Những nét chính trong sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu.
Xuân Diệu (1916-1985) là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn, nhà phê bình văn học, là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Đó là bước chuyển tất yếu của một trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ. Thơ văn Xuân Diệu có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam.
Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Về lĩnh vực thơ ca, Xuân Diệu trải qua hai giai đoạn chính trước và sau cách mạng tháng Tám:
Trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn. Các tác phẩm chính: tập thơ “Thơ thơ” (1938) và “Gửi hương cho gió” (1945). Nội dung của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là: Niềm say mê ngoại giới, khát khao giao cảm trực tiếp, cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời (“Vội vàng”, “Giục giã”). Nỗi cô đơn rợn ngợp của cái tôi bé nhỏ giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận (“Lời kỹ nữ”). Nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh một triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng (“Vội vàng”). Nỗi khát khao đến chảy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy hương sắc và thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên thật phũ phàng trước cuộc đời (“Dại khờ”, “Nước đổ lá khoai”).
Sau cách mạng, hồn thơ Xuân Diệu từng bước thoát khỏi vòng luẩn quẩn bế tắc vươn tới chân trời nghệ thuật mới, nhà thơ đã đi từ “cái tôi bé nhỏ đến cái ta chung của mọi người” (P.Eluya). Xuân Diệu giờ đây đã trở thành một nhà thơ cách mạng say mê, hăng say hoạt động và ông đã có thơ hay ngay trong giai đoạn đầu, sớm trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một “dòng thơ công dân“. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: “Ngọn quốc kỳ” (1945), “Một khối hồng” (1964), “Thanh ca” (1982), T”uyển tập Xuân Diệu” (1983).
Xuân Diệu chào mừng cách mạng với “Ngọn quốc kỳ” (1945) và “Hội nghị non sông” (1946) với tấm lòng tràn đầy hân hoan trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng.
Cùng với sự đổi mới của đất nước, Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ ca. Ý thức của cái Tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống. Đất nước đã đem đến cho ông những nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Nhà thơ hăng say viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu: tập “Riêng chung” (1960), “Hai đợt sóng” (1967), “tập “Hồn tôi đôi cánh” (1976)…
Từ những năm sáu mươi trở đi, Xuân Diệu tiếp tục viết thơ tình. Thơ tình Xuân Diệu lúc này không vơi cạn mà lại có những nguồn mạch, cảm hứng mới. Trước cách mạng, tình yêu trong thơ ông hầu hết là những cuộc tình xa cách, cô đơn, chia li, tan vỡ… Nhưng sau cách mạng, tình yêu của hai con người ấy không còn là hai vũ trụ bé nhỏ nữa mà đã có sự hòa điệu cùng mọi người. Tình cảm lứa đôi đã hòa quyện cùng tình yêu tổ quốc. Xuân Diệu nhắc nhiều đến tình cảm thủy chung gắn bó, hạnh phúc, sum vầy chứ không lẻ loi, đơn côi nữa (“Dấu nằm”, “Biển”, “Giọng nói”, “Đứng chờ em”).
Về lĩnh vực văn xuôi, có thể nói Xuân Diệu quả thật tài tình. Bên cạnh tố chất thơ ca bẩm sinh như thế, Xuân Diệu còn rất thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Các tác phẩm chính: “Trường ca” (1939) và “Phấn thông vàng” (1945). Các tác phẩm này được Xuân Diệu viết theo bút pháp lãng mạn nhưng đôi khi ngòi bút lại hướng sang chủ nghĩa hiện thực (“Cái hỏa lò”, “Tỏa nhị Kiều”).
Ngoài ra, Xuân Diệu còn rất tài tình trong việc phê bình văn học, dịch thuật thơ nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu: “Kí sự thăm nước Hung”, “Triều lên”, “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, “Dao có mài mới sắc”.
Dù ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có đóng góp rất to lớn với sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét “Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam”. Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế có thể nói rằng Xuân Diệu xứng đáng là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.
Tham khảo:
Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu.
Xuân Diệu sinh vào mùa xuân năm Bính Thìn (2.2.1916) tại Vạn Gò Bồi, làng Tùng Gián, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới với một tài năng đa dạng và độc đáo.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông là nhà thơ được xem là “mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh), là “người mang đến cho Thơ mới nhiều cái mới nhất” (Vũ Ngọc Phan), ở thời kì này ông viết cả thơ lẫn văn xuôi. Trong đó đáng chú ý là: Thơ Tha (1938), Gửi hương cho gió (1945), Phấn thông ràng (1939), Trường ca (1945). Thơ ông giai đoạn này mang đến một cách nhìn mới, một bút pháp mới, một cảm xúc mới và bao trùm là một thứ thơ mới thực sự mới. Những cách tân của Xuân Diệu và phong trào Thơ mới đã góp phần đổi mới thơ ca Việt Nam, thực sự đưa thơ ca Việt Nam chuyển sang phạm trù hiện đại. Xuân Diệu cũng là nhà thơ tình yêu với những cung bậc nồng nàn và tha thiết..
Sau Cách mạng tháng Tám, năng lực sáng tạo của Xuân Diệu không chỉ thể hiện ở thơ ca mà còn được bộc lộ ở nhiều thể loại văn học khác như bút kí, tiểu luận phê bình… ở thời kì này ông có nhiều tập thơ tiêu biểu như Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau – cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982)… Cũng như thơ ca ta trong giai đoạn này, thơ Xuân Diệu ca ngợi nhân dân đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Ông viết nhiều về xây dựng chú nghĩa xã hội, về đấu tranh thống nhất nước nhà v.v… Nếu ngày xưa thơ ông bộc lộ lòng ham sống một cách thiết tha, một tình yêu rạo rực, thì ở giai đoạn này thơ ông vẫn là “sự sống chẳng bao giờ chán nản” của một hồn thơ gắn bó với nhân dân, đất nước.
Xuân Diệu cũng là người để lại nhiều công trình nghiên cứu và phê bình văn học có giá trị. Ông viết về hầu hết các nhà thơ cổ điển Việt Nam với những tiểu luận văn học đặc sắc. Ông viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Tản Đà, Trần Tuấn Khải… Viết về ai ông cũng có cái nhìn mới, khám phá ra nhiều cái hay mà người trước chưa đề cập đến. Ông cũng viết nhiều về công việc làm thơ, về thơ của các nhà thơ trẻ, về những hiểu biết của ông về ca dao, dân ca.
Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Xuân Diệu là cuộc đời và sự nghiệp của một tâm hồn khao khát sống, khao khát giao cảm với con người và cuộc đời. Hay như chính ông viết: “Thơ tôi đó, gió lùa đem tỏa khắp – Và lòng tôi mời mọc bạn chia nhau’’. Khát khao sống, khát khao giao cảm, thơ văn ông trở thành “sự sống chẳng bao giờ chán nản”. Ông mất rồi mà “đời” văn ông vẫn sống, vẫn dài thêm năm tháng những gì ông viết, những gì ông để lại vẫn tiếp tục “chuyền lửa” giữa cuộc đời.