bai-8-noi-voi-con-y-phuong-ngu-van-7-ket-noi-tri-thuc

Nói với con (Y Phương) (Bài 8, Ngữ văn 7, tập 2, Kết nối tri thức)

Đọc hiểu văn bản:

Nói với con
(Y Phương)

* Nội dung chính: Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm đẹp đẽ với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống

Câu 1. Nói với con thể hiện tình cảm của người cha đối với con, nhưng qua đó, nhà thơ còn hướng tới những đối tượng nào khác?

Trả lời:

– Qua những lời người cha nói với con, có thể thấy tình cảm của người cha đối với con thật trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con chính là niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương và niềm tin khi bước vào đời. Người cha đã chỉ bảo con những điều hay lẽ phải để con có thể vững bước trên chặng đường đời. Đó không chỉ là lời chỉ bảo với người con thân thương mà qua đó người cha cũng muốn biểu đạt ngụ ý của bản thân mình tới tất cả người đọc rộng rãi – những người có thể đồng cảm sâu sắc với chủ thể trữ tình về những vấn đề được nói tới.

Câu 2. Qua những lời tâm tình, căn dặn, người cha muốn nói với con về những điều gì?

Trả lời:

Qua lời căn dặn, tâm tình, cha muốn con khắc ghi:

– Luôn nhớ về tình cảm của cha mẹ, của gia đình mình

– Luôn yêu mến, tự hào về quê hương, xứ sở

– Luôn ý thức được những phẩm chất cao quý của “người đồng mình” (những con người quê hương)

– Sống có cốt cách để xứng đáng là người con của quê hương

Câu 3. Người cha đã nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ giữa “con” với gia đình, quê hương, sứ xở? Những mối quan hệ ấy có ý nghĩa gì đối với sự trưởng thành của “con”?

Trả lời:

– Mối quan hệ giữa “con” với gia đình là quan hệ hết sức tự nhiên và sâu sắc. Con được cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, bao bọc. Bước đi chập chững, tiếng nói đầu đời của con đem đến cho cha mẹ niềm vui, hạnh phúc (Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười). Trên từng bước trưởng thành của con, đều có sự bảo ban và ánh mắt dõi theo đầy hi vọng của cha mẹ (Lên đường/ Không bao nhỏ bé được/ Nghe con).

– Mối quan hệ giữa “con” với quê hương: Quê hương không chỉ là nơi con được sinh ra, lớn lên, mà còn là nơi hun đúc, nuôi dưỡng nghị lực sống và tâm hồn con (Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát/ Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng; Còn quê hương thì làm phong tục). Đặc biệt, nói đến quê hương là nói đến những con người xứng đáng là mẫu hình về mọi mặt cho con noi theo để trưởng thành.

Câu 4. Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt, bền bỉ của “người đồng mình” được thể hiện như thế nào trong bài thơ? Nói về “người đồng mình”, người cha muốn nhắn gửi con điều gì?

Trả lời:

– Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt, bền bỉ của “người đồng mình” được thể hiện:

+ Người đồng mình tài hoa, lãng mạn và có đời sống tâm hồn phong phú:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”.

+ Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước, có ý chí, nghị lực sống mãnh liệt:

“Người đồng mình thương lắm con ơi!
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.

+ Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn:

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.

+ Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc; chân chất, giản dị như có cốt cách cao quý:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

– Người cha muốn con phải thấu hiểu, yêu thương và tự hào về “người đồng mình”, sống có cốt cách cao đẹp, xứng đáng là người con của quê hương, xứ sở.

Câu 5. Nêu cảm nhận của em về nghệ thuật của bài thơ.

Trả lời:

– Dùng các kiểu câu có cấu trúc giống nhau:

+ Chân phải bước tới cha
   Chân trái bước tới mẹ

+ Người đồng mình yêu lắm con ơi.

+ Người đồng mình thương lắm con ơi.

+ Cao đo nỗi buồn
  Xa nuôi chí lớn

+ Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
   Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Giá trị: tạo nên lối nói riêng, nhấn mạnh cảm xúc của chủ thể trữ tình và đặc điểm của đối tượng được tái hiện

– Cách nói cụ thể, hình tượng:

+ Một bước chạm tiếng nói
   Hai bước tới tiếng cười

+ Đan lờ cài nan hoa
   Vách nhà ken câu hát

+ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

→ Giá trị: thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ sinh động, cụ thể, giàu tính trực quan.

– Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị:

+ Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

+ Người đồng mình thô sơ da thịt

+ Con ơi tuy thô sơ da thịt

Giá trị: thể hiện tình cảm chất phác, chân thực.

Xem thêm:

Cảm nhận ý nghĩa bài thơ Nói với con của Y Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang