Thực hành Tiếng Việt:
Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh; Ẩn dụ.
Câu 1. Giải thích nghĩa của các từ in đậm trong những dòng thơ sau:
a. Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy bên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.
b. Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
c. Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Trả lời:
a.
– Trong từ điển, từ lộc có nghĩa là chồi lá non.
– “Lộc” trong câu “Lộc giắt đầy trên lưng” không chỉ để những lá ngụy trang rừng hay những chồi non giắt trên lưng người chiến sĩ khi ra trận. Mà “lộc” còn để chỉ niềm tin niềm lạc quan của người lính vào những cuộc chiến ở phía trước.
– “Lộc” trong câu “Lộc trải dài nương mạ” không chỉ để nói về những mạ cây người nông dân gieo trồng trên cánh đồng của mình mà còn để chỉ niềm lạc quan vào mùa màng bội thu, vào sự hứng khởi của người nông dân khi bắt đầu mùa vụ để có thể có mùa màng bội thu, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
→ Hình ảnh “lộc” trong đoạn thơ có thể hiểu: vừa có nghĩa thực là chồi non, lá non vừa có nghĩa ẩn dụ là may mắn, hạnh phúc. Như vậy, với cách sử dụng từ lộc nhà thơ Thanh Hải đã diễn tả được: Người cầm súng như mang theo sức xuân trên đường hành quân, người ra đồng như gieo mùa xuân trên từng nương mạ. Chính người cầm súng và người ra đồng đã làm nên mùa xuân hạnh phúc cho đất nước.
b.
“Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
– Từ “đi” theo nghĩa thông thường có thể hiểu là hành động di chuyển đến chỗ khác bằng đôi chân của con người.
– Nhưng khi đặt trong bối cảnh đoạn thơ trên có thể hiểu “đi” ở đây là sự phát triển tiến tới không ngừng của đất nước. Với việc sử dụng từ đi, nhà thơ đã thể hiện được niềm tin vào bước tiến vững vàng của đất nước trong tương lai.
→ Từ “đi” mang nghĩa chuyển: thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh”, ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng, thể hiện niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam.
c.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa”
– Từ “làm” theo nghĩa thông thường được hiểu là hành động dùng công sức vào những việc khác nhau, nhằm một mục đích nhất định nào đó. Còn từ “làm” trong văn bản có nghĩa là hóa thành, biến thành. Nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện ước nguyện hóa thân thành con chim hót, thành một cành hoa… để dâng hiến cho cuộc đời, làm đẹp cho đời.
→ Từ “làm” mang nghĩa chuyển: thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết của tác giả: muốn âm thầm cống hiến cho đời.
Câu 2. Từ giọt trong đoạn thơ sau có nhiều cách hiểu khác nhau. Người cho là giọt sương, người hiểu là giọt mưa xuân và có người lại giải thích là “giọt âm thanh” tiếng chim. Theo em, trong ngữ cảnh này, có thể chọn cách hiểu nào? Vì sao?
Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Trả lời:
– Theo định nghĩa trong từ điển, nghĩa của từ giọt trong giọt mưa, giọt nước, giọt sương là chỉ lượng rất nhỏ chất lỏng, có dạng hạt.
– Trong bài thơ, hình ảnh “giọt long lanh” là hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Dựa trên ngữ cảnh (giọt long lanh) có thể hiểu là giọt âm thanh – tiếng chim hót: Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành “từng giọt” (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt long lanh ánh sáng và màu sắc có thể bằng xúc giác (tôi đưa tay tôi hứng). Từ “long lanh” chỉ tính chất sáng, đẹp của giọt mà không có từ chỉ sự vật cụ thể như mưa, sương, nước hay tiếng chim nên có thể gợi liên tưởng đến giọt mùa xuân – sức sống của mùa xuân đang dâng trào, dào dạt. Câu thơ gợi ra niềm cảm xúc say mê, ngây ngất của tác của tác giả trước cảnh trời đất xứ Huế vào mùa xuân, thể hiện mong muốn hòa nhập thiên nhiên, đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông lạnh giá khiến ta vô cùng khâm phục.
Câu 3. Theo em, trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, biện pháp tu từ nào có vị trí nổi bật nhất? Hãy cho biết tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.
Trả lời:
– Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như điệp từ, liệt kê, ẩn dụ trong đó nổi bật nhất là biện pháp tu từ ẩn dụ.
– Biện pháp ẩn dụ được thể hiện qua các hình ảnh như:
+ Con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân nho nhỏ đều là những ẩn dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và cũng là biểu tượng cho lẽ sống đẹp của con người.
+ Giọt long lanh rơi ẩn dụ cho tiếng chim hót du dương, ca ngợi đất trời.
+ Tuổi hai mươi và khi tóc bạc ẩn dụ cho con người lúc tuổi trẻ và khi tuổi đã cao.
– Biện pháp tu từ ẩn dụ có tác dụng tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho văn bản đồng thời nhấn mạnh vẻ đẹp của mùa xuân cũng như thể hiện khao khát cống hiến mãnh liệt của tác giả đối với quê hương, đất nước.