một bài thơ chan chứa tình cảm, cảm xúc mà tình cảm đó là những rung động sâu sắc nhất của thi nhân trước cuộc đời.

“Tràng giang” của Huy Cận là một bài thơ mang đầy đủ những giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ấy. Là một con người có trái tim đa cảm, luôn nặng trĩu tâm tư, Huy Cận được đánh giá là nhà thơ xuất sắc có nhiều tác phẩm thơ hay trong phong trào Thơ mới. Đọc thơ Huy Cận, người ta luôn cảm thấy một nỗi buồn lan tỏa, thấm đượm sang cảnh vật và lòng người bởi con mắt của nhà thơ luôn nhìn vạn vật bằng cái nhìn “sầu vạn kỉ” và một tâm hồn nhạy cảm, từng vần thơ, từng câu chữ đều là tiếng lòng thân thương và chân thực nhất. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông đều mang giá trị sâu sắc. Trong đó, “Tràng giang” là bài thơ chan chứa cảm xúc và để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Nhà thơ Tố Hữu nói rằng “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước cuộc đời”. Khi người nghệ sĩ đứng trước một khung cảnh, một không gian gợi tình, gợi ý, nhà thơ sẽ dâng trào xúc cảm và viết nên thơ. Huy Cận trong một chiều lặng ngắm toàn cảnh sông Hồng, một nỗi buồn rợn ngợp đã dấy lên từ đáy lòng thi sĩ, bao trùm lên cảnh sông nước:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”

“Sóng tràng giang buồn điệp điệp” hay chính tâm hồn nhà thơ buồn “điệp điệp”. Từ láy “điệp điệp” và “song song” giúp ta liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, miên man, miên man. Có chút gì đó lữ thứ, lặng lẽ làm ta nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng “Đăng cao” của Đỗ Phủ:

“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai”

(Mênh mông cây rung hiu hiu trái
Cuồn cuộn trường giang chảy chảy mau).

Cảnh vật hiện lên lặng tờ, mênh mông. Động từ “gợn” diễn tả làn sóng nhẹ khiến ta cảm nhận một nỗi buồn da diết khôn tả, cứ lan ra mãi của thi nhân. Đúng là dòng nước đồng nghĩa với dòng sầu: “Sông bao nhiêu nước dạ sầu bấy nhiêu” (Ca dao). Trạng thái “xuôi mái” của con thuyền khiến ta cảm nhận có gì đó bất lực, buông bỏ, lênh đênh mặc cho dòng nước cuốn trôi đến tận phương trời xa xôi. Hai câu thơ đã vẽ ra một vẻ đẹp buồn rất đặc trưng cho cảm hứng lãng mạn cái đẹp hài hòa miên viễn, nỗi buồn ảo não, đơn côi.

Nỗi buồn của con người tiếp tục được dâng lên trước hình ảnh con thuyền và dòng nước không gắn kết với nhau:

“Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”

Hình ảnh dòng sông mênh mang với con thuyền nhỏ nhoi gợi cho ta cảm giác cô đơn da diết ấy vậy, thuyền và nước chẳng liên quan gì đến nhau khiến lòng người có một nỗi buồn chia li, xa cách. Từ “buồn điệp điệp” đến “sầu trăm ngả”, ta cảm nhận được nỗi buồn đó đã lan ra rất rộng ra xung quanh. Và giữa một mối sầu ngổn ngang, hỗn độn đó có một cành củi khô xuất hiện nhỏ nhoi, lạc lõng giữa mênh mông sóng gió:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Cành củi khô ấy giống như thân phận con người, bơ vơ không biết rồi sẽ đi đâu về đâu, mông lung vô định. Đó là thân phận cỏ cây hay số kiếp con người trong cuộc đời cũ. Qua khổ thơ đầu, Huy Cận đã không chỉ phác họa bức tranh thiên nhiên mênh mang, hoang vắng, thiếu hơi ấm của sự sống con người mà còn bộc lộ sâu sắc nỗi buồn cùng cảm giác cô độc, vô nghĩa của thân phận con người khi đối diện với dòng đời vô định ngổn ngang. Điều đó cũng tô đậm thêm nỗi buồn bát ngát, dằng dặc và sự chia lìa, bơ vơ.

Thật đúng là: “Sầu đong càng lắc càng đầy” (Nguyễn Du). Nỗi lòng của nhân vật trữ tình đã buồn nay càng chạnh lòng hơn trước không gian lạnh lẽo của dòng sông:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”

Cảnh vật có gì đó vắng vẻ, chỉ “lơ thơ” vài cồn nhỏ và những cơn “gió đìu hiu” đưa lại từ một làng xa xôi. Cây cối thưa thớt khẽ xao động trong gió sông hiu hắt. Cảm giác thiếu vắng sự sống xuất hiện ngày càng đậm hơn. Trong không gian tiêu điều, tàn tạ, buồn vắng vẳng lên một âm thanh mơ hồ của cuộc sống con người:

“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”

Có chợ tức là có hơi tiếng con người nhưng vẫn không át được cái cảm giác tàn tạ, hiu hắt, buồn bã bởi không gì buồn bằng cái chợ chiều tan tác giữa không gian hoang vắng, hiu quạnh, nhân vật trữ tình khao khát lắng nghe những âm thanh thân thiết, những tiếng vọng ấm áp của cuộc đời. Nhưng đáp lại khao khát đó chỉ là âm thanh mơ hồ và không gian “cô liêu”:

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Không gian ở đây được mở ra nhiều chiều khó nắm bắt. Tác giả không dùng cao chót vót mà dùng “sâu chót vót” bởi “cao” chỉ độ cao vật lí của bầu trời còn từ “sâu” vừa tả cảnh vừa tả tình, hàm súc hơn. Thi nhân đã đưa cảm xúc của mình vào từng câu, từng chữ và qua đó người đọc thấu hiểu được tâm tư và nỗi lòng của tác giả. Cảm giác quạnh hiu, trống vắng đến đây đã được tác giả diễn tả thấm thía và nỗi sầu thăm thẳm ấy vẫn bao trùm hồn thơ Huy Cận.

Ở khổ thơ tiếp theo, không bắt đầu bằng những câu thơ miêu tả mà mở đầu khổ thơ thứ ba là một câu hỏi băn khoăn nhuộm chút ngậm ngùi, buồn bã:

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”

Nói đến “bèo”, ta liên tưởng đến số phận trôi nổi, bấp bênh:

“Thân bèo bao quản nước xa
Lênh đênh đâu cũng nữa là lênh đênh”

Câu thơ nói lên nỗi lòng của một người dân sống trong cảnh mất nước, nô lệ và cảm thấy thế hệ thanh niên lúc đó vật vờ, vô định không lối đi. Không phải một, hai cánh bèo mà là cả một hàng bèo nối nhau trôi. Bèo dạt về đâu là về đâu? Đó là một câu hỏi không có lời đáp. Khung cảnh “mênh mông” ấy không có một “chuyến đò ngang” cũng không một cây cầu “gợi chút niềm thân mật”. Cây cầu bắc nối qua sông là biểu tượng của sự kết nối, liên quan nhưng ở đây không có cầu tức tuyệt nhiên không dấu vết gì của sự thân mật giữa con người khiến lòng thi nhân thêm buồn bã, cô đơn bội phần và thế giới này xa lạ quá, mọi vật im ắng không khiến lòng người yên bình mà thêm khắc khoải nỗi niềm mong được cảm nhận hơi ấm của tình người.

Nỗi buồn ấy ngày một nhân lên và đến cuối cùng là sự cô đơn, lạc lõng tột cùng như cánh chim lạc đàn trên trời xa. Hình ảnh “bóng chiều xa” của một ngày tàn khiến nỗi lòng của một người con xa xứ trở nên “dợn dợn”

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Từ láy “dợn dợn” là từ láy Huy Cận sáng tạo ra, nhà thơ muốn qua từ ngữ để biểu lộ cảm xúc, tâm tư của mình. Sông vốn dài rộng lại thêm thời gian vào lúc hoàng hôn khiến tác giả dậy lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mà không thể bày tỏ.

“Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Thơ là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm vào cuộc sống”. Thơ là tâm hồn, tình cảm. Nó diễn đạt rất thành công mọi cung bậc tình cảm đa dạng và phong phú của con người: niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tâm trạng chán trường, tuyệt vọng, nỗi trăn trở, băn khoăn, sự hồi hộp, phấp phỏng hoặc một nỗi buồn vu vơ. Có những tâm trạng và cung bậc tình cảm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Và khi nghệ sĩ biết diễn đạt cảm xúc bằng thơ, người đọc có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của tác giả, từ đó người đọc cũng sẽ rung động, cũng có những cảm xúc như nhà thơ. Nhà thơ đưa những tình cảm chân thật, thiết tha nhất của mình vào từng câu chữ sẽ khẳng định được tài năng và giá trị tác phẩm, người đọc thêm cảm thông cho nỗi lòng thi nhân, rút ngắn khoảng cách giữa người sáng tạo nghệ thuật với người thưởng thức nghệ thuật, giúp tác phẩm đạt được ý nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh” hơn.

  • Kết bài:

Không những cảm xúc dạt dào, “Tràng giang” còn thành công nhờ chất cổ điển kết hợp với hiện đại, nhiều hình ảnh thơ đẹp, đầy sức gợi, ngôn ngữ thơ đậm đà cảm xúc và sử dụng nhiều từ láy, biện pháp nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, “Tràng giang” trở thành tác phẩm đặc sắc và nhiều giá trị trong phong trào Thơ Mới.

Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang