Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em.
Đề bài:
Trong cuộc sống có trải nghiệm đem lại cho em niềm vui, sự tự hào, hạnh phúc, có trải nghiệm mang lại cho em sự sợ hãi, nỗi buồn, tiếc nuối. Nhưng dù có thế nào, từ những trải nghiệm đó, em có thể rút ra những bài học để trưởng thành hơn. Ở bài Tôi và các bạn, em đã được hướng dẫn viết bài văn kể lại một trải nghiệm. Trong bài này, em sẽ tiếp tục viết bài văn chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ của bản thân với yêu cầu cao hơn.
* Phân tích bài viết tham khảo:
– Văn bản: Trải nghiệm buồn của tôi
+ Nội dung: kể về một câu chuyện buồn, một lần hiểu lầm trong tình bạn. Bài viết có cả bài học mà người viết rút ra từ câu chuyện đó.
+ Người kể chuyện ngôi thứ nhất, xưng “tôi” (Tôi có nhiều trải nghiệm … Nhưng tôi vẫn muốn kể lại…)
+ Giới thiệu câu chuyện đây là một trải nghiệm buồn có ý nghĩa với người viết: “Tôi có nhiều trải nghiệm vui… bao giờ quên.”
+ Bài viết kể về trải nghiệm gì?
Tóm tắt câu chuyện:
• Sự kiện 1: Bản tổng hợp đầu năm học mà “tôi” đã chuẩn bị rất công phu bị ai đó vẽ nguệch ngoạc vào.
• Sự kiện 2: “Tôi” nghĩ chắc chắn Duy là thủ phạm nhưng Duy khóc, không nhận lỗi.
• Sự kiện 3: Tuấn đã đứng lên nhận lỗi trước cô giáo và cả lớp.
• Sự kiện 4: “tôi” xấu hổ và ân hận vì lỗi lầm của mình.
+ Bài văn kể theo trình tự thời gian và quan hệ nhân quả:
• Trật tự thời gian: Sáng thứ Hai, đúng lúc ấy, lúc quay vào, khii cô chủ nhiệm vào lớp, về nhà…
• Quan hệ nhân quả: thoáng nhìn thấy Duy – nghĩ là Duy đã vẽ – hiểu lầm Duy – ân hận.
+ Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể: “Về nhà, tôi càng nghĩ… chuyện với tôi nữa!”
Những từ ngữ thể hiện cảm xúc của người viết trước sự việc được kể: xấu hổ, ân hận, buồn, sợ hãi,…
+ Chỉ ra sự quan trọng của trải nghiệm với người viết, lí do đây là trải nghiệm có ý nghĩa với người viết, giúp người viết thay đổi thái độ và hành động: “May mắn là… cho tớ nhé!”
* Thực hành viết theo các bước.
1. Trước khi viết.
a. Lựa chọn đề tài:
Tham khảo một vài ý tưởng ở bài Tôi và các bạn. Ngoài ra, để tìm được đề tài, em có thể liệt kê những sự việc quan trọng đã xảy ra với mình theo trình tự thời gian.
Ví dụ:
+ bắt đầu vào Tiểu học,
+ chia tay mái trường Tiểu học,
+ gia đình chuyển nhà,
+ khi mới vào trường THCS,
+ làm quen với bạn mới,…
b. Tìm ý:
Ví dụ : Kể về trải nghiệm buồn một lần mắc lỗi.
– Lần lượt trình bày và trả lời các ý: Chuyện gì? Khi nào? Ở đâu? Ai? Vì sao? Thế nào?
+ Chuyện gì? : Một lần mắc lỗi.
+ Khi nào? : Hồi năm học lớp 4 trong giờ kiểm tra 15 phút.
+ Ở đâu?: Ở lớp học.
+ Ai? : Mắc lỗi với Hoa.
+ Vì sao? : Không học bài cũ nên chép bài của bạn.
+ Thế nào? : Cô giáo cho cả 2 điểm thấp. Bạn bè chê trách lầm Hoa.
– Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể: buồn, ân hận,…
+ Chỉ ra sự quan trọng của trải nghiệm với người viết: tự rút ra bài học cho chính mình
phải biết quan tâm, chú ý tới cảm xúc của người khác.
c. Lập dàn ý:
Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý
I. Mở bài:
– Giới thiệu câu chuyện: Một lần mắc lỗi với người bạn thân – trải nghiệm buồn.
II. Thân bài:
– Kể lại diễn biến của câu chuyện.
+ Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan: Hồi năm lớp 4, trong giờ kiểm tra 15 phút,…
+ Kể lại các sự việc trong câu chuyện theo trình tự hợp lí (thời gian, không gian, nguyên nhân – kết quả, mức độ quan trọng của sự việc,…).
- Sự việc 1: Tôi và Hoa là bạn thân từ nhỏ, hay giúp đỡ nhau trong học tập.
- Sự việc 2: Tôi học rất tốt từng được điểm cao trong giờ kiểm tra miệng.
- Sự việc 3: Vì mải xem tivi không học bài nên trong giờ kiểm tra 15 phút, tôi không làm được bài nên đã giật bài của Hoa để chép.
- Sự việc 4: Cô giáo trả bài, phê bình cả 2 vì đã chép bài nhau nên được được điểm kém.
- Sự việc 5: Hoa buồn; bị bạn bè chê trách, giận bỏ về trước.
- Sự việc 6: Tôi nhận ra mình đã sai nên đuổi theo xin lỗi. Hoa tha thứ cho tôi. Cả hai lại thân thiết như xưa.
…
III. Kết bài:
– Nêu cảm xúc của người viết và rút ra ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân: buồn, ân hận, tự rút ra bài học cho chính mình phải biết quan tâm, chú ý tới cảm xúc của người khác.