bao-ve-rung-la-bao-ve-cuoc-song-cua-chung-ta-chung-minh-lop-7

Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta (chứng minh, lớp 7)

Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta

  • Mở bài:

Mối quan hệ của rừng và cuộc sống đã trở thành một mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Không có một dân tộc, một quốc gia nào không biết rõ vai trò quan trọng của rừng trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều nơi con người đã không bảo vệ được rừng, còn chặt phá bừa bãi làm cho tài nguyên rừng khó được phục hồi và ngày càng bị cạn kiệt. Vai trò của rừng trong việc bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề thời sự và lôi cuốn sự quan tâm của toàn thế giới.

  • Thân bài:

Rừng là gì?

Rừng là một hệ sinh thái bao gồm nhiều quần thể động vật, thực vật rừng, vi sinh vật rừng tập trung trên một diện tích nhất định, có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Rừng mang lại cho tự nhiên và con người nhiều lợi ích không thể thay thế được.

Vai trò của rừng cây.

Đối với tự nhiên:

Rừng là môi trường sống và trú ẩn tự nhiên của các loài động thực vật. Cây rừng còn cung cấp nguồn thức ăn phong phú và vô tận cho tất cả sinh vật, trong đó có cả con người. Nếu không có rừng, rất nhiều loài sinh vật sẽ giảm số lượng không thể tồn tại hoặc sẽ tuyệt chủng.

Rừng có vai trò điều hòa khí hậu trên toàn Trái đất. Ngoài vai trò sản xuất oxi và các hợp chất hữa cơ, rừng còn có vai trò cân bằng ion trong không khí, làm không khí luôn trong lành. Nếu không có rừng cây, Trái đất sẽ bị hun nóng, nền nhiệt độ tăng cao không có loài nào có thể sinh tồn được. Rừng có vai trò điều hướng các luồng khí hậu, cân bằng nền nhiệt, chuyển hướng hoặc làm nhẹ lại các con bão bảo vệ đời sống con người, bảo vệ sản xuất.

Rừng có vai trò điều hòa nguồn nước chảy trên bề mặt và dòng nước ngầm trong lòng đất. Nhờ có rừng mà đất đai được bảo vệ không bị xói mòn, rửa trôi hay sa mạc hóa. Nhà cửa, ruộng vườn và các công trình khác nếu không được rừng bảo vệ sẽ sớm bị tàn phá bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan. Tại những địa điển đồi dốc không có cây rừng bao phủ hiện tượng xói mòn, rửa trôi sảy ra mạnh mẽ khiến mặt đất bị biến dạng, xói lở nghiêm trọng.

Nhờ có rừng mà độ phì nhiêu của đất luôn được bồi đắp. Ở những vùng có đủ rừng thì dòng chảy bị chế ngự, phù sa được lắng động bồi đắp dinh dưỡng cho đất trồng. Rừng là nơi liên tục sản sinh ra chất hữu cơ tạo môi trường sống tốt cho các loài sinh vật khác, tăng cường sức sống cho môi trường. Lá cây là nguồn dinh dưỡng quan trọng của mọt số loài sinh vật sống trong đất, cũng là nơi trú ngụ của mọt vài loài sinh vật. khi lá cây không còn, độ ẩm mặt đất giảm mạnh, các loài này cũng biến mất. Lớp lá mục tạo môi trường lí tưởng để rễ cây phát triển mạnh, giúp cây đứng vững trước gió bão.

Đối với đời sống con người.

Rừng là nơi cung cấp cho con người nguồn dưỡng khí dồi dào. Rừng có vai trò thải ra lượng khí oix, một dưỡng khí duy trì sự sống của muôn loài. Thiếu dưỡng khí này, con người và các loài vật không thể tồn tại được.

Rừng là nơi cung cấp thức ăn, nguyên vật liệu xây dựng và sản xuất cần thiết. Hầu hết các nguyên vật liệu đều được do rừng cung cấp. Trong đó nhiều nhất là trữ lượng gỗ dùng để sản xuất giấy, xây dựng nhà cửa, đóng đồ dùng,.. Có thể thấy, mọi nguồn thực phẩm đều có nguồn gốc từ rừng. Từ khi con người biết tự sản xuất, một nguồn thực phầm dồi dào được tạo ra nhưng con người vẫn nhận lấy một phần rất lớn từ rừng.

Rừng còn chứa nguồn dược liệu quý giá. Từ ngàn xưa, con người đa biết khai thác các sản phẩm từ rừng để làm thuốc chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe như: nhân sâm, linh chi, quế, tam thất,… Cây thuốc dược liệu tuy hiệu quả chậm nhưng lâu dài, an toàn hơn với sức khỏe con người.

Rừng bảo vệ nhà cửa, đất trồng và gia súc của con người. Tại các vùng khô hạn, đặc biệt là hoang mạc, rừng chống lại sự di chuyển và xâm lấn của các đồi các, che chở cho vùng đất bên trong nội địa. Rừng còn có vai trò ngăn biển, chống xâm nhập mặn, làm đê xanh chắn sóng, trực tiếp ngăn gió bão, lũ lụt, bảo vệ đời sống con người. Không có rừng, cuộc sống con người ở nhiều nơi không thể duy trì được.

Hậu quả của việc phá rừng.

Phá rừng làm giảm độ che phủ của cây xanh, khiến cho bầu không khí nóng lên, môi trường sống của các loài sinh vật dưới tán rừng thay đổi, nhiều loài giảm số lượng hoặc bị tuyệt chủng vĩnh viễn. Từ lúc có sự sống trên Trái đất đến nay, người ta ước tính đã có hơn 80% số loài đã bị tuyệt chủng.

Khi cây cối bị tàn phá là gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan: hạn hán, lũ lụt, lũ quét, hiệu ứng nhà kính,… Ngày nay, khí hậu trên Trái đất ngày càng trở nên phức tạp và dữ dội hơn để lại những hậu quả khủng khiếp. Có thể thấy các siêu bão liên tục càn quét qua các lục địa, lũ lụt sảy ra khắp nơi trên thế giới, bão cát, sa mạc hóa cũng diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết.

Rừng bị tàn phá làm cho nguồn nước trên Trái đất ngày càng cạn kiệt bởi thiếu yếu tố điều phối và giữ nước của cây xanh. Nhiều nơi rừng không còn có thể tái sinh, đất trở thành đồi trọc, sa mạc, nước mưa tạo thành những dòng lũ rửa trôi chất dinh dưỡng, gây lũ lụt, sạt lở cho vùng đồng bằng gây thiệt hại nhiều về tài sản, tính mạng người dân.

Diện tích rừng suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các nước có thế mạnh về rừng khi không có nguồn tài nguyên thay thế. Một số nước dựa vào tài nguyên rừng để phát triển nền kinh tế. Khi diện tích rừng bị suy giảm mà không có chiến lược phục hồi, duy trì hoặc chuyển hướng sản xuất thích hợp rất dễ rơi vào khủng hoảng toàn diện.

  • Kết bài:

Với những vai trò to lớn ấy, rừng góp phần quan trọng bảo vệ và duy trì sự sống trên Trái đất. Việc phá rừng bừa bãi đã gây ra những hậu quả khủng khiếp. Ngày nay, càng phát triển cao, con người càng nhận ra vai trò không thể thây thế được của rừng đối với tự nhiên và đời sống của con người. Nhiều quốc gia đã đề ra chiến lược trồng mới và bảo vệ rừng. Trong những năm gần đay, diện tích và độ bao phủ của rừng trên khắp thế giới có tăng lên. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, đánh dấu sự thức tỉnh của con người về vai trò của rừng và sự quan trọng của việc bảo vệ rừng.

»»» Xem thêm:

13 bình luận trong “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta (chứng minh, lớp 7)”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang