bai-1-on-tap-bai-1-sgk-ngu-van-7-tap-1-chan-troi-sang-tao

Soạn bài: Ôn tập kiến thức Bài 1 (Ngữ Văn 7, tập 1, Chân trời sáng tạo).

ÔN TẬP KIẾN THỨC BÀI 1

Câu 1. Chỉ ra một số điểm giống và khác nhau giữa hai văn bản

Trả lời: 

Văn bảnLời của câySang thu
Điểm giống nhau (nội dung, nghệ thuật,…)– Nội dung:

+ Đều miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên quan cách cảm nhận tinh tế, thú vị của nhà thơ.

+ Đều gửi gắm tình yêu, sự trân trọng với thiên nhiên, đất nước của nhà thơ.

+ Đều gửi gắm những thông điệp ý nghĩa.

– Nghệ thuật:

+ Sử dụng các biện pháp nhân hoá, ẩn dụ, so sánh để miêu tả hình tượng nhiên nhiên đầy hấp dẫn, ấn tượng.

+ Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, trong sáng.

Điểm khác nhau (nội dung, nghệ thuật,…)– Thể hiện quá trình lớn lên của hạt mầm; ý nghĩa của cây cối với cuộc sống của con người.

– Thể thơ bốn chữ.

– Giọng điệu dí dỏm, tự nhiên, hồn nhiên, ngây thơ.

– Thể hiện những thay đổi vô cùng tinh tế của thiên nhiên đất trời khi giao mùa (sang thu); gửi gắm những chiêm nghiệm, suy nghĩ về đời người, cuộc sống…

– Thể thơ năm chữ.

– Giọng điệu suy tư, sâu lắng, chiêm nghiệm.

Câu 2. Nhận xét về thể thơ, vần, nhịp của khổ thơ sau:

“Chừng như thu ngấp nghé
Trong hương vườn đâu đây
Khói lam chiều rất nhẹ
Sông vừa vơi vừa đầy”.

(Tạ Hữu Yên, Sang mùa)

Trả lời: 

– Thể thơ: năm chữ.

– Vần chân: nghé – nhẹ; đây – đầy.

– Nhịp 3/2.

Nhận xét: thể thơ, vần, nhịp của khổ thơ phù hợp để diễn đạt nội dung, đồng thời truyền đạt những suy tư của tác giả vào tác phẩm đến người đọc

Câu 3. Đọc đoạn văn sau và cho biết có thể lược bỏ ba từ được gạch dưới không. Vì sao?

“Lần ấy, khi con voi xuống làng thì người quản tượng không còn nữa. Không thấy ông ra đón ở đầu làng, con voi rảo bước về nhà. Nó quỳ xuống giữa sân, rống gọi, rền rì mãi mà vẫn không thấy người quản tượng đi ra.”

(Vũ Hùng, Ông Một)

Từ đó cho biết phó từ đảm nhận chức năng gì?

Trả lời: 

– Không thể lược bỏ các từ: “mãi”, “vẫn”, “không” vì sẽ làm thay đổi ý nghĩa của câu văn.

– Chức năng của phó từ:

+ Phó từ là các từ ngữ luôn đi liền với các từ loại khác là tính từ, động từ và trạng từ với tác dụng bổ sung, giải thích rõ hơn ý nghĩa của các từ mà nó đi kèm.

+ Các ý nghĩa mà phó từ có thể bổ sung cho các từ ngữ khác mà nó đi kèm là ý nghĩa về mối quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, khả năng, phủ định, khẳng định, kết quả, hướng,…

Tất cả các phó từ trên làm cho câu văn trở nên rõ nghĩa hơn, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết hơn cho người đọc.

Câu 4. Em rút ra được bài học gì khi làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ?

Trả lời: 

Khi làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ, đó là:

– Đặt nhan đề phù hợp với nội dung.

– Bài thơ sử dụng chủ yếu vần chân hoặc vần lưng.

– Cách ngắt nhịp 2/2 cho thơ bốn chữ hoặc 3/2, 2/3 cho thơ năm chữ.

– Bài thơ thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận của người viết về thiên nhiên, cuộc sống.

– Các bài thơ giúp bộc lộc tình cảm, cảm xúc của em một cách chân thành, ấn tượng và độc đáo.

– Làm thơ như một cách để rèn luyện, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cũng như trau chuốt kĩ năng dùng từ, sáng tạo cách diễn đạt…

– Nắm được cách làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ; hiểu những quy định chung của một bài thơ bốn / năm chữ.

Câu 5. Hãy chọn một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em yêu thích và viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của mình về bài thơ đó

Đoạn văn 1:

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ chứa đầy hàm súc, là sự tiếc nuối của tác giả về một nền văn học đã từng rất rực rỡ. Ở hai khổ đầu, tác giả đã tái hiện lại không khí ngày tết xưa khi ông đồ còn được trọng dụng. Tết đến xuân về, hoa đào đua nhau khoe sắc thắm, phố phường đông vui, tấp nập và ông đồ xuất hiện bên hè phố bán đôi câu đối để mọi người trưng trong nhà như một văn hóa không thể thiếu ngày đầu năm mới. Những nét chữ thanh thoát như phượng múa rồng bay, gửi gắm cả tâm hồn và tấm lòng người viết. Thế nhưng theo thời gian, phong tục treo câu đối ngày tết không còn được ưa chuộng. Từ “nhưng” như nốt trầm trong khúc ca ngày xuân, cho thấy sự thay đổi trong bước đi chầm chậm của thời gian. Người tri âm xưa nay đã là khách qua đường. Niềm vui nhỏ nhoi của ông đồ là được mang nét chữ của mình đem lại chút vui cho mọi người trong dịp tết đến xuân về nay đã không còn. Nỗi buồn của lòng người khiến những vật vô tri vô giác như giấy đỏ, bút nghiên cũng thấm thía nỗi xót xa. Hình ảnh ông đồ xưa vốn gắn với nét đẹp truyền thống về nền văn hóa nho học, nay dần bị lãng quên “Lá vàng bay trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay”. Ông vẫn ngồi đấy nhưng chẳng mấy ai còn để ý, lá vàng rơi giữa ngày xuân trên trang giấy nhạt phai như dấu chấm hết cho sự sinh sôi. Hạt mưa bụi nhạt nhòa bay trong cái se lạnh như khóc thương, tiễn biệt cho một thời đại đang dần trôi vào dĩ vãng. Ta như cảm nhận được qua tứ thơ là tâm trạng của thi nhân, phảng phất một nỗi xót thương, nỗi niềm hoài cổ nhớ tiếc của nhà thơ cho một thời đã qua. Và câu hỏi cuối bài thơ như lời tự vấn cũng là hỏi người, hỏi vọng về quá khứ với bao ngậm ngùi “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ông đồ vắng bóng không chỉ khép lại một thời đại của quá khứ, đó còn là sự mai một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bài thơ đã chạm đến những rung cảm của lòng người, để lại những suy ngẫm sâu sắc với mỗi người

Đoạn văn 2:

“Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh là một bài thơ đã mang đến cho em những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Khi đọc tác phẩm, chúng ta cảm thấy cách lý giải nguồn gốc loài người của tác giả thật thú vị. Dưới hình thức một bài thơ, nhưng tác phẩm lại giàu tính tự sự, giống như một câu chuyện được kể lại theo trình tự thời gian. Trước hết tác giả khẳng định trời sinh ra trước tiên là trẻ em. Sau đó, để trẻ em có được một môi trường sống thật tốt, mới có sự ra đời của những sự vật khác trên trái đất. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh miêu tả sinh động để giúp người đọc hiểu hơn về sự ra đời của thiên nhiên. Kế tiếp là sự ra đời của mẹ giúp trẻ em cần có tình yêu thương, sự chăm sóc. Bà được sinh ra để giáo dục trẻ em về những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp. Còn bố được sinh ra để dạy trẻ em thêm hiểu biết, trưởng thành. Cuối cùng trường lớp là nơi trẻ em đến để học tập, vui chơi còn thấy giáo là người dạy dỗ trẻ em ở đó. Có thể khẳng định, với bài thơ này, Xuân Quỳnh muốn gửi gắm tình yêu thương của Xuân Quỳnh dành cho trẻ em.

Đoạn văn 3:

Bài thơ “Con chim chiền chiện” được nhà thơ Huy Cận viết vào năm 1967, in trong tập “Hai bàn tay em”. Khung cảnh thiên thiên bao la, tươi đẹp là tấm nền để cánh chim bay cao vút trong không gian, cất cao tiếng hót ngọt ngào. Chiền chiện là cánh chim của bầu trời cao xanh, là chim của đồng quê mang tình thương mến, chim càng bay cao tiếng hót càng trong veo. Cánh chim chiền chiện tung bay là cánh chim tự do trên bầu trời quê hương đất nước. Hình ảnh con chim chiền chiện tự do bay lượn giữa không gian cao rộng được vẽ lên qua những từ ngữ, hình ảnh đầy ấn tượng. Tiếng hót của chim chiền chiện đã mở ra một khung cảnh bình yên, tươi đẹp cho đất nước, làm say mê lòng người đọc. Bài thơ không chỉ là miêu tả khung cảnh quê hương, đất nước tươi đẹp dưới tiếng hót, dưới cánh chim chiền chiện mà qua đó còn bộc lộ tình yêu đất nước, yêu thiên của tác giả, là khao khát về một cuộc sống tự do, hòa bình.

Đoạn văn 3:

Bài thơ Sang Thu của tác giả Hữu Thỉnh là một trong những bài thơ tôi ấn tượng sâu sắc nhất bởi cách nhìn đầy tinh tế của tác giả khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Với khổ thơ đầu tiên, tôi như thấy mình ở trong không gian nơi vườn thôn, ngõ xóm với sự lan toả của hương ổi và cái sẽ lạnh của gió nhờ động từ “phả”. Đồng thời, với thủ pháp nhân hóa sương “chùng chình”, tôi thấy được sự quấn quýt, chầm chậm của sương. Tất cả đã làm nên sự giao thoa của tạo vật khiến cho tôi không khỏi ngỡ ngàng và xao xuyến. Có thể thấy, hình ảnh đất trời thu sang trong không gian dài, rông cao, đã được bộc tả rõ nét hơn qua những câu thơ ở khổ 2 bằng nghệ thuật nhân hóa: sông “dềnh dàng”, chim “vội vã”, đám mây “vắt nửa mình sang thu”. Kết lại bài thơ bằng khổ 3 với đầy suy tư của tác giả, ông đã khéo léo sử dụng các thủ pháp nhân hóa “sấm bất ngờ”, “hàng cây đứng tuổi” và thủ pháp ẩn dụ hàng cây – con người. Bài thơ đã đem lại sự lắng đọng đến với người đọc, đầy bâng khuâng, cảm xúc, gợi bao suy nghĩ về đời người lúc sang thu. Qua đó, đã giúp tôi có cái nhìn chiêm nghiệm về cuộc đời con người.

Câu 6. Vì sao khi tóm tắt ý chính do người khác trình bày ta nên dùng từ khoá, các kí hiệu và sơ đồ?

Trả lời:

– Vì khi dùng từ khoá, kí hiệu và sơ đồ sẽ không chỉ trình bày được đúng và đủ những ý mà người khác trình bày mà còn đảm bảo sự ngắn gọn, khoa học và ấn tượng, hấp dẫn, súc tích giúp dễ theo dõi, dễ hiểu.

Câu 7. Việc quan sát, lắng nghe, cảm nhận thế giới tự nhiên có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta?

Trả lời: 

– Giúp ta cảm nhận được những vẻ đẹp của cuộc sống, từ đó thêm yêu và trân trọng cuộc sống của chính mình

– Mang đến cho con người những cảm xúc tích cực

– Hình thành lối sống tích cực, yêu thương và chan hoà hạnh phúc.

Việc quan sát, lắng nghe, cảm nhận giới tự nhiên có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Vì quan sát, lắng nghe, cảm nhận thế giới tự nhiên giúp xoa dịu tâm hồn, khơi dậy cảm xúc và trở nên tinh tế, nhạy bén hơn.

1 bình luận trong “Soạn bài: Ôn tập kiến thức Bài 1 (Ngữ Văn 7, tập 1, Chân trời sáng tạo).”

  1. Pingback: Soạn bài Ngữ Văn 7, sách Chân trời sáng tạo - Cả năm, đầy đủ, chi tiết - Theki.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang