Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo

cai-chet-cua-chi-pheo

Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo

  • Mở bài:

Có thể coi Chí phèo là một kiệt tác văn học của Việt Nam dù tầm vóc của tác phẩm là hết sức khiêm tốn. Cái làm nên sự vĩ đại của tác phẩm này chính là ở chỗ nhà văn đã phát hiện và phản ánh chân thực bản chất thực của cuộc sống và quá trình thay đổi của con người mang tính thời đại. Chí Phèo từ một anh nông dân hiền lành trở thành một con ác quỷ một cách nhanh chóng, đánh mất hết nhận tính, điều mà không ai có thể tưởng tượng nổi. Cái chết của nhân vật Chí Phèo cũng vì thế mang tính quy luật: Hắn không còn đất sống và hắn phải đền tội.

  • Kết bài:

Sống là một hành trình. Và chết cũng là một hành trình. Con người cảm nhận được ý nghĩa của sự sống là bởi không ngừng theo đuổi những ham muốn. Nếu quá trình này dừng lại, con người bị đóng khung trong một thế giới u tối và dần dần bị đồng hóa – đánh mất ý thức chủ thể, đánh mất ý thức hiện sinh. Lúc ấy, con người chỉ còn tồn tại, chứ không còn sống nữa. Đó gọi là chết ngay khi còn sống. một cái chết hật đáng sợ.

Đâu phải đến khi giết Bá Kiến, Chí Phèo tự kết liễu đời mình trong vũng máu thì Chí Phèo mới chết. Hắn đã chết rất nhiều lần trong cuộc đời mình. Những cái chết âm thầm, man rợ, đến chính bản thân hắn cũng không nhận ra.

Từ điểm khởi đầu, mục đích mà Chí Phèo tìm kiếm để thể hiện bản sắc chính là cái ước mơ đầy lương thiện: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốn mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi dể làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ước mơ đó là sự dự phóng để ý thức về cuộc đời của chính mình. Nó vừa là sự “dự phóng có”: tìm kiếm những gì mình thiếu để định nghĩa về chính mình. Nó vừa là sự “dự phóng thông cảm với tha nhân”: trong ước mơ đó là tình yêu là niềm hạnh phúc chưa bao giờ có được, Chí Phèo định nghĩa mình trong niềm hạnh phúc đó.

Khởi đầu tác phẩm, Chí Phèo hiện sinh trong quá trình theo đuổi dự phóng đó, Chí Phèo định nghĩa chính mình ước mơ hạnh phúc gia đình. Dẫu quan niệm hiện sinh cuộc đời là phi lý, thì ta vẫn thấy rằng cái biểu hiện này chân thành, lương thiện, trong sáng và giàu thiện cảm, nó gọi thức khát vọng sâu xa về mái ấm gia đình hằn in trong mỗi con người.

Quá trình theo mục đích sống mà mình lựa chọn của Chí Phèo bị gián đoạn bởi biến cố bị Bá Kiền bỏ vào tù. Khi ra tù, Chí đã lột xác mang hình hài của tên lưu manh côn đồ với những vết xăm trổ. Những dấu hiệu hình xăm, và sau này là những vết sẹo vằn ngang vằn dọc trên khuôn mặt Chí Phèo sau này, chính là sự ấn định biệt danh “Con quỷ dữ làng Vũ Đại” lên Chí và đồng nhất nó với Chí Phèo. Chính mưu chước của Bá Kiến và định kiến của làng Vũ Đại đã đóng khung Chí Phèo trong kiếp đời nô lệ cho ác quỷ.

Chí trở thành “Con quỷ dữ của làng Vũ Đại” một cách vô thức. Chí trở thành một phần của cái “hiện hữu tự thân” im lìm, chỉ là một sự tồn tại như một con vật lạ. “Bây giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ cũng không già; nó không còn là mặt người; nó là mặt của con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi?”. Thực sự, Chí Phèo đã chết trong tâm hồn. Cái xác bề ngoài chỉ còn là biểu hiện của bản năng mà thôi.

Đối với Chí Phèo, khoảnh khắc Chí bị ném vào tù chính là khoảnh khắc thế giới mơ ước trong Chí bị phá vỡ hoàn toàn. Anh Chí hiền lành, lương thiện phải chết đi để một tên Chí Phèo lưu manh được sinh ra. Đó là hệ quả của nỗ lực tồn tại trong thế giới tội ác nơi nhà tù thực dân. Nam Cao đã xây dựng hình ảnh Chí Phèo hoàn toàn mất hết nhận thức về sự hiện hữu, say tràn từ cơn say này sang cơn say khác, như một cách thức diễn tả trạng thái hư vô hóa ấy. Khi hệ thống tượng trưng bị sụp đổ, ý thức chủ thể đánh mất. Ý thức chủ thể đánh mất, Chí Phèo không còn sống như một con người. Mọi ý niệm về bản thân đều bị xóa trắng.

Cái chết trong tâm hồn của Chí Phèo chính là việc con người đánh mất tính thiện và trở thành kẻ ác. Chí Phèo thực sự đã đánh mất tính thiện vốn có và đầu hành số phận, trở thành cái ác. Đó là bi kịch của con người bị tước mất tư cách làm người, bị đọa đày vào u mê, lầm lỗi.

Từ cái ngày ấy, thì đối với hắn không còn ngày tháng nữa. Bởi vì từ đấy hắn bao giờ cũng say. Nhưng cơn say của hắn tràn cơn này qua cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời.”

Cuộc gặp gỡ với Thị Nở mang đến một sự thức tỉnh, cùng với sự thức tỉnh là là quá trình hồi sinh thế giới mới trong tâm hồn Chí. Từ một kẻ kí ức cuộc đời bị xóa trắng, ý thức về thời gian trong Chí trở về, và cuối cùng là ý thức về sự hiện hữu của chính mình. Lần đầu tiên hắn nghe được những âm vang của cuộc đời: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá. Có tiếng cười nói của những người đàn bà đi chợ về. Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy”. Những âm thanh cuộc sống gọi thức phần người trong hắn, buộc hắn phải đối diện, suy nghĩ về cuộc đời mình. Âm thanh cuộc sống cũng gọi thức những xúc cảm trong tâm hồn tưởng như chai sạn của Chí, khiến hắn thốt lên: “Chao ôi buồn!”.

Đó không còn là cái “mơ hồ buồn”, cái “bâng khuâng” của một kẻ vừa tỉnh rượu, mà đó là cái buồn của thân phận, cái buồn của một kẻ nhận ra hoàn cảnh bi đát của mình. Cùng với sự nhận thức hiện tại, những kí ức quá khứ của hắn cũng trở về. Hắn nhớ về ước mơ bình dị mà chân thành trước đây: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ước mơ bình dị ấy chính là dấu hiệu của bản chất lương thiện hồi sinh. Từ đó, hắn nhận ra thực tại bi đát của mình: “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “Hắn đã tới cái dốc bên kia cuộc đời”.Và  hắn thấy được cả viễn cảnh tương lai u ám: “Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Ý thức hoàn toàn trở về.

Ở đây, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc, đã khám phá ra được những biến chuyển nhỏ nhất trong tâm hồn Chí Phèo. Nếu trước đây, Chí Phèo sống triền miên trong cơn say, hiện tại vô cảm, quá khứ lãng quên, tương lai bất định; thì giờ đây ý thức và bản chất lương thiện trở lại cũng theo một trình tự tâm lý rất chặt chẽ: từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ, từ cảm xúc đến ý thức, từ nhận thức quá khứ đến nhận thức thực tại và nhận thức tương lai. Bằng tình yêu thương, bằng lòng tốt hiếm hoi duy nhất ở làng Vũ Đại, Thị Nở đã giúp xây dựng lại thế giới biểu tượng trong tâm hồn Chí.

Sự kiện thị Nở cự tuyệt, do đó, chính là yếu tố vượt ngưỡng một lần nữa làm sụp đổ thế giới biểu tượng trong Chí, dẫn đến cái chết của nhân vật Chí Phèo. Khát vọng của Chí Phèo và mối tình của anh với Thị Nở bị bà cô Thị Nở, nhân danh làng Vũ Đại và những định kiến trong xã hội cự tuyệt. Thế giới biểu tượng vừa hồi sinh nay vỡ vụn ngay trước mắt Chí. Không còn gì. Bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn: “Hắn nghĩ ngợi tí rồi hình như hiểu”, “hắn bỗng nhiên ngẩn người”, “thoáng một cái hắn như hít lấy hơi cháo hành” rồi “ngẩn mặt không nói gì”. Chí Phèo chạy theo nắm tay Thị Nở như là nỗ lực cuối cùng để níu Thị Nở ở lại, nhưng vô vọng. Cùng với sự dứt khoát của thị nở, tình yêu, hạnh phúc, niềm hy vọng của Chí Phèo cũng bị cự tuyệt. Cánh cửa trở lại làm người sập xuống ngỡ ngàng và đau đớn ngay trong khoảnh khắc nhân tính trở về trong Chí Phèo.

Trước tình cảnh bi đát đó, trong Chí chỉ còn lại nỗi phẫn uất và tuyệt vọng. Chí về nhà uống rượu, “phải uống thật say”, “phải uống thêm chai nữa”. “rồi lại uống”, “rồi lại uống” như để chạy trốn chính mình và chạy trốn hiện thực.Nhưng “càng uống càng tỉnh ra”, “Tỉnh ra, chao ôi buồn” . Khi nhân tính trở về, hắn không còn có thể triền miên trong cơn say để quay về kiếp thú vật được nữa, hơi rượu không giúp hắn trốn tránh thực tại, mà trái lại, bắt hắn nhìn thẳng vào bi kịch và nỗi đau. Hơi cháo hành lại hiện về như một ám ảnh, như một nhát dao khắc sâu thêm nỗi đau của hắn.Chính vì thế, Chí Phèo “ôm mặt khóc rưng rức”. Lần đầu tiên trong tác phẩm Chí Phèo khóc, và đó là biểu hiện rõ ràng nhất của nhân tính,  đó là miếng kính “biến hình vũ trụ” khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Chí Phèo vật vã đau đớn, thấm thía nỗi đau không cùng khi nhận thức bi kịch của đời mình: bị cự tuyệt làm người.

  • Kết bài:

Tiếng nói của Chí Phèo là tiếng nói bị cự tuyệt. Xã hội làng Vũ Đại đã kết án Chí Phèo phải im lặng. Nên để chống lại nó, Chí Phèo đã quyết định tiêu diệt kẻ thù và tự kết liễu cuộc đời mình. Đó là một cái chết mở ra ý nghĩa sống. Một mặt, Chí Phèo chống lại cái chết hắn là một sinh thể sống, hắn sợ chết. Mặt khác, hắn muốn giữ lấy niềm tin trước khi nó sụp đổ hoàn toàn, bằng cách kết liễu sự sống của chính mình. Cái chết của nhân vật Chí Phèo là một kết cục đầy bi kịch, nó bế tắc bởi nhà văn chỉ xem con người là nạn nhân của hoàn cảnh, chưa thấy được động lực thay đổi hoàn cảnh của tác giả. Nhưng điều quan trọng là, dẫu bi kịch, thì nhân vật đã tự lựa chọn và tự quyết cho cái chết của chính mình. Và do đó, cái chết không chỉ mang đến sắc thái bi thảm buồn thương mà trước hết đó là một sự chủ động lựa chọn để bảo toàn giá trị. Tính người trong Chí Phèo, và tư cách làm người của Chí, rõ nét nhất chính là ở cái can đảm dám lựa chọn và dám chịu trách nhiệm ấy.

8 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích những thay đổi của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp thị Nở - Theki.vn
  2. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Chí Phèo - Theki.vn
  3. Suy nghĩ về cái kết của mối tình Chí Phèo và thị Nở - Theki.vn
  4. Dàn ý: tình cảnh bi đát, khốn cùng của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945 qua "Chí Phèo" (Nam Cao) và "Vợ nhặt" (Kim Lân) - Thế Kỉ
  5. Phân tích bi kịch cuộc đời của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao - Theki.vn
  6. Phân tích con đường hóa và quá trình hồi sinh của nhân vật Chí Phèo. - Theki.vn
  7. Chí Phèo (Trích, Nam Cao) (Bài 1, Ngữ văn 11, tập 1, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn
  8. Vì sao Chí Phèo lại giết Bá Kiến? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.