Kỹ năng viết bài nghị luận thuộc dạng lý luận văn học (dành cho học sinh giỏi)

ky-nang-viet-bai-nghi-luan-thuoc-dang-ly-luan-van-hoc-danh-cho-hoc-sinh-gioi

Kỹ năng viết bài nghị luận thuộc dạng lý luận văn học (dành cho học sinh giỏi)

I. Xác định yêu cầu cần có.

– Tích lũy kiến thức nhất định về tác phẩm, tác giả , về lí luận văn học… Những kiến thức lí luận học sinh cần có là: đặc trưng, chức năng, thể loại, nhà văn và quá trình sáng tạo, phong cách nghệ thuật, tiếp nhận văn học…

– Rèn luyện khả năng suy nghĩ trừu tượng, khái quát để hiểu được luận điểm khoa học được đề cập đến trong bài, bởi các vấn đề lí luận thường được nhà văn, nhà nghiên cứu nói một cách hình ảnh, thậm chí là rất trừu tượng và không thật dễ hiểu với học sinh.

Ví dụ:

– Câu nói của Biêlixki “Như một hạt giống vô hình, tư tưởng gieo vào tâm hồn nghệ sĩ và từ mảnh đất màu mỡ ấy, nó triển khai và phát triển thành một hình thức xác định, thành các hình tượng tràn đầy vẻ đẹp và sức sống, cuối cùng nó là một thế giới hoàn toàn đặc thù, nhất quán” (Sự hình thành tác phẩm văn học).

– Câu nói của Ngô Thì Nhậm “Thơ không phải là toà lâu đài mà là cái bóng của toàn lâu đài dưới nước” (Cái đẹp độc đáo của thơ, cách phản ánh hiện thực của thơ)

– Chế Lan Viên:

“Có nên chăng
Ta nói mãi cái hồn nhiên, cái truyền thống, cái nghìn năm
Để nỗi bó tay chả làm gì được nữa”

Lần khác ông lại viết:

“Cuộc đời đẻ ra nhiều hình thức
D ù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc
Cứ đâu phải cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu trời”

(Tiếp thu tinh hoa của văn học truyền thống và sự sáng tạo không ngừng, văn học luôn đòi hỏi sự đa dạng)

– Rèn luyện khả năng trình bày lại và vận dụng các kiến thức lí luận văn học để giải quyết các vấn đề đặt ra.

– Có kĩ năng viết, trình bày các luận điểm rõ ràng và vận dụng các kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm rõ luận điểm chính

II. Phương pháp làm bài.

1. Phân tích đề bài.

– Đọc kĩ đề, gạch dưới những từ chứa đựng nội dung đề, xem hình ảnh mà nhà văn dùng chứa đựng ý niệm gì rồi đẩy nó về phạm trù lí luận văn học mà đề đặt ra.

– Tiếp đó phải biết đẩy từ ngữ, hình ảnh đó lên tầm khái quát.

Ví dụ: Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác”, Tố Hữu lại quan niệm “Thơ hay là không thấy câu thơ chỉ thấy tình người”. Suy nghĩ của em?

– Câu của Xuân Diệu: Những từ ngữ và hình ảnh cần tập trung: hồn, xác, câu thơ, tình người; hình ảnh hay cả hồn lẫn xác, không thấy câu thơ chỉ thấy tình người

+ Hồn: cái bên trong, còn phong kín (cảm xúc, ý tưởng nhà thơ gửi gắm- nội dung của thơ), hồn được thể hiện qua xác.

+ Xác: là cái diện mạo bên ngoài của thơ (ngôn ngữ, nhịp điệu, hình ảnh…- hình thức của thơ).

+ Bản chất câu nói của Xuân Diệu: Thơ hay là thơ phải đạt giá trị cao cả về nội dung và hình thức.

– Câu nói của Tố Hữu: chú ý hai từ Thơ đứng đầu câu là danh từ chỉ câu thơ, bài thơ, chữ thơ thứ hai nằm giữa câu là tính từ nói về vẻ đẹp của nghệ thuật thơ (hình thức); Tình người là đề tài, chủ đề, cảm xúc thơ (nội dung). Theo quan niệm của Tố Hữu một bài thơ, câu thơ được coi là hay khi người đọc không thấy dụng công nghệ thuật của tác giả chỉ còn lại tình người, cảm xúc tác động đến trái tim người đọc. Tố Hữu đề cao nội dung nhưng không tách khỏi nghệ thuật

– Nâng cao: Quan niệm của hai ông không chỉ đúng với thơ mà với mọi tác phẩm nghệ thuật nói chung. Một tác phẩm là hay phải là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”

Như vậy, phạm trù đưa ra để lí giải cho quan niệm này là: Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học

Ví dụ 2: Trong tác phẩm Việt Hán văn khảo, Phan Kế Bính viết “Ngồi trong xó nhà mà lịch lãm suốt các nơi danh lam thắng cảnh của thiên hạ, xem trêm mảnh giấy mà tinh tường được hết các việc hay dơ của thế gian; sinh ra sau mấy nghìn năm mà tựa hồ như đối diện và nghe được tiếng bàn bạc của người sinh về trước mấy nghìn năm, cũng là nhờ có văn chương cả”

+ Các từ cần lưu ý: xó nhà, lịch lãm, danh thắng, thiên hạ, xem mảnh giấy, tinh tường, đối diện và được nghe…

+ Bản chất của câu nói: vai trò, tác dụng to lớn của văn chương đối với con người

Phạm trù lí luận cần có: chức năng của văn học (nhận thức), đặc trưng văn học (ngôn ngữ phi vật thể)

2. Xây dựng giải quyết vấn đề.

Trong bài văn nghị luận, với bất kì đề ra thuộc kiểu bài lí luận văn học, người làm đều phải sử dụng các thao tác: giải thích, chứng minh, bình luận. Giải thích để hiểu được thực chất nội dung vấn đề ở đây là gì? Chứng minh là làm rõ hơn cho vấn đề cả về mặt lí luạn văn học và thực tế văn học. Bình luận là nhìn vấn đề đó dưới nhiều góc độ khác nhau để bàn luận sự đúng, sai, để tìm hiểu ý nghĩa của quan điểm lí luận văn học đó với đời sống văn học, với người cẩm bút và họ phải làm gì để trở thành một nhà văn có chỗ đứng trong lòng độc giả.

a. Giải thích:

– Giải thích khái niệm: từ ngữ, hình ảnh của nhận định (nghĩa đen, nghĩa chuyển đặc biệt là nghĩa hàm ẩn được thể hiện trong cái vỏ bọc từ ngữ, hình ảnh, các nói trừu tượng của nhà văn.

– Giải thích ý nghĩa: xem bản chất của câu nói ấy là gì? (Xem phần hướng dẫn phân tích đề)

– Mở rộng tới các câu nói tương tự của các tác giả khác…

b. Đề xuất nhận định, đánh giá, mở rộng:

– Tất nhiên các vẫn đề lí luận đưa cho học sinh làm bài thường là đúng, học sinh ít khi phải nghĩ ra một cái gì thật mới mẻ mà thường là khẳng định vấn đề đúng và đúng đến đâu, và dựa vào sự hiểu biết về lí luận văn học mà giải thích rõ rồi dùng thực tế văn học mà mình đã học, đã biết để chứng minh cho sự đúng đắn của nhận định.

– Ví dụ ở đề văn trên (Ví dụ 1)

+ Cách hiểu của hai nhà thơ tưởng như mâu thuẫn nhưng thực ra lại hoàn toàn thống nhất bởi hai ông đều có nét tương đồng trong quan niệm thơ hay: Thơ là một chỉnh thể nghệ thuật được kết hợp bởi hai yếu tố: nội dung và hình thức nghệ thuật. Vì vậy, thơ hay phải đạt đến sự hài hoà đến mức như là máu thịt, như là thể xác và linh hồn.

+ Đây là một quan niệm đúng đắn. Quan niệm này có cơ sở cả về mặt lí luận và thực tế văn học:

Cơ sở triết học: cặp phạm trù nội dung và hình thức của mọi hiện tượng trong đời sống

Cơ sở lí luận văn học: nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học là một hiện tượng xã hội nên những tác phẩm có giá trị, nội dung và hình thức phải luôn thống nhất chặt chẽ. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức tạo nên sức mạnh tư tưởng, nghệ thuật của chỉnh thể tác phẩm văn học.

Thực tế văn học cho thấy: nếu chỉ coi trọng nội dung thì thơ chỉ có nội dung tư tưởng cao, chỉ đứng được một thời (Những bài thơ của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh: Bài ca cách mạng,…). Ngược lại, nếu chỉ quan tâm tạo dựng cho một cái xác đẹp đẽ với những sáo ngữ ồn ào, mà không chú ý đến phần hồn thì câu thơ chỉ làm cho người đọc sướng tai, vui mắt trong một khoảnh khắc nhất định, không lưu lại trong lòng một cái gì, đọc câu thơ như ngắm một bông hoa có sắc mà không có hương. Nhiều bài thơ hay để đời là những bài thơ hay cả hồn lẫn xác không thấy câu thơ, chỉ thấy tình người: Hoàng hạc lâu, Tôi yêu em, Đây thôn Vĩ Dạ…

c. Ý nghĩa tác dụng và mở rộng vấn đề:

– Đóng góp vào kho tàng lí luận phong phú của văn chương.

– Bài học cho người cầm bút và người tiếp nhận

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.