gioi-thieu-su-nghiep-van-hoc-nha-van-nguyen-tuan

Giới thiệu sự nghiệp văn học nhà văn Nguyễn Tuân

Giới thiệu sự nghiệp văn học nhà văn Nguyễn Tuân

1. Cuộc đời và cá tính của Nguyễn Tuân:

Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Gia đình có truyền thống nho học. Nhưng lúc này nho học đã thất thế, nhường chỗ cho Tây học. Cả một thế hệ vốn gắn bó với cửa Khổng sân Trình bỗng dưng trở nên lỗi thời trước xã hội giao thời Tây.

Tàu nhố nhăng ; sinh ra tư tưởng bất đắc chí (trong đó có cụ Tú Hải Văn, thân sinh của Nguyễn Tuân- Cụ Nguyễn An Lan còn gọi là ông Tú Hải Văn). Bối cảnh xã hội, không khí gia đình đặc biệt ấy đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong cá tính, tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân. Là một trí thức giàu tinh thần dân tộc, Nguyễn Tuân đã phải trải qua những năm tháng vô cùng khổ sở, có lúc bế tắc, tuyệt vọng.

Cách mạng tháng Tám đã cứu sống cuộc đời cũng như trang viết Nguyễn Tuân. Ông hân hoan chào đón cuộc đổi đời lịch sử, tự “lột xác” và chân thành đứng vào hàng ngũ nhà văn Cách mạng.

Năm 1950, vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Từ 1948-1958, là tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Luôn hăng hái tham gia vào hai cuộc kháng chiến. Ong đi nhiều, có mặt ở tuyến lửa ác liệt, dùng văn chương ngợi ca đất nước và cùng nhân dân đánh giặc.

Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước của ông có màu sắc riêng: gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà…, những nhạc điệu hoặc đài của các lối hát ca trù hoặc dân dã mà thiết tha của giọng hò Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Bộ…, những phong cảnh đẹp của quê hương đất nước, những thú chơi tao nhã như uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp, đánh thơ, thả thơ…, những món ăn truyền thống thể hiện khẩu vị tinh tế của người Việt.

Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình. Ông ham du lịch, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là “chủ nghĩa xê dịch”. Lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa (hai lần bị tù).

Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh… Ông còn là một diễn viên kịch nói có tài và là một diễn viên điện ảnh đầu tiên ở nước ta. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.

2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân.

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân được chia làm 2 giai đoạn: trước và sau cách mạng. Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là một nhà văn tiêu biểu của trào lưu lãng mạn. Ông viết thành công ba đề tài chính sau đây:

* Đi theo chủ nghĩa xê dịch:

“Chủ nghĩa xê dịch” vốn là một lí thuyết vay mượn của phương Tây, chủ trương đi không mục đích, chỉ luôn luôn thay đổi chỗ để tìm cảm giác mới lạ và thoát li mọi trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Nguyễn Tuân đã tìm đến lí thuyết này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về “chủ nghĩa xê dịch”, Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và phong vị của đất nước.

Nguyễn Tuân đã đặt chân trên mọi miền đất nước, đi đến đâu ông cũng ghi lại cảnh đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua hai tác phẩm: “Thiếu quê hương” và “Một chuyến đi”. Những người đã từng đọc 2 tác phẩm này của Nguyễn Tuân dễ dàng nhận thấy một Nguyễn Tuân với tình yêu quê hương đất nước thầm kín mà sâu sắc. (“Sống giữa quê hương vẫn thấy mình thiếu quê hương”).

Đó là những trang viết tài hoa, trìu mến ghi lại những cảnh sắc thiên nhiên, phong vị đất nước, những cảnh sinh hoạt độc đáo của các vùng đất nước.

* Những vẻ đẹp một thời còn vang bóng:

Cũng như nhiều nghệ sĩ lãng mạn, chìm đắm trong vòng cái “tôi” cô đơn; không tin tưởng vào hiện tại, hoài nghi cả tương lai, quay trở về với quá khứ, Nguyễn Tuân đã trở về với những thú vui tao nhã của tầng lớp nho sĩ nay chỉ còn vang bóng (như thú thả thơ, chơi chữ thú uống trà, thú chơi cờ tướng…). Sở dĩ Nguyễn Tuân say sưa với những thú chơi của nho sĩ bởi ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học.

Toàn bộ những thú chơi tao nhã được Nguyễn Tuân viết trong 11 truyện ngắn do nhà xuất bản Tân Dân ấn hành năm 1940 thành một tập truyện với nhan đề “Vang bóng một thời”. Đọc “Vang bóng một thời” lại thấy hiện lên chân dung của Nguyễn Tuân – một nhà văn cả đời theo chủ nghĩa duy mỹ, cả đời phụng sự cái đẹp, phụng sự hai chữ “thiên lương” trong sáng.

Đó là những thói quen phong lưu, những kiểu ăn chơi cầu kì, đài các, những thú tiêu dao lành mạnh, tao nhã, những cách ứng xử nghi lễ, nhịp nhàng… Những trang viết thấm đượm tinh thần dân tộc, thể hiện khát vọng vượt lên môi trường sống dung tục, bộc lộ niềm say mê cái tài, cái đẹp, trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền.

* Đề tài đời sống xa hoa trụy lạc:

Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống truỵ lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật “tôi” hoang mang bế tắc, tìm cách thoát li trong đàn hát, trong rượu và thuốc phiện. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục niềm khao khát một thế giới thanh cao, được nâng đỡ trên đôi cánh của nghệ thuật (Chiếc lư đồng mắt cua).

Những tác phẩm ghi lại quãng đời do hoang mang bế tắc, con người đã tìm cách thoát li trong rượu, thuốc phiện và đàn hát cô đầu, qua đó làm hiện lên tâm trạng khủng hoảng và lối sống buông thả, vô trách nhiệm cảu một bộ phân thanh niên đương thời, cũng đồng thời cho thấy niềm khao khát thoát ra khỏi tình trạng đó, hướng tới thế giới tinh thần cao khiết của nghệ thuật.

* Sau Cách mạng tháng Tám 1945:

Nếu trước cách mạng tháng Tám ông đi tìm cái đẹp của “một thời vang bóng” với những con người lớn lao, kỳ vĩ thì sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đã tìm thấy cái đẹp ở ngay trong đời sống nhân dân. Ông viết nhiều về anh bộ đội, chị dân quân, anh du kích, người lao động – đó là “chất vàng mười đã qua thử lửa”. Nguyễn Tuân trở thành nhà văn công dân, nhà văn chiến sĩ. Sáng tác của ông tập trung ca ngợi đất nước và con người Việt Nam trong chiến đấu và lao động sản xuất.

Sau cách mạng, Nguyễn Tuân góp mình vào thi đàn văn chương Việt Nam thể loại “tùy bút”. (Đây là một thể loại rất “kén” nhà văn. Bởi người viết “tùy bút” cần phải có một phông kiến thức rộng, ngòi bút phải phóng khoáng, thoải mái. Câu văn “tùy bút” phải phóng túng, thoải mái, dài, ngắn, co, duỗi nhịp nhàng. Nếu ai đã từng đọc tập tùy bút “Sông Đà” hay tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” thì dễ dàng nhận thấy: Nguyễn Tuân đã làm chủ kiến thức về quân sự khi mô tả những tướng đá bày ra những trùng vi thạch trận để lừa bất kỳ con thuyền nào qua đây. Ông làm chủ lĩnh vực điện ảnh khi ông đưa ra được nghệ thuật “Ngược sáng”. Ông làm chủ lĩnh vực địa lý khi ông mô tả tường tận, chính xác 50 trên tổng số 73 con thác dữ từ ngã ba biên giới Việt – Trung về tới Chợ Bờ.)

Hai thiên tùy bút tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của Nguyễn Tuân: “Sông Đà” (Tuỳ bút 1960), “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (Tuỳ bút 1972) . Ngoài ra nhắc đến sự nghiệp của Nguyễn Tuân ta không thể bỏ qua được những bài phê bình của ông. Nguyễn Tuân viết nhiều những bài phê bình và tiểu phê bình về: Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà và nhất là các nhà văn hiện thực phê phán cùng thời với ông.

Năm 1996, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh – danh hiệu cao quý giành cho những nghệ sĩ chân chính có tài có tâm. Chúng ta coi đó là sự ghi danh, sự tri ân của cuộc đời đối với một cuộc đời cao quý.

Phong cách nghệ thuật:

Nguyễn Tuân luôn có ý thức tạo cho mình một phong cách riêng độc đáo, thể hiện độ ngông trong văn chương, thái độ được tạo ra bởi sự tài hoa uyên bác và nhân cách khác người, hơn người.

Văn Nguyễn Tuân thể hiện rõ nét chất tài hoa – uyên bác: tài hoa trong việc dựng người, vẽ cảnh, trong những liên tưởng, so sánh táo bạo, bất ngờ, thú vị với những hình ảnh đẹp, gợi cảm; uyên bác trong việc vận dụng những kiến thức thuộc nhiều ngành khác nhau để quan sát hiện thực, sáng tạo hình tượng, làm phong phú và giàu có hơn khả năng diễn tả của nghệ thuật văn chương, đem đến cho người đọc một lượng tri thức đa dạng, phong phú.

Là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân thường quan sát, khám phá, diễn tả thế giới ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ; quan sát, khám phá, diễn tả con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Trước 1945, Nguyễn Tuân tìm kiếm cái đẹp chỉ còn trong quá khứ vang bóng một thời; tài hoa nghệ sĩ cũng chỉ có trong những con người xuất chúng, đặc tuyển, lạc lõng bơ vơ giữa hiện tại. Sau 1945, Nguyễn Tuân tìm thấy cái đẹp trong cả quá khứ, hiện tại và tương lại; chất tài hoa nghệ sĩ cũng có thể xuất hiện ở những thành tích sản xuất, chiến đấu của những người lao động bình thường trong cuộc sống đời thường.

Nguyễn Tuân có cảm hứng đặc biệt với những tính cách phi thường, những phong cảnh tuyệt mĩ, những gió bão, thác ghềnh dữ dội… Thiên nhiên, con người trong văn Nguyễn Tuân luôn phi thường, xuất chúng, gây cảm giác mãnh liệt, tất cả đều có xu hướng vươn tới cái tuyệt vời, tuyệt đích.

Nguyễn Tuân là một tâm hồn nghệ sĩ tha thiết yêu thiên nhiên, ông có những phát hiện tinh tế, độc đáo về thiên nhiên. Thiên nhiên trong văn Nguyễn Tuân luôn hiện ra như những công trình mĩ thuật kì vĩ, tuyệt vời của tạo hóa.

Cá tính mạnh mẽ, cách sống tự do, phóng túng, ý thức sâu sắc về cái tôi các nhân khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu. Nguyễn Tuân đã đưa thể tùy bút lên tới trình độ nghệ thuật cao. Nguyễn Tuân cũng có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật từ cách tổ chức câu văn sáng tạo nhạc điệu, kho từ vựng phong phú cho đến chất văn vừa trang nhã, cổ kính vừa sắc sảo, hiện đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang