bai-2-viet-doan-van-ghi-lai-cam-xuc-ve-mot-bai-tho-ngu-van-6-ket-noi-tri-thuc

Soạn bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ (Bài 2, Ngữ văn 6, tập 1, Kết nối tri thức).

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ.

Đề bài:

Tình cảm, cảm xúc là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của thơ. Để thể hiện tình cảm, cảm xúc, các nhà thơ đã chọn nhiều cách khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều khi các yếu tố tự sự và miêu tả đã được đưa vào thơ một cách đầy nghệ thuật, cho phép tác giả ẩn mình, nhường chỗ cho câu chuyện, sự việc, cảnh vật tự nói lên những điều cần thiết. Em hãy viết đoạn văn ghi lại cảm xúc, ấn tượng của mình về một bài thơ thuộc loại này để hiểu thêm về một hình thức nghệ thuật độc đáo của thơ ca nói chung.

* Phân tích bài viết tham khảo:

– Văn bản: Cảm xúc khi đọc bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go

+ Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả: “Nhan đề bài thơ… thiêng liêng bất diệt.”

+ Thể hiện cảm xúc chung về bài thơ: “Đi theo câu chuyện… cho mẹ của mình.”

+ Nêu các chi tiết mang tính tự sự, miêu tả trong bài thơ và đánh giá ý nghĩa của chúng: “Em bé được mời gọi đến… bình yên vĩnh cửu.”

+ Chỉ ra nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ: “Qua những lời thoại… dành cho mẹ của mình.”

+ Khái quát lại cảm xúc chung của người viết về bài thơ trong hình thức kể chuyện độc đáo của nó: “Nói chung, bài thơ… yêu thương của mẹ.”

* Thực hành viết theo các bước:

1. Trước khi viết.

a. Lựa chọn bài thơ:

Bài thơ được em chọn phải là bài thơ có yếu tố kể chuyện (xuất hiện câu chuyện, nhân vật, dù nhân vật có thể chỉ mang một cái tên chung chung), có các chi tiết miêu tả bối cảnh không gian, con người,…

Ví dụ: Chọn bài thơ “Trường hoa” của Ta-go

“Khi mây dông ù ù và mưa hè rào rào đổ xuống.
Gió đông thổi tới lững thững trên dải đất hoang khổi kèn trong rặng tre.
Khi ấy, từng bầy hoa không ai biết từ đâu chợt nảy sinh, đến nhảy múa say vui trên thảm cỏ.
Mẹ ạ, thực bụng con nghĩ rằng hoa đi học trong lòng đất.
Lớp của chúng kín cửa, và bông nào muốn ra sân chơi sớm thì thầy giáo bắt đứng một xó.
Mùa mưa tới là kì nghỉ hè của chúng.
Cành chen nhau trong rừng, lá xào xạc trong gió dại, sấm vỗ tay reo mừng, và những hoa con ùa ra với áo hồng, vàng hay trắng toát.
Mẹ có biết không, nhà chúng ở trên trời cùng với muôn sao.
Mẹ có thấy không, chúng hăm hở về trời xiết bao? Mẹ có biết tại sao chúng vội vã thế không?
Hẳn là con cũng đoán ngay được chúng giơ tay đón ai; chúng cũng có mẹ như con có vậy.”

b. Tìm ý.

Để tìm ý, em hãy nêu các câu hỏi và tự trả lời:

– Bài thơ gợi lên câu chuyện gì?

+ Em bé đang nói chuyện với mẹ và kể cho mẹ một câu chuyện tưởng tượng thú vị về các loài hoa.

– Đâu là các chi tiết tự sự và miêu tả nổi bật?

+ Khi ấy từng bầy hoa không ai biết từ đâu chợt nawyr sinh, đến nhảy múa say vui trên thảm cỏ.

+ Mẹ ạ, thực bụng con nghĩ rằng hoa đi học trong lòng đất.

+ Lớp của chúng kín cửa, và bông nào muốn ra sân chơi sớm thì thầy giáo bắt đứng một xó.

+ Mùa mưa tới là kì nghỉ hè của chúng.

+ Cành chen nhau trong rừng, lá xào xạc trong gió dại, sấm vỗ tay reo mừng và những hoa con ùa ra với áo hồng, vàng hay trắng toát.

+ Mẹ có biết không, nhà chúng ở trên trời cùng với muôn sao.

+ Mẹ có thấy không, chúng hăm hở về trời xiết bao? Mẹ có biết tại sao chúng vội vã thế không?

+ Hẳn là con cũng đoán ngay được chúng giơ tay đón ai; chúng cũng có mẹ như con có vậy.

– Các chi tiết ấy sống động, thú vị như thế nào?

+ Các chi tiết đó đều sử dụng nghệ thuật nhân hóa độc đáo.

– Chúng đã góp phần thể hiện ấn tượng điều nhà thơ muốn bày tỏ ra sao?…

+ Nhấn mạnh vẻ đáng yêu và dễ thương của cả hoa và các em bé.

c. Lập dàn ý.

Từ các ý đã được hình thành qua cách nêu và trả lời câu hỏi, em hãy sắp xếp thành một dàn ý:

– Mở đoạn: Giới thiệu tác giả Ta-go và bài thơ “Trường hoa”; nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

– Thân đoạn:

+ Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ:

Trong bài thơ, em bé đang nói chuyện với mẹ và kể cho mẹ một câu chuyện tưởng tượng thú vị về các loài hoa.

+ Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả:

Nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ nhân hóa khiến người đọc liên tưởng những bông hoa với các em bé, cánh đồng hoa với trường học của các em bé.

→ Nghệ thuật nhân hóa nhấn mạnh vẻ đáng yêu và dễ thương của cả hoa và các em bé.

+ Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong đoạn thơ:

→ Với bài thơ “Trường hoa” có thể thấy nhà thơ Ta-go rất yêu trẻ thơ, ông nâng niu, trân trọng những gì đẹp đẽ trong các em với một tấm lòng bao dung, độ lượng và cái nhìn thiết tha trìu mến.

– Kết đoạn: Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích ở trên).

Trẻ em hiện lên với tất cả sự ngây thơ, trong sáng, giàu tình cảm, thông minh và sáng tạo, như là những thiên sứ mang thông điệp yêu thương đến với mặt đất này.

2. Viết bài.

Khi viết bài, các em cần lưu ý:

– Bám sát dàn ý đề viết đoạn.

– Thể hiện được cảm xúc chân thành của em về nội dung và hình thức trữ tình độc đáo của bài thơ.

– Trình bày đúng hình thức của đoạn văn: viết lùi đầu dòng từ đầu tiên của đoạn văn và chữ cái đầu của từ đó phải viết hoa; kết thúc đoạn văn bằng một dấu chấm câu. Các câu trong đoạn cần tập trung vào chủ đề chung, giữa các câu có sự liên kết. Đoạn văn khoảng 7 – 10 câu.

3. Chỉnh sửa bài viết 

Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầuGợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được nhan đề bài thơ, tên tác giả (nếu có) và cảm nhận chung của người viết.Nếu còn thiếu so với yêu cầu, hãy bổ sung.
Nêu được cảm xúc và ý kiến đánh giá về nét đặc sắc của bài thơ có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả.Sử dụng lại các câu hỏi ở mục tìm ý để biết được nội dung đoạn văn của em còn thiếu ý gì. Hãy bổ sung nếu có câu hỏi bị bỏ quên, chưa được trả lời.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu, sử dụng từ ngữ liên kết câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi.

Đoạn văn mẫu tham khảo:

Ngay khi đọc nhan đề bài thơ “Trường hoa”, Ta-go đã mở ra cho chúng ta những liên tưởng thú vị. Đó là một trường học có nhiều hoa rất đẹp; ngôi trường của các loài hoa; ngôi trường đẹp như hoa hay cũng có thể hiểu là ngôi trường của các em bé đẹp như hoa vậy. Trong bài thơ, em bé đang nói chuyện với mẹ và kể cho mẹ một câu chuyện tưởng tượng thú vị về các loài hoa. Đó là một ngôi trường hoa trong lòng đất. Ở đó, hoa cũng đi học. Mùa mưa là mùa nghỉ hè, các loài hoa đột nhiên ùa ra sân chơi, ấy là mặt đất. Các loài hoa mặc áo rực rỡ đủ sắc màu, nhảy múa, chơi đùa vui vẻ như các em học sinh. Buổi chiều hoa tàn, các cánh hoa theo gió bay lên không trung nên em bé tưởng tượng rằng, hoa cũng như em, tan học, hoa vội về nhà của hoa ở trên trời. Chúng đi rất vội vã vì biết rằng có vòng tay mẹ đang mở rộng chờ đón ở nhà. Em bé trong bài thơ mượn câu chuyện của hoa để nói lên tình yêu đối với mẹ của các em bé nói chung và của em nói riêng. Trong những dòng thơ kể về hoa, nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ nhân hóa khiến người đọc liên tưởng những bông hoa với các em bé, cánh đồng hoa với trường học của các em bé. Giữa các em bé và những bông hoa có nhiều điểm tương đồng nên không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tuổi thơ là “tuổi hoa”, “hoa niên”,… Trẻ em tươi đẹp, rực rỡ, sinh động như hoa. Hoa rung rinh trong gió như các em vui say ca múa. Hoa xuất hiện trên mặt đất theo mùa như các em được nghỉ ngơi, vui chơi theo kì (nghỉ hè). Những cánh hoa tàn theo gió bay lên không trung như các em bé hăm hở về nhà với mẹ sau một ngày đi học ở trường. Nghệ thuật nhân hóa nhấn mạnh vẻ đáng yêu và dễ thương của cả hoa và các em bé. Với bài thơ “Trường hoa” có thể thấy nhà thơ Ta-go rất yêu trẻ thơ, ông nâng niu, trân trọng những gì đẹp đẽ trong các em với một tấm lòng bao dung, độ lượng và cái nhìn thiết tha trìu mến. Qua cái nhìn ấy, trẻ em hiện lên với tất cả sự ngây thơ, trong sáng, giàu tình cảm, thông minh và sáng tạo, như là những thiên sứ mang thông điệp yêu thương đến với mặt đất này.

Đoạn văn mẫu tham khảo:

Bài thơ “Đêm Nay Bác Không Ngủ” là một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Minh Huệ. Bài thơ do ông sáng tác vào thời kì chống Pháp năm 1951 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân đất Việt. Hình ảnh Bác thức trắng suốt đêm không ngủ vì dân công đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng em. Đi theo văn bản được nhà thơ kể bằng giọng điều trầm ấm, êm ái với những chi tiết thật đắt, người đọc đồng cảm với những cảm xúc yêu quý, xót xa, kính trọng của anh đội viên trẻ dành cho Bác Hồ kính yêu. Trong một đêm giá rét giữa những ngày kháng chiến trường kì, lẽ ra những thanh niên trai tráng phải là người thức canh cho Người yên giấc thì Người – cụ già đầu đã bạc nhiều lại thức dậy trằn trọc lo từng giấc ngủ cho những anh bộ đội. Mỗi lần anh đội viên thức dậy là mỗi lần anh giật mình vì hình ảnh Bác vẫn sừng sững ngồi đó trông giấc ngủ cho các cháu, lo cho vận mệnh của nước nhà. Những hình ảnh miêu tả “trời khuya”, “Bác vẫn ngồi”, “mái tóc bạc”, “Bóng Bác cao lồng lộng”… là những hình ảnh đắt giá khiến người đọc không khỏi xúc động và cúi đầu nghiêng mình trước tình cảm của Bác dành cho mọi người. Qua những lời thoại và chi tiết được nhà thơ kể tuần tự, chân thực, giản dị mà sâu lắng, độc giả từng bước có cảm nhận thấm thía hơn về chiều sâu và tấm lòng bao la của vị cha già kính yêu của dân tộc. Có thể nói, bài thơ đã kể lại một câu chuyện cảm động về tình cảm của Bác, về những vất vả nơi kháng chiến và tình cảm mà anh đội viên dành cho Bác kính yêu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang