Cầu hiền chiếu (Chiếu cầu hiền, Ngô Thì Nhậm) (Bài 3, Ngữ văn 11, tập 1, Kết Nối Tri Thức)

cau-hien-chieu-chieu-cau-hien-ngo-thi-nham-bai-3-ngu-van-11-tap-1-ket-noi-tri-thuc

Đọc hiểu văn bản:

Cầu hiền chiếu
(Chiếu cầu hiền, Ngô Thì Nhậm)

* Nội dung chính: Văn bản là một văn kiện lịch sử quan trọng thể hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của vua Quang Trung, đồng thời qua bài chiếu ta thấy được tấm lòng của vua Quang Trung đối với người tài, đối với đất nước, cảm nhận được nhân cách cao đẹp của vua Quang Trung.

I. Trước khi đọc,

Câu hỏi 1. Có không ít câu chuyện thú vị về việc vua chúa hay lãnh đạo đất nước muốn chiêu mộ hiền tài ra gánh vác trọng trách quốc gia. Hãy chia sẻ một câu chuyện mà bạn biết?

Trả lời:

– Dưới triều Vua Lê Thánh Tông việc tuyển chọn người có đức, có tài được xem là điều hệ trọng nhất trong mọi điều hệ trọng với nhiều hình thức tiến bộ, tổ chức rất nghiêm ngặt.

– Nhà vua đã áp dụng hàng loạt các biện pháp cơ bản, mang tính hệ thống như khuyến khích việc học; tổ chức thi tuyển để lựa chọn người tài; đặt lệ bảo cử để không bỏ sót nhân tài; đặt lệ tập ấm để khuyến khích con cháu công thần lập thân; thực hiện chế độ tản quan để tỏ lòng tri ân với những người có công; đặt lệ khảo thi để khuyến khích nhân tài phấn đấu vươn lên; đặt lệ khảo khóa để đánh giá, phát huy thực tài của quan lại (Lê Đức Tiết: Bộ luật Hồng Đức, Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam, NXB Tư pháp, 2010, tr.143-144).

Câu hỏi 2. Trong công cuộc xây dựng đất nước, việc trọng dụng người tài có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

– Nhân tài có vai trò quan trọng, quyết định cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy mà cha ông ta đã coi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tiến hành các cuộc thi cử để tìm ra trạng nguyên, tiến sĩ cho đất nước.

+ Mang đến lợi ích chung cho Quốc gia.

+ Nhận được sự giúp đỡ và có thể giải quyết những vấn đề khó khăn.

+ Góp phần phát triển quê hương đất nước về mọi mặt.

+ …

Trong công cuộc xây dựng đất nước, việc trọng dụng người tài luôn có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Bởi Bác Hồ đã từng nói “người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Một đất nước được lãnh đạo bởi những người tài giỏi, sáng suốt là một đất nước vững mạnh. Một dân tộc đi theo những người lãnh đạo tài giỏi là một dân tộc mạnh… Họ luôn đóng một vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, luôn đổi mới sáng tạo, đóng góp những ý kiến mới mẻ góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

II. Đọc văn bản.

Câu 1. Phần 1 nêu vấn đề gì?

Trả lời:

– Phần 1 nêu lên sứ mệnh của người hiền tài.

Câu 2. Dự đoán: Việc nêu thực trạng “trốn tránh việc đời” của kẻ sĩ dẫn đến ý gì sẽ được trình bày ở phần 3?

Trả lời:

– Việc nêu thực trạng “trốn tránh việc đời” của kẻ sĩ dẫn đến ý mối quan hệ giữa người tài và thiên tử sẽ được trình bày ở phần 3.

Câu 3. Nhận xét về lí lẽ được sử dụng.

Trả lời:

– Lí lẽ thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung.

Lý lẽ được tác giả sử dụng ở đây là một lý lẽ hết sức thuyết phục. Ông khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hiền tài và thiên tử, khẳng định nếu không theo thiên tử là họ đang trái lại với ý trời, với tư tưởng trung quân ái quốc mà họ vẫn tôn thờ. Nêu nên tình cảnh của đất nước, triều đại như một cách nhấn mạnh lại lần nữa sự cấp thiết phải ổn định triều cương, trấn chỉnh lại quan lại, cần thiết phải có người tài ra giúp vua dựng nước.

Câu 4. Giữa lí lẽ trình bày ở các phần trước với kế hoạch thực thi được nêu ở phần 4 có mối liên hệ như thế nào?

Trả lời:

– Các lí lẽ được trình bày ở các phần trước: người hiền tài phải do thiên tử sử dụng, nếu không sử dụng là trái luật trời; nêu ra tình hình đất nước hiện tại tạo tiền đề đi đến luận ở phần 4: người hiền tài phải phục vụ hết mình cho triều đại mới.

→ Lý lẽ trình bày ở phần trước với kế hoạch thực thi ở sau có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu phần trước là lời kể nể, phát súng đầu tiên để đánh vào nhận thức, tư tưởng của những người tài thì phần lý lẽ sau như một lời chốt lại, khẳng định rằng họ sẽ ra giúp sức cho vua, cho đất nước. Việc vạch rõ kế hoạch thực hiện cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn thận, tỉ mỉ của vua quan triều Tây Sơn về việc chiêu mộ hiền tài, họ coi đây là một việc cấp bách, cần phải tiến hành ngay để ổn định nền chính trị của nước nhà.

Câu 5. Ý nghĩa của lời khuyến dụ.

Trả lời:

– Lời khuyến dụ có ý nghĩa: Thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung trong công cuộc xây dựng đất nước sau thời phân li: vạch ra các con đường để người hiền tài ra cống hiến cho đất nước. Đường lối cầu hiền hết sức rộng mở, cách tiến cử rất dễ làm thái độ nhà vua hết sức thành tâm, độ lượng.

Lời khuyến dụ một lần nữa khẳng định xây dựng đất nước không chỉ là của nhà vua mà nó cần phải có sự góp sức của người tài, của hiền thần. Đó vừa là đặc ân, vừa là nghĩa vụ đối với đất nước của những người tài, bởi vậy họ không có quyền được khước từ nó bởi đây là nghĩa vụ của mỗi người dân đối với đất nước. 

III. Sau khi đọc.

Câu 1. Cầu hiền chiếu được ban bố với lí do và mục đích gì?

Trả lời:

– Lí do: hoàn cảnh đất nước khi vừa mới trải qua chiến tranh, triều đình mới xây dựng, lòng dân hoang mang, lo lắng, xã tắc chưa vững, việc nước chưa định, việc quân chưa xong.

– Mục đích: trong hoàn cảnh đó, việc người tài ra giúp vua trị dân, trị nước ngày càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhận thấy tình hình đó, Ngô Thì Nhậm đã thay vua Quang Trung ra Chiếu cầu hiền nhằm kêu gọi những văn thân, sĩ tử, những kẻ sĩ trong thiên hạ từ bỏ cuộc sống an nhàn, ra triều làm quan, giúp vua xây dựng và ổn định đất nước.

Câu 2. Văn bản hướng tới đối tượng nào trong xã hội lúc bấy giờ? Khi vâng mệnh vua Quang Trung soạn chiếu này, Ngô Thì Nhậm đối diện với những khó khăn gì trong việc thuyết phục các đối tượng đó ra gánh vác việc nước?

Trả lời:

– Văn bản hướng đến đối tượng là các văn thân, sĩ phu yêu nước, những người có tài, những người đã từng làm quan cho triều cũ đang sống cuộc sống ở ẩn.

 – Khi vâng mệnh vua Quang Trung soạn chiếu này, Ngô Thì Nhậm đối diện với nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các đối tượng đó ra gánh vác việc nước bởi:

+ Bản thân của những người đó không còn tin vào triều đình, vào chế độ

+ Họ thích cuộc sống an nhàn, ngày 3 bữa câu cá, ngâm thơ, một cuộc sống nhàn tản thỏa mãn sở thích cá nhân, rời xa thời cuộc

+ Nhiều người thuộc triều đại cũ, e ngại việc ra là quan cho triều đại mới liệu có đi ngược lại với tư tưởng của mình

+ Một bộ phận thì không ủng hộ chính quyền mới nhưng không có ý chống phá.

+ Bộ phận khác thì ngại tiến cử bản thân và không có ai để tiến cử…

→ Tất cả những lý do đó đã tạo nên một sự tổn thất nghiêm trọng về nguyên khí của quốc gia tại thời điểm đó.

– Ngô Thì Nhậm đối diện với những khó khăn trong việc thuyết phục các đối tượng trên ra gánh vác việc nước: đất nước loạn lạc, kẻ sĩ bi quan, chán chường. Mặt khác, vẫn không ít sĩ phu, nhân tài bảo thủ với triều đại cũ mà bất hợp tác với triều đình Tây Sơn.

Câu 3. Văn bản có mấy phần? Phân tích mối quan hệ giữa nội dung các phần.

Trả lời:

– Văn bản có 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến “sinh ra người hiền vậy”): Khẳng định người hiền tài có sứ mệnh phò tá cho thiên tử.

+ Phần 2 (tiếp theo đến “buổi ban đầu của trẫm hay sao”): Hoàn cảnh của đất nước và sự cần thiết của người tài đối với vận mệnh quốc gia.

+ Phần 3 (đoạn còn lại): Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung.

– Phần 1 là đặt vấn đề, phần 2 là giải quyết vấn đề, phần 3 là kết luận.

Nội dung của các phần có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung và hỗ trợ nhau nhằm thực hiện mục tiêu chung của tác phẩm là chiêu mộ người tài. Mở đầu tác phẩm, tác giả đưa ra lập luận không ai có thể chối cãi bởi lịch sử đã chứng minh, người tài ắt phải giúp đỡ thiên tử xây dựng nước, như vậy mới đúng với tư tưởng trung quân ái quốc mà họ tôn thờ. Tiếp đến, ông đưa ra thực trạng của đất nước, thiếu thốn người tài, nguyên khí tổn thất nghiêm trọng và cần thiết mọi người phải ra mặt. Để rồi cuối cùng, ông đưa ra đường lối thực hiện như một sự đảm bảo về kế sách vẹn toàn, chờ người thực hiện… Đây là biểu hiện chung của một áng văn nghị luận với lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén nhằm làm nổi bật mục đích muốn truyền tải. 

Câu 4 . Nghệ thuật lập luận thể hiện như thế nào qua việc dùng lí lẽ và bằng chứng, phối hợp với các yếu tố biểu cảm, thuyết minh?

Trả lời:

– Nghệ thuật:

+ Cách nói sùng cổ.

+ Lời văn ngắn gọn, súc tích, tư duy sáng rõ, lập luận chặt chẽ, khúc chiết kết hợp với tình cảm tha thiết, mãnh liệt có sức thuyết phục cả về lý và tình.

→ Nghệ thuật lập luận được thể hiện qua việc sử dụng những lí lẽ, bằng chứng vô cùng xác đáng về thời cuộc, hoàn cảnh của đất nước: sau chiến tranh, nguyên khí quốc gia kiệt quệ, triều đình hỗn loạn, lòng người hoang mang… những người hiền tài thì sống ẩn dật, lánh xa sự đời, bỏ mặc đất nước trong hoàn cảnh nguy nan… Nhưng bên cạnh những lời chỉ trích có phần gay gắt, đanh thép ấy ta vẫn bắt gặp những câu hỏi tu từ đậm chất biểu cảm như “Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?…” Như một nỗi niềm giãi bày, một sự trải lòng của chính nhà vua, thay vì việc đổ lỗi cho người tài, ông nhận sự nhượng bộ về mình. Đây là một cách thuyết phục độc đáo, không chỉ cho ta thấy nỗi niềm, tấm lòng của nhà vua còn là một cách thấy nhu thắng cương khiến người nghe không khỏi thấy nhói lòng, tội lỗi nếu làm trái.

Ngô Thì Nhậm đã dùng những lập luận đầy đủ, thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung. Vừa lên ngôi nhưng vua Quang Trung đã có chính sách rất đúng đắn là trọng dụng nhân tài. Bài có bố cục hợp lí theo một logic chặt chẽ, lần lượt trình bày các nội dung.

Câu 5. Theo bạn, điều gì tạo nên sức thuyết phục của Cầu hiền chiếu?

Trả lời:

Những điều làm nên sức thuyết phục của Cầu hiền chiếu:

– Người viết chú trọng đưa ra những lí lẽ sắc sảo, lời lẽ tâm huyết và đầy sức thuyết phục để kêu gọi người hiền tài ra giúp vua Quang Trung xây dựng và củng cố đất nước sau những năm nội chiến và nạn ngoại xâm liên miên.

– Nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung thể hiện qua bài chiếu.

– Bài kí có bố cục hợp lí theo một logic chặt chẽ, lần lượt trình bày các nội dung. Từ khái quát vấn đề, giải quyết từng khía cạnh cụ thể của vấn đề và khẳng định, cầu hiền một cách khẩn thiết là logic của bản chiếu.

Câu 6. Viết Cầu hiền chiếu trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, tác giả đã gửi gắm khát vọng lớn lao nào đối với đất nước?

Trả lời:

– Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi đem quân ra Bắc quét sạch 20 vạn giặc Thanh cùng bọn tay sai bán nước. Lê Chiêu Thống và tàn quân chạy theo Tôn Sĩ Nghị, triều Lê sụp đổ. Trước sự kiện trên, một số bề tôi của nhà Lê hoặc mang nặng tư tưởng trung quân lỗi thời, hoặc sợ hãi vì chưa hiểu triều đại mới nên có người đã bỏ trốn, hoặc đi ở ẩn, hoặc tự tử,… Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm thay mình viết Chiếu cầu hiền kêu gọi những người tài đức ra giúp nước an dân.

– Văn bản thể hiện rõ sự khát khao cầu hiền của nhà vua trẻ tài đức, qua đó ta thấy được Ngô Thì Nhậm thật là uyên bác, cao tay trong việc dùng văn bản, thay mặt nhà vua chiêu hiền đãi sĩ. Ông xứng đáng là người được vua Quang Trung tin cậy.

Cầu hiền chiếu được viết trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh, triều đình mới thành lập, nền móng chưa vững, nguyên khí quốc gia kiệt quệ… Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có người tài đứng ra giúp vua dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, Ngô Thì Nhậm đã thay mặt vua Quang Trung viết Cầu hiền chiếu để chiêu mộ hiền tài khắp cả nước, ra sức vì nước, vì dân. Qua đó, ta thấy được tấm lòng tận trung với nước, hiếu với dân của Ngô Thì Nhậm cùng mong muốn đất nước được phồn thịnh, nhân nhân được ấm lo hạnh phúc của một hiền thần, hết lòng vì nước, vì dân. 

IV. Kết nối đọc – viết.

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về luận điểm: Người có tài cần phát huy tài năng của mình để đóng góp cho cộng đồng.

Đoạn văn tham khảo 1:

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Câu hát đã gợi cho ta nhiều suy ngẫm về vấn đề: Người có tài cần phát huy tài năng của mình để đóng góp cho cộng đồng. Đối với thời đại hiện nay, sự đóng góp của những người tài là vô cùng quan trọng. Người có tài miệt mài học tập, rèn luyện đem lại những tấm huy chương sáng giá, không ngừng khám phá, tìm tòi sáng tạo những cái mới góp phần xây dựng đất nước. Người tài giỏi không chỉ là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển xã hội mà còn quyết định sự suy thịnh, tồn vong của đất nước. Những người tài là lực lượng đi đầu tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào đời sống và sản xuất. Những người tài mang những tư duy tích cực, tính sáng tạo không ngừng và những hoài bão lớn lao góp phần thúc đẩy sự tiến bộ văn minh của xã hội, đưa nền kinh tế ngày càng hội nhập và phát triển. Những sự đóng góp ấy thật cao đẹp và có ý nghĩa thật sâu sắc, giúp đất nước ngày càng phát triển, hòa nhập với thế giới một cách bình đẳng, khẳng định vị thế trước toàn thế giới.

Đoạn văn tham khảo 2:

Từ xưa đến nay, người tài luôn giữ một vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngày nay, khi xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, trên con đường hội nhập của đất nước, vai trò của người tài lại càng được trú trọng hơn bao giờ hết. Bởi dưới sự góp sức của họ, đất nước mới có thể phát triển, lớn mạnh, nhân dân mới được ấm lo, hạnh phúc. Họ là những người xuất chúng trong quần chúng, có cái nhìn chiến lược với năng lực làm việc tốt. Vậy nên, đất nước, nhân dân cần họ. Đồng thời, những người tài cũng phải nhận rõ được nghĩa vụ phải cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, đây là nghĩa vụ cao cả của con người trong xã hội. Vì vậy, không nên vì giỏi mà sinh kiêu, xem thường người khác bởi như vậy nó sẽ đánh mất giá trị vốn có của người tài như Bác Hồ nói “tài phải đi với đức” thì mới làm được việc lớn.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.