dac-sac-ngon-tu-qua-bai-tho-day-thon-vi-da-cua-han-mac-tu

Đặc sắc ngôn từ qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Đặc sắc ngôn từ qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử

  • Mở bài:

Trên bầu trời thơ mới, Hàn Mặc Tử nổi lên như một ngôi sao chói lọi diệu kì. Thơ ông mang diện mạo hết sức phức tạp và bí ẩn bởi sự đan xen của cả những gì bản thân thuộc thanh khiết, thiêng liêng nhất; cả những gì ghê rợn, ma quái, cuồng loạn nhất. Tuy nhiên, đằng sau thế giới hình ảnh phức tạp và kì dị kia, vẫn hiện rõ một tâm hồn chan chứa tình yêu cuộc sống. Ngay cả lúc linh hồn muốn rời bỏ trần gian để bay lên cõi siêu nhiên thì người ta vẫn thấy rõ ở Hàn Mặc Tử một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Đặc sắc trong thơ Hàn Mặc Tử còn là lớp ngôn từ sóng sánh ánh lên một thứ ánh sáng kì lạ. Vẻ đẹp ấy thể hiện rõ ràng trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” – một thi phẩm xuất sắc của ông.

  • Thân bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” có là giọng điệu tha thiết, trầm lắng. Cả bài thơ là lời tâm sự tha thiết với người con gái mà anh thầm yêu, với cảnh Huế, người Huế và trên hết là với cuộc đời. Những điều này đã biến tiếng nói nội tâm riêng tư của Hàn Mặc Tử trở thành tiếng lòng muôn đời của con người trong cõi phù sinh:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền. 

Cảnh vườn quê xứ Huế thơ mộng hiện lên qua nét vẽ tài tài. Chỉ với một từ “mướt”, cũng đủ để Hàn Mặc Tử gợi nên sức sống đang tràn căng, ứa nhựa của cỏ cây.  “Mướt” là tính từ gợi tả sự bóng loáng, mỡ màng và mềm mại trên bề mặt của thực vật, nhìn thấy thích mắt. Không chỉ “mướt” mà còn là “mướt quá”, gợi lên cái cảm giác vừa êm dịu vừa hân hoan và khao khát được ngắm nhìn, được chạm vào khung cảnh ấy. Màu “xanh như ngọc” là màu xanh như được lọc qua ánh sáng rất đẹp và gợi cảm. Đó là màu xanh được miêu tả ban mai hoặc khi bầu trời đang bừng sáng thì mới có một màu xanh như ngọc. Có thể so sánh với nhiều từ ngữ khác nhau, những trạng thái, sắc thái của màu xanh: xanh lơ, xanh lục, xanh nõn, xanh thẳm, xanh biếc… Vườn cây vừa chiếm lĩnh chiều cao của không gian với những hàng cau cao vút và bề rộng với cây xanh tươi tốt. Chỉ một chữ ấy thôi mà đã gợi nên được vẻ đẹp tinh khôi tràn đầy sức sống của cảnh vườn.

Trong khu vườn ấy ẩn hiện những khuôn mặt phúc hậu: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.  Ở đây, người và cảnh như hài hòa, phù hợp và gắn bó với nhau. Tuy chỉ là những nét thấp thoáng nhưng cũng gợi lên được ấn tượng về những con người chân chất ở vùng quê, những người lao động trung thực với khuôn mặt chữ điền.

Nhìn chung, trong khổ một, tác giả đã miêu tả được vẻ đẹp của vùng quê xứ Huế, đất đai trù phú, cây cối xanh tươi, một vẻ đẹp của làng quê thịnh vượng đã có từ lâu đời; về phía chủ quan là tình cảm mến yêu cuộc sống. Ngoài lòng yêu đời có thể còn là những tình cảm riêng gắn bó với mảnh đất, với người thân quen. Khổ thơ gây ấn tượng về sự hiện diện của nhà thơ trong cách miêu tả làng quê đẹp bên bờ sông Hương. Tuy nhiên, đọc kĩ cả bài thơ thì tất cả trôi trên dòng tâm tưởng của một tình cảm thiết tha và dè dặt của một nỗi nhớ thương như nén lại trong cảnh ngộ riêng của mình.

Đất Huế không chỉ có một vẻ đẹp mà thiên nhiên có nhiều sắc thái, khung cảnh có vui, có buồn và tấm lòng của tác giả với những thiết tha nhớ mong về nơi ấy và về con người ấy nên tránh sao khỏi buồn. Khổ thơ 2 mở ra một không gian gợi buồn, gợi nhớ:

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Có “gió” và “mây” cứ tưởng bức tranh vườn quê sẽ thêm phần sinh động. Thế nhưng,  “gió theo lối gió mây đường mây” chia lìa đôi ngả, gợi lên một phương trời cách biệt.

Dòng nước trôi nhẹ, ngọn gió hiu hiu thổi, những cánh hoa bắp lay lay, nỗi buồn nhẹ nhưng không kém phần da diết. Từ “buồn thiu” trong câu thơ “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” gợi lên nét buồn với vẻ hụt hẫng, thất vọng.

Hình ảnh “hoa bắp lay” gợi một nỗi buồn hiu hắt – một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ đất, gió, mây đến dòng nước và hoa bắp trên sông.  Từ “lay” thể hiện trạng thái chuyển động không ngừng, nhưng ở đây còn nhuốm sắc buồn từ sự chia li của cảnh vật, còn gợi cái ảm đạm của đất trời.

Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ chỉ là hư ảo trong mộng tưởng. Đây là một khung cảnh thiên nhiên có thực nhưng đồng thời cũng phản ảnh tâm trạng của chính tác giả. Tình cảm buồn xuất phát từ nhiều lý do, nỗi bâng khuâng trước một miền đất lạ, nhiều mơ ước, nhiều dè dặt, những thoáng nghi ngờ.

Trên dòng tâm tưởng đang trôi đi, chảy đi, thi sĩ chợt ước ao một thứ có thể ngược dòng “về” với mình, ấy là “trăng”:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay? “

Hai câu thơ vẽ nên một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng… Không gian “bến sông trăng” nghe sao mà quen thuộc đến thế: “Bến sông trăng ôi nỗi nhớ đã đi qua mong tìm đến / Biết khi nào được gặp lại em yêu hỡi”.

Trong cái khoảng không của sự chia lìa, vốn không có “niềm trăng và ý nhạc” nên nhà thơ ao ước có trăng về như một niềm khao khát, một tri âm, một vị cứu tinh. Không biết thuyền có “chở trăng về kịp” cho người trên bến đợi hay không ? Đó là một câu hỏi biểu lộ niềm lo lắng của một số phận không có tương lai. Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình. Giờ đây đối với ông, sống là chạy đua với thời gian, ông luôn tranh thủ từng ngày, từng buổi trong cái quỹ thời gian còn quá ít ỏi của mình.

Chữ “kịp” gợi nên nỗi niềm của thi nhân, một dự cảm về tương lai, một lối sống vội vàng để hưởng thụ được những gì tối thiểu nhất của cuộc đời, từ đó cho thấy vẻ đáng thương, tội nghiệp, đau khổ. Câu thơ nghe thật xót xa, đau đớn, gây nên nỗi xót thương cho người đọc. Bằng câu hỏi tu từ “có chở trăng về kịp tối nay ?” cùng với hình ảnh vừa hư vừa thực ở đoạn cuối thơ vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang rời xa, biết khi nào trở lại. Đây chính là nỗi ước ao tha thiết với một nỗi buồn man mác của Hàn Mặc Tử khi vọng nhớ về thôn Vĩ Dạ.

Tiếp nối mạch thơ trên, khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong cái mênh mông, bao la của trời đất. Đó là sự hi vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Mặc dù lời thơ thấm đẫm cái buồn của tâm trạng nhưng tác giả vẫn không quên gợi cho ta về cảnh đẹp của Huế cũng như con người ở đây:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

Vườn đẹp, trăng đẹp và bây giờ là đến hình bóng đẹp của người “khách đường xa”. Điệp từ “khách đường xa” kết hợp với nhịp thơ 4/3 thể hiện nỗi niềm trông ngóng đến da diết của tác giả. Đây còn là cách nói về nỗi cách xa nhưng không chỉ có không gian mà còn có sự xa cách về tâm hồn và tình cảm.

Có thể “đường xa” là xa về không gian, về thời gian nhưng cũng có thể là “đường đến trái tim xa”, cho nên tất cả chỉ gói gọn trong một chữ “mơ” duy nhất. Hình ảnh “sương khói” cùng với cụm từ “nhìn không ra” gợi lên hình ảnh của cô gái thôn Vĩ ngày xưa chập chờn trong cõi mộng tạo cho nhà thơ một cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn. Mà tại sao lại “nhìn không ra” ? Có lẽ là do màu áo trắng của cô gái Huế trắng quá hòa lẫn vào làn sương mờ ảo. Thật ra “nhìn không ra” không phải là không nhìn ra, đây chỉ là một cách nói để cực tả sắc trắng – trắng một cách kì lạ, bất ngờ. Và hình như giữa giai nhân áo trắng ấy với thi nhân có một khoảng cách nào đó khiến thi nhân không khỏi không nghi ngờ:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” phác họa một cảnh tượng mờ mờ, ảo ảo lại còn có cả sương và khói khiến cho ta thấy con người này đang ở ranh giới giữa hai thế giới sống và chết, và thế giới nào cũng lờ mờ đáng sợ. Câu thơ diễn tả rất đắt nỗi đau của một con người đang phải đối đầu với “sinh, lão, bệnh, tử”. Tác giả đã cố níu kéo, cố bám víu nhưng không được vì cảnh và đời chỉ toàn là “sương” với “khói”. Điều đặc biệt ở hai câu thơ này là ngoài nói về nỗi đau, tác giả còn miêu tả rất thực về cảnh Huế – kinh thành sương khói. Trong màn sương khói ấy, con người như nhòa đi và có thể tình người cũng nhòa đi nên tác giả rất sợ điều đó.

Tác giả không dám khẳng định tình mình với cô gái Huế mà chỉ nói “ai”– điệp từ “ai” dường như xuyên suốt cả bài thơ, khổ thơ nào cũng có sự hiện diện của “ai”, từ “vườn ai”, “thuyền ai” và bây giờ thì “ai biết tình ai có đậm đà”. Câu thơ ngân xa như một tiếng than, nỗi đau của Hàn Mặc Tử như đang trải ra, vào cõi mênh mông vô cùng. Lời thơ dường như nhắc nhở nhưng không bộc lộ tuyệt vọng hay hi vọng mà là toát lên một sự thất vọng. Sự thất vọng của một thi nhân – người chủ của những mối tình “khuấy” mãi không thành khối, của một trái tim khao khát yêu thương mà không bao giờ và mãi mãi không có tình yêu trọn vẹn. Lời thơ như một lời thanh minh khiến cho ta cảm thấy cảm thông và xót xa cho tác giả nhiều hơn.

Phải chăng khách đường xa nhớ đến miền đất thân yêu này để tìm lại một hình ảnh, một kỉ niệm như đã có ở trong đời hay đúng hơn chỉ một niềm mong ước? Tất cả như thực như hư; hình ảnh áo trắng của người con gái là hình ảnh đẹp gợi lên sự trong trắng, thanh khiết mà một số nhà Thơ Mới thường dùng. Câu thơ “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” đã được dùng trong thơ xưa để nói lên cái hư ảo của kiếp người: “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

Hàn Mặc Tử nói đến hình ảnh “mờ nhân ảnh” là chân thực vì hình ảnh của một người thân yêu nào đó còn mờ ảo, như thực, như hư. Đó là một tình cảm lãng mạn, một bóng dáng xa xôi, một ước mơ đẹp. Cũng vì thế mà trong lòng tác giả nảy sinh một câu hỏi rất thực mà cũng có tính chất văn chương của nghệ thuật tu từ.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” sử dụng rất nhiều từ phiếm chỉ. “Vườn ai”, “thuyền ai”, “ai biết”,“tình ai”: Những phiếm chỉ “ai” gắn với các từ khác có tác dụng làm mờ cảnh vật.  Đồng thời cho cảm giác như cuộc sống và tình yêu, những gì thi nhân đang hướng tới đang khao khát như nhòa dần đi, mờ dần đi.

“Sông trăng đó”,”tối nay”,”ở đây”. Những từ “đó”, “đây” gợi diễn tả sự mơ hồ về không gian. “Đó”  có thể  ám chỉ thế giới ngoài kia, thế giới của sự sống, của những điều tốt đẹp mà nhà thơ bị số phận tước mất. “Đây”  có thể là thế giới trong này, thế giới của bóng tối và bệnh tật nơi trại phong Tuy Hòa. “tối nay” là một sự mơ hồ về thời gian. Những từ phiếm chỉ này phủ bài thơ trong một màn sương mơ hồ của kí ức và tưởng tượng, làm cho tất cả nhòe dần đi, nhòa dần đi trong một thời gian miên man và một không gian mênh mang vô định.

Những từ phiếm chỉ xuất hiện là do cảm xúc của nhà thơ:  Bài thơ được lấy cảm hứng từ một tâm bưu thiếp từ phương xa gửi tặng, tấm bưu thiếp ấy đã làm trỗi dẫy nỗi nhớ và cuộc sống mạnh liệt trong lòng thi nhân, từ đó từng hình tượng thơ ra đời. Tuy vậy những hình tượng này là những hình tượng của trí nhớ, do trí nhớ tái tạo, cũng có thể là những hình tượng tưởng tượng, tât cả đều được hình thành trong tâm trí thi nhân, tâm trí của một người bị giam cầm trong bóng tối, chịu đựng những nỗi đau tột cùng, chứng kiến cảnh tâm hồn và thể xác tan rã, chính vì vậy mà chúng mơ hồ, mơ hồ do màn sương trí nhớ, mơ hồ do những nỗi đau.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có những kết hợp từ độc đáo, mới lại, gợi cảm. “Nắng hàng cau”. “Nắng hàng cau” là nắng như thế nào? Là nắng len lỏi giữa hàng cau, hay hàng cau phủ đầy nắng? Sự kết hợp từ này gợi nên một bức tranh tuyệt đẹp của màu sắc và ánh sáng. Sắc vàng của nắng len lỏi giữa sắc xanh của lá. Nắng vì thế như xanh hơn, tươi hơn, đầy sức sống hơn. Còn lá vì thế trở nên lung linh hơn, huyền ảo hơn.

“Bến sông trăng”. Thế nào là bến sông trăng? Phải chăng là sông ngân trong truyền thuyết với vầng trăng lững lờ? Hay đó thật ra chính là một dòng sông trong kí ức nơi ánh trăng chiếu những vầng sáng bàng bạc trầm mặc của mình như dát lên mặt sông một lớp bạc kì ảo? Dù thế nào hình ảnh bến sông trăng cũng mang một vẻ đẹp kì ảo, một vẻ đẹp huyền bí, một vẻ đẹp diễm lễ.

Bài thơ chỉ sử dụng duy nhất một từ Hán Việt, đó là từ “nhân ảnh” trong câu thơ “ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, đây là cách sử dụng từ mang dụng ý nghệ thuật. Tác dụng của từ Hán Việt đó là gợi một bầu không khí trang trọng, bầu không khí cổ xưa. Nét trang trọng cổ xưa này mà từ “nhân ảnh” mang lại khiến cho cõi “sương khói” trong thơ ngoài nét mờ ảo huyễn hoặc vốn có còn có thêm vẻ trầm mặc u tịch, làm nên sức ám ảnh cho câu thơ.

  • Kết bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ hay, thiên nhiên đẹp và tình người với những mơ ước, những dè dặt, tình đời như nửa thực nửa hư. Bài thơ bộc lộ tấm lòng của tác giả, một nhà thơ mang theo nhiều nỗi niềm mơ ước và cũng hiểu rõ giới hạn mà mình có thể tìm đến với cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang