Thực hành Tiếng Việt: Thán từ; Biện pháp tu từ (Bài 6, Ngữ văn 8, tập 2, Kết Nối Tri Thức)

ngu-van-8-ket-noi-tri-thuc

Thực hành Tiếng Việt:

Thán từ; Biện pháp tu từ
(Ngữ văn 8, Kết Nối Tri Thức)

Câu 1 (trang 23, SGK Ngữ văn 8, tập 2). Tìm thán từ trong các câu sau:

a. – Vâng, mời bác và cô lên chơi.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

b. Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

c. Đây rồi, Sói Lam ơi, đây là nơi có kỉ niệm đầu tiên của ta đó!

(Đa-ni-en Pen-nắc, Mắt sói)

Trả lời:

a. Thán từ: Vâng.

b. Thán từ: Ô.

c. Thán từ: ơi.

Câu 2 (trang 23, SGK Ngữ văn 8, tập 2). Chỉ ra thán từ trong các câu dưới đây và cho biết mỗi thán từ bộc lộ cảm xúc gì.

a. Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

b. – Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

c. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư?

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

d. Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Trả lời:

a. Thán từ “ôi” thể hiện sự xúc động mạnh mẽ trước một điều bất ngờ. Câu văn cho thấy sự xúc động lớn lao, thái độ ngạc nhiên của người nghệ sĩ khi ông tìm được một ý tưởng sáng tác có giá trị trong chuyến đi của mình.

b. Thán từ “trời ơi” thể hiện cảm xúc tiếc nuối của anh thanh niên khi anh sắp phải chia tay ông họa sĩ, cô kĩ sư và bác lái xe.

c. Thán từ “ơ” thể hiện sự ngạc nhiên, bối rối của anh thanh niên khi thấy ông họa sĩ vẽ mình.

d. Thán từ “chao ôi” thể hiện sự xúc động mạnh mẽ của ông họa sĩ khi ông nhận thấy rằng gặp được anh thanh niên là cơ hội hiếm có trong sáng tác nhưng hoàn thành được sáng tác đó còn là một chặng đường dài.

Câu 3 (trang 23, SGK Ngữ văn 8, tập 2). Hãy đặt ba câu, mỗi câu có sử dụng một trong các thán từ sau: ơ, than ôi, trời ơi.

Trả lời:

1. Ơ hay, cái cậu này!

2. Than ôi, mệt mỏi quá!

3. Trời ơi, sao số tôi khổ thế này!

Câu 4 (trang 23, SGK Ngữ văn 8, tập 2). Chỉ ra biện pháp tu từ trong những câu sau và nêu tác dụng:

a. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

b. Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Trả lời:

a. Biện pháp tu từ ẩn dụ trong hình ảnh “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc”. Những cành thông tròn, nhọn, vươn lên thẳng tắp, óng ánh dưới ánh nắng, rung tít trong gió được hình dung như những ngón tay thon thả bằng bạc đang chuyển động xoay tròn. Biện pháp tu từ nhân hóa trong hình ảnh cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Cây tử kinh được nhân hóa, mang đặc điểm, hành động của con người (nhìn, nhô cái đầu lên). Việc sử dụng các biện pháp tu từ trong đoạn văn làm cho hình ảnh thiên nhiên Sa Pa trở nên sinh động, đẹp đẽ, tinh tế và đầy chất thơ.

b. Biện pháp tu từ nhân hóa trong hình ảnh nắng đã mạ bạc cả con đèo. Biện pháp so sánh trong hình ảnh đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng Sa Pa lúc này đã gay gắt khiến cả con đèo như được phủ lên bề mặt một lớp kim loại trắng, sáng lấp lánh; rừng cây dưới nắng rực rỡ tựa như một bó đuốc khổng lồ. Việc sử dụng các biện pháp tu từ đã giúp nhà văn miêu tả thành công thiên nhiên đặc trưng ở vùng núi Sa Pa với nắng, đèo, rừng cây. Thiên nhiên hiện lên rộng lớn, mênh mông, hùng vĩ, tráng lệ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.