bai-3-tri-thuc-ngu-van-van-ban-nghi-luan-bai-nghi-luan-xa-hoi-loi-ve-mach-lac-va-lien-ket-trong-doan-van-van-ban-ngu-van-10-ket-noi-tri-thuc

Tri thức Ngữ văn Bài 3: Văn bản nghị luận, Bài nghị luận xã hội; Lỗi về mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản (Bài 3, Ngữ văn 10, tập 1, Kết Nối Tri Thức)

Tri thức Ngữ văn:

Văn bản nghị luận, Bài nghị luận xã hội; Lỗi về mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản.

Văn bản nghị luận.

Văn bản nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục thông qua một hệ thống luận điểm, lý lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ. Đề tài của văn bản nghị luận rất rộng, bao gồm mọi vấn đề của đời sống như chính trị, xã hội, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học, …

– Căn cứ vào đề tài được đề cập và nội dung triển khai, có thể chia văn bản nghị luận thành nhiều tiểu loại, trong đó nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai tiểu loại phổ biến, quen thuộc.

– Ở những bối cảnh văn hóa và thời đại khác nhau, văn bản nghị luận có những đặc điểm riêng. Khi viết văn bản nghị luận, tùy vào tính chất của thể loại được chọn, có tác giả cũng thường chú ý sử dụng yếu tố biểu cảm và tự sự để làm tăng hiệu quả thuyết phục cho văn bản.

Các yêu tố chính của văn bản nghị luận.

Luận đề là vấn đề tư tưởng, quan điểm, quan niệm, … được tập trung bàn luận trong văn bản. Việc chọn luận đề để bàn luận luôn cho thấy rõ tầm nhận thức, trải nghiệm, sở trường, thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống của người viết. Thông thường, luận đề của văn bản được thể hiện rõ từ nhan đề.

Luận điểm là một ý kiến khái quát thể hiện tư tưởng, quan điểm, quan niệm của tác giả về luận đề. Nhờ hệ thống luận điểm (gọi nôm na là hệ thống ý), các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một cách thức nhất định.

Lý lẽ, bằng chứng được gọi gộp là luận cứ. Lý lẽ này sinh nhờ suy luận logic, được dùng để giải thích và triển khai luận điểm, giúp luận điểm trở nên sáng tỏ và đứng vững. Bằng chứng là những căn cứ cụ thể, sinh động được khai thác từ thực tiễn hoặc từ các tài liệu sách báo nhầm xác nhận tính đúng đắn, hợp lý của lý lẽ.

Bài nghị luận xã hội.

– Bài nghị luận xã hội là một trong nhiều dạng của văn bản nghị luận, đề cập các vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi, không đi vào những vấn đề, lĩnh vực quá chuyên sâu, nhằm tạo được sự hồi đáp tích cực, nhanh chóng từ phía người đọc, người nghe. Đề tài của bài nghị luận xã hội rất phong phú, thường được xếp vào hai nhóm chính: bàn về một hiện tượng xã hội, bàn về một tư tưởng đạo lý có tính phổ cập. Đáp ứng yêu cầu chung của một văn bản nghị luận, bài nghị luận xã hội cũng phải xác lập được luận điểm rõ ràng; triển khai bằng hệ thống luận điểm tường minh với lý lẽ thuyết phục và bằng chứng xác đáng, có lời văn chính xác, sinh động.

Lỗi về mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản.

– Trong một văn bản, các đoạn văn đều phải hướng về chủ đề hoặc luận đề chung, được sắp xếp theo một trình tự hợp lý, nhằm giải quyết từng mục tiêu cụ thể như: triển khai, mở rộng, khái quát lại vấn đề,…

– Trong một đoạn văn, các câu đều phải phục vụ chủ đề của đoạn văn và liên kết với nhau bằng phép lặp, phép thế, phép nối,…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang