»» Nội dung bài viết:
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Con người với cuộc sống xung quanh).
* Yêu cầu:
– Nêu được vấn đề giàu ý nghĩa, gợi mở cách nhìn nhận sâu hơn về mối quan hệ giữa con người với cuộc sống xung quanh.
– Thể hiện được quan điểm rõ ràng của người viết về vấn đề, thông qua hệ thống luận điểm chặt chẽ, các lí lẽ sắc bén và những bằng chứng phù hợp, sinh động.
– Dẫn được những ý kiến trái chiều có thể có về vấn đề được bàn luận để phản bác nhằm củng cố lập luận của bài viết.
– Rút ra được ý nghĩa của việc nhận thức đúng về vấn đề.
I. Phân tích bài viết tham khảo.
Văn bản: Lắng nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống.
Kết cấu bài viết:
1. Nêu vấn đề bàn luận theo lối trực tiếp.
– Lắng nghe được những tiếng thì thầm trong cuộc sống.
2. Luận điểm 1: Bàn về nghĩa của từ “lắng nghe”.
– Lắng nghe trước hết thể hiện sự tập trung tiếp nhận âm thanh từ bên ngoài.
– Lắng nghe còn có nghĩa là thấu hiểu, đồng cảm.
– Biết lắng nghe có nghĩa là có khả năng sẻ chia với những nghĩ suy, tâm tư khát vọng của người khác…
3. Luận điểm 2: Bàn về việc lắng nghe nỗi buồn vui của con người với những bằng chứng thực tế.
– Đó là lời tâm sự của một em bé … Tết gần về,…
– Ta vui mừng … đến Ai Cập.
4. Luận điểm 3: Bàn về việc lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên qua trải nghiệm.
– Thiên nhiên quanh ta cũng có tiếng nói.
– Mỗi người cần lắng lòng lại để suy nghĩ đối diện với mẹ thiên nhiên vĩ đại.
– Những âm thanh ấy giúp con người giao hòa cùng thiên nhiên.
5. Luận điểm 4: Phản bác ý kiến trái chiều.
– Nhưng có phải vì sự “bé mọn” của những tiếng thì thầm ấy mà ta có thể bỏ qua chúng, bởi cuộc sống này còn biết bao điều đang khiến ta quan tâm.
– Nếu không biết lắng nghe tiếng nói nhỏ bé của cuộc sống thì cuộc đời này sẽ trở nên nhạt nhẽo hoặc chỉ toàn âm thanh ồn ã, chát chúa.
– Và sẽ chẳng còn những ánh mắt sẻ chia, những bàn tay đan kết, những cử chỉ dịu dàng gửi chút tấm lòng “để gió cuốn đi”.
6. Luận điểm 5: Bàn về ý nghĩa của việc lắng nghe.
– Lắng nghe là để hiểu, để hành động và hướng tới những điều tốt đẹp: cảm nhận chân thực và biết trân quý hơn những giá trị sống quanh mình,…
– Lắng nghe bằng cả tâm hồn, ta sẽ cảm nhận những gửi trao đầy ắp yêu thương.
– Đó là sợi dây vô hình kết nối con người với nhau và con người với thế giới xung quanh.
7. Kết luận về vấn đề bàn luận.
– Chỉ một khoảnh khắc sống chậm lại và lắng nghe, ta có thể nhận ra bao thông điệp của cuộc sống. Và một khi lắng nghe đã trở thành nhu cầu, tâm hồn mỗi người sẽ trở nên nhạy cảm, tinh tế hơn, biết trân trọng từng giây, từng phút của mỗi ngày và cuộc sống bớt đi sự tẻ nhạt,…
– Phải chăng, con người sẽ trưởng thành hơn trong cuộc sống nhờ học cách biết lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm.
II. Trả lời câu hỏi.
Câu 1. Bài viết đã tập trung bàn luận về vấn đề gì trong đời sống?
Trả lời:
– Bài viết bàn luận về việc lắng nghe những tiếng thì thầm của cuộc sống. Đó là sự lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với mọi người xung quanh.
Câu 2. Các luận điểm nào đã được tác giả triển khai? Các luận điểm có mối quan hệ với nhau như thế nào?
Trả lời:
Các luận điểm được tác giả triển khai đó là:
– Luận điểm 1: Bàn về nghĩa của từ “lắng nghe”.
– Luận điểm 2: Bàn về việc lắng nghe nỗi buồn vui của con người với những bằng chứng thực tế.
– Luận điểm 3: Bàn về việc lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên qua trải nghiệm.
– Luận điểm 4: Phản bác ý kiến trái chiều.
– Luận điểm 5: Bàn về ý nghĩa của việc lắng nghe.
→ Các luận điểm trên có mối quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc làm sáng tỏ vấn đề mà bài viết bài luận.
Câu 3. Hãy cho biết những lí lẽ và bằng chứng mà người viết đã sử dụng khi triển khai từng luận điểm.
Trả lời:
– Luận điểm 1: Bàn về nghĩa của từ “lắng nghe”:
+ Lý lẽ: Chỉ khi lắng nghe, chúng ta mới nhận ra được những tiếng thì thầm, khẽ khàng hay những âm thanh không lời… lắng nghe có nghĩa là thấu hiểu, đồng cảm.
+ Bằng chứng: biết lắng nghe là khả năng chia sẻ với những suy nghĩ, tâm tư, ước vọng của người khác hoặc biết hòa điệu với thế giới xung quanh.
– Luận điểm 2: Bàn về việc lắng nghe nỗi buồn vui của con người với những bằng chứng thực tế:
+ Lí lẽ: Khi lắng nghe tiếng nói từ cuộc sống hàng ngày của con người, ta sẽ nhận thấy có những tiếng nói chỉ “thì thầm” thôi mà ẩn chứa bao nỗi niềm, bao cung bậc tình cảm.
+ Bằng chứng: tâm sự của một em bé đang nằm trên giường bệnh về ước mơ được tiếp tục đến trường; tiếng thở dài của những người nông dân; nỗi mong mỏi được về quê sum họp dâng lên trong ánh mắt của những người lao động nghèo…
+ Lí lẽ: Biết lắng nghe, ta biết xúc động, cùng vui cùng buồn với từng cảnh ngộ
+ Bằng chứng: vui mừng khi nghe tin em bé mười tám tháng tuổi được cứu sống trên biển Thổ Nhĩ Kì; đau buồn khi nghe những lời nói trong tiếng nấc nghẹn ngào của thân nhân những hành khách…
– Luận điểm 3: Bàn luận về việc lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên trải nghiệm:
+ Lý lẽ: sẽ là đơn giản hơn nếu nghĩ rằng trong cuộc sống này, chỉ con người mới cất lên tiếng nói.
+ Bằng chứng: thiên nhiên quanh ta cũng có tiếng nói riêng của nó; tiếng lá rơi; tiếng giọt sương lăn trên tàu tiêu… tiếng thở dài bất lực của rừng câu, tiếng lá xạc xào run rẩy, tiếng kêu khe khẽ đầy sợ hãi của loài thú hoang…
– Luận điểm 4: Phản bác ý kiến trái chiều:
+ Lý lẽ: bạn cũng có quyền chọn cách sống bỏ qua những tiếng thì thầm ấy để tránh phiền toái, không phải lo nghĩ về những việc không liên quan.
+ Bằng chứng: chẳng còn những ánh mắt chia sẻ, những bàn tay đan kết, những cử chỉi dịu dàng gửi chút tấm lòng “để gió cuốn đi”.
– Luận điểm 5: Bàn về ý nghĩa của việc lắng nghe:
+ Lý lẽ: lắng nghe là để hiểu, để hành động và hướng tới những điều tốt đẹp.
+ Bằng chứng: giúp chúng ta biết cảm nhận chân thực và trân quý hơn những giá trị sống quanh mình; lắng nghe từng tiếng tích tắc đồng hồ trên vách, ta sẽ hiểu thời gian đang thì thầm nhắc mình về tuổi trẻ đang qua, về những khát vọng còn dang dở…
Câu 4. Bạn muốn bổ sung điều gì cho bài viết?
Trả lời:
– Theo em, bài viết trên có thể bổ sung một vài bằng chứng cụ thể hơn, nghĩa là lấy ví dụ về sự lắng nghe của người nổi tiếng hay những người có sức ảnh hưởng nhất định. Như vậy, bài viết sẽ được cụ thể hóa hơn, dẫn chứng sẽ phong phú hơn đồng thời đem đến những hiểu biết nhất cho người đọc.
III. Thực hành viết.
1. Chuẩn bị viết.
Bạn cần tìm kiếm vấn đề từ những nguồn khác nhau: từ trải nghiệm, suy nghĩ của bản thân về cuộc sống; từ sách báo, các phương tiện truyền thông;… từ đó, chọn một vấn đề mà bạn tâm đắc để làm đề tài cho bài viết.
Gợi ý:
– Vì sao học sinh cần tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở địa phương?
– Cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò như thế nào trong việc hoàn thiện nhân cách?
– Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân?
– Ý nghĩa của việc phát ngôn có trách nhiệm trong giao tiếp xã hội là gì?
2. Tìm ý, lập dàn ý
Đề bài: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực?
Tìm ý:
Đọc lại bài viết tham khảo, tự đặt một số câu hỏi theo gợi ý sau để tìm ý:
– Bài viết bàn luận về vấn đề gì?
+ Vấn đề nghị luận bao giờ cũng phải được xác định từ đầu, nếu không bài viết sẽ không có định hướng. Ví dụ: Sự ra đời của các trang mạng xã hội, tiêu biểu nhất là Facebook, dần mang con người rời xa khỏi thế giới thực tại mà đắm chìm vào thế giới ảo, ngày càng có nguy cơ đánh mất những giá trị thực trong cuộc sống.
– Những khía cạnh nào của vấn đề được bàn luận? Những khía cạnh đó tác động tích cực hay tiêu cực đến đời sống con người?
+ Câu hỏi này giúp người viết tìm ra các luận điểm cho bài viết. Về vấn đề “Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực?”, người viết đã bàn sâu về từng khía cạnh, từ đó hình thành các ý sau: khái niệm sống ảo; thực trạng sống ảo; hậu quả của việc sống ảo; ý kiến trái chiều; bài học nhận thức và hành động.
– Những lí lẽ và bằng chứng nào cần huy động?
+ Câu hỏi này mang tính chất “ghi nhớ” để người viết không bỏ qua việc nêu lí lẽ và huy động bằng chứng giúp quan điểm, ý kiến được nêu có sức thuyết phục.
– Ý kiến trái chiều có thể có có về vấn đề được bàn luận là gì? Có thể phản bác ý kiến đó như thế nào?
+ Mạng xã hội không xấu, thậm chí có rất nhiều lợi ích, nhưng chúng ta phải biết sử dụng sao cho hợp lý, đừng có đắm chìm vào đó, mải mê xây dựng những giá trị “ảo”, mà bỏ rơi những “giá trị thực”.
– Ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề là gì?
+ Bài viết cần rút ra được ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề đối với đời sống. Chẳng hạn: Hiện tượng sống ảo, đặc biệt là ở giới trẻ đang dần kéo con người rời xa và đánh mất đi những giá trị thực, có ý nghĩa cho cuộc đời. Hãy có những nhận thức đúng đắn và biết cân bằng giữa thế giới ảo và thế giới thực. Đừng để cán cân tâm hồn rơi hẳn vào thế giới ảo.
Lập dàn ý:
Sau khi tìm được các ý, cần soát lại để sắp xếp một cách có hệ thống, logic, tương ứng với các phần trong bố cục của một bài văn nghị luận. Kết quả của sự sắp xếp đó sẽ là một dàn ý, có tác dụng định hướng cho quá trình viết bài.
Mở bài: | – Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận. Có thể nêu vấn đề thông qua một câu chuyện, một tình huống đời sống, một câu hỏi nhận thức,… |
Thân bài: | Dùng lí lẽ và bằng chứng để: – Trình bày bản chất của vấn đề đời sống được bàn luận và nêu quan điểm của người viết. – Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề. – Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều. – Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng. |
Kết bài: | – Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề (gợi mở suy nghĩ, định hướng hành động,…). |
Dàn ý cho đề bài:
Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực?
I. Mở bài:
– Sự ra đời của các trang mạng xã hội, tiêu biểu nhất là Facebook, dần mang con người rời xa khỏi thế giới thực tại mà đắm chìm vào thế giới ảo, ngày càng có nguy cơ đánh mất những giá trị thực trong cuộc sống.
II. Thân bài:
1. Khái niệm:
– “Sống ảo” hẳn là khái niệm không còn xa lạ gì với chúng ta, đó là lối sống chuộng hình thức, thậm chí nói hơi nặng lời thì đó là một cuộc sống toàn dối lừa. Người ta tự tô vẽ, tự tạo cho mình một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, khác hẳn với những gì mà bản thân họ đang có ở thực tại.
– Facebook, sau là Instagram, Twitter, Zalo,… chính là các công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc “ảo” của các tín đồ “sống ảo”.
– “Giá trị thực” ở đây mang hàm nghĩa rất rộng, bao gồm tất cả những gì ngoài cuộc sống thực của con người, cả niềm vui, nỗi buồn, từ những điều tốt đẹp cho đến những góc xấu xí nhất trong tâm hồn. Đó là thứ phản ánh rõ ràng nhất nhân cách, đạo đức và tâm hồn của một cá nhân.
2. Thực trạng sống ảo:
– Nhưng có một điều rất đáng quan ngại rằng dường như con người đang dần rời xa những “giá trị thực” để chăm chăm vào việc “sống ảo” nhiều hơn.
+ Thích kết bạn qua mạng, yêu qua mạng.
+ Xây cho mình những cái vỏ tuyệt vời, là nơi để thỏa sức thể hiện bản thân, bằng cách khoe khoang sự giàu có, sự hạnh phúc, phô bày vẻ đẹp của bản thân, để mong được sự chú ý.
+ Ai cũng tự tin bày tỏ quan điểm ý kiến, sẵn sàng chửi rủa lăng nhục, cười nhạo một cá nhân nào khác, để lại những tổn thương tâm lý sâu sắc cho nạn nhân, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến nạn nhân, chán chường, trầm cảm, tự tử.
+ Tạo scandal, phát ngôn gây sốc để nổi tiếng, chia sẻ những thông tin phản cảm, văn hóa phẩm đồi trụy một cách tràn lan mà chẳng quan tâm ai sẽ bắt gặp chúng, họ chỉ cần biết mình được tung hô, tán tụng, được bao nhiêu “like”, bao nhiêu “comment”, còn ai như nào không cần quan tâm.
3. Hậu quả:
+ Ảo tượng giá trị của bản thân, dễ dàng suy sụp chỉ vì một lời chê bai bâng quơ.
+ Quên đi hết thực tại cuộc sống vốn khó khăn như nào, quên đi hết những tình cảm quý giá như tình thân, tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.
+ Họ trở nên vô cảm, vô tâm, không còn quan tâm đến thế giới thực tại, từ chối hòa nhập vào xã hội thực tế, dẫn tới khi bước vào làm việc, mưu sinh họ bị chông chênh, không có kinh nghiệm sống và ứng xử, nên rất dễ bị đào thải, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống tương lai.
+ Khiến cho tâm hồn con người trở nên nghèo nàn, kiến thức và vốn sống hạn hẹp, cả thế giới chỉ thu lại vào trang mạng xã hội, khiến con người trở nên lười biếng, lãng phí thời gian, bỏ qua nhiều cơ hội tu dưỡng, nâng cao tri thức, thay đổi bản thân.
4. Bài học:
– Nhận thức được tác hại của việc “sống ảo”, mỗi cá nhân chúng ta cần ý thức được hành động của bản thân.
– Mạng xã hội không xấu, thậm chí có rất nhiều lợi ích, nhưng chúng ta phải biết sử dụng sao cho hợp lý, đừng có đắm chìm vào đó, mải mê xây dựng những giá trị “ảo”, mà bỏ rơi những “giá trị thực”.
– Đừng để việc “sống ảo” dần giết chết cả tâm hồn và thể xác chúng ta, hãy biết cách tận dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất, đừng chỉ mải mê chạy theo những xu hướng, trào lưu và ảo tưởng về bản thân.
III. Kết bài:
– Hiện tượng sống ảo, đặc biệt là ở giới trẻ đang dần kéo con người rời xa và đánh mất đi những giá trị thực, có ý nghĩa cho cuộc đời.
– Hãy có những nhận thức đúng đắn và biết cân bằng giữa thế giới ảo và thế giới thực.
– Đừng để cán cân tâm hồn rơi hẳn vào thế giới ảo.
3. Viết.
– Mở bài và kết bài viết thành đoạn văn hoàn chỉnh. Mở bài giới thiệu hấp dẫn vấn đề của cuộc sống để bàn luận; Kết bài khép lại việc bàn luận một cách có ấn tượng.
– Mỗi luận điểm ở phần Thân bài cần rõ ràng, thể hiện được ý thức của người viết về mối quan hệ giữa con người với cuộc sống xung quanh. Bằng chứng cần lấy từ những trải nghiệm thực tế của bản thân và các thông tin thu thập được từ sách báo, các phương tiện truyền thông.
– Có thể soi chiếu vấn đề từ các góc nhìn khác nhau; nêu ý kiến phản biện đối với những quan điểm chưa thỏa đáng; mở rộng, đối chiếu, liên hệ với những vấn đề có liên quan.
– Văn phong cần sáng rõ, phù hợp với đối tượng tiếp nhận và nội dung vấn đề.
4. Chỉnh sửa, hoàn thiện.
Đối chiếu bài viết với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để phát hiện những nội dung cần bổ sung, các lỗi cần chỉnh sửa nhằm hoàn thiện bài viết. Cụ thể:
– Chỉnh sửa Mở bài nêu vấn đề của cuộc sống chưa được nêu rõ ràng.
– Kiểm tra lí lẽ, bằng chứng đã sử dụng nếu thấy chưa đầy đủ, chưa gắn với vấn đề đời sống được bàn luận, cần chỉnh sửa, bổ sung.
– Xem xét sự khái quát ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề ở phần Kết bài để bổ sung ý hoặc chỉnh sửa nếu thấy chưa đạt.
– Hoàn chỉnh những ý còn sơ sài, kiểm tra sự liên kết trong từng đoạn và trong bài để bổ sung phương tiện liên kết phù hợp.
– Rà soát để sửa lỗi chính tả, lỗi diễn đạt (từ ngữ, câu văn, đoạn văn) nếu phát hiện được.
* Bài viết tham khảo:
Suy nghĩ về hiện tượng sống ảo.
Xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ càng hiện đại thì cuộc sống con người cũng càng phức tạp, giả dối. Những năm gần đây, khái niệm sống ảo đã ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói, việc sống ảo làm có nguy cơ đánh mất các giá trị thực. Ý kiến ấy là rất đúng về hiện tượng này.
Sống ảo là việc con người sống khác, khác bản thân mình, khác thực tế. Có thể coi sống ảo là một dạng phô bày không giống với sự thật lắm. Sống ảo thường được thể hiện qua các phương tiện của mạng xã hội như facebook, instagram, zalo, twitter, weibo. Trên những trang mạng xã hội này người ta thường xuyên đăng tải những bức hình khác thực tế, những dòng trạng thái status cũng khác thực tế nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ và nhận thức của mọi người.
Có thể thấy việc sống ảo nhiều nhất là khi các bạn trẻ sử dụng các công cụ make up, chụp hình, chỉnh hình làm đẹp rồi đăng tải trên mạng xã hội khiến mọi người lầm tưởng về vẻ đẹp, ngoại hình của mình. Rồi họ đăng tải những dòng trạng thái cũng giả dối để đánh lừa mọi người chẳng hạn như là “Đang ở một nơi rất xa” (thực ra là ở nhà), “Rảnh được đưa đi ăn” (thực ra là tự đi)… Những người sống ảo đăng hình và trạng thái thường nhằm mục đích PR cho bản thân mình, khoe khoang về bản thân: ngoại hình, thành tích, sự giàu có, sự nổi tiếng… Người ta đăng hình ảnh, trạng thái từ không đúng lắm so với thực tế cho đến khác xa thực tế, sai sự thực hoàn toàn để được mọi người, bạn bè trên mạng xã hội trầm trồ, thán phục, khen ngợi.
Sống ảo có tính chất lây lan và gây nghiện. Người sống ảo lâu dần hình thành một thói quen khó bỏ. Trước khi ăn bao giờ cũng phải lôi điện thoại ra chụp lại hình, đi chơi ở đâu bao giờ cũng chụp hình post facebook đầu tiên. Thậm chí trong những hoàn cảnh không phù hợp cũng lôi điện thoại ra check in sống ảo. Thế giới ảo bao quanh chúng ta, khiến mọi người không còn phân biệt được. Dần dần con người quên đi những giá trị thực tế, quên đi những điều rất bình dị trong cuộc sống. Sống ảo dẫn con người đến những giá trị giả dối, khiến con người dần quên mất thực tại, nhầm lẫn giữa thực tại và thế giới ảo. Nhiều người lợi dụng các công cụ mạng xã hội để bán hàng, lừa lọc bằng những hình ảnh, lời lẽ văn hoa, hào nhoáng. Rất nhiều chàng trai, cô gái đã tỏ ra vô cùng bất ngờ khi người bạn mình gặp gỡ quen biết qua mạng xã hội lại khác xa thực tế. Người ta thất vọng, chê bai thậm chí là làm nhục nhau. Bởi vì quen biết nhau qua những thước hình lung linh trên mạng, không ít bạn trẻ đã bị lừa lọc, bị dụ dỗ dẫn đến những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Bởi vì hiện tượng sống ảo đang ngày càng trở nên phổ biến nên con người cũng dần đa nghi với những gì xảy ra quanh mình. Nhìn một tấm hình, nghe một lời quảng cáo, người ta thường hỏi “Có thật không đấy”, “ở ngoài thế nào”… Có lẽ, vì sống ảo nhiều nên chính ta cũng đang dần mất niềm tin vào con người và dễ thất vọng với những gì xung quanh.
Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, làm đẹp mình cũng là việc nên làm nhưng nếu cứ sống ảo, cứ giả dối như vậy sẽ chỉ khiến chúng ta dần làm mất đi giá trị thật của chính bản thân mình. Vì vậy mỗi người cần sáng suốt, tỉnh táo và nên bài trừ việc sống ảo, hãy để những gì chân thật được trở lại là chính nó.
Bài iết tham khảo:
Ý nghĩa của phát ngôn có trách nghiệm trong giao tiếp xã hội là gì?
Người ta thường nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, đó là một truyền thống đạo lý được ông cha ta dạy từ xưa đến nay. Trong xã hội ngày này, “học nói” chính là học cách phát ngôn trong giao tiếp xã hội. Vậy ý nghĩa của phát ngôn có trách nghiệm trong giao tiếp xã hội là gì?
Trước tiên ta phải hiểu giao tiếp xã hội là gì. Đó là tất cả những khái niệm liên quan đến phạm trù truyền tải thông tin giữa người với người trong xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau như nói chuyện trực tiếp, nhắn tin, đăng bài trên mạng xã hội, viết thư điện tử… Và phát ngôn chính là nội dung của giao tiếp, là cái mà chúng ta muốn truyền tải đến người đọc và người nghe nhằm tác động lên suy nghĩ của họ. Điều này nó gắn với quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Phát ngôn có trách nghiệm chính là những phát ngôn chính xác, đảm bảo tính hợp pháp về mặt nội dung cũng như mục đích của người truyền tải. Ví dụ, bạn muốn mọi người theo dõi fanpage của mình, bạn đăng một bài viết về fanpage của mình và kêu gọi mọi người theo dõi và thích, thì đó chính là một phát ngôn có trách nhiệm bởi nó đảm bảo về tính hợp pháp, mục đích của người viết là nhằm kêu gọi mọi người ủng hộ cho fanpage của mình. Hay đơn giản là các trang báo đưa tin về một vụ việc xảy ra, nếu là thông tin thì cần đảm bảo 2 tiêu chí: rõ ràng và đúng sự thật thì đó sẽ là một phát ngôn có trách nhiệm. Hay trong giao tiếp hàng ngày, giao tiếp có trách nhiệm thể hiện qua cách truyền tải thông tin và nội dung của thông tin đến người nghe. Nó phải là một thông tin chính xác và được truyền tải một cách rõ ràng, giúp người nghe có thể nắm bắt được cái mình nói thì nó sẽ tạo lên thành công của phát ngôn.
Phát ngôn có trách nhiệm là như vậy, vậy ý nghĩa của nó là gì? Một là, nó sẽ giúp người phát ngôn nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng từ người khác. Phát ngôn có trách nhiệm sẽ đảm bảo tính chân thật, chính xác của thông tin, bồi dưỡng sự tin tưởng cho người nghe. Hai là nó góp phần tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh. Một môi trường làm việc có những phát ngôn có trách nhiệm sẽ tạo nên một môi trường làm việc nghiêm túc, con người có điều kiện phát triển, nâng cao trình độ của bạn thân tại đó. Cuối cùng, đây là cơ sở để hình thành một xã hội lành mạnh, con người văn minh.
Mặc dù vậy, trong xã hội ta vẫn thường bắt gặp những người phát ngôn thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội, hay ngoài thực tế. Họ đăng tin, đăng bài viết, lợi dụng mạng xã hội để câu like, view bằng những lời bịa đặt, những bài viết nói xấu, cãi nhau… ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Hay ngay ngoài xã hội, chúng ta chẳng khó để bắt gặp những người nói chuyện kèm theo những lời văng tục, chửi bậy… khiến người nghe khó chịu và đánh giá họ kém văn minh giao tiếp. Những người như vậy nên bị phê phán và chúng ta không nên học tập họ.
Trong xã hội, phát ngôn hay giao tiếp đều đóng một vai trò rất quan trọng không chỉ thể hiện nhân cách con người mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp. Bởi vậy, là một học sinh, em cũng cần phải đưa ra được những phát ngôn có trách nhiệm, đúng sự thật, rõ ràng và minh bạch. Đồng thời cũng cần nên án những hành vi phát ngôn thiếu trách nhiệm, khuyến khích mọi người nên chịu trách nhiệm cho lời nói của mình. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh cho thế hệ mai sau.
Xem thêm: