hinh-tuong-nhan-vat-ong-hai

Qua hình tượng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, cảm nhận về tình yêu nước của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp

Qua hình tượng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, cảm nhận về tình yêu nước của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp

  • Mở bài:

Quê hương, hai tiếng gọi thiêng liêng, cao quý. Tình yêu quê hương là một tình cảm cao đẹp trong trái tim mỗi người. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, tình cảm ấy càng được nâng lên gấp bội. Kim Lân – một nhà văn chuyên viết về truyện ngắn đã khai thác đề tài này và đã thể hiện thành công trong tác phẩm “Làng”.

  • Thân bài:

Lấy bối cảnh những ngày tản cư thời kì đầu cuộc kháng chiến, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật ông Hai, một người nông dân tiêu biểu cho những người nông lúc đó. Ông Hai – người làng chợ Dầu, là một nông dân có tình yêu làng tha thiết. vì gia đình, vì kháng chiến, ông phải rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về cái làng kháng chiến của mình. Thế rồi, ông nghe tin làng mình Việt gian theo Tây. Ông vô cùng đau khổ. Khi cái tin ấy được cải chính, ông sung sướng đi khoe với mọi người. Nhà văn đã xây dựng cốt truyện xoay quanh diễn biến tâm lí của ông Hai với những tình huống gay cấn, bất ngờ. qua nhân vật này ta hiểu được tình cảm của người nông dân, nhất là trong giai đoạn kháng chiến.

Trước hết, ông Hai là một người có tình yêu làng tha thiết. Ông luôn gắn bó với cái làng chợ Dầu của ông. Ông thường hay khoe về nó với một niềm kiêu hãnh tự hào: làng ông giàu có, làng ông có tinh thần kháng chiến. đoạn trích bộc lộ tâm trạng của ông khi đảo vì làng đi tản cư. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về cái làng của mình: “chao ôi, ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!”.

Ông Hai là người nông dân với những tính cách tiêu biểu của người nông dân Việt Nam từ ngàn đời. Ông siêng năng, làm việc luôn chân luôn tay. ở  nơi tản cư không có việc gì làm, ông lão cảm thấy khó chịu vô cùng. Ông tranh thủ vỡ vạt đất ngoài bờ suối trồng vai tram gốc sắn phòng tháng đói.  Nhưng dù bận rộn, ông vẫn không thôi nhớ về cái làng mà ông vô cùng yêu quý. Nhớ về làng là ông nhớ lại những ngày kháng chiến dồn dập, nhớ những cái hố những ụ, những giao thông hào, nhớ tinh thần kháng chiến của người làng ông. Nhưng ông Hai không chỉ quan tâm đến làng, mà ông còn để ý đến cách mạng. Ông sung sướng khi nghe những chiến công của quân ta “ông lão háo hức lạ thường” khi đến phòng thông tin đọc báo “lõm”. Ông tự hào về cách mạng, về làng chợ Dầu của ông. Quả thật, ở ông hai có một tinh thần kháng chiến vô cùng mạnh mẽ.

Thế nhưng, trong khi ông Hai đang say sưa, tự hào về tinh thần kháng chiến thì cái tin làng chợ Dầu theo tây đến với ông đột ngọt quá, như sét đánh ngang ta. Bằng ngòi bút miêu tả tâm kí sâu sắc tác giả diễn tả rất chân thực tâm trạng ông Hai khi ấy. Khi nghe mụ đàn bà cho con bú cong môi lên đỏng đảnh “cả làng chúng nó việt gian theo tây” thì “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được…” Đó là tình cảm rất thật. Nó biểu hiện cho sự thất vọng và đau khổ vô cùng của ông hai. Ông yêu làng, tự hào về tinh thần kháng chiến của người làng ông vậy mà… ông làm sao mà không đau khổ?

Cái tin làng chợ dầu theo tây không chỉ làm ông đau khổ mà còn tủi nhục nữa:”ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, nước mắt ông giàn ra…” ông tức giận: “nắm 2 bàn tay lại mà rít lên: chúng mày… nhục nhã thế này”. Nhưng với niềm tin yêu của mình đối với làng, với người làng mình, ông Hai lại đấu tranh. Ông bán tín bán nghi “ông kiểm điểm từng người trong óc…”. Với ông, họ là những người ”tinh thần cả”. Nhưng mà cái tin ấy chính xác quá, “không có lửa làm sao có khói”.

Những diễn biến tâm lí phức tạp của hình tượng nhân vật ông Hai được nhà văn khai thác, miêu tả, đặt nhân vật vào trong tình huống khí xử để bộc lộ tính cách, phát biểu tư tưởng. Tình yêu làng của ông giờ đã mở rộng ra, nâng lên, gắn liền với tình yêu kháng chiến, yêu đất nước. Trong ông diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm kịch liệt. Trong đầu óc ông, mọi thứ trở nên hỗn độn, rối rắm vô cùng. Ông lo sợ người ta khinh bỉ. Ông sợ bị khinh miệt và xua đuổi. Tâm trạng ông bị giằng xé bởi tình yêu làng và tình yêu kháng chiến.

Trong tình thế cùng đường “biết đi đâu người ta chứa” khiến ông thấy cay đắng. Làng là của ông, ông đã sinh ra, lớn lên và sống ở đó biết bao ngày tháng. Nơi ấy mồ cha đất tổ mấy đời nhà ông đã gắn bó, bỏ làm sao được. Nhưng khi cái ý nghĩ “hay là quay về làng” vừa chớm thì ông lão đã gặt phắt ngay “về làm gì?”, “về là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”. Và ông đi đến quyết định “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Đó là một thái độ dứt khoát, một chọn lựa quyết liệt mang đậm chất nông dân, dù cũng hết sức đau đớn.

Dù lựa chọn đi theo cách mạng nhưng ông không hề giảm bớt sự lo lắng, suy nghĩ, boăn khoăn về cái làng yêu quý của mình. Ông cảm thấy tủi hổ, nhục nhã, lo sợ. Suốt ngày ông cứ ru rú ở xó nhà, không dám ra đến ngoài. Ông chỉ biết đem tâm sự của mình nói với đứa con nhỏ. Ông nói với con cũng như để nói với mình và tự mình minh oan cho mình. Với ông hai, dù trong bất kì tình cảnh nào ông vẫn khẳng định “nhà ta ở làng chợ dầu” rằng ông rất muốn “về làng” nhưng ông không trở về bởi ông “ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm”. Đó là tinh thần, tình cảm của ông Hai nói riêng, của nhân dân ta nói chung đối với làng quê đã gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, yêu kháng chiến, yêu cụ Hồ.

Tình yêu kháng chiến của ông Hai càng cảm động hơn khi ông nghe tin đính chính “làng chợ dầu không theo giặc”. Khuôn mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên. Ông lật đật đi khoe cái tin vui ấy với mọi người “tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn.. láo, láo hết.. toàn sai sự mục đích cả..”. Với những người nông dân nghèo như ông hai, có lẽ, ngôi nhà là tài sản quý nhất, phải chắt chiu, dành dụm cả đời mới có được. Nhưng đối với ông lúc này, việc Tây đốt nhà là một điều lành, một hạnh phúc. Bởi đó là minh chứng hùng hồn nhát chứng tỏ làng chợ Dầu không theo giặc, người chợ Dầu không làm Việt gian và bản thân ông cũng vậy.

Tình cảm của những người nông dân như ông Hai bây giờ không còn gói gọn trong cái ao làng mà đã mở ra, rộng lớn, cao đẹp hơn nhiều. Vì quê hương, vì đất nước, vì kháng chiến, họ sẵn sàng rời bỏ tất cả, hy sinh tất cả kể cả mạng sống của mình. Đó chính là chuyển biến mới rõ rệt nhất mà cuộc kháng chiến đã đem lại cho tâm hồn, tình cảm người nông dân.

Bằng vốn hiểu biết phong phú về cuộc sống người nông dân, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật ông hai. Tình cảm của ông Hai dành cho quê hương, đất nước vừa mang cá tính rất riêng, rất đặc biệt nhưng cũng thật tiêu biểu cho tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Viết truyện ngắn “Làng”, Kim Lân đã rất thành công trong việc tạo dựng tình huống thắt nút và cởi nút câu chuyện rất tự nhiên và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động suy nghĩ và lời nói, từ đó tạo ra được một tác phẩm hoàn hảo. Mặt khác, về mặt ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nhân vật rất chân thực và sinh động như lười ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm của người nông dân thực thà, chất phát. Đặc biệt, nhà văn đã khéo léo đặt câu chuyện vào tình huống bất ngờ, tạo mâu thuẫn kết hợp với với miêu tả tâm lý làm cho ý nghĩa của câu chuyện được nâng lên tầm cao mới, sâu sác độc đáo hơn.

  • Kết hợp:

Bằng tình cảm gắn bó với người nông dân, sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của họ kết hợp với nghệ thuật viết truyện ngắn của một cây bút già dặn, Kim Lân đã cho ta cảm nhận được tinh yêu làng quê sâu đậm của người nông dân trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp qua hình tượng nhân vật ông Hai, một lão nông thuần hậu. Ở ông hai, tình yêu làng đã hòa làm một với tình yêu quê hương đất nước, yêu kháng chiến. Qua tác phẩm, ta hiểu hơn, trân trọng hơn vẻ đẹp tình cảm của người nông dân, và ta cũng hiểu hơn, tự hào hơn những giá trị đáng trân trọng của dân tộc ta.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang